Cuộc chiến trên mặt trận giáo dục

Hiền Chi

image Năm năm theo đuổi mục tiêu chống tham nhũng - tiêu cực, bà Lê Hiền Đức không từ nan ở bất kỳ lĩnh vực nào, miễn là vụ việc đó có liên quan đến lợi ích hợp pháp của tập thể. Tuy nhiên, lĩnh vực mà bà “đánh” mạnh hơn cả là lĩnh vực giáo dục, bởi đơn giản, bà là một nhà giáo, cả đời phụng sự, phấn đấu cho sư nghiệp giáo dục. Và một lý do nữa, theo bà, tiêu cực trong ngành giáo dục sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều tiêu cực ở những ngành khác, nếu không xử lý nghiêm và dứt điểm, nó sẽ làm hỏng cả một thế hệ học trò, và để lại những hậu quả khó có thể khắc phục được.

Bà nêu một số ví dụ:

(1) Tại Viện Đại học Mở, Viện trưởng Phạm Minh Việt đã câu kết với Chủ nhiệm khoa (nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Bộ GDĐT) tổ chức chiếm đoạt 25% tiền công giảng dạy của cán bộ qua việc lập quỹ đen trái pháp luật và tham ô 670 triệu tiền lệ phí đóng góp của sinh viên.

Ông Việt cùng đồng sự đã tổ chức cố tình làm sai quy trình chấm phúc khảo để đưa 28 bài thi tốt nghiệp ngành Luật (trong số 59 bài thi được chấm lại) từ trượt thành đỗ. Qua đơn kiện của tập thể sinh viên, thấy rõ sinh viên đã mất rất nhiều tiền cho ban tổ chức chấm phúc khảo.

Ông Viện trưởng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân: biến trường công thành công ty gia đình qua việc điều hành hai chương trình: thứ nhất – đào tạo trực tuyến, ông Việt đã chuyển 97% học phí của học viên qua thủ đoạn ký hợp đồng liên kết đào tạo với công ty của gia đình; thứ hai – đào tạo quốc tế Genetic, ông Việt trực tiếp điều hành không thông qua sự điều hành chung của Viện.

(2) Tiêu cực trong giáo dục ở Quận Cầu Giấy liên quan đến bà Tạ Thị Bích Ngọc.

Bà Ngọc nguyên là Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc, Quận Cầu Giấy. Trong suốt 2 năm đương nhiệm (từ 2004-2006), bà Ngọc đã tổ chức bớt khẩu phần ăn của hơn 500 cháu học sinh. Thanh tra đã có kết luận và bà Ngọc đã phải trả lại tiền đã “ăn bớt” của các cháu, nhưng bà Ngọc vẫn được những thế lực bao che, bênh vực, và nhờ luồn lách, chạy chọt, nên vụ việc trên có dấu hiệu “chìm xuồng”. Rút cục, những vi phạm của bà Ngọc vẫn chỉ dừng lại ở mức “khiển trách”. Không những thế, trong lúc mọi việc chưa được xử lý dứt điểm thì bà Ngọc lại kiếm được tấm bằng Thạc sỹ và nhanh chóng được “luân chuyển” sang một địa bàn mới. Hiện nay, bà Ngọc đang là Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (cũng thuộc Quận Cầu Giấy).

Không đồng tình với cách xử lý của cơ quan chức năng, bà Đức tiếp tục kiến nghị đi các nơi. Nhưng bà Ngọc đã tuyên bố một cách “hùng hồn” rằng: “Ai thích kiện tôi, tôi chỉ đường cho đi mà kiện. Bởi vì, đằng sau tôi còn có cả một... hậu phương vững chắc!”.

Đây là vụ nổi cộm nhất, làm cho bà Đức phải đau đầu, phải lao tâm khổ tứ bao nhiêu năm nay. Bà đã phải tốn mất bao nhiêu giấy mực, thời gian, công sức để theo đuổi. Không chỉ riêng bà, nhiều cán bộ các cấp như: Quận ủy, UBND Quận Cầu Giấy, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, và thậm chí cả Bộ GDĐT cũng như thanh tra các cấp, Cục An ninh Văn hóa (A83) của Bộ Công an đã vào cuộc, nhưng đến nay, mọi việc vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Bà Đức tự hỏi: Không biết, “hậu phương vững chắc” phía sau bà Ngọc là những đối tượng nào? Bà Đức vẫn đang tiếp tục điều tra cái “hậu phương” đó.

(3) Bà Vương Thị Phấn Kim – Phó Chủ tịch UBND Quận 5 TP HCM, đã câu kết với Trưởng phòng Giáo dục quận này tổ chức đường dây “chạy” trường.

Bà Đức đã thu thập được bằng chứng là danh sách hơn 200 học sinh, toàn “con cháu” bà Kim. Có phụ huynh phải “chạy” 20-30 triệu để vào được trường “điểm”. Bà Đức đã nhiều lần gọi điện cho bà Kim để tìm hiểu vấn đề thì bà Kim “ngang nhiên” trả lời: “Tôi với anh Nguyễn Thiện Nhân thân thiết lắm! Anh Nhân biết việc này lâu rồi, nhưng anh Nhân không giải quyết đâu!”. Cực chẳng đã, bà Đức phải nhờ đến sự giúp đỡ của phu nhân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết hợp giải quyết. Nhưng ba năm trôi qua, vụ việc này vẫn không có gì thay đổi, và những kẻ biến chất vẫn đứng ngoài vòng pháp luật. Những người có trách nhiệm giải quyết vụ việc này thì lẩn tránh bà, thậm chí họ còn không dám nghe những cú điện thoại bà gọi đến.

Chứng kiến những biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục, bà rút ra kết luận: Nền giáo dục Việt Nam đang bị lao xuống dốc. Điều này ai cũng nhận thấy và nhận thấy rất rõ! Nhưng theo bà, rất ít người có đủ dũng cảm đứng ra giữa con dốc để cản không cho cỗ xe đó tiếp tục lao xuống nữa. Bà cũng không biết tiếp sau đó, ai sẽ là người đẩy cỗ xe đó ngược trở lại vị trí đỉnh dốc ban đầu? Ai là người có đủ trách nhiệm và quyền hạn để giải quyết những hiện tượng tiêu cực trên đây? Thanh tra Bộ Giáo dục và các cơ quan chức năng sao không tích cực giải quyết?

Buồn và thất vọng, nhưng bà Đức vẫn thầm lặng và quyết tâm theo đuổi mục tiêu góp phần làm trong sạch ngành giáo dục. Bà tin rằng lớp trẻ sẽ có nhiều người đủ tâm huyết và khả năng để làm việc này. Bà cũng tha thiết mong rằng, những người lãnh đạo trong ngành giáo dục có đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào sự thật.

H.C

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn