Hội nhập: Hành trình tái tạo nội lực dân tộc để vươn ra thế giới

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng

Cú sốc áp thuế 46% mang tính địa chấn biết đâu mở ra cơ hội để định nghĩa lại vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế? Tuy nhiên, nó cũng đặt ra vấn đề nan giải: Làm thế nào để kiến tạo một nội lực dân tộc thực sự bền vững?

I. Tín hiệu chuyển biến trong tư duy hội nhập

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đăng trên các phương tiện truyền thông trên cả nước ngày 3/4/2025 (1) đã đánh dấu một bước ngoặt tư duy chính trị của Việt Nam khi đưa ra ba đột phá quan trọng:

Lần đầu tiên, “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội” được thay thế bằng cách nhìn nhận hội nhập quốc tế là “đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại”. Sự chuyển mình này không chỉ là khẩu hiệu mà còn là lời nhắc nhở về việc cần thích nghi với dòng chảy toàn cầu hiện nay. Đây là thông điệp mới gửi ra thế giới rằng, Việt Nam nay đã giải phóng tầm nhìn, không còn giam hãm trong khuôn khổ ý thức hệ cũ nữa.

Cũng lần đầu tiên, chủ nghĩa Mác - Lênin không còn được tụng niệm như một “tư tưởng của thời đại” tại một văn bản chính thức của người đứng đầu Đảng Cộng sản. Đây là sự thay đổi mang tính ngầm định nhưng mạnh mẽ, cho thấy sự thừa nhận rằng lý luận cũ không còn là kim chỉ nam hữu hiệu cho thời đại số hóa, hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Và thứ ba, Tổng Bí thư đã nâng hội nhập lên quy mô toàn diện, khẳng định rằng hội nhập không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn mở rộng sang cả chính trị, an ninh, văn hóa và xã hội. Điều này đòi hỏi một cấu trúc nội lực mạnh mẽ, không chỉ là sự phụ thuộc vào ngoại lực mà là sức mạnh nội sinh từ bên trong (2).

Những chuyển biến nói trên có lẽ không hoàn toàn ngẫu nhiên khi được công bố ngay vào thời điểm Tổng thống Trump vừa tuyên bố áp thuế 45% đối với Việt Nam. Cú sốc mang tính địa chấn ấy biết đâu mở ra cơ hội để định nghĩa lại vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế? Tuy nhiên, nó cũng đặt ra vấn đề nan giải: Làm thế nào để kiến tạo được một nội lực dân tộc thực sự và bền vững?

II. Hồi cố lịch sử: Hành trình tìm lại nội lực dân tộc

Việt Nam có một quá khứ đầy bi tráng (3), nơi mà lịch sử hậu chiến không chỉ là câu chuyện về chiến tranh và tái thiết, mà còn là cuộc hành trình tìm lại tâm thức và sức sống của một quốc gia - dân tộc.

Những năm hậu 1975: Sau khi đất nước thống nhất về mặt lãnh thổ, xã hội vẫn bị chia rẽ trong tâm thức. Thay vì cùng nhau hòa giải và phát huy nội lực con người, thời kỳ này lại chứng kiến sự trừng phạt, lý lịch hoá và loại trừ nhiều tầng lớp – từ trí thức, doanh nhân đến cộng đồng người Việt hải ngoại (4).

Giai đoạn 1979 - 1989: Đây là mười năm gian khổ với các cuộc chiến tranh biên giới, can thiệp quân sự và các áp lực trước cấm vận quốc tế. Việt Nam sống theo khẩu hiệu tự cung tự cấp, đồng thời phải chịu đựng sự cô lập, khiến nội lực dân tộc ngày càng cạn kiệt (5).

Đổi Mới 1986: Với những bước đi dấn thân như “cởi trói cho nông dân, trí thức” và bước đầu thừa nhận kinh tế tư nhân, Việt Nam bắt đầu khơi dậy tiềm năng nội lực. Tuy nhiên, quá trình cải cách vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chưa thể giải phóng toàn diện sức sống của cả hệ thống xã hội và thể chế (6).

Qua quá trình lâu dài ấy, bài học rút ra phải chăng : Chỉ khi nội lực được phát triển đồng bộ – từ giáo dục, thể chế, công nghệ đến tinh thần dân tộc – thì hội nhập mới có thể phát huy sức mạnh của một “chủ nghĩa trường tồn Việt” (7), thay vì đó chỉ là một chiếc áo khoác mới trên một cơ thể suy yếu.

III. Kinh nghiệm quốc tế: Nội lực mạnh là nền tảng của hội nhập thành công

Các quốc gia thành công trong hội nhập quốc tế như Liên bang Đức, Hàn Quốc và Singapore đều có chung một đặc điểm: họ đã xây dựng nền tảng nội lực vững chắc trước khi bước vào cuộc đua toàn cầu (8).

Hàn Quốc: Sau chiến tranh, quốc gia này đầu tư mạnh vào giáo dục, pháp quyền và công nghệ nội sinh, giúp họ không chỉ hồi phục mà còn vươn lên dẫn đầu khu vực.

Liên bang Đức: Bằng việc tập trung vào hòa giải dân tộc và tái cấu trúc thể chế sau Thế chiến và Chiến tranh Lạnh, Đức đã khẳng định sức mạnh nội lực để xây dựng lại đất nước.

Singapore: Một đảo quốc nhỏ, nhờ kỷ luật, minh bạch, pháp trị và phát triển nguồn nhân lực, đã trở thành một trung tâm kinh tế và tài chính quốc tế.

Đối với Việt Nam, hiện tại vẫn còn tồn tại những hạn chế như cải cách thể chế nửa vời, nền giáo dục chưa phát triển toàn diện, và niềm tin xã hội bị lung lay. Nếu không có một nội lực mạnh mẽ, mọi khát vọng hội nhập sẽ chỉ là ảo ảnh, và Việt Nam sẽ mãi là “người làm thuê” của chuỗi cung ứng toàn cầu.

IV. Cú sốc từ thực tế: Thách thức đối với cả kinh tế lẫn chính trị

Ngày 3/4/2025, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đây không chỉ là một đòn đánh thương mại mà còn là một cảnh báo chiến lược. Sự kiện này càng bộc lộ:

Lỗ hổng về nội lực kinh tế: Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), gia công rẻ và những thị trường dễ tổn thương. Trong bối cảnh đó, mỗi cú sốc từ bên ngoài là một thử thách lớn đối với khả năng tự vệ và tự cường của nền kinh tế quốc dân.

Sự lạc lõng về chính trị: Nếu cú sốc kinh tế đến từ thuế quan là một cảnh báo rõ ràng, thì sự lạc lõng về chính trị lại là một nguy cơ âm thầm, nhưng không kém phần cấp bách. Trong một thế giới đang tái định hình trật tự – nơi các quốc gia vừa cạnh tranh, vừa phải biết thích nghi linh hoạt – Việt Nam vẫn đang tự giam hãm bởi những mô hình tư duy cũ kỹ và cấu trúc quyền lực khép kín.

Xã hội dân sự đang bị triệt hạ khiến hệ thống chính trị hiện hành chưa có cơ chế hấp thụ phản biện, để lắng nghe được tiếng nói từ doanh nghiệp, trí thức, người lao động hay giới trẻ – những lực lượng thiết yếu cho bất kỳ tiến trình hội nhập bền vững nào. Thiếu vắng không gian chính trị linh hoạt, minh bạch và có khả năng điều chỉnh theo tín hiệu thời đại khiến Việt Nam ngày càng rơi vào thế bị động.

Bài toán cần giải quyết: Để không rơi vào tình trạng bị ép buộc theo các điều kiện từ bên ngoài, quốc gia cần phải xây dựng một hệ thống kinh tế - chính trị tự chủ với sức mạnh nội tại. Phải gấp rút nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, củng cố doanh nghiệp nội địa và tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng tự chủ (9).

Hơn thế, trong khi các quốc gia thành công đang tái định nghĩa vai trò nhà nước – từ một “người kiểm soát” sang một “người kiến tạo” – thì Việt Nam vẫn loay hoay trong mô hình hành chính – mệnh lệnh, nơi mà quyền lực đôi khi vận hành không dựa trên năng lực và phẩm chất các nguồn vốn xã hội.

Hội nhập, trong nghĩa sâu nhất, không chỉ là bước ra thế giới – mà còn là dám “cởi trói” chính mình. Nếu thiếu một cuộc cải cách chính trị sâu sắc để giải phóng năng lượng xã hội, thì dù có đổi mới kinh tế đến đâu, Việt Nam cũng khó lòng thoát khỏi tình trạng vừa lạc hậu vừa dễ tổn thương trong cuộc chơi toàn cầu.

V. Tái định nghĩa hội nhập: Đập cùng nhịp thời đại bằng trái tim của chính mình

Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rằng hội nhập không chỉ là sự tiếp nhận của những xu hướng ngoại lai mà là sự đồng bộ của cả nội lực dân tộc và tinh thần tự cường.

Vấn đề cốt lõi đặt ra là:

Chúng ta đang đập cùng nhịp đập của thời đại, hay chỉ đơn thuần chạy theo những định hướng bên ngoài? Nếu Việt Nam chỉ xuất khẩu khát vọng mà không phát huy sức mạnh từ bên trong, hội nhập sẽ biến thành một gánh nặng, làm mòn đi giá trị và bản sắc dân tộc.

Để hội nhập trở nên thực sự bền vững, cần có:

Một thể chế chính trị phải biết phụng sự nhân dân: Từ nông dân, công nhân, doanh nhân đến trí thức – tất cả là những quốc dân cần được tôn trọng và được trao thực sự các quyền Hiến định (chứ không chỉ trên giấy).

Sự đồng lòng của toàn xã hội: Một thế hệ tự giác, chủ động gánh vác trách nhiệm dân tộc, với tinh thần phản biện sáng tạo và không ngại thay đổi.

Một chiến lược nội lực hóa tổng thể: Bắt đầu từ giáo dục, thể chế, công nghệ đến văn hóa, nhằm tạo dựng một nền tảng vững chắc cho mọi hình thức hội nhập.

Kết luận: Hội nhập là hành trình tự cứu rỗi để tự cường

Việt Nam đang đứng trước ngã ba của thời đại: một bên là thế giới rộng mở với vô vàn cơ hội, một bên là thực tại với những giới hạn nội tại không thể phủ nhận.

Nếu không tỉnh thức và xây dựng nội lực từ bên trong, hội nhập sẽ chỉ là một lớp vỏ hào nhoáng, che đậy sự suy yếu từ nội tại – dẫn đến tình trạng lệ thuộc và thiếu tự chủ.

Chính vì vậy, hội nhập không chỉ là khẩu hiệu, mà là bài toán nội lực cần được giải quyết từ gốc rễ.

Chỉ khi mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và cả nhà nước đều ý thức và hành động đồng bộ, Việt Nam mới có thể “đập cùng nhịp đập của thời đại” bằng trái tim và sức mạnh của chính mình – trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và bền đỗ trên bản đồ hội nhập toàn cầu (10).

*

Tham khảo thêm

(1) https://vov.vn/ky-nguyen-vuon-minh/tieu-diem/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-vuon-minh-trong-hoi-nhap-quoc-te-post1189266.vov

(2) https://infographics.vn/bai-viet-vuon-minh-trong-hoi-nhap-quoc-te-cua-tong-bi-thu-to-lam-cac-huong-trien-khai-hoi-nhap-quoc-te-trong-giai-doan-cach-mang-hien-nay/215128.vna

(3) https://daibieunhandan.vn/mot-chuong-bi-trang-cua-dan-toc-post192898.html

(4) https://www.luatkhoa.com/2024/05/giua-thoi-loan-doc-ben-thang-cuoc-cua-huy-duc/

(5)http://vietnamthuquan.eu/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn2nvnnn1n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

(6)https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%AAn_th%E1%BA%AFng_cu%E1%BB%99c

(7) https://www.voatiengviet.com/a/co-mot-chu-nghia-truong-ton-viet-nam/7961206.html

(8) https://www.luatkhoa.com/2016/11/sach-dan-chu-va-dan-chu-hoa-nhan-thuc-can-thiet-ve-dan-chu/

(9) https://www.facebook.com/share/p/14zFfHkEAp/ [Bài viết của Trần Huỳnh Duy Thức]

(10) https://www.voatiengviet.com/a/lam-the-nao-de-vuon-minh-phan-3-to-lam-se-khoi-duoc-que-can-tam-nhin-triet-ly-thoi-dai-so-/8001032.html

Đ.H.T.

Tác giả gửi BVN

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn