Ngẫm nghĩ về ba tư cách văn hóa của tôi trong những ngày làm việc ở William Joiner Center

Nguyễn Huệ Chi
clip_image002
Trước cổng Resort Kim Bôi. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Từ 28.5 đến 3.6.2010, hội thảo Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh do Đại học Văn hóa Hà Nội và Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội và tại Khu du lịch V Resort Kim Bôi, Hòa Bình với sự tham gia của nhiều nhà văn hai nước. Các bạn Mỹ từ Trung tâm William Joiner gồm: Kevin Bowen, Martha Collins, John F Deane, Sam Hamill, Lary Heineman, Fred Marebant, Bruce Weigl, George Kovach, Consequence và Nguyễn Bá Chung. Phía Việt Nam có đủ thành phần Bộ Văn hóa, Ban Tuyên giáo, Trường đại học Văn hóa (đơn vị tổ chức) và rất nhiều nhà văn: Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, Hồ Ngọc Đại, đạo diễn Trần Văn Thủy, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Hảo, Văn Giá, Chu Văn Sơn, Hữu Thỉnh, Hữu Việt, Trần Quang Quý, Trần Nhương, Trung Trung Đỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Việt Chiến, Lê Lựu, Ngô Tự Lập, họa sĩ Lê Thiết Cương... và rất nhiều nhà văn nhà báo khác.
clip_image004
Kevin Bowen và nhà văn Lê Lựu, sứ giả văn học Việt Nam đầu tiên đến Mỹ, trong giây phút gặp lại. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Lê Lựu, người mở chuyến đi Mỹ đầu tiên nối nhịp cầu văn chương hai nước mặc dù phải có người dìu nhưng vẫn có mặt và còn phát biểu ý kiến.
Tối 1.6, đêm thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng” lấy cảm hứng từ bài thơ của Kevin Bowen, đã diễn ra sôi nổi cho đến tận 12 giờ.
Trong ngày 2.6, với nhiều tham luận và phát biểu sâu sắc, cảm động của Kevin Bowen, Martha Collins, Fred Marebant, Bruce Weigl, Tô Nhuận Vĩ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Bá Chung, Trần Văn Thủy, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Quang Sáng... hình ảnh nhịp cầu thơ ca và văn xuôi nối liền hai xứ sở thông qua cố gắng không mỏi mệt trong suốt 20 năm của các thế hệ nhà văn từng cầm súng ở hai chiến tuyến đã hiện lên rõ ràng, như một lời tuyên ngôn cho cái đẹp có sức mạnh đẩy lùi mọi nghi kỵ, chết chóc. Một nhịp cầu khởi đi trước cả quan hệ bình thường Việt-Mỹ đến 5 năm, trong đó vai trò của Trung tâm William Joiner - mà linh hồn là nhà thơ TS Kevin Bowen - là nơi quy tụ nhiều tấm lòng chắt chiu cho cái đẹp ấy nẩy mầm xanh tốt, và bám rễ vững chắc vào lòng người. Tại Hội thảo, Kevin có một câu nói rất lý thú: Hoạt động thơ ca văn học của nhà văn chúng ta đã định hướng cho chính trị, dắt Chính phủ hai nước đi theo.
Trước khi lên Hòa Bình, đoàn nhà văn Mỹ đã được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tiếp.
clip_image006
Các nhà văn Mỹ và Việt Nam trước giờ Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Tối hôm “giã bạn” (2.6), các nhà văn đã được thưởng thức rượu cần, bê thui và xem những màn biểu diễn sinh động ca múa Mường do đơn vị tài trợ tổ chức.
Tiếp nối phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc, bản tham luận dưới đây của Nguyễn Huệ Chi mở ra một khía cạnh mới: vấn đề hòa giải không phải chỉ giữa người Việt và người Mỹ mà giữa người Việt với nhau cũng đáng đặt nặng, đặt sớm, một vấn đề sẽ bớt hẳn gai góc nếu được soi nhìn trên bình diện văn hóa, và được hai phía cùng chân thành tôn trọng mọi khác biệt, không đòi hỏi “đối tác” phải có một chuẩn mực giống mình.
Bauxite Việt Nam
1 Điều cần nói ngay, tư cách thứ nhất của tôi lại không phải do tôi nhận ra mà do hoàn cảnh nhận diện giúp mình. Tôi được William Joiner Centerr (WJC) mời sang Hoa Kỳ cùng một lần với TS Hoàng Ngọc Hiến vào đầu năm 2001 với danh nghĩa hai nhà nghiên cứu Việt Nam quốc nội đầu tiên đến với Trung tâm này. Tuy công việc cụ thể của mỗi người có khác nhau nhưng đối tượng nghiên cứu thì gần thống nhất: Chúng tôi đều xem xét cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và rộng hơn ở khắp năm châu, dưới góc độ những nghiệm sinh về văn hóa và văn học Việt Nam diễn ra trong cộng đồng ấy kể từ ngày họ bỏ nước ra đi. Bản thân đối tượng và mục tiêu tìm hiểu đòi hỏi chúng tôi cùng phải nỗ lực có một phương pháp tiếp cận đối tượng thật cụ thể: phải đi nhiều, đọc nhiều, tiếp xúc với đủ mọi giới trong cộng đồng người Việt đã từng có đến 25 năm định cư tại đây. Nhất là tôi thì càng cần phải đi, vì đề tài của tôi mở rộng phạm vi công việc ra lĩnh vực văn hóa để từ đó chọn lấy một lát cắt hẹp: đi tìm sự ảnh xạ của văn hóa cổ truyền trong đời sống thực tiễn của người Việt tại Mỹ trong bao nhiêu năm, trong khi anh Hiến lại chỉ giới hạn ở các sáng tác văn học đương đại bằng tiếng Việt của họ. Có thể nói chúng tôi rất hứng thú với đề tài được WJC mời gọi và ai cũng vững tin trước những gì mình sẽ phát hiện, tìm tòi.
clip_image008
GS Nguyễn Huệ Chi đọc tham luận. Ảnh: HT
Ấy thế mà oái oăm thay, sang Hoa Kỳ chưa được bao lâu, chưa biết nếp tẻ ra sao thì chúng tôi đã vấp phải một cú sốc rất mạnh. Hóa ra việc mời hai chúng tôi của WJC bị phản đối trong cộng đồng Việt Nam dưới sự xướng xuất của một vị sinh viên vốn từng theo học chương trình Thạc sĩ về Mỹ quốc học tại Trường ĐH Massachussetts tên là Nguyễn Hữu Luyện. Về sau tôi mới biết động cơ của việc phản đối này của người xướng xuất vốn liên quan đến một vài đòi hỏi riêng tư nào đấy, mà nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như là việc xin ở lại làm giảng viên Trường Massachussetts và cả xin vào làm nhân viên của WJC của ông Luyện đều không có kết quả. Đơn giản chỉ có thế. Nhưng lúc bấy giờ thì mọi việc chưa rõ ra như thế. Dư luận người Việt chỉ biết WJC đã mời hai nhà lý luận cộm cán trong nước sang Mỹ để “bôi xấu” hình ảnh người Việt tại Mỹ. Và cũng chỉ cần có thế thôi đã dấy lên bao nhiêu cuộc biểu tình chống đối tại nhiều nơi. Khi bay từ San Jose về lại Boston trong cuối tháng Chín năm 2001 tôi được bạn bè nhắn qua e-mail rằng đừng có ghé khu Dorchester đúng giờ xuống khỏi sân bay vì đang có cả một đám đông cầm cờ ba sọc chờ tại đấy. Sự phản đối chúng tôi dâng cao đến mức ông Nguyễn Hữu Luyện đã quyên góp được đến 300.000 đôla trong cộng đồng người Việt để khởi kiện WJC và khi đến nhà nhà văn Vũ Huy Quang ở San Jose tá túc trong mấy ngày, sau lúc đã biết và quan hệ thân tình với nhau, một hôm bà mẹ anh Quang mới nhìn tôi tủm tỉm cười và nói: “Thế mà cách đây bốn hôm bác vừa góp 20 đôla để kiện cháu và ông Hiến đấy. Bây giờ nghĩ lại thấy tiếc tiền”. Có thể nói đi đến đâu chúng tôi cũng chạm trán với cái áp lực nặng nề đòi giải mã thực chất mọi bí ẩn nấp sau hai cái tên Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi.
Không biết đại ca Hoàng Ngọc Hiến thì thế nào vì anh về trước tôi có đến 5 tháng, chứ với tôi thì đây thật sự là một cơ hội vô cùng quý để soi xét lại điểm xuất phát của con người mình. Thì ra trong cái kẻ lông bông bao lâu vẫn đi tìm chỗ đứng là thằng tôi, cái kẻ chưa hề nghĩ mình là Việt Cộng chính hiệu, trái lại khước từ nó, rốt cùng đã được dư luận bên ngoài đất nước xác định cho mình, đúng là anh Việt Cộng không chệch đi đâu nữa. Đó thực là công lao của WJC đứng đầu là ông Kevin Bowen, người đã chủ động đặt tôi vào một bầu khí quyển tự do mà trước đấy tôi chưa hề được thụ hưởng để có dịp làm quen và cọ xát với dư luận nhiều chiều, qua đấy nhận diện về mình sáng rõ hơn, và càng thêm yên tâm, không còn băn khoăn chối bỏ những gì đã có ở trong mình. Công lao ấy, theo tôi không phải nhỏ. Bởi tôi nghĩ, mỗi một con người sinh ra giữa thế giới này bao giờ cũng phải có một căn cước. Căn cước là cái gì khách quan, không do mình muốn nhưng vẫn bám lấy mình như một định mệnh. Có dám đường hoàng nhận lấy căn cước của bản thân thì mới hy vọng làm được việc này việc kia, nghĩa là đặt được những bước chân vững vàng trong cuộc sống. Lần đầu tiên tôi như một người đang mê chợt tỉnh, nhìn rõ ra thân phận đích thực của mình quả thực là một người có “dây mơ rễ má” với cộng sản, và có được sự tự tin hơn nhiều trong một môi trường mới lạ mà mình đang dấn thân. Những gì tôi thu hoạch được trong suốt những ngày ở Hoa Kỳ và cả sau ngày về nước đều bắt nguồn từ đây.
2. Đương nhiên không phải chỉ có thế. Tiếp xúc càng nhiều với cộng đồng người Việt tôi dần dần nhận ra: họ tuy chống mình thật đấy song cũng lại có nhu cầu tiếp xúc với mình. Sau nhiều năm gia nhập vào cộng đồng cư dân Hoa Kỳ, biến thành người Mỹ gốc Việt, nhìn chung họ học được nhiều nết hay ở nơi người Mỹ, về nhiều phương diện đĩnh đạc, sang trọng hơn hẳn chúng tôi. Tuy vậy, bỏ qua tất cả những cái đó để đến với nhau, họ cũng như tôi đều nhanh chóng tìm thấy ở “đối phương” những phẩm chất căn cốt giống hệt nhau. Và dù muốn hay không muốn, kể cả dù cứ cố doãi ra, thì sự nhận diện được nhau vẫn là một lực hút quan trọng làm cho hai bên sớm vượt qua mọi cách trở ban đầu để bước nhanh sang giai đoạn mở lòng ra thật sự. Đó là một điều hết sức kỳ lạ, lúc bấy giờ tôi chưa lý giải nổi. Nhưng thật tình là thế, tất cả những mối giao du giữa tôi và họ trong suốt những ngày tháng ấy đều đã kết nối một cách tình cờ và có hiệu ứng dây chuyền không dự liệu. Nhiều mối quan hệ đến nay đã trở thành gắn bó, thân tình. Trả lời phỏng vấn của ký giả Thượng Văn ở San Jose vào giữa tháng 9 năm 2001 (đăng trên tạp chí Văn số tháng 10 năm đó), tôi có nói: “Những người đã nghe theo ông Nguyễn Hữu Luyện chống chúng tôi, tôi không muốn nghĩ xấu về họ. Mỗi người có thể xuất phát từ những hoàn cảnh nào đấy mà bày tỏ thái độ, chẳng hạn trong gia đình có người vượt biên chẳng may đi không đến, nỗi đau của họ chúng tôi sao có thể thờ ơ. Khi ở xa nhau đôi khi ta tưởng có thể đánh nhau được đây nhưng đến gần thì sao? Thấy mặt mũi anh này có khi cũng có thể nói dăm ba câu. Nói dăm ba câu lại thấy có thể chơi nhau một tuần. Chơi nhau một tuần hóa ra có thể chơi lâu. Tôi nghĩ chỗ đó là mẫu số chung của người Việt. Chấp nhận sự khác nhau, trọng hòa hơn trọng đồng, nét đặc sắc của văn hóa Việt là ở đó”.
Giờ đây nghĩ lại, tôi hiểu rằng chính JWC không chỉ đã thành công trong việc chủ động xóa bỏ mọi hiềm nghi với người lính miền Bắc Việt Nam trước đây từng cầm súng nhắm vào đầu họ, mà còn nhạy bén mở ra một chân trời rộng rãi cho những mối giao lưu giữa người Việt trong nước và hải ngoại với nhau. Và trong chiều hướng tự phản tỉnh như mục tiêu “hàn gắn vết thương” mà trung tâm này đề xuất, chính họ đã âm thầm thúc đẩy chúng tôi vứt bỏ tư thế người thắng kẻ bại ở trong đầu, biết tôn trọng mọi khác biệt nhưng cũng biết bước qua mọi khác biệt hiện tồn, để đến với nhau trong tư cách những con người Việt Nam từng chung nhau một không gian văn hóa cổ truyền, trong đó lịch sử giữ nước hàng nghìn năm là đường dây xuyên suốt. Đó là tư cách thứ hai mà tôi đã tìm ra trong thời gian làm việc ở JWC, thời gian tìm đến các cộng đồng người Việt trên một số bang nước Mỹ.
Cái gọi là văn hóa cổ truyền hiểu theo nghĩa như tôi đã xác định là gì? Đó là một nền văn hóa dung hợp, đa nguyên. Cái nhất nguyên không phải là của người Việt Nam mà là từ ngoại lai áp đặt (vai trò độc tôn của Nho giáo hay chủ nghĩa Mác chẳng hạn). Người Việt Nam không hề chấp nhận cái đó. Tôi đã đến thăm nhiều chùa Phật ở Boston, ở New York, ở Washington DC, ở San Jose, ở California... Đâu đâu cũng có chùa. Ở Boston lúc bấy giờ vừa xẩy ra một sự kiện nóng bỏng. Một Thiền đường ở đây có dựng một bức tượng A-di-đà cao lớn giữa vườn, nhưng bị những người Mỹ Catholique quá khích đang đêm kéo đến đập phá vì họ cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo, tồn tại giữa xã hội Hợp Chủng Quốc là một sự xúc phạm. Sáng sớm hôm sau, thiện nam tín nữ chứng kiến quang cảnh tan hoang trước sân Thiền viện chịu không nổi, đã khởi kiện lên Tòa án thành phố và tất nhiên luật pháp Mỹ không dung cho những việc làm bậy nên Tòa án Boston xử phạt đám người manh động kia. Nhưng khi các bị can sắp phải thi hành án thì cái bản tính “chín bỏ làm mười” cố hữu của người Việt bỗng trỗi dậy, cả người quản trị lẫn thí chủ của ngôi chùa bảo nhau kéo lên Tòa án xin tha cho tội phạm, không bắt bồi thường nữa; kết quả là hai cộng đồng tôn giáo vốn rất xa lạ đã hiểu thấu bụng da của nhau, từ đó đi lại giao hảo hết sức thân mật.
Tôi cũng đã đến một Tu viện ở về phía Tây Boston chừng 50 km làm quen với ông Cha biết nói tiếng Pháp cai quản ở đây, rồi được ông dẫn đi thăm một vài gia đình người Việt Công giáo vùng này. Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy ở các gia đình đó có thờ thần tài, lại có một nhà đặt trong góc kệ một tượng Phật Di Lặc. Về nguyên tắc người Công giáo không được thờ bất cứ vị thần hay Phật nào, kể cả thờ bố mẹ, ngoài Đức chúa Giê-su và Đức bà Maria. Ông cha giải thích với tôi: Đó là một thứ pluralisme đã thấm vào máu người Việt không sao thay đổi được nữa. Còn những người ở trong các gia đình này thì nhìn tôi cười như muốn tìm một sự thông cảm: Biết sao được, chúng tôi là Công giáo nhưng lại là người Việt Nam.
Tôi còn đến thăm đền Hùng của người Việt ở San Jose, một nơi được chính quyền thành phố cấp cho 4 hectares để xây dựng một ngôi đền hoành tráng. Tất cả đều dập lại theo mẫu đền Hùng ở Phú Thọ, nhưng còn hay hơn ở Phú Thọ là bên cạnh đền Hùng và ngay trong khuôn viên đền Hùng San Jose, tôi còn thấy có một khu vực thờ Mẫu Liễu cũng hoành tráng không kém, mà những câu đối Nôm đều là dập nguyên từ đền Sòng Thanh Hóa đem sang; họ cứ dập mặc dầu không biết nội dung nói gì, nhân gặp tôi họ đã nhờ tôi dành ra một buổi đọc và giải thích kỹ càng cho họ.
Xin được kể thêm, tôi ở San Jose đúng trong những ngày xẩy ra sự cố kinh hoàng 11.9. Bất kể ai cũng đều chết lặng đi, tim thắt nghẹt trong suốt buổi sáng hôm ấy. Tôi đã chứng kiến vô số người Mỹ khóc - đứng ở đâu cũng có thể lặng lẽ khóc hoặc xúm lại với nhau mà khóc. Họ ít ra đường, bỏ mua bán sắm sửa, rất nhiều người Mỹ tự động đi cắm những lá cờ nhỏ cho từng nhà. Còn các cộng đồng cư dân Mỹ gốc Mễ, gốc Hoa, gốc Việt thì khóc ít thôi nhưng có những phản ứng khác nhau. Người Hoa nhạy bén với việc kinh doanh, thấy người Mỹ cắm cờ họ lập tức nẩy ra việc làm cờ và ngay sáng 12.9 trên đường đi cùng cô bạn Ngọc Diệp xuống thăm vùng biển, chúng tôi thấy cứ cách một quãng lại có một người Hoa ôm một nắm cờ đứng bán với giá 15-20 đô-la một cây. Có vẻ họ đã được một dịp “phất” lớn. Còn người Việt thì đến nhà nào cũng đọc được tâm trạng hốt hoảng, tưởng như những ngày nặng nề quá khứ đang sống lại. Một vài gia đình bà con của tôi bàn nhau đi mua trữ gạo, mắm, dầu... Chiến tranh đã qua 25 năm mà trong phút chốc, cái bóng của nó vẫn đuổi theo ám ảnh ở đằng sau.
Từ khá nhiều thực tế mình thu lượm được, tôi đi đến một sự lý giải: người Việt Nam trong vô thức vẫn chung nhau một trải nghiệm tâm lý, và vẫn hiện diện trong mối tương quan của một nền văn hóa hợp thành bởi nhiều dòng ý thức hệ tiếp thu ở đó hay ở đây. Trong điều kiện nước ngoài, các hệ tư tưởng trên có thể đối nghịch với nhau, nhưng vào đến Việt Nam, người Việt chấp nhận tất cả, dung hóa chúng lại, và chúng sống bên nhau một cách hòa bình. Chính đó mới là mấu chốt giúp người Việt hôm nay tìm ra một mẫu số chung để xích gần lại, đi được vào nơi sâu thẳm của nhau, giải tỏa mọi ẩn ức bấy lâu nay vẫn mặc nhiên tồn tại. Vậy mà nhìn ở tầm vĩ mô, đến nay dân tộc ta vẫn chưa làm xong điều bức thiết ấy. Vì sao? Theo tôi, vấn đề là người cầm chịch đất nước vẫn quá cảnh giác, không biết nhìn, nghe bằng con mắt và lỗ tai thính nhạy để quyết tâm nhân rộng những mô hình thí điểm thành công như WJC. Cũng trong bài phỏng vấn của Thượng Văn đã dẫn, có một câu hỏi: “Một nhận xét ngắn gọn về văn hóa cổ truyền của cha ông theo anh?”. Tôi đã trả lời: “Đừng đòi hỏi phải nhìn thấy ở đó những nét riêng biệt quá đặc trưng. Dầu sao chúng ta cũng chỉ là vùng ngoại vi của một trung tâm văn hóa lớn từ rất lâu đời, mà đặc điểm của trung tâm này là luôn tự nó sinh sôi nẩy nở bằng cách thu hút mọi tinh hoa của nhiều ngoại vi về trung tâm, rồi sau khi đã hóa thân thành cái của chính mình lại trở lại chiếu xạ ra ngoại vi, làm cho các nền văn hóa ngoại vi không tự nhận ra mình nữa. Chỉ nội một việc chúng ta vốn thuộc vùng Đông Nam Á mà đến một lúc nào đấy – có thể là từ thế kỷ I sau CN – chuyển hẳn sang khu vực văn hóa Đông Á cũng đủ thấy sức mạnh của trung tâm kia là đáng sợ, đúng hơn, văn hóa của người Việt đã phải trải qua một cuộc “đảo lộn và “nhào nặn” lại một cách không tự nhiên mà có phần bị động. Tất nhiên văn hóa bản địa của chúng ta vẫn giữ được nhiều dáng nét, và người Việt vẫn là người Việt với ngôn ngữ Việt, lối sống Việt mà không hề bị đồng hóa trong một nghìn năm thống trị của người Tàu, đó là phần quý giá vô cùng. Nhưng cũng cần nhớ trong phần quý giá này lại có cả mặt hay và mặt dở. Chỉ nêu một thí dụ: hình như vì vận mệnh sống còn – luôn luôn bị xâm lăng đe dọa – người Việt có thể bỏ qua tất cả, có thể đổi thay chóng vánh những gì tưởng đã thành chuẩn mực, có thể xô bồ một chút cũng chẳng sao. Người Việt tiếp thu rất nhanh mọi cái hay của người nhưng không tiếp thu cái gì thật đến nơi đến chốn, không tin cái gì quá lâu và cũng chẳng bảo lưu cái gì quá lâu, trừ các thần tượng có công với nền độc lập của đất nước. Tôi nghĩ, đặc điểm chi phối tâm thức văn hóa Việt là sự dung hợp. Ý thức về quyền tự chủ lãnh thổ thì rất rõ, rất nhạy mà quyền tự chủ về tư tưởng, cao hơn là ý thức về cá nhân, về tự do dân chủ cho mỗi cá thể lại không cao. Người Việt có truyền thống dân chủ công xã nhưng bên mặt tốt cũng để lại cái gánh nặng là “hòa cả làng”, là “cá đối bằng đầu”. Hơn nhau một tí là dễ sinh chuyện”. Tôi nói về văn hóa người Việt nói chung nhưng cũng là muốn nói lên tư cách thứ hai của tôi khi đến với WJC.
3. Bắt gặp chỗ đồng điệu với nhiều người Việt hải ngoại về cách nhìn con người Việt Nam, giữa tình thế đang bị cộng đồng hải ngoại biểu tình phản đối, đối với tôi là một điều hết sức thú vị, chứng tỏ biện chứng của đời sống thường khi vẫn chuẩn bị sẵn những lối thoát tốt đẹp cho mình. Tôi chợt nhớ đến cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật Têlêghin và Rôtsin trong cuốn tiểu thuyết Con đường đau khổ của A. Tônstôi hoàn thành tập cuối năm 1941. Đây là cuộc gặp gỡ điển hình cho sự chạm trán về ý thức hệ. Vừa nhìn thấy người anh đồng hao Bạch vệ Rôtsin, ý thức giai cấp có sẵn trong con người cộng sản Têlêghin đã bắt chàng quyết định đi báo ngay với “tổ chức”, dù tình nghĩa anh em vẫn chất nặng trong lòng. May mắn là cuộc gặp mặt rốt cuộc không trở thành bi kịch mà lại “có hậu”, vì Rôtsin vốn cũng đã chán nản với đám Bạch vệ cùng đường mạt vận nên tự nguyện rời bỏ họ để quay về với Hồng quân. Nhưng cuộc gặp gỡ giữa tôi và đồng bào hải ngoại trong hoàn cảnh năm đầu của thế kỷ XXI thì còn may mắn nhiều lần hơn, bởi lúc đó Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ đến 10 năm, xu thế lịch sử đã không thể đảo ngược, giữa chúng tôi không còn phải mất thì giờ cảnh giác, dò xét lẫn nhau vì sự đụng độ ý thức hệ mà trái lại, như đã nói, còn tìm thấy ở mỗi bên cái nét tương đồng của những người Việt cùng một cội nguồn.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở sự đồng nhất về lịch sử quá khứ thì rõ ràng vẫn cứ là chưa đủ. Bởi lẽ, mỗi bên đã có 26 năm (tính đến 2001) hoặc 35 năm (tính đến 2010) sống trong những môi trường hoàn toàn khác nhau. Cộng đồng người Việt hải ngoại đã tiếp nhận được từ rất lâu tinh thần tự do dân chủ tốt đẹp của thể chế xã hội dân chủ phương Tây. Thế nên, nếu chỉ trưng bấy nhiêu đặc điểm cộng thông do lịch sử để lại để đến với nhau thì sau những ngày hồ hởi, thế nào cũng tạo nên một sức ỳ. Hòa hợp hòa giải thật sự vẫn không thể nào có được nếu bị sức ỳ này cản trở. Điều tiên quyết là hai bên cùng phải tự thân vận động thêm
clip_image010
Trên đường ra xe lúc chia tay. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
một bước rất căn bản. Chỉ nói về phía chúng ta, những người trong nước, nhất là người trí thức, thì không thể tách mình ra khỏi con đường hội nhập và toàn cầu hóa như một mệnh lệnh lịch sử, phải mở rộng tầm vóc tư tưởng, tự giác làm người tiên phong hướng tới dân chủ và tự do. Đây là tư cách văn hóa quan trọng thứ ba cần có đối với tôi mà nếu không có nó tôi đã không làm việc được. Thời gian qua, nhân ngày 30-4 báo chí trong nước lên tiếng về vấn đề hòa hợp hòa giải không kém phần mạnh mẽ, nhiều bài tỏ ý buồn phiền vì dân tộc ta thế là lại lỡ hẹn với lịch sử một phen nữa. Nhưng rất tiếc, không thấy một bài báo nào đề cập đến vấn đề then chốt trên đây: vấn đề hòa hợp trên tinh thần tự do và dân chủ.
***
Vào tháng Tư năm 1994, tôi đã viết bài Vài cảm nhận văn học Việt Nam hải ngoại đăng trên Tạp chí văn học của Viện Văn học và đăng lại trên tạp chí Hợp lưu ở Hoa Kỳ, nêu yêu cầu cấp bách hòa nhập trở lại giữa người Việt trong nước và những người Việt phải vượt biển đến khắp mọi góc bể chân trời. Bài báo gây được một tiếng vang sâu rộng dù rằng sau đó cũng ít nhiều phải “trả giá” khi tôi từ Pháp trở về từ tháng 9-1994 [1]. Sau gần 10 năm, đến năm 2001, tôi lại có dịp đi sang Hoa Kỳ tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại, đặt lại yêu cầu này trên một nền tảng tư tưởng vững vàng, sáng rõ hơn hẳn. Nếu không có WJC tôi đã không làm được điều ấy. Cuộc hội thảo hôm nay là cơ hội cho tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với WJC và ông Giám đốc Kevin Bowen, một con người mang một lẽ sống nhân ái khiến những ai đã tiếp xúc với ông đều phải kính nể.
Kim Bôi, 1-6-2010
NHC
Chú thích:
[1] Xem Tạp chí văn học, số 2-1994. Bài tiểu luận này sau khi in ra đã được cấp trên (BCT TW) "chiếu cố", yêu cầu Viện Văn học gửi lên 10 số để các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm xem xét. Ở Pháp, đài RFI tiếng Việt cũng đã tổ chức 3 buổi thảo luận về những vấn đề gợi lên trong bài viết, do các nhà văn và nhà phê bình nghiên cứu Trần Vũ, Đặng Tiến, Tạ Trọng Hiệp phát biểu. Sau đó, tác giả được Hội Partage ở Paris mời sang Pháp trình bày về đặc điểm văn hóa cổ truyền Việt Nam trong 2 tháng. Khi trở về, mọi sách vở tài liệu bị cơ quan an ninh khám xét giữ lại ở sân bay Nội Bài, 3 tháng sau mới trả đầy đủ.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn