Tại sao phải có 3 cái chết của ba sĩ quan công an? Và tại sao 3 cái chết của ba sĩ quan công an lại được đánh giá là “chiến công đặc biệt xuất sắc”? *

iTại sao phải có 3 cái chết của ba sĩ quan công an? Và tại sao 3 cái chết của ba sĩ quan công an lại được đánh giá là “chiến công đặc biệt xuất sắc”? *

(Trích bài viết Tội ác Đồng Tâm của GS.TS. Hoàng Xuân Phú)

Ngày 05/6/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra bản kết luận điều tra số 210/PC01 (Đ3) đối với vụ án xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Theo đó, về tội “Giết người” có 25 người dân Đồng Tâm bị đề nghị truy tố theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Bauxite Việt Nam xin trích lại các đoạn trong bài viết của GS. TS. Toán học Hoàng Xuân Phú chứng minh người dân Đồng Tâm không liên quan đến việc 3 sĩ quan công rơi xuống hố, cũng như không liên quan đến cái chết của họ.

Để tiện cho độc giả theo dõi khi xem lại toàn bộ bài viết, chúng tôi xin giữ nguyên các số thứ tự phân mục và hình ảnh như trong bài gốc.

Bauxite Việt Nam

2.5. TÌM KẺ SÁT NHÂN

Một vài suy luận trong phần này tựa trên hai tiên đề sau.

Tiên đề 1: Cả ba sĩ quan công an đều bị chết cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà Lê Đình Chức và nhà Lê Đình Hợi.

Tiên đề 2: Xác người chết cháy trong Ảnh 18 và hai đám tro trong Ảnh 19 là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật.

Đương nhiên, nếu Tiên đề 1 hoặc Tiên đề 2 sai, thì kết luận tựa vào đó cũng có thể sai. Tuy nhiên, có cơ sở để tin vào hai tiên đề trên.

Một mặt, Tiên đề 1 phù hợp với công bố của Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang vào ngày 14/1/2020: "Từ nhà Lê Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi, giữa 2 nhà có một hố thông gió, hố kỹ thuật khá sâu, gần 4 m, anh em ngã xuống hố... Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt."

Mặt khác, Tiên đề 1 và Tiên đề 2 phù hợp với hiện trường được phản ánh qua Ảnh 18 và Ảnh 19. Trong Ảnh 18, ta thấy một xác người chết cháy, vừa được kéo lên từ hố kỹ thuật. Trong Ảnh 19, ta thấy có hai đám tro đen nằm gần miệng hố kỹ thuật. Nếu chỉ có vậy thì khó có thể xác định đó là đám tro gì. Nhưng nếu để ý kỹ, có thể nhìn thấy bên cạnh hai đám tro có ba que hương và trên mỗi đám tro có một que hương. Điều đó cho thấy, mỗi đám tro là tàn tích của một người mới chết. Hơn nữa, quan sát miệng hố kỹ thuật trong Ảnh 24 và các bậc thang trong Ảnh 25, ta thấy có tro đen rơi vãi trên đó. Chứng tỏ, hai đám tro đen đã được đem lên từ hố kỹ thuật. Việc ba người công an trong ảnh bày hoa quả và thắp hương cúng cho thấy, đó là những gì còn sót lại của đồng đội họ.

Có hai câu hỏi cần được trả lời:

(1) Vì sao ba sĩ quan công an bị rơi xuống hố kỹ thuật?

(2) Ai là người đã thiêu cháy ba sĩ quan công an và thiêu bằng cách nào?

Để trả lời hai câu hỏi trên, ta sẽ lần lượt khẳng định bốn mệnh đề sau.

Mệnh đề 1: NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÂM KHÔNG HỀ ĐẨY BA SĨ QUAN CÔNG AN XUỐNG HỐ KỸ THUẬT.

Thứ trưởng Lương Tam Quang đã tuyên bố, rằng "anh em ngã xuống hố". Nếu thông tin của ông Quang chính xác, thì từ đó có thể suy ra ngay Mệnh đề 1. Tuy nhiên, thông tin này của ông Quang lại là điều mà ta sẽ phủ định trong Mệnh đề 2. Vì thế, chỉ có thể vận dụng tuyên bố của ông Quang một cách gián tiếp. Giả thiết rằng, tuy phát ngôn sai, nhưng với tư cách Thứ trưởng Bộ Công an - cơ quan lên kế hoạch và chỉ huy cuộc tấn công vào Đồng Tâm, ông Quang biết rõ sự thật đã diễn ra. Do đó, việc ông Quang không cáo buộc các đối tượng đã đẩy ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật, mặc dù đã cáo buộc họ "sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt", là bằng chứng cho thấy người dân Đồng Tâm không hề đẩy ba sĩ quan công an xuống hố.

Thực ra, chẳng cần phải dựa trên giả thiết đã nêu, thì lập luận như sau cũng đủ:

Khi công an được trang bị súng đạn tối tân và luôn sẵn sàng nhả đạn, còn người dân Đồng Tâm không hề có súng bắn đạn, thì họ không thể đến gần để đẩy cả ba sĩ quan xuống hố. Vết đạn trong nhà cụ Lê Đình Kình (từ Ảnh 2 đến Ảnh 7), trên tường nhà ông Lê Đình Công (Ảnh 23) và trên gác thượng nhà ông Lê Đình Chức (Ảnh 26) cho thấy, lực lượng tấn công bắn không hề tiếc đạn. Vì vậy, người dân Đồng Tâm ra khỏi cửa còn không nổi, chứ đừng nói chuyện tiếp cận lực lượng tấn công khi họ hành sự.

Ảnh 2: Vết tích thi hành công vụ trên cửa nhà cụ Lê Đình Kình

Ảnh 3: Vết tích thi hành công vụ trong phòng khách của nhà cụ Lê Đình Kình

Ảnh 4: Vết tích thi hành công vụ trong phòng ngủ của cụ Lê Đình Kình

Ảnh 5: Vết tích thi hành công vụ trên ô cửa thoáng ở phòng ngủ của cụ Lê Đình Kình

Ảnh 6: Vết tích thi hành công vụ trên cửa tum nhà cụ Lê Đình Kình

Ảnh 7: Vết tích thi hành công vụ nơi thờ cúng của nhà cụ Lê Đình Kình

Ảnh 23: Vết đạn trên tường nhà ông Lê Đình Công (chỉ có thể bắn qua cửa sổ nhà cụ Kình)

Mệnh đề 2: KHÔNG THỂ CÓ CHUYỆN BA SĨ QUAN CÔNG AN CÙNG BỊ NGÃ XUỐNG HỐ KỸ THUẬT.

Sau đây, ta trình bày một cách lập luận dựa trên quan sát cái cửa sổ trên hố kỹ thuật. Lập luận này dài hơn hẳn cách chứng minh sẽ được trình bày sau Mệnh đề 4 [xem cuối bài], nhưng lại là phương án mà nhiều người cũng có thể nhận ra.

Như đã viết trong Phần 2.3 [Cái chết kỳ dị], khi xảy ra cuộc tấn công thì khu vực xung quanh hố kỹ thuật không hề tối và cũng không hề bị khói mù bao phủ. Do đó, ba sĩ quan công an phải nhìn thấy hố kỹ thuật. Tuy nhiên, ta cứ xét cả hoàn cảnh ba người đó không nhìn thấy hố kỹ thuật.

Trước hết, xét trường hợp hướng chuyển động giống như Trịnh Bá Phương đã tường thuật: "Hôm 9/1 CSCĐ đã phá cửa tầng 1 nhà ông Hợi, rồi trèo lên tầng 2, tiếp đó họ phá cửa sổ nhà ông Hợi để nhảy sang sân thượng nhà ông Chức". Lưu ý rằng tình tiết "họ phá cửa sổ nhà ông Hợi (từ trong nhà phá ra) để nhảy sang sân thượng nhà ông Chức" phù hợp với vết tích cửa sổ bị phá trong Ảnh 18.

Ảnh 18: Xác một người chết cháy và vết tích cửa sổ bị phá từ phía trong nhà phá ra

Trong trường hợp này, hình ảnh của ba người lấp ló sau khung cửa sổ trong Ảnh 24 cho thấy, cửa sổ không đủ rộng để có thể nhìn thấy hết cả ba cơ thể, nếu họ đứng sát nhau và cùng quay về phía hố kỹ thuật.

Ảnh 24: Sân thượng nhà ông Chức, hố kỹ thuật và cửa sổ nhà ông Hợi với ba người lấp ló

Trên thực tế, cửa sổ rộng chưa đến 80 cm. Vì vậy, ba công an không thể chui lọt qua cửa sổ cùng một lúc. Chỉ có hai cách để vượt qua cửa sổ:

- Cách thứ nhất, đứng một chân trên nền nhà và chân kia vắt qua cửa sổ. Trường hợp này chỉ xảy ra khi họ tưởng sân thượng nhà ông Chức tiếp giáp trực tiếp với bức tường có cửa sổ của nhà ông Hợi, tức là họ không hề biết có hố kỹ thuật ở sau cửa sổ.

- Cách thứ hai, trèo lên và đứng cả hai chân trên bục cửa sổ, đồng thời hai tay vịn hai bên khung cửa sổ, rồi nhảy xuống.

Với cả hai cách, chỉ một người đã chiếm hết bề rộng của cửa sổ. Nghĩa là, chỉ có thể từng người vượt qua một. Do đó, khi người thứ nhất tìm cách vượt qua và bị rơi xuống hố kỹ thuật, thì đương nhiên hét lên, khiến hai người kia lùi lại, không vượt qua nữa.

Lưu ý rằng, nếu đứng trên bục cửa sổ nhà ông Hợi, cao hơn sân thượng nhà ông Chức khoảng 85 cm, thì có thể dễ dàng nhảy qua chiều rộng khoảng 77 cm của hố kỹ thuật, để sang sân thượng.

Bây giờ ta xét trường hợp hướng chuyển động ngược lại, như Thứ trưởng Lương Tam Quang đã tường thuật, rằng "truy bắt đối tượng từ nhà Lê Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi". Tức là truy đuổi theo hướng từ sân thượng nhà ông Chức, vượt qua hố kỹ thuật để chui vào cửa sổ của nhà ông Hợi. Trường hợp này khó xảy ra, vì không dễ vượt qua cùng một lúc cả chiều rộng khoảng 77 cm của hố kỹ thuật, lẫn chiều cao khoảng 85 cm của bục cửa sổ (xem Ảnh 24 và Ảnh 25).

Ảnh 25: Hố kỹ thuật với cái thang có tro đen rơi trên các bậc

Hơn nữa, trong đêm bị tấn công thì cửa sổ ấy đóng (nên mới có dấu vết phá cửa trong Ảnh 18). Vì vậy, người dân Đồng Tâm không thể chạy trốn qua lối ấy, và do đó cũng chẳng có lý do gì khiến ba công an phải truy đuổi họ theo lối ấy.

Nhưng nếu vì một lý do đặc biệt nào đó, mà cuộc rượt đuổi vẫn xảy ra theo lối ấy, thì vẫn có thể khẳng định, không thể có chuyện cả ba công an đồng thời nhảy qua hố kỹ thuật. Bởi chỉ từng người vượt qua hố, thì mới có hy vọng chui lọt vào ô cửa sổ hẹp chưa đến 80 cm. Và cũng tương tự như trường hợp trên, khi người thứ nhất bị rơi xuống hố kỹ thuật thì hét lên, khiến hai người kia lùi lại...

Tóm lại, trong cả hai trường hợp đã xét, không thể có chuyện cả ba sĩ quan công an cùng bị ngã xuống hố kỹ thuật.

Thực ra, sân thượng nhà ông Lê Đình Chức tiếp giáp trực tiếp với ban công nhà ông Lê Đình Hợi (Ảnh 26). Chỉ cần vắt chân qua thành ban công là có thể dễ dàng bước từ sân thượng nhà ông Chức sang ban công nhà ông Hợi, và ngược lại. Chỗ tiếp giáp ấy chỉ cách hố kỹ thuật mấy mét. Cho nên, chẳng có lý do gì khiến một cuộc chạy trốn và đuổi bắt giữa hai nhà lại phải diễn ra qua lối có hố kỹ thuật. Nói cách khác, truy bắt đối tượng không phải là lý do đích thực khiến ba sĩ quan công an cùng đến nơi có hố kỹ thuật, để rồi kết thúc cuộc đời ở đó.

Ảnh 26: Từ sân thượng nhà ông Chức nhìn về phía ban công nhà Hợi, hố kỹ thuật và tum nhà ông Chức

Mệnh đề 3: THỨ NHIÊN LIỆU ĐÃ THIÊU CHÁY BA SĨ QUAN CÔNG AN TRONG HỐ KỸ THUẬT KHÔNG PHẢI LÀ CHẤT LỎNG.

Thật vậy, giả sử thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an ở dạng lỏng, thì để thiêu đến mức độ như trong Ảnh 18 và Ảnh 19, phải đổ vào hố kỹ thuật một lượng nhiên liệu rất lớn, lớn đến mức chất lỏng phải phủ kín và phủ đều toàn bộ đáy hố kỹ thuật.

Ảnh 19: Bên cạnh hai đám tro có ba que hương và trên mỗi đám tro có một que hương

Do đó, mức độ cháy phải đồng đều trên toàn bộ đáy hố, khiến nhiệt phân bố đều bốn phía, và chiều cao của vùng bị ám khói đen trên vách hố phải tương đối bằng nhau. Hơn nữa, với lượng nhiên liệu lỏng lớn, lại cháy trong một hố kỹ thuật vừa sâu (415 cm) vừa hẹp (77 cm x 138 cm), và với mấy tử thi bị thiêu cháy đến như vậy, thì chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen phải khá lớn, và màu đen phải nhạt dần đều khi lên cao. Thế nhưng, quan sát Ảnh 27 và Ảnh 28, ta thấy hoàn toàn ngược lại:

- Chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen rất khác nhau, trong đó chiều cao của vùng bị ám khói đen trên vách hố phía bên trái bức ảnh lớn hẳn so với ba phía còn lại.

- Trên vách hố phía bên trái bức ảnh có mấy vết rạn tường mới tinh, trong khi trên vách hố các phía khác không có vết rạn nào, chứng tỏ nhiệt lượng sinh ra ở phía trái cao hơn hẳn.

- Ở một số vị trí, chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen tương đối nhỏ, và vùng vách hố bị ám khói đen dừng lại khá đột ngột, chứ không nhạt dần đều khi lên cao. Có lẽ vì vậy, một số người từng trực tiếp quan sát hố kỹ thuật đã nhận xét, không thấy dấu hiệu của vụ cháy.

Điều đó cho thấy, thứ nhiên liệu được dùng không phải là chất lỏng, mà ở dạng bột, hay dạng rắn, hay trộn lẫn, nên phân bố không đều trên đáy hố kỹ thuật. Nhiên liệu ấy cực mạnh, sinh ra nhiệt độ rất cao, nên tuy cháy trong một thời gian khá ngắn (tức không cháy lâu như xăng), nhưng vẫn đủ để thiêu hai người thành tro.

Ảnh 27: Dấu vết vụ cháy trong hố kỹ thuật

Ảnh 28: Vết rạn trên vách bên trái của hố kỹ thuật

Mệnh đề 4: CÁO BUỘC MẤY NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÂM ĐÃ ĐỔ XĂNG ĐỂ THIÊU CHÁY BA SĨ QUAN CÔNG AN LÀ SAI SỰ THẬT.

Vì xăng là chất lỏng, mà Mệnh đề 3 đã khẳng định thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng, nên cáo buộc mấy người dân Đồng Tâm đã đổ xăng để thiêu cháy ba sĩ quan công an là sai sự thật.

Sau khi đã chứng minh Mệnh đề 3, thì chứng minh Mệnh đề 4 chỉ ngắn như vậy. Song sau đây, ta sẽ trình bày thêm một cách lập luận khác.

Theo Mệnh đề 1 thì người dân Đồng Tâm không hề đẩy ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật. Và theo Mệnh đề 2 thì không thể có chuyện cả ba sĩ quan công an cùng ngã xuống hố kỹ thuật. Thế mà, theo Tiên đề 1 [Cả ba sĩ quan công an đều bị chết cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà Lê Đình Chức và nhà Lê Đình Hợi], cả ba người vẫn bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà Lê Đình Chức và nhà Lê Đình Hợi. Điều đó chứng tỏ, có kẻ nào đó đã ném họ xuống hố đó. Và để họ không chống cự, thì phải ra tay hạ thủ trước khi ném họ xuống. Vì ba sĩ quan công an có súng, lại từng được đào tạo võ nghệ, nên chắc hung thủ phải hạ thủ họ bằng súng, vừa nhanh gọn và vừa chắc ăn.

Theo Tiên đề 2 [Xác người chết cháy trong Ảnh 18 và hai đám tro trong Ảnh 19 là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật], xác người chết cháy trong Ảnh 18 và hai đám tro trong Ảnh 19 là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật.

Tạm gọi nhân vật bị chết trong Ảnh 18 là X, hai nhân vật bị chết trong Ảnh 19 là Y và Z. Rõ ràng, hình hài của X còn hầu như nguyên vẹn, trong khi thi thể của Y và Z thì bị cháy thành tro.

Cùng bị thiêu trong một hố vừa sâu vừa hẹp, với kích thước đáy là 77 cm x 138 cm, nên khi dãy dụa trên nền hố (do bị nóng quá), thì thân thể chạm vào nhau, thậm chí chồng một phần lên nhau. Mặt khác, Ảnh 27 và Ảnh 28 cho thấy, nơi thấp nhất của vùng bị ám khói đen trên vách hố cũng không quá thấp. Vậy thì tại sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa vết tích còn lại của ba thi thể như vậy?

Rõ ràng Y và Z đã bị ném xuống hố trước. Sau khi Y và Z bị thiêu một thời gian đáng kể, lúc nhiên liệu chỉ còn lại khá ít, thì X mới bị ném xuống hố. Vì thế, Y và Z bị cháy thành tro, còn hình hài của X thì vẫn gần như nguyên vẹn.

Nghĩa là, sau khi ném Y và Z xuống hố thì hung thủ vẫn ở lại cạnh hố, để rồi ném tiếp X xuống hố. Hiển nhiên, khi hung thủ (có súng) vẫn còn có mặt ở hiện trường, thì không người dân Đồng Tâm nào có thể mon men đến gần, để đổ nhiên liệu vào hố kỹ thuật mà phóng hỏa.

Lập luận này quan trọng ở chỗ, nó vẫn còn nguyên tác dụng bác bỏ, trong trường hợp phía công an lại sửa kịch bản, cáo buộc người dân Đồng Tâm đã dùng nhiên liệu dạng bột hay dạng rắn (chứ không phải xăng), để thiêu cháy ba sĩ quan công an.

Lối suy luận như trong cách chứng minh thứ hai cho Mệnh đề 4 có ích cho việc tìm ra thủ phạm. Hơn nữa, còn giúp ta có thêm một cách chứng minh cực ngắn sau đây cho Mệnh đề 2.

Giả sử Mệnh đề 2 sai, tức là cả ba sĩ quan công an đã ngã xuống hố kỹ thuật cùng một lúc. Nếu thế thì họ đã bị thiêu cùng một lúc. Do đó, khi Y và Z bị thiêu thành tro thì X cũng phải thành tro, hay ít nhất cũng phải khác rất xa nguyên dạng. Điều này mâu thuẫn với thực trạng được thể hiện qua Ảnh 18 và Ảnh 19. Vì thế Mệnh đề 2 phải đúng.

Thực ra, sau khi đã bắn chết ba sĩ quan công an, thì đương nhiên hung thủ phải tự tay phóng hỏa, thiêu cháy nạn nhân nhằm phi tang. Tức là, nếu chỉ dựa trên tâm lý thông thường, thì Mệnh đề 4 cũng phải đúng.

Tuy nhiên, một số người có thể bác bỏ Mệnh đề 4, vì dựa vào lời khai sau đây của Lê Đình Doanh, mà VTV đã trình chiếu (xem video clip trong bài "Tướng Lương Tam Quang thông tin về 'mưu đồ' của cha con Lê Đình Kình" đăng trên Vietnamnet):

"Ông Chức có sai tôi là châm lửa, thì ông Chức có bảo tôi là đẩy mạnh về phía trước là được, thì tôi có đẩy mạnh về phía đằng trước, và sau đó tôi đi xuống thì thấy ông Chức có đổ xăng từ 3 đến 5 lần gì đó, và tôi thấy cán bộ có tiếng hét lên. Tôi biết là có cán bộ ở dưới. Và tôi nghe thấy ông Chức nói: Chết mày đi".

Thuyết phục chưa? Vậy hãy từ từ ngẫm lại nhé.

Đầu tiên, ông Chức sai Doanh châm lửa. Sau khi châm lửa thì Doanh đi xuống, còn ông Chức ở lại và đổ xăng xuống hố kỹ thuật. Tức là, ông Chức đứng trên sân thượng và đổ xăng xuống đám cháy trong hố. Điều gì sẽ xảy ra?

Ngay cả trẻ con cũng biết, lửa ở dưới hố sẽ bén ngay vào dòng xăng, chảy xuống từ can xăng mà ông Chức đang cầm, khiến cả can xăng cũng bùng cháy. Hiển nhiên, ông Chức phải buông tay ra, và can xăng rơi xuống, tràn lênh láng trên mặt sân thượng. Thế là ông Chức bị lửa bao vây. Không sao. Theo lời khai của Doanh, ông Chức vẫn tiếp tục đổ thêm xăng từ 2 đến 4 lần gì đó. Vậy là lửa quanh người ông Chức càng bốc cháy dữ dội. Song cuối cùng ông Chức vẫn sống, để rồi bị công an bắt và truy tố vì tội giết người thi hành công vụ. Ngạc nhiên chưa?

Rõ ràng, kịch bản mà Doanh bị ép phải khai nhận hoàn toàn phi lý và ngớ ngẩn. Vậy mà VTV vẫn chiếu đi chiếu lại. Vậy mà nhiều báo vẫn đăng đi đăng lại. Vậy mà nhiều người vẫn tin. Buồn thay.

Vì sao Lê Đình Doanh lại khai nhận cái điều vừa phi lí và ngớ ngẩn, vừa tai hại cho bản thân như vậy? Hãy quan sát dáng lết đi xiêu vẹo của Lê Đình Doanh lúc trình diễn để quay phim, đến mức phải có hai diễn viên công an dìu hai bên (xem Ảnh 29 và video clip trong bài "Tướng Lương Tam Quang thông tin về 'mưu đồ' của cha con Lê Đình Kình" đăng trên Vietnamnet, từ thời điểm 05:49 đến thời điểm 05:56). Qua đó có thể nhận ra một phần hậu quả của việc tra tấn ép cung. E rằng, trong hoàn cảnh ấy, nếu bị ép phải thừa nhận đã ám sát Tổng thống John F. Kennedy, thì Doanh cũng cúi đầu nhận tội.

Ảnh 29: Dáng đi xiêu vẹo của Lê Đình Doanh, đến mức phải có hai công an dìu hai bên

Điều đáng lo là, sau khi đã có được lời khai nhận ấy của Lê Đình Doanh, thì cơ hội sống để xuất hiện tại tòa của Lê Đình Chức cũng giảm hẳn. Bởi nếu để ông Chức sống và không chấp nhận lời khai của Doanh tại phiên xét xử, thì vở kịch khó hạ màn trọn vẹn.

Tóm lại, từ Mệnh đề 1 và Mệnh đề 4, ta rút ra: Người dân Đồng Tâm không hề có lỗi trực tiếp hay gián tiếp đối với cái chết của ba sĩ quan công an. Họ không hề làm gì khiến ba sĩ quan công an bị rơi xuống hố kỹ thuật. Và họ cũng không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật rồi châm lửa đốt ba sĩ quan công an, như phía công an đã cáo buộc.

Từ Mệnh đề 2, Mệnh đề 3 và lập luận khi chứng minh Mệnh đề 4, ta rút ra:

Có kẻ đã hạ thủ ba sĩ quan công an và ném họ xuống hố kỹ thuật. Ban đầu ném xuống hai người, rồi phóng hỏa thiêu cháy họ. Khi nhiên liệu chỉ còn lại khá ít, thì người còn lại mới bị ném xuống. Thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an không phải là chất lỏng (chẳng hạn như xăng), mà là một thứ nhiên liệu cực mạnh ở dạng bột, hay dạng rắn, hay tương tự.

Không phải là người dân Đồng Tâm, lại có thể đến gần ba sĩ quan công an được trang bị đầy đủ súng ống để hạ thủ họ, thì hung thủ có thể đến từ đâu, nếu không phải từ đám tấn công vào Đồng Tâm?

Để thu được các kết luận trên, tôi đã cố tình trình bày hai cách lập luận khác nhau cho Mệnh đề 1, Mệnh đề 2 và Mệnh đề 4. Không phải vì thích dài dòng, mà đề phòng trường hợp một cách lập luận có sơ hở, hay chưa đủ thuyết phục, thì vẫn còn có cách lập luận kia. Phải thận trọng và chắc chắn như vậy, bởi lương tâm đòi hỏi chúng ta không chỉ bảo vệ danh dự và trả lại công bằng cho người đã khuất, mà còn bảo vệ tính mạng của bà con Đồng Tâm đang quằn quại chốn lao tù.

Việc công an trưng ra lời khai của Nguyễn Văn Tuyển, rằng "cụ Kình chỉ đạo cứ cho 3 thằng chết là phải chạy hết", chẳng có sức thuyết phục. Ngược lại, chỉ làm tăng thêm nghi ngờ: Con số "3 thằng chết" không phải là kết cục mang tính ngẫu nhiên, mà đã được xác định từ khi lên kế hoạch.

Viết đến đây đã có thể dừng lại, bởi mục đích cao nhất của bài viết này không phải là xác định đích danh thủ phạm giết người, mà là minh oan cho cụ Lê Đình Kình, cùng những người dân Đồng Tâm đang bị giam giữ và sẽ bị đem ra xét xử. Để họ không bị kết án oan sai. Và cũng giúp cơ quan điều tra, xét xử không kết tội oan sai. Hơn nữa, giúp những người quá tin vào cái gọi là thông tin chính thống bình tâm nghĩ lại, tránh lên án và xúc phạm những nạn nhân vô tội.

Xác định đúng ai đã ra lệnh và ai đã trực tiếp hạ thủ, thiêu cháy ba sĩ quan công an, đó là công việc của những người có trách nhiệm điều tra và thật sự muốn điều tra. Cho đến khi có được kết quả điều tra thật sự đáng tin, mọi người đều có quyền suy đoán theo cách của mình.

Khi điều tra hay suy đoán, cần xét mọi trường hợp có thể xảy ra. Không nên bỏ qua mấy câu hỏi sau:

- X là ai? X còn sống hay đã chết khi hung thủ phóng hỏa thiêu Y và Z? Nếu lúc đó X đã chết, thì tại sao hung thủ không ném X xuống hố cùng một lúc với Y và Z, mà lại đợi đến khi nhiên liệu đã cháy gần hết mới ném X xuống hố, khiến hiệu quả phi tang bị giảm hẳn? Còn nếu lúc đó X vẫn còn sống, thì X làm gì khi Y và Z bị hạ thủ, bị ném xuống hố và bị thiêu cháy?

- Có khám nghiệm tử thi đối với X hay không? Nếu có khám nghiệm tử thi, thì có tìm thấy bằng chứng X bị hạ thủ trước khi bị ném xuống hố kỹ thuật hay không? Nếu không khám nghiệm tử thi, thì tại sao lại không? Đã quá biết nguyên nhân cái chết của cụ Kình, mà vẫn đem thi thể cụ ra mổ phanh thây, thì tại sao không khám nghiệm tử thi đối với X? Ai không chịu ra lệnh, hay cản trở việc khám nghiệm tử thi đối với X?

- Ai đã quyết định lập ra tổ công tác ba người (gồm Nguyễn Huy Thịnh, Dương Đức Hoàng Quân và Phạm Công Huy)? Ai đã điều động cán bộ chữa cháy Phạm Công Huy về tổ ấy?

Trong bài "Nghẹn ngào tang lễ 3 chiến sĩ hy sinh tại Đồng Tâm" đăng trên Vietnamnet có câu: "Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh cho biết sau lễ truy điệu, thi hài con trai sẽ được hỏa táng và đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm."

Phải chăng, đó là dấu hiệu cho thấy X là Nguyễn Huy Thịnh? Bởi nếu Nguyễn Huy Thịnh là Y hay Z, thì đã bị cháy thành tro, có thể an táng ngay, chẳng cần phải "hỏa táng" nữa.

3. MẤY ĐIỀU ĐỌNG LẠI

Đêm 30 Tết, trời Hà Nội đổ mưa như trút nước, gió giật, sấm chớp đùng đùng - một hiện tượng thiên nhiên chưa từng xảy ra vào thời điểm Tết nguyên đán. Nhiều người chia sẻ cảm giác, Trời nổi cơn thịnh nộ vì tội ác diễn ra ở Đồng Tâm.

3.1.

Đang đêm, huy động hàng ngàn cảnh sát tấn công vào Đồng Tâm, hành hạ và giết chết cụ Lê Đình Kình ngay trên giường ngủ, đồng thời bắt đi mấy chục người dân.

Rồi Bộ công an công bố: "Trong quá trình xây dựng (tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn), sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hi sinh, 01 đối tượng chống đối chết...".

Trên thực tế, địa điểm tấn công cách nơi xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn mấy cây số, và thời điểm tấn công diễn ra mấy tiếng đồng hồ trước khi công việc xây dựng hàng ngày tại Sân bay Miếu Môn bắt đầu.

Phải bịa ra lý do phi thực tế đến thế để biện minh cho hành động tấn công vào Đồng Tâm và giết chết cụ Kình, điều đó chứng tỏ bản thân những người cầm đầu cũng biết rất rõ, hành động của họ là hoàn toàn phi lý và phi pháp. Hơn nữa, nó cũng thể hiện thói quen hành xử bất chấp pháp luật và coi thường nhân dân, coi muôn dân như bầy ngốc ngếch, chẳng biết tư duy, nên họ nói dối thế nào cũng phải nghe, phải tin.

3.2.

Trước khi bị bắn vào tim, cụ già 84 tuổi đã bị tra tấn, hành hạ hết sức dã man. Hình ảnh đầu gối cụ Kình bị bắn vỡ tung (Ảnh 8) và thi thể của cụ bị mổ phanh từ cổ đến đáy bụng (Ảnh 9) thể hiện rõ khát vọng và quyết tâm trả thù. Trả thù cụ Kình và những người dân Đồng Tâm đã dám sát cánh bên cụ, bảo vệ quyền sử dụng vùng đất mà họ vẫn sử dụng. Đồng thời đe dọa tất cả những ai dám cứng đầu trước cường quyền, đấu tranh giữ đất như bà con Đồng Tâm.

Tội của cụ Kình là... vô tội. Vì thế, họ không thể bắt giam để đem ra xét xử, mà giết cụ ngay trên giường ngủ. Cũng vì thế, người đảng viên 58 tuổi đảng không bị khai trừ khỏi đảng, cho đến khi bị đồng chí đang tâm giết hại.

3.3.

Trong trận tấn công vào Đồng Tâm, ba sĩ quan công an đã bị giết chết.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang tuyên bố: "Anh em ngã xuống hố... Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt."

Cái chết bi thảm của ba sĩ quan công an khiến bao người phẫn nộ, căm thù gia đình cụ Kình và người dân Đồng Tâm. Nhờ thế, lấn át được dư luận lên án hành vi giết hại cụ Kình, và khiến nhiều người đồng tình ủng hộ cuộc tấn công phi pháp vào Đồng Tâm.

Thế nhưng, Phần 2.5 đã chỉ ra: Người dân Đồng Tâm không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật để thiêu cháy ba sĩ quan công an. Hơn nữa, nếu thừa nhận Tiên đề 1 (tức là cả ba sĩ quan công an đều bị chết cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà Lê Đình Chức và nhà Lê Đình Hợi) và Tiên đề 2 (tức là xác người chết cháy trong Ảnh 18 và hai đám tro trong Ảnh 19 là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật), thì có thể suy ra: Ba sĩ quan công an không tự ngã xuống hố kỹ thuật. Họ đã bị ném xuống hố và bị thiêu cháy, nhưng không phải bởi người dân Đồng Tâm.

3.4.

Việc giết hại cụ Lê Đình Kình và việc giết hại ba sĩ quan công an đều là tội ác. Hai tội ác giết người ấy đều phải bị khởi tố, điều tra và đem ra xét xử nghiêm khắc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 20 bị can người Đông Tâm về hành vi giết người thi hành công vụ. Việc đó cũng na ná như đội quân xâm lược mà lại cáo buộc người dân bản xứ tội giết người, khi họ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình. Tuy nhiên, như đã viết ở trên, cả 20 bị can đã bị khởi tố đều không liên can đến cái chết của ba sĩ quan công an.

Còn việc giết hại cụ Lê Đình Kình bất chấp pháp luật thì vẫn chưa bị khởi tố, mặc dù hàng chục người đã ký đơn tố giác tội phạm gửi Viện Kiểm sát Nhân dân và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội.

Không thể chỉ chăm chăm truy tố tội giết người thi hành công vụ, mà lờ đi tội nhân danh thi hành công vụ để giết người.

3.5.

Với tội ác Đồng Tâm, nhà cầm quyền đã tự tay giáng đòn trí mạng vào tử huyệt của chế độ. Muốn giải huyệt, thì phải thừa nhận tội ác, chấm dứt ngay chiến dịch vu khống, xuyên tạc sự thật, chấm dứt giam giữ và bức cung những người vô tội. Nếu tiếp tục bức cung, rồi dựa vào đó để kết án, thì chỉ đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho tình hình ngày càng thêm trầm trọng và bế tắc.

Đừng vin vào mấy lời chém gió của mấy vị ba hoa để kết tội người dân Đồng Tâm. Họ cũng chỉ giống như bao triệu người đã từng "Thề phanh thây uống máu quân thù" (lời Quốc ca một thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), song chẳng bao giờ phanh thây uống máu một ai.

3.6.

Cải cách ruộng đất đã gây ra bao tội ác tày trời, khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh phải nhỏ lệ xin lỗi nhân dân và Tổng bí thư Trường Chinh phải từ chức. Tội lỗi ấy được châm chước phần nào, nhờ thành quả "người cày có ruộng" mà Cải cách ruộng đất đã mang lại.

Song, với quy định "Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", thế lực cầm quyền đã thẳng tay xóa bỏ thành quả tích cực ấy, khiến Cải cách ruộng đất chỉ còn sót lại trong lịch sử Dân tộc với tội ác. Hơn thế nữa, quy định ấy còn là nguyên nhân gốc rễ sinh ra bao tội ác khác, trong đó có tội ác Thủ Thiêm và tội ác Đồng Tâm.

Để chấm dứt chuỗi tội ác do nạn chiếm đoạt đất đai gây ra, phải hủy bỏ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong Hiến pháp.

Để làm dịu nỗi đau do tội ác Đồng Tâm gây ra, đã hô hào học tập và làm theo, thì cũng nên học theo cách ứng xử của Hồ Chí Minh và Trường Chinh sau sai lầm của Cải cách ruộng đất. Chí ít cũng xin lỗi gia đình cụ Lê Đình Kình và nhân dân Đồng Tâm.

Ghi chú: Bài viết này có sử dụng một số bức ảnh được sưu tầm từ Internet, hoặc được trích ra từ các video clip có trên Internet. Người viết cảm ơn những người đã chụp các bức ảnh, hoặc quay các video clip liên quan.

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2020

Hoàng Xuân Phú

Nguồn: Hoang Xuan Phu’s Home Page

* Tên bài do BVN đặt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn