Léopold Cadière và hội nhập văn hóa: một kinh nghiệm loan báo Tin Mừng

GM Nguyễn Thái Hợp, O.P.

clip_image002Trong ba ngày, từ 7 đến 9/9/2010 tại Huế, đã diễn ra cuộc Hội thảo Thân thế và sự nghiệp của LM Léopold Cadière (1869 – 1955) do Ủy ban Văn hoá Hội đồng Giám mục Việt Nam và Toà Tổng Giám mục Giáo phận Huế tổ chức. Hiện diện tại Hội thảo có các Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Huế, cùng 11 vị Giám mục của các giáo phận trên khắp cả nước và hơn 600 người tham dự – có người đến từ xa (Pháp, Mỹ, Đức, Canada,…). 13 tham luận được trình bày tại Hội nghị, tập trung vào hai khía cạnh trong một Cadière: vị thừa sai và nhà nghiên cứu khoa học.

Tham luận sau đây của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Vinh, được chọn mở đầu Hội thảo, là một nỗ lực phân tích trên cả hai khía cạnh ấy.

Bauxite Việt Nam

Léopold – Michel Cadière vừa là một nhà thừa sai, vừa là một nhà bác học bách khoa. Tác giả đã để lại một kho tàng tri thức vĩ đại về Việt Nam học nói chung và Huế học nói riêng. Các tham luận trong Hội thảo về “Thân thế và Sự nghiệp của Cadière” sẽ lần lượt phân tích và giới thiệu những nét phong phú và đa dạng trong sự nghiệp của Cadière. Bài này chỉ là đôi nét chấm phá xoay quanh kinh nghiệm hội nhập văn hóa tuyệt vời của Cadière.

1- Nguyên tắc hội nhập của Kitô giáo

Kitô giáo tự bản chất là một Đạo nhập thểnhập thế, bởi vì Con Thiên Chúa đã lăn lưng vào đời để biến đổi và cứu vớt cuộc đời từ nền tảng. Thật vậy, Ngôi Lời mặc xác phàm, được sai đến “như con người cho loài người” để “rao truyền lời của Thiên Chúa” và hoàn thành công cuộc cứu độ mà Chúa Cha đã uỷ thác”[1]. Ngài chấp nhận làm người y hệt như mọi người, ngoại trừ tội lỗi và hòa mình với đồng loại như một giọt nước giữa trăm ngàn giọt nước khác. Kể từ đó, nhập thế đã trở thành bản sắc của Đạo Chúa và định hướng nền tảng cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

clip_image001

GM. Nguyễn Thái Hợp đọc tham luận

Đức Giêsu Kitô sinh ra dưới bầu khí Cựu ước, lớn lên trong vòng lễ giáo Maisen, để rồi cũng sống, làm việc, suy tư, cầu nguyện, rao giảng ơn cứu độ như một người Do thái giữa những người Do thái khác. Trong thời gian xuất thân truyền Đạo, vấn đề thích nghi này đã trở thành một mâu thuẫn căn bản trong mối tương quan căng thẳng giữa Ngài với các đầu mục Do thái. Đối với Đức Kitô, Lời Thiên Chúa là một sứ điệp cứu độ được gởi đến cho con người cụ thể và sống động, trong khi các đầu mục Do Thái lại quan niệm Lời Thiên Chúa như những công thức cứng ngắc đã được truyền lại và phải áp dụng y nguyên cho mọi người, ở mọi thời, mọi nơi. Mâu thuẫn này ngày càng trở nên gay gắt và trầm trọng. Các đầu mục Do Thái phản công mạnh mẽ. Họ tìm đủ mọi cách để thủ tiêu Ngài và thực sự cuối cùng Đức Kitô đã chết thê thảm trên thập giá! Nhưng họ vẫn không sao ngăn cản được đòi hỏi thích nghi và nhập thế của Tin Mừng.

Liền sau ngày Chúa Thánh thần hiện xuống, các Tông đồ công khai xuất hiện trước dân Israel, dõng dạc tuyên bố sẽ tiếp nối chương trình của Đức Giêsu. Nhưng phải công nhận rằng, với kiến thức hạn hẹp, đại đa số các vị cũng chỉ biết thể hiện sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong vòm trời và theo nhãn quan Do thái giáo mà thôi. Cũng như những người Do Thái đương thời, đại đa số các Kitô hữu tiên khởi vẫn gắn chặt niềm tin nơi một Thiên Chúa duy nhất với các yếu tố mang nặng dấu ấn văn hóa Do Thái như chịu cắt bì, việc tuân giữ các cấm kị trong chế độ ẩm thực, lối phục sức, lễ nghi phụng tự… Những người Biệt phái gia nhập cộng đồng tín hữu quả quyết rằng để được cứu rỗi không những phải tin vào Đức Kitô, mà còn phải tuân giữ những luật lệ và tập tục của người Do Thái (x. Cv 15, 1-5).

Tông đồ Phaolô đã cương quyết đấu tranh không những để bảo vệ sự tự do hào hùng của con cái Chúa, mà trước tiên nhằm phân biệt niềm tin nơi Thiên Chúa với những luật lệ và tập tục mang nặng dấu ấn văn hóa. Ngài quả quyết rằng “con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô […], vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích”[2]. Cũng chính Tông đồ Phaolô đề ra nguyên tắc nền tảng về hội nhập văn hóa của Kitô giáo:

Do Thái với người Do Thái, Hy lạp với người Hy Lạp”. Và để Tin Mừng của Đức Kitô được loan báo, thánh Phaolô quyết định “trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cor 9,22).

Những cuộc tranh luận gay go, Công đồng đầu tiên của Kitô giáo đã đi đến quyết định: “Thánh thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là không ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, không ăn tiết, thịt loài động vật không cắt tiết và tránh gian dâm” (Cv 15, 28-29). Đây là một bước tiến rất quan trọng để Giáo hội có thể thanh thản đi tới các dân ngoại, mặc dù mới chỉ là một bước rụt rè và chập chững, vì vẫn chưa thực sự giải thoát Tin Mừng khỏi luật lệ Cựu Ước.

Ra khỏi khung cảnh Do thái giáo, sứ điệp Tin Mừng trước tiên được rao giảng cho những người thuộc văn hóa Hy Lạp và La Mã. Nhưng trong giai đoạn đầu, giáo quyền rất dè dặt đối với việc hội nhập với nền văn hóa, phong tục, lễ nghi “ngoại giáo”. Phải đợi một thời gian khá lâu, Tin Mừng mới thật sự hội nhập vào nền văn hóa La-Hy, mới dám sử dụng triết học, ngôn ngữ, phong tục, lễ nghi của xã hội La-Hy để trình bày sứ điệp cứu độ cho quần chúng chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa này.

Thành quả trên sở dĩ có được là nhờ nỗ lực suy tư và khả năng thích nghi của lớp người tiến bộ như Giustinô, Clêmentê thành Alexandria, Origène, Basiliô, Ambrosiô, Augustinô... Thánh Basiliô, chẳng hạn, công nhận rằng văn chương ngoại giáo cũng có thể giúp tín đồ hiểu rõ Đạo Chúa hơn và ngài khuyên các bạn thanh niên nên bắt chước con ong biết hút lấy những nhị hoa ở các nền văn minh đó.

Nghiên cứu triết học Hy Lạp, thánh Clementê thành Alexandria đã khám phá ra “mầm Ngôi Lời” và giá trị khai mở của nó đối với chân lý măc khải. Ngài mạnh dạn viết: “Chúa là nguyên nhân mọi sự thiện. Có những điều thiện Ngài là nguyên nhân trực tiếp, chẳng hạn như Cựu ước và Tân ước, cũng có những sự thiện qui hướng về đó, như triết học Hy Lạp chẳng hạn. Có khi chính triết học cũng là một di sản mà Chúa trực tiếp ban cho người Hy Lạp, trước khi Ngài làm cho tiếng gọi của Ngài vang tới họ, bởi vì triết học đã giáo hóa họ để dẫn đưa họ đến với Đức Kitô... Đã hẳn, chỉ có một con đường chân lý duy nhất, nhưng tương tự như một dòng sông không bao giờ cạn, trong đó những nguồn nước từ khắp nơi đổ về”.

Con đường thích nghi đó vẫn được tiếp nối bởi các thế hệ Kitô giáo kế tiếp. Khi ánh sáng đức tin bắt đầu ló dạng ở Bắc và Đông Âu, chẳng hạn, các vị thừa sai tiên khởi đã khéo léo dung hòa đức tin Kitô giáo với phong tục và tín ngưỡng địa phương, nhờ vậy công cuộc truyền giáo tiến triển mạnh. Giáo chủ Grêgoriô Cả đã sáng suốt chỉ thị cho các nhà truyền giáo tại Anh quốc phải cố gắng trình bày Đạo Chúa sao cho phù hợp tối đa với tâm thức, luân lý và phong tục địa phương. Ngài khuyên các thừa sai không nên triệt hạ tất cả đền thờ, hủy bỏ những ngày lễ tôn giáo hiện có, mà cố gắng biến đổi thành những nơi thờ phượng Thiên Chúa và những ngày lễ Công giáo.

Tại Đức, thánh Bonifaciô cũng đưa ra nhiều sáng kiến thích nghi táo bạo. Nhưng đặc sắc nhất có lẽ là sự nghiệp của hai anh em thánh Cyrillô và Methođô trên cánh đồng truyền giáo tại Đông Âu. Hai vị áp dụng một kế hoạch loan báo Tin Mừng theo mô hình “hội nhập văn hóa”: Chấp nhận những giá trị cổ truyền của dân bản xứ, khởi xướng phong trào văn hóa địa phương, đề cao tinh thần độc lập và tự hào dân tộc.

Trên lãnh vực tư tưởng, các thần học gia đã thành công trong việc xây dựng một nền thần học Kitô giáo, dựa trên những quan niệm căn bản của triết học Hy Lạp. Mặc dù vào đầu thế kỷ XIII, triết học của Aristote bị cấm dạy tại các Đại học và Học viện Công giáo, vì sợ ảnh hưởng tiêu cực đến đức tin, nhưng thánh Albertô, thánh Tôma và những thần học gia tiến bộ đã sáng suốt sử dụng triết học của Aristote vừa để xây dựng một nền thần học Kitô giáo, vừa có thể trả lời cho những yêu sách tri thức của thời đại. Bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma vừa là một đóng góp to lớn cho nền thần học Kitô giáo, vừa là thành quả của hội nhập văn hóa.

Rất tiếc là trong một thời gian dài sau đó, con đường hội nhập văn hóa bị bế tắc. Vô hình trung Kitô giáo bị đồng hóa với văn hóa Tây phương. Vấn đề thích nghi và hội nhập với các nền văn hóa khác nếu được đặt ra, thì cũng chỉ giới hạn vào một vài chi tiết phụ thuộc. Nhưng nếu Kitô giáo muốn trở thành Á Đông với người Á Đông, như đã là “Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp” thì một lần nữa vấn đề hội nhập văn hóa phải được đặt ra.

2- Á Đông với người Á Đông?

Các thừa sai Dòng Tên đầu tiên, mặc dù đã phải truyền sang nước ta một Kitô giáo của châu Âu vào thế kỷ XVI-XVII, nhưng đã có nhiều nỗ lực thích nghi và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Giáo lý được trình bày theo tiến trình sư phạm tự nhiên: khởi đi từ những thực tại tự nhiên, những gì lý trí có thể suy luận, để vươn tới mầu nhiệm Kitô giáo. Cha Alexandre de Rhode viết: “Trước hết tôi bàn về linh hồn bất tử và sự sống đời sau, từ đó tôi làm chứng có Thượng Đế và sự quan phòng của Người, rồi dần dần tôi đưa họ tới những mầu nhiệm khó hơn”[3].

Trong giai đoạn này, chữ Quốc ngữ đã được hình thành nhờ sự cộng tác giữa các thừa sai Dòng Tên gốc Bồ Đào Nha và nhiều người Việt. Các thừa sai đã soạn thảo nhiều sách bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ để trình bày giáo lý Công giáo. Bắt đầu hình thành một nền văn chương Công giáo, với vốn ngôn ngữ chuyên môn khá dồi dào. Nổi tiếng nhất là “Phép giảng tám ngày” và “Từ điển Việt-Bồ-La” của cha Đắc Lộ và Các Thánh Truyện của G. Majorica.

Trên lý thuyết, nguyên tắc “Nhật Bản với người Nhật Bản, Trung Hoa với người Trung Hoa, Việt Nam với người Việt Nam” đã được giáo triều đề ra cho các thừa sai đầu tiên đi theo những thuyền buôn của Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha. Đặc biệt, ngày 10-11-1659, khi cử hai Đại diện Tông tòa đầu tiên sang Đàng Trong và Đàng Ngoài, Bộ Truyền giáo đã chỉ thị rõ rệt:

“Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á Đông chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, mà là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng đừng xúc phạm đến những nghi lễ và tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý đức tin muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác […]. Đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy, trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ”[4].

Mặc dù hơn 350 năm đã trôi qua, nhưng những chỉ dẫn của Huấn dụ trên vẫn còn giá trị và vẫn duy trì tính thời sự. Nhưng trong bối cảnh của Giáo hội hậu Công đồng Trento, vấn đề thích nghi đã bị bỏ quên hay không được thực thi đúng mức. Không ai có thể phủ nhận lòng nhiệt thành, sự tận tụy và tinh thần hy sinh cao độ của các thừa sai ở trong giai đoạn này. Điều đáng buồn là thay vì chú tâm xây dựng một “Giáo hội châu Á với người châu Á”, có khả năng sống và diễn tả niềm tin bằng những chất liệu đặc biệt của Á châu, các vị đã kiến tạo một Giáo hội theo khuôn mẫu tiền chế của phương Tây.

Ngoài ra, để thực hiện công cuộc hội nhập văn hóa tại Á Đông cần phải có các thừa sai tài năng, vừa thông thạo thần học Kitô giáo, vừa am tường văn hóa cũng như ý nghĩa của các lễ nghi và tập tục Đông phương. Trên thực tế, rất khó tìm thấy những con người hội đủ điều kiện đó. Vào cuối thế kỷ XVIII, khi được hỏi về việc cử hành phụng vụ bằng tiếng Trung Quốc, giám mục Pigneau cho biết: Nếu muốn giữ y nguyên nội dung tín lý của bản văn Latin, rồi tìm cách diễn tả bằng những từ ngữ và cử chỉ phù hợp với não trạng của người Trung Quốc thì phải có “không những các nhà thần học thông minh, mà còn cần phải có những người biết đến nơi đến chốn tiếng nói, chữ viết và tập tục của Trung Quốc; những người này cần phải gột sạch khỏi mọi thiên kiến của một nền giáo dục châu Âu… Những người như thế làm sao tìm thấy trong các miền truyền giáo”[5].

Ngay từ khi còn ở Hòn Đất, giám mục Pigneau đã học chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Việt. Giám mục thâm tín tầm quan trọng của văn hóa trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Chính giám mục đã sáng tác quyển giáo lý bằng tiếng Việt, từ điển Việt – La Tinh, Giải nghĩa Tin Mừng Chúa nhật cùng ngày lễ trọng và quyển Tứ chung. Trên thực tế, chỉ có cuốn giáo lý được in tại Quảng Đông vào năm 1774. Các tài liệu khác chưa còn dưới dạng bản thảo. Sau này, giám mục Taberd đã sử dụng các tư liệu này để soạn quyển tự điển “Việt – La Tinh” (1838).

Trong suốt 350 rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, có bao nhiêu thừa sai hội đủ những điều kiện đó? Phải thành thật công nhận rằng kinh nghiệm loan báo Tin Mừng trong lãnh vực văn hóa của Cadière là một trường hợp độc đáo và khá hiếm hoi tại Việt Nam.

3- Trở nên người Việt với người Việt

Linh mục Léopold Cadière đặt chân đến Việt Nam năm 1892, lúc mới 23 tuổi đời và được bổ nhiệm phục vụ tại giáo phận Huế. Vào giai đoạn đó, “đại đa số các thừa sai cao niên rất thông thạo tiếng Pháp. Nhưng nhiều vị chỉ biết tiếng qua loa tiếng Việt và chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện nghiên cứu cấu trúc của nó”. Có những thừa sai chỉ hiểu sơ sơ những câu nói thông thường và hầu như không thể nói tiếng Việt, nên luôn luôn phải có thông dịch viên[6].

Thể theo đường hướng nhập thể của Đức Giêsu và nguyên tắc hội nhập của vị đại Tông đồ Phaolô “Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp”, L. Cadière quyết định “trở nên người Việt với người Việt”. Cha quyết tâm chọn Việt Nam làm quê hương và cống hiến cả hồn lẫn xác cho miền đất rất thân thương, nhưng quá nhiều khốn khổ này. Đến giai đoạn cuối đời, khi bị quản chế tại Vinh cùng với sáu thừa sai khác (1947-1953) và khi Chính quyền Cách mạng đề nghị các vị trở về Pháp, cha nhất định xin ở lại để được cùng sống chết với anh chị em Việt Nam: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này. Cho tôi được ở lại và chết ở đây”.

Đâu là lý do của sự chọn lựa khác thường này? Năm 1942, nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm thụ phong linh mục, Cadière hé mở cho chúng ta thấy động lực thâm sâu dẫn cha đến quyết định học tiếng, nghiên cứu tôn giáo, văn hóa và lịch sử Việt Nam để rồi gắn bó, yêu thương và nhất quyết sống chết với những người dân hiền lành, cần cù, dễ thương… nhưng lại quá lao đao, khốn khổ. Nhìn lại tất cả quãng đường hội nhập cam go, Cadière chân thành thổ lộ nỗi niềm tâm sự đối với tiếng Việt và người Việt:

“Tôi hiểu người Việt, bởi vì tôi đã nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã học tiếng Việt ngay từ khi mới đặt chân đến nơi đây và hiện nay tôi vẫn tiếp tục học, và tôi nhận thức rằng tiếng Việt rất tế nhị về phương diện cấu trúc, rất phong phú về phương diện ngữ vựng, mà đến nay nhiều người vẫn lầm tưởng coi thường… Tôi đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam và tôi thấy rằng, suốt những thế kỷ dài, đặc biệt từ khi thành lập triều Nguyễn, nước Việt được chống đỡ bởi lý tưởng cao cả về phát triển và tiến bộ […].

Tôi yêu người Việt vì họ thông minh và lanh lợi […]. Tôi yêu người Việt vì những đức hạnh của họ [...]. Tôi yêu người Việt vì tính tình của họ […]. Cuối cùng, tôi yêu người Việt vì những bất hạnh của họ. Biết bao khổ đau: biết bao cực nhọc, biết bao khốn khổ của người dân Việt, những nỗi cực nhọc đôi khi chính đáng, nhưng thông thường là do số phận hay một định mệnh nghiệt ngã nào đó!”[7]

Ngay từ khi mới đặt chân đến Việt Nam, Cadière đã ao ước “trở thành đồng hương” của những người dân hiền lành và chất phác ở Bình-Trị-Thiên, những con người mà cha có sứ vụ loan báo Tin Mừng và hết lòng yêu thương[8]. Cha ước mong không những làm sao nói sõi tiếng Việt, mà còn có thể suy tư bằng tiếng Việt và thấu hiểu “cái hồn” của nó. Chính vì vậy, cha quyết định học tiếng Việt một cách nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng cách phát âm, cấu trúc, ngữ pháp, ngữ nghĩa và tinh thần của tiếng Việt[9].

Trên thực tế, Cadière đã cống hiến tất cả cuộc đời cho ngôn ngữ học nói riêng và cho dân tộc Việt Nam nói chung. Cha say mê “quan sát cặn kẽ những sự kiện quan trọng trong từng lời ăn tiếng nói của người Việt mà không vướng bận bất cứ một định kiến sai trái nào của người châu Âu, kể cả những điều mà họ tin là “hợp lý” và “văn minh” nhất”[10].

Khi đọc các quyển sách của người Pháp viết về tiếng Việt, Cadière nhận thấy “một sai lầm chủ quan” chung của các tác giả này là nhìn tiếng Việt theo lăng kính của người châu Âu, vì thế thường xử lý các vấn đề ngữ pháp tiếng Việt đứng trên quan điểm ngữ học của người Pháp: “Những quyển sách ấy vốn được viết ra để giúp người Pháp học tiếng Việt, cho nên đều xử lý các vấn đề ngữ pháp theo quan điểm của người Pháp, căn cứ vào cách nói của họ, cách sắp xếp ngôn từ của họ, cách tư duy của họ. Họ trình bày như thể tiếng Việt Nam cũng có một cấu trúc y hệt như tiếng Pháp. Và lạ hơn nữa là ngay những quyển sách ngữ pháp do chính người Việt soạn cho học sinh người Việt học cũng được viết y hệt như thế. Cho đến nay vẫn chưa có một ai nghĩ đến việc soạn ra một quyển sách ngữ pháp tiếng Việt dựa trên cơ cấu của chính tiếng Việt để dẫn dắt người học đến chỗ tư duy thực sự bằng tiếng Việt”[11]. Và Cadière nhắc lại với các đồng hương đang nghiên cứu tiếng Việt: “Đừng quên rằng lối diễn tả và cấu trúc của tiếng Việt hoàn toàn khác với tiếng Pháp, tinh thần người Việt đi theo một lộ trình khác với người Pháp”[12]

Léopold Cadière đã chọn lựa một phương pháp khác: Nghiên cứu tiếng Việt từ lời ăn tiếng nói của người Việt, cố gắng tư duy bằng chính tiếng Việt và lấy cái quan điểm chủ quan của người Việt làm thước đo. Theo cha, mỗi ngôn ngữ có những đặc trưng riêng và các thứ tiếng trên thế giới có thể khác nhau một cách bất ngờ không sao tưởng tượng được. Không bao giờ có thể lấy ngôn ngữ châu Âu làm thước đo cho ngôn ngữ Á Đông. Mỗi ngôn ngữ hình thành và phát triển như một gia tài văn hóa độc đáo, một sản phẩm chung của nhân dân. Do đó, qua tiếng nói hàng ngày người ta khám phá cái hồn và những quy tắc ngữ pháp riêng của mỗi ngôn ngữ.

Với định hướng đó, Cadière hết sức trân trọng kho tàng văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, hò vè, chuyện dân gian…), đồng thời hăng say đi vào lòng đại chúng, cẩn thận ghi chép từng lời ăn tiếng nói của họ, không bỏ qua một sắc thái nào của ngôn ngữ đời thường, bởi vì ngôn ngữ là cái gương phản chiếu tâm thức của một dân tộc.

Trong lời tựa cuốn “Syntaxe”, Cadière giải thích lập trường và phương pháp nghiên cứu của cha như sau: “Trong chừng mực có thể được, tôi cố sao đứng trên quan điểm của tiếng Việt: nghĩa là không trình bày cho người học biết rằng muốn diễn đạt ý của một câu, lối nói của người Pháp bằng tiếng Việt thì phải nói hay viết như thế nào, mà chỉ lấy những câu, những kiểu nói của chính người Việt nói ra để vạch rõ cái giá trị của câu nói đó được dùng làm phương tiện để diễn đạt ý nghĩ gì: đó chính là cách dạy cho người ta biết được một thứ tiếng. Còn cách kia chỉ là một cái mẹo để dẫn dắt lừa kéo xe, có thể rất có ích lúc ban đầu, nhưng không bao giờ có thể làm cho người ta ý thức được cái thần của một ngôn ngữ”[13].

Vào giai đoạn đó, quan niệm văn hoá này đề cao “cái có” và “dĩ Âu vi trung” đang ngự trị. Nói đến “văn hoá“ không những người ta thường nghĩ lớp người có học, có kiến thức, thuộc tầng lớp ưu tú và được ưu đãi trong xã hội, đối lập với đám lê dân, phàm phu tục tử, mà còn so sánh giữa các dân tộc nữa. Người La Mã vẫn coi những người sống bên ngoài đế quốc của họ là bọn “man di, mọi rợ”. Người Trung Hoa cũng nghĩ như vậy khi tự cho mình là “tinh hoa của nhân loại”, còn các dân tộc khác là chỉ bọn “bán khai” hay “man di, mọi rợ”. Và người châu Âu tự nhận là những dân tộc văn minh cao có sứ mạng khai hóa các dân tộc khác.

Cadière là một trong số các tác giả tiến bộ lúc đó đã cho rằng văn hóa phản ảnh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như các cộng đồng. Nó bao gồm nhiều yếu tố độc đáo, phức tạp, phong phú và cấu tạo nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ cũng lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình. Chính vì vậy, có rất nhiều văn hoá khác nhau, do đó cũng có nhiều khái niệm và định nghĩa về văn hoá[14].

4- Tôn trọng nét độc đáo của mỗi niềm tin

Một đóng góp quan trọng khác của Cadière cho công tác nghiên cứu dân tộc học và tôn giáo học tại Việt Nam đó là gắn liền niềm tin tôn giáo với truyền thống văn hóa dân tộc. Văn hóa mang ý nghĩa tổng quát và bao trùm trên cuộc sống con người. Văn hóa chính là cách thế riêng biệt để hiện hữu, để làm người cũng như để biểu lộ những mối tương quan với Trời, Đất và Người. Do đó, văn hóa là chìa khóa giúp chúng ta hiểu được nếp sống tôn giáo của người Việt Nam.

Chính từ quan điểm đó, khi nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam, Cadière đã nhận ra ngay tính đặc thù, đa dạng, phong phú, phức tạp, trộn lẫn hài hòa, chằng chịt các mối tương quan… khiến người ta có cảm tương như bị lạc vào núi rừng Trường Sơn: “Tôn giáo người Việt, với giả thiết người ta có thể dùng ở số ít, cho ta cái cảm giác tương tự như khi ta lạc vào núi rừng Trường Sơn: đó đây, những thân cây khổng lồ mà rễ của chúng đâm tới đâu nào ai biết được và chúng đỡ nâng cả một vòm lá phủ tràn bóng mát; những cành cây sà xuống mặt đất và đâm rễ chằng chịt; dây leo bò từ cây này sang cây khác, mà người ta chẳng biết chúng khởi đầu từ đâu và dường như cũng chẳng biết chúng đi về đâu […]; những chồi non thanh tao hiếm thấy; những bông hoa đại đóa, những bông hoa lạ lùng phủ đầy mặt đất, điểm rộ những chóp cây cao bát ngát như cả một tàn lửa hoặc nép mình giữa hai nạng cây; những vỏ cây sần sùi, đen đủi, nhầy nhụa gây khiếp đảm…”.

“Cũng thế, đối với người Việt Nam, thuộc tất cả các tầng lớp xã hội, tâm tình tôn giáo biểu lộ một cách mãnh liệt và chế ngự toàn diện cuộc sống: nó thấm nhập các hành vi thường nhật, từ những cái lớn nhất cho đến những cái tầm thường nhất, nơi những mạng lưới sít sao trong thực hành. Khi thì nó bộc lộ giữa thanh thiên bạch nhật, trong vẻ tráng lễ của các nghi lễ chính thức, nơi các đình chùa được nhà nước công nhận, khi thì âm thầm, lén lút, nơi gốc cây, hòn đá. Cũng có lúc người ta khấn vái kêu cầu, bằng ngôn ngữ trang trọng, kèm theo âm nhạc và vũ khúc, nhưng cũng có lúc người ta chỉ lâm râm khấn vái khi đi ngang qua ngôi miếu đáng sợ, hoặc chỉ đơn thuần phát lời nguyện ước thâm sâu tự đáy lòng. Người ta bái lạy, một cách chậm rãi, trang nghiêm, tôn kính, cúi đầu cung kính với áo thụng bằng lụa, khăn mão uy nghi; hoặc tìm đến thầy bói mù lòa, cô đồng ngây ngất bí ẩn, hay tìm đến thầy bùa, thầy pháp, bói quẻ chân gà, xin xăm xin thẻ ở sãi nhà chùa […]. Và cái đa dạng khách quan ấy phức tạp thêm bởi một chuỗi thực hành ở các địa phương mà người ta khó lòng nghiên cứu tường tận. Tất cả giống như một cánh rừng lớn ẩn chứa nhiều loại thảo mộc mà chẳng ai biết được”[15].

Mặc dù là một người châu Âu và hơn nữa một thừa sai Công giáo, L. Cadière không gay gắt chỉ trích, phê phán, kết án hay chế nhạo các hình thức thờ bái mang dáng vẻ ma thuật hay các tập tục có vẻ “ấu trĩ” của tôn giáo bình dân. Trái lại, cha cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng và coi chúng như một cách thế văn hóa riêng biệt để diễn tả niềm tin nơi Đấng Toàn Năng. Trong “Chỉ dẫn thực hành cho các thừa sai” cha đề cập đến thái độ tôn trọng đối với các biểu hiện tình cảm tôn giáo của dân Việt: “Nhà thừa sai dấn thân vào lãnh vực nghiên cứu tôn giáo cần phải hiểu biểu hiện lịch sử kỳ lạ nhất, những giải thích kỳ quặc nhất, những niềm tin đáng ngạc nhiên nhất. Ông nên lắng nghe tất cả với sự tò mò thích thú. Ông cần bắt chước các bác sĩ, khi đi khám bệnh luôn hỏi han bệnh nhân, kích thích lời giải thích, không bao giờ ngắt lời họ, không nói ngược lại họ, ngay cả khi họ kể lể những nỗi đau đớn tưởng tượng, hoặc sai lầm trong những chi tiết và những kết luận về tình trạng sức khỏe của mình. Nhà thừa sai không bao giờ được quên rằng những niềm tin mà người ta trình bày với ông là chân thành. Chúng biểu lộ một trong những tình cảm cao đẹp nhất của nhân loại, tình cảm tôn giáo, và dưới danh hiệu này, chúng có quyền được tôn trọng. Do đó không bao giờ được chỉ trích, chế giễu một cách ác ý”[16].

Cadière cần mẫn đi điền dã, tỉ mỉ ghi chép, kiên nhẫn quan sát và nhận ra nhiều sắc thái, nhiều cấp độ biểu lộ niềm tin tôn giáo ở Việt Nam. Cha trân trọng tất cả những hình thức biểu lộ niềm tin tôn giáo rất đa dạng ấy. Tuy nhiên, trong “cánh rừng tôn giáo” vừa bao la, vừa bí ẩn đó, cha sáng suốt nhận ra nhiều cấp độ và phận vị khác nhau. Việc tế Trời, cầu Trời với việc cúng tế quỷ thần là một thí dụ điển hình. Vì vậy, cha viết: “Khi người ta cầu khấn Trời, đơn giản họ chỉ cầu xin. Nhưng khi họ cầu khấn quỷ thần hoặc vong linh người chết thì việc cầu xin lại đi đôi với lễ vật dâng cúng như để tạ ơn hoặc nguôi lòng họ. Quả thật cung cách ấy hàm ý một sự khác biệt đối với quỷ thần và vong linh của người quá cố […]. Cả hai cách xử thế có lẽ phản ánh tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt, như đặt trời vào vị thế cao hơn nhiều so với các thần linh và vong linh. Chúng ta có thể khẳng định rằng chỉ ngần ấy đủ để đặt Trời ở một địa vị bên trên thần linh và vong linh, một hữu thể hoàn toàn siêu việt”[17].

Với cái nhìn rộng mở và sự trân trọng tính cá biệt nơi mỗi văn hóa, cũng như mỗi tôn giáo, Léopold Cadière đã khám phá những nét rất độc đáo của tâm hồn người dân Việt. Dưới con mắt của cha, người Việt là một con người tâm linh, một hữu thể tôn giáo. Trong “Triết lý dân gian Việt Nam”, cha nhận định sâu sắc: “Trong cuộc sống của người Việt Nam, chẳng một điều gì thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo. Tôn giáo chiếm hữu họ ngay từ khi mở mắt chào đời, dẫn dắt họ đi suốt đường đời cho đến lúc nhắm mắt. Thậm chí, cả ngay sau khi đã ly trần, tôn giáo vẫn còn phủ bóng trên họ. Khi nhận ra nguồn cội sâu xa mà các thần linh thuộc thế giới siêu nhiên đã gieo vãi trong tâm hồn người Việt Nam, người ta không thể phủ nhận rằng dân tộc này là một dân tộc hết sức sùng đạo”.

Dựa trên những phân tích khách quan tình cảm tôn giáo của người Việt Nam, Cadière đi đến một kết luận đầy cảm xúc: “Trước tiên cần phải công nhận rằng người Việt sống trong thế giới siêu nhiên. Nói chung, người Âu châu khó mà hiểu được tâm trạng này, bởi vì bên trời Âu, ngay cả khi còn sót lại một số thực hành hay thậm chí một vài niềm tin, thì cũng thường tự giới hạn trong một số giới hạn về thời gian hay không gian và họ chỉ dành cho nó một vài phút trong ngày, một phần không đáng kể trong hoạt động của mình. Người châu Âu, cho dù sùng đạo, vẫn không sống toàn bộ thời gian với Thượng Đế của mình. Người Việt, ngược lại, bất cứ thuộc tầng lớp xã hội nào, đều cảm thấy mình thường xuyên tiếp cận với các thần thánh trong thiên nhiên”[18].

5- Vị thừa sai và nhà nghiên cứu

Cũng như tất cả các thừa sai khác, ước nguyện thâm sâu của cha Cadière vẫn là trở thành thánh nhân. Cha quan tâm đến việc thánh hóa bản thân và từng khắc khoải đặt vấn đề: “Tại sao tôi không phải là một vị thánh?” Nhớ lại câu chuyện thánh Phanxicô đã ném cả gia tài vào lửa để thanh thản bước theo Đức Kitô, cha cũng băn khoăn tự vấn lương tâm về những gắn bó bản thân đối với các tác phẩm của mình: “Liệu tôi có dám sẵn sàng đốt cháy công trình nghiên cứu của tôi về “Phương ngữ Bắc Trung Bộ” hay “Lịch sử tỉnh Quảng Bình” không?

Trong thực tại cuộc sống, không phải lúc nào cũng dễ dàng dung hòa sứ vụ của nhà thừa sai với vai trò của nhà nghiên cứu, đặc biệt là trong giai đoạn cha phải đảm nhiệm chức vụ quản hạt ở Di Loan. Cha quyết tâm không để công tác nghiên cứu làm phương hại đến trách nhiệm mục tử. Nhưng vẫn còn lại đó những nuối tiếc, dằn vặt về việc phải mất quá thời giờ vào “những chuyện đẩu đâu”! Trong “Phác thảo về nhà Truyền giáo và công tác nghiên cứu”, cố Cả Cadière đã chân thành bộc lộ nỗi niềm tâm sự:

“Có những lúc – Chúa ôi, rất hiếm – những đám đông kia tự mình chuyển động. Với tác động của ơn sủng, người ta chẳng hiểu như thế nào và tại sao mà có nhiều người chạy đến với nhà truyền giáo để xin được ảo ban dạy dỗ và xin được phép rửa tội. Thế là, công việc ở đâu bỗng dưng ngập lên đầu nhà truyền giáo. Dễ hiểu thôi, bởi vì hễ nói tới tân tòng là phải nói đến hàng loạt những công việc bề bộn khác. Chẳng hạn, dạy dỗ, kiểm tra, lui tới những giáo đoàn mới để vực dậy sự dũng cảm của người yếu đuối và bảo vệ họ chống lại những điều phiền nhiễu, làm cho ra lẽ những vụ kiện cáo và những bách hại mà họ thường là mục tiêu; quan hệ xã hội với các viên chức để họ tôn trọng các quyền lợi chính đáng; viết thư khuyên răn, cổ vũ việc siêng năng kinh hạt cầu nguyện và ra tay giúp đỡ cả những người khốn khổ nữa. Đây thật là một đời sống nhiệt thành, một nhiệt thành thánh thiện, bởi vì làm theo ý Chúa. Phải thành thật nhìn nhận rằng cách sống như vậy chỉ dành dụm được rất ít thời gian cho việc nghiên cứu. Làm sao có thể rảnh trí để nghiên cứu trong khi cứ phải chạy tới chạy lui như con thoi, trong khi vẫn có nhiều người muốn đến gặp gỡ? Thật khó mà có thể duy trì tâm trí trong sự bình an được…”[19].

Bất chấp mọi khó khăn và nghịch cảnh, Cố Cả Cadière đã hoàn thành tốt đẹp cả hai sứ vụ: nhà thừa sai gương mẫu và nhà nghiên cứu nghiêm túc. Chính tình yêu chân thành và sâu đậm của cha đối với con người Việt Nam đã biến cha thành một vị thừa sai gương mẫu, cũng như một nhà dân tộc học can đảm đi tiên phong và khai mở nhiều lãnh vực. Nhất là, đã cống hiến trọn cuộc đời cho dân Việt Nam và nhất quyết chọn vùng đất khốn khổ này làm quê hương.

Một điều mang ý nghĩa và có quan trọng hơn cho công tác loan báo Tin Mừng đó là thực hiện sự kết hợp hài hòa giữa trách nhiệm thừa sai và công tác nghiên cứu văn hóa – tôn giáo. Cha Cadière đã cố gắng thực hiện công tác này và cho thấy cả hai liên kết và hỗ trợ đắc lực cho nhau, bởi vì muốn rao giảng Tin Mừng cho một dân tộc thì trước tiên phải hiểu con người và văn hóa của một dân tộc đó, mà muốn hiểu văn hóa của dân tộc nào thì điều kiện tiên quyết là phải am tường ngôn ngữ của họ, hơn nữa cần phải cảm nhận được “cái hồn” của ngôn ngữ đó. L. Cadière nêu ví dụ dí dỏm về tiếng “dạ”. Người bình dân Bình Trị Thiên thường trả lời các câu hỏi bằng tiếng “dạ” lễ độ và rất dễ thương. Nhưng tiếng “dạ” này rất hàm hồ và dị nghĩa: đôi khi mang ý xác định, nhưng thông thường là câu trả lới lễ độ của người bề dưới đối với bề trên. Do đó, tiếng “dạ” có nghĩa là “phải, đúng vậy”, nhưng cũng có nghĩa là “tôi không hiểu” hoặc “tôi không biết điều ông hỏi tôi”. Vì vậy, Cadière nghi ngờ giá trị khoa học của một số nhà trí thức mới đặt chân đến Đông Dương, một chữ tiếng Việt bẻ đôi cũng chưa biết, thế mà đã cho ra đời những ấn phẩm về văn hóa và tôn giáo Việt Nam!

Đối với lãnh vực tâm linh thì vấn đề càng tế nhị và khó khăn hơn. “Để có thể cảm nhận những sắc thái tinh tế và thâm sâu của tình cảm tôn giáo thì phải biết những sắc thái của ngôn ngữ. Để hiểu đúng đối tượng của một niềm tin, cần phải hiểu thấu đáo ý nghĩa của những từ diễn tả niềm tin này. Để đi sâu vào những uẩn khúc của tâm thức tôn giáo, cần phải đặt rất nhiều câu hỏi một cách rõ ràng, nhưng với tất cả sự tinh tế, mà một người chỉ bập bẹ tiếng Việt không thể làm được”[20].

Trong viễn cảnh đó, cha Cadière nêu rõ mối tương quan giữa nghiên cứu văn hóa- tôn giáo với công cuộc loan báo Tin Mừng. Trả lời cho những người lo ngại rằng việc nghiên cứu này đã đi lệch hướng, làm biến chất ơn gọi thừa sai và không thực hiện công tác loan báo Tin Mừng theo nghĩa chặt, cha Cadière quả quyết rằng “nhà thừa sai chuyên tâm nghiên cứu tôn giáo thực hiện đúng đắn công tác truyền giáo theo nghĩa là ông sẽ gia tăng những phương tiện hoạt động và giúp các đồng nghiệp dễ dàng chu toàn sứ vụ. Ông sẽ thực hiện công tác truyền giáo trong sứ vụ nghiên cứu của mình”[21].

6- Chiều kích văn hóa của sứ vụ loan báo Tin Mừng

Sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thời đại đa phức tôn giáo và đa văn hóa hôm nay đòi hỏi chúng ta phải tích cực dấn thân đối thoại với con người thời đại, với các trào lưu tư tưởng, với các tôn giáo và các nền văn hóa. Đây là mối tương quan giao thoa giữa “Tin Mừng hóa” với “hội nhập văn hóa”: Một mặt, Tin Mừng cần được diễn tả bằng những chất liệu và âm sắc độc đáo của mỗi nền văn hóa; mặt khác người tín hữu có nhiệm vụ tạo cơ hội để Tin Mừng thanh luyện và chiếu sáng các vùng tối nơi mỗi nền văn hóa. “Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Nhờ thiên ân, Tin Mừng phong phú hóa, từ bên trong, những phẩm tính thiêng liêng và những đặc tính của mỗi dân tộc và mỗi thời đại. Tin Mừng củng cố, bổ túc và tái tạo chúng trong Đức Kitô”[22].

Trên nguyên tắc, Tin Mừng không cần một đất riêng nào để sống và cũng chẳng đồng hóa với bất cứ nền văn hóa nào, nhưng trong thực tại lịch sử, công cuộc loan báo Tin Mừng không thể hoàn toàn tách rời khỏi các nền văn hóa. Theo các Giám mục Á châu, “văn hóa là không gian sống trong đó con người đến với Tin Mừng, mặt giáp mặt. Nếu đích thực văn hóa là thành quả của cuộc sống và hoạt động của một nhóm người, thì những con người thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn một phần bởi nền văn hóa trong đó họ đang sống [...]. Từ viễn tượng đó, ta nhận thức rõ hơn tại sao Tin Mừng hóa và hội nhập văn hóa tương quan với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn không đồng nhất với văn hóa. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa đến với những con người gắn bó sâu xa với một nền văn hóa, và do đó, công cuộc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi việc vay mượn các yếu tố rút ra từ các nền văn hóa nhân loại”[23].

Chính vì thế, trong mấy thập niên vừa qua Giáo hội đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối tương quan giao thao giữa đức tin và văn hóa[24]. Trong thông điệp “Bách chu niên“, Đức Gioan Phaolô II nêu rõ mối tương quan hỗ tương giữa đức tin với văn hoá như sau: “Không thể hiểu con người nếu chỉ dựa trên lãnh vực kinh tế, cũng như không thể xác định con người là gì nếu chỉ căn cứ vào việc họ thuộc về một giai cấp nào đó. Ta hiểu biết con người một cách trọn vẹn hơn nếu đặt con người vào bối cảnh văn hoá của họ, bằng cách lưu ý đến ngôn ngữ, lịch sử của họ, quan điểm của họ trước các biến cố nền tảng của đời sống, chẳng hạn như việc chào đời, tình yêu, lao động và cái chết. Trọng tâm của mọi nền văn hoá là thái độ của con người trước huyền nhiệm lớn lao nhất: mầu nhiệm Thiên Chúa. Từ căn bản, các nền văn hoá khác nhau là những cách thức khác nhau để đối diện với vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi người. Nếu loại bỏ vấn đề này thì nền văn hoá và đời sống luân lý của các quốc gia sẽ bị băng hoại”[25].

Chỉ có thể gọi là một cuộc loan báo Tin Mừng thành công khi chất men Tin Mừng thực sự đi vào lòng người, hội nhập vào truyền thống dân tộc và biến thành văn hóa. Trong văn thư thành lập “Hội Đồng Giáo hoàng về Văn hóa”, đức Gioan Phaolô II diễn tả một cách rõ rệt mối tương quan thâm thúy giữa Tin Mừng và văn hóa: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một cách chân thành[26].

Thư Mục vụ năm 2003 của Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi người Công giáo mạnh dạn dấn thân vào những môi trường mới: “Đó là những môi trường văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật… Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của Tin Mừng”[27].

Một số người vẫn băn khoăn tự hỏi, từ đó đến nay đã biến chuyển đáng kể nào trong nếp nghĩ, nếp sống và đường hướng loan báo Tin Mừng của người Công giáo Việt Nam? Chúng ta đã đầu tư như thế nào cho lãnh vực văn hóa hay cho các định hướng quan trọng liên hệ đến mối tương quan sinh tử giữa văn hóa với loan báo Tin Mừng? Sau cuộc Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Cố Cả Cadière chúng ta sẽ làm gì? Một cách cụ thể, xin nêu ba câu hỏi nho nhỏ:

a)- Léopold Cadière là một nhà ngôn ngữ học và dân tộc học đã tận tình tận nghĩa với Việt Nam nói chung và với Huế nói riêng. Chúng ta nên có một hành động đáp nghĩa nào tương xứng đối với ông?

b)- Cadière đã kết hợp hài hòa giữa nhà thừa sai với nhà nghiên cứu, giữa hội nhập văn hóa với sứ vụ loan báo Tin Mừng. Phải chăng đã đến lúc Giáo hội Công giáo Việt Nam cần can đảm dấn thân vào con đường này?

c)- Năm Thánh 2010 này cũng là năm kỷ niệm 70 năm ngày từ trần của thi sĩ Hàn Mặc Tử (11-11-1940). Chúng ta nên làm gì để tưởng niệm một thi sĩ tài năng, nhưng mệnh yểu, đã diễn tả niềm tin Công giáo bằng ngôn ngữ đẹp của thi ca?

Câu trả lời xin dành lại cho tất cả quý vị và quý bạn.

Chân thành cảm ơn.

N. T. H.


[1] Xem Vatican II, Dei Verbum, số 3-4.

[2] Thư gởi giáo đoàn Galát 2,16 và 21. Xin xem thêm Công vụ Tông đồ, 11-15 và Thư gởi giáo đoàn Galát 2, 1-21.

[3] Rhode, Voyages et Missions, Paris, 1653, 96.

[4] Bản dịch của Đại Chủng viện Xuân Bích, Huế : Linh mục Nguyệt san, số 43, 7-1965, tr. 435-436. Xin xem nguyên bản trong Henri Chappoulie, Aux origines d’une Eglise, Rome et les missions d’Indochine au XVIIe siècle, tome I, Paris, 1943, tr. 392-402.

[5] Trong A. Launay, Histoire de la mission de la Cochinchine…, Tập III, tr. 339.

[6] L. Cadière, Souvenirs d’un vieil annamitisant, Tạp chí Indochine, Ha Noi, 12-2-1943, số 129, tr. 3.

[7] Cadière, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Q. I, Préface VII, VII, IX.

[8] Xin coi L. Cadière, Souvenirs d’un vieil annamitisant.

[9] Xem L. Cadière, Souvenirs d’un vieil annamitisant, Tạp chí Indochine, Ha Noi, 149, 8-7-1943, tr. 7-9.

[10] Cao Xuân Hạo, Những công lao bị quên lãng, Nghiên Cứu Huế, NXB Thuận Hóa, Tập Bảy 2010, tr. 392.

[11] L. Cadière, Souvenirs d’un vieil annamitisant, sđd., tr. 7-8.

[12] Ibidem, tr. 9.

[13] L. Cadière, Syntaxe de la langue vietnamienne, École Française d’Extrême Orient, Paris, 1958, tr. XXIV.

[14] Xem Phạm Cao Dương, Nhập môn Lịch sử các nền Văn minh Thế giới, Sàigòn, 1972; Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, NXB Hội Nhà Văn, 2005; Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội Nhà văn, 2000 ; Trần Ngọc Thêm, Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Nxb Tp HCM, 1997; Đỗ Trọng Huề, “Văn hóa và văn chương”, Đặc san Gió Việt 1998, Calgary, Canada; Mặc Giao, Một cách nhìn về Văn hóa Việt Nam, Tin Vui, Hoa Kỳ, 2004; Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2008.

[15] L. Cadière, “La réligion des Annamites, trong Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, T.I, Saigon 1958, tr. 1-2.

[16] L. Cadière, “Instructions pratiques pour les missionnaires… “, trong Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, T.III, tr. 246.

[17] Cadière, Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt, NXB VHTT-H, 1977, tr. 237.

[18] Cadière, “La famille et la réligion en pays annamite”, sđd., tr. 75.

[19] Trích dẫn theo Lm G. Lefas, “Cha Léopold Michel Cadière”, bản tiếng Việt của Lê Đình Bảng, Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2010, tr. 467-468.

[20] Cadière, “Instruccions pratiques pour les missionnaires…, sđd., tr.243.

[21] Ibidem, 272.

[22] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 58.

[23] Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á châu, số 21,

[24] Xin coi Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn Xã hội Công giáo, NXB Phương Đông, 2010, tr. 219-236; Pontificio Consiglio della Cultura, Fede e Cultura, Lib. Edit. Vaticana, 2003.

[25] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 24.

[26] ngày 20 tháng 5 năm 1982.

[27] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh Việt Nam hôm nay, 10.10.2003, số 8.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn