Dân khóc vì dự án liên doanh tỷ đô của Vinashin

clip_image001

Toàn bộ 1650ha mặt đất và 330ha mặt biển của người dân 2 thôn Thương Diêm 1 và Thương Diêm 2 đã phải giải tỏa để nhường đất cho dự án.

Dự án khu liên hợp thép Cà Ná - Dốc Hầm (thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) bắt đầu động thổ ngày 23/11/2008 với tổng kinh phí lên đến 9,8 tỷ USD.

Đây là dự án lớn nhất nước vào thời điểm bấy giờ được liên doanh giữa Vinashin và tập đoàn Lion của Malaysia. Toàn bộ 1650 ha mặt đất và 330 ha mặt biển của người dân 2 thôn Thương Diêm 1 và Thương Diêm 2 đã phải giải tỏa để nhường đất cho dự án.

Sau gần hai năm làm lễ động thổ, dự án tỷ đô này hiện đang nằm im lìm khiến cho người dân trong vùng dự án lâm vào cảnh dở khóc, dở cười.
Tính từ ngày được tỉnh Ninh Thuận cấp giấy phép đầu tư (17/09/2008) đến nay, đại dự án này đã bị chậm trễ gần 2 năm, quá đủ điều kiện để cho UBND tỉnh Ninh Thuận thu hồi giấy phép đầu tư. Thế nhưng, chính quyền tỉnh Ninh Thuận vẫn cố gắng tìm cách thương thảo với đối tác, với hy vọng dự án sẽ được khởi động trở lại.

Ngày 21/12/2009, sau khi có buổi làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Ninh Thuận xuống nước đồng ý cho chủ đầu tư không thực hiện “hợp phần cảng hàng hóa” với yêu cầu: “Chủ đầu tư phải thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể, và sau ngày 05/01/2010 nếu chủ đầu tư không thực hiện thì sẽ thu hồi giấy phép”.

Vậy mà từ đó cho đến nay tất cả đều rơi vào sự im lặng. Tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa hề nhận được câu trả lời của chủ dự án.

Anh Đỗ Cảnh Tâm, người dân trong vùng dự án, bị thu hồi 9.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản, mỗi năm với nghề nuôi tôm sú gia đình anh cũng kiếm từ 300 đến 400 triệu đồng. Tuy nhiên năm 2008, anh mới nhận được 70% trong tổng số tiền 300 triệu đồng tiền đền bù, số tiền còn lại chẳng biết bao giờ mới nhận được. Trong khi đó toàn bộ ao đìa mấy năm nay bỏ không, không dám sản xuất vì đất đã bị thu hồi.
Tương tự, anh Võ Văn Vũ cũng có gần 2 ha ao, đìa nuôi tôm sú. Hàng năm anh thu lợi từ số diện tích ao nuôi này không dưới 500 triệu đồng, vậy mà bây giờ nhìn cảnh ao đìa bỏ không, tiếc đứt ruột nhưng đành chịu vì đất đã giao cho dự án.

Giống như anh Tâm, anh Vũ cũng mới nhận được 70% tiền đền bù trong tổng số 500 triệu đồng mà anh được đền bù.

”Mỗi năm gia đình tui mất đứt 300 triệu vì không làm tôm được, đã thế còn phải bán tháo, bán đổ máy móc, dụng cụ của mấy cái đìa tôm” -  Anh Vũ nói trong tiếng thở dài.

Đó là những hộ nuôi tôm, còn những hộ chăn nuôi dê, bò, cừu thì đã phải bán đàn gia súc của mình từ lâu, phần thì không còn đất để làm chuồng trại, phần thì không được chăn thả trên đất của dự án vừa thu hồi.
Những hộ như anh Tâm, anh Vũ vẫn còn may mắn là đã nhận được một phần tiền đền bù. Còn có những hộ chưa nhận được đồng tiền đền bù nào của dự án, hiện nay “Bỗng dưng trở thành con nợ” của Ngân hàng. Lý do là sau khi nhận được quyết định bồi thường kèm theo lời hứa của cán bộ dự án chỉ một thời gian ngắn sẽ có tiền,  
dân hào hứng cầm ngay tờ quyết định bồi thường đó đem thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp huyện Ninh Phước để vay tiền, đem về chia trước cho con cháu, một đứa một ít, với hy vọng chỉ trong một thời gian ngắn sẽ có tiền trả nợ.

”Ở thôn Thương Diêm 2 tui không biết, chứ riêng thôn tui thì số tiền dân dự án thế chấp quyết định bồi thường để vay ngân hàng cũng lên vài tỷ đồng”. - Ông Đỗ Ngọc Sơn, Trưởng thôn Thương Diêm 1, vừa nói vừa lật sổ chỉ cho chúng tôi tên những người mắc nợ ngân hàng. Người thì vay 200 triệu, người vay 100 triệu, người vay 60, 70 triệu như các ông Lê Trực Giác, Bùi Văn Hai, Phan văn Em, Nguyễn Nhật Thành…
Họ vay về đem chia cho con, cho cháu một đứa một ít mua xe máy chạy chơi. Hồi nào giờ nghèo quá mạng, bỗng dưng có một lúc mấy trăm triệu đồng biểu sao không sắm sửa. Có điều tiền xài hết rồi mà cái nhà hư quá mạng cũng không dám sửa vì cán bộ dự án không cho”, ông Sơn nói tiếp.

Ông Trưởng thôn Thương Diêm còn liệt kê một số trường hợp bi đát hơn nhiều. Tiền đền bù thì chưa được nhận, trong khi đó phải bán đi đàn bò hàng trăm con như ông Mười Lào là một ví dụ.

Ông Mười Lào là chủ chăn nuôi có tiếng ở xã Phước Diêm với đàn bò hơn 300 con. Thế mà chỉ vì toàn bộ đất xây dựng chuồng trại phải giao cho dự án mà phải bán đi đàn đại gia súc của mình để rồi bây giờ miệng ăn núi lở, con cái thất nghiệp phải tha hương kiếm việc làm.

Tính ra cho đến khi chúng tôi đến tìm hiểu thực tế ở 2 thôn Thương Diêm 1 và 2 thì toàn bộ đàn bò hơn 2.000 con của thôn Thương Diêm 1 đã bị bán sạch.

Ông Lê Văn Trước, Bí thư Đảng ủy xã Phước Diêm, cho biết: “Hiện nay thanh niên của 2 thôn Thương Diêm 1 và 2 đều bỏ làng vào thành phố kiếm sống hết rồi”. Phải vậy thôi, ở làng còn đất đâu mà sản xuất, không tha hương kiếm sống mới là chuyện lạ.

Còn bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Phước Diêm, thì thực tế hơn: “Ý kiến của chúng tôi là cấp trên cần trả lời dứt khoát cho dân biết là dự án có thực hiện hay không thực hiện, để người dân chúng tôi còn liệu, chứ như hiện nay thì người dân đúng là bất ổn”.

Công bố quyết định đình chỉ chức vụ ông Phạm Thanh Bình

Đầu giờ sáng 14/7, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), đã chuyển vật dụng cá nhân khỏi phòng làm việc - một căn phòng rộng trên tầng 5 tòa nhà Vinashin Bussiness Group (được thuê của đơn vị khác).

Cùng ngày, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã đến trụ sở Vinashin công bố quyết định đình chỉ chức vụ của ông Phạm Thanh Bình. Ông Bình rời khỏi trụ sở Vinashin sau đó.

Ông Phạm Thanh Bình sinh năm 1953, quê Hải Phòng, xuất thân là Kỹ sư vỏ tàu. Trong quá trình công tác, ông Bình thăng tiến nhanh và gặp nhiều thuận lợi.
Từ tháng 5/1977, ông được tuyển dụng vào làm cán bộ Phòng vỏ tàu Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí GTVT, năm 1991 lên chức Trưởng phòng, đến 1994 lên chức Phó viện trưởng Viện này. Từ Phó viện trưởng, tháng 1-1996 ông Bình được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinashin, tháng 8-1998 được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Từ tháng 6/2003, ông Bình kiêm luôn chức Bí thư đảng ủy Tổng công ty. Từ cuối năm 2005 đến nay, ông Bình giữ các chức: Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, Bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinashin.

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn