Tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tiến nhanh về phía trước

Peter Hartcher

13-07-10

image Một câu châm ngôn nổi tiếng của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, kêu gọi đồng bào của mình: "Che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng mờ". Đó là hơn 20 năm trước đây. Bây giờ dường như các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hoàn thành việc chờ đợi cơ hội thuận lợi.

Trong một khẳng định có tính quyết đoán về vị trí trên thế giới, Trung Quốc đã đặt Biển Đông vào loại "lợi ích quốc gia cốt lõi" của họ trong việc đòi chủ quyền lãnh thổ không nhượng bộ - tương tự như Đài Loan và Tây Tạng. Trung Quốc đã vẽ một đường màu đỏ vào các bản đồ châu Á và thách thức bất cứ ai vượt qua.

Điều này làm cho Trung Quốc xung đột trực tiếp với việc đòi chủ quyền của năm nước láng giềng và thách thức sự thống trị của Hải quân Hoa Kỳ trong vùng. Một phần ba lượng tàu bè thương mại trên thế giới đi qua vùng biển mà bây giờ Trung Quốc tuyên bố độc quyền, vùng biển giáp với Đài Loan ở phía Bắc, Việt Nam ở phía Tây, Philippines ở phía Đông và Malaysia và Brunei ở phía Nam.

Vùng biển đó có chứa các mỏ dầu khí; một số nhà phân tích Trung Quốc gọi nó là "vịnh Ba Tư ở châu Á" vì sự giàu có tiềm năng dầu hỏa cũng như sự hỗn loạn của nó. Nơi này đặc biệt nóng bỏng vì Chính phủ Trung Quốc bác bỏ thỏa thuận không ràng buộc năm 2002 với các nước láng giềng Đông Nam Á để giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua thương lượng hòa bình.

Đây là một cuộc khủng hoảng nhưng là khủng hoảng ngầm. Chủ yếu là do các nước bị mất thể diện đang phản ứng với sự kiềm chế cảnh giác đối với người láng giềng đang phát triển của họ. Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các thỏa thuận, nhưng các nước khác gần như im lặng.

Và Hoa Kỳ?

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, nói với báo Herald rằng: "Tôi nghĩ Hoa Kỳ và Trung Quốc có một cuộc đối thoại giữa hai nhà nước thành công trên nhiều vấn đề. Trong bối cảnh lớn hơn đó, luôn có các vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc có sự khác biệt và chúng tôi hiểu rằng những khác biệt đó sẽ mở rộng không chỉ trong vấn đề quyền của Đài Loan hoặc các vấn đề như Tây Tạng, nhưng cũng sẽ mở rộng đến các vấn đề như  Biển Đông.

Chúng tôi tìm cách hợp tác chặt chẽ để thiết lập một cuộc đối thoại, không chỉ với Trung Quốc nhưng với bạn bè của chúng tôi ở Đông Nam Á, để bảo đảm rằng chúng tôi hoàn toàn hỗ trợ quy trình năm 2002 giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á để đối phó với bất kỳ vấn đề đáng chú ý nào thông qua ngoại giao''.

Nói cách khác, Hoa Kỳ cũng muốn Trung Quốc trở lại nguyên trạng như trước để thương lượng thay vì mạo hiểm đơn phương đòi chủ quyền. Như thường lệ, Hiệp hội các nước Đông Nam Á chẳng giúp được gì khi gặp rắc rối. Một lần nữa, nó lại đưa vấn đề cho Hoa Kỳ để tìm kiếm một giải pháp.

Diễn đàn khu vực ASEAN có thêm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc và một loạt các nước khác sẽ họp tại Hà Nội ngày 23 tháng 7. Đây chắc chắn sẽ là chủ đề nóng.

Tại sao Trung Quốc làm điều này? Bởi vì nó cần phải làm, theo một quan chức hàng đầu của hải quân. Đề đốc Trương Hoa Trần, Phó chỉ huy Hạm đội Đông Hải, nói với báo The Straits Times: "Do việc mở rộng quyền lợi kinh tế đất nước, hải quân muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến đường giao thông vận tải của đất nước và sự an toàn trên các tuyến đường biển chính".

Ông Walter Russell Mead, thuộc Hội đồng Đối ngoại, thì vẫn còn hoài nghi: "Thật là vô ích do các tham vọng thương mại của Trung Quốc, thương mại gì mà họ bảo vệ? Trung Quốc cần năng lượng và nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới".

Trung Quốc đang làm điều đó vì họ có thể, theo lời của một tướng về hưu, ông Xu Guangyu nói với báo South China Morning Post: "Trung Quốc vắng mặt trong thời gian dài ở vùng biển đặc quyền kinh tế của mình hàng thập kỷ qua là một rủi ro bất thường trong lịch sử và bây giờ Trung Quốc chỉ đi tới các hoạt động bình thường. Chúng tôi đã im lặng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong quá khứ bởi vì hải quân của chúng tôi không có khả năng bảo vệ các khu kinh tế, nhưng bây giờ hải quân có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình".

Bây giờ Trung Quốc nghĩ rằng họ không gặp trở ngại gì, theo Vương Hán Linh, chuyên gia về hoạt động hàng hải thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: "Trên thực tế, các tranh chấp đó đã tồn tại từ khi dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác trên đại dương đã được phát hiện ở quần đảo Điếu Ngư [mà Nhật Bản đòi chủ quyền dưới tên Quần đảo Senkaku] và quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trong thập niên 1970''.

Có một đề nghị là các nước Đông Nam Á có thể hình thành một mặt trận chung chống lại Trung Quốc, viễn cảnh mà "có lần làm Bắc Kinh quan ngại", ông Vương nói, nhưng họ (các nước ASEAN) đã bỏ qua sau ba thập kỷ không hành động. "Chúng tôi thấy hàng xóm của chúng tôi có các tranh chấp lãnh hải và cãi nhau về các lợi ích quốc gia để bảo vệ, điều này khó khăn cho họ hơn để xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc. Ngay cả nếu họ thành công trong việc cùng tham gia với nhau, họ vẫn không đủ mạnh để đánh bại Trung Quốc ".

Đó là một trong những bước đi của Bắc Kinh trong năm nay để mở rộng quyền thống trị hải quân của họ. Trước tiên, họ tuyên bố học thuyết mới, mở rộng hải quân. Cho đến nay, khu vực hoạt động của họ bị giới hạn ở cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, kéo dài từ Nhật Bản đến Philippines. Nhưng bây giờ Bắc Kinh tuyên bố "phòng thủ ngoài khơi", vươn tới chuỗi đảo thứ hai, một khu vực trải dài tới đảo Guam, Indonesia và Úc.

Thứ hai, họ tiến hành diễn tập hải quân và tuần tra năng nổ hơn nhằm cung cấp ý nghĩa hoạt động cho học thuyết mới. Chẳng hạn như trong tháng 4, một hạm đội 10 tàu khởi hành vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, một cuộc tập trận quy mô chưa từng có của Trung Quốc. Thứ ba, nó tiếp tục  xây dựng nhanh khả năng, bao gồm một căn cứ tàu ngầm dưới đất ở đảo Hải Nam và một nhóm tàu sân bay chiến đấu sẽ được triển khai trong vài năm tới.

Người đứng đầu Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Robert Willard cho biết hồi tháng 4: "Đặc biệt quan tâm đến yếu tố hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, cho thấy nó được thiết kế để thách thức quyền tự do hành động của chúng ta trong khu vực".

Với nền kinh tế thịnh vượng và phát triển khả năng, Bắc Kinh không còn chờ cơ hội thuận lợi mà sẽ hành động để tự khẳng định mình.

Ông Peter Hartcher là biên tập viên quốc tế.

Ngọc Thu dịch

Dịch từ: SMH

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn