Phản biện của tri thức

Thư Hiên

clip_image001

Ảnh minh họa.

TP - Từ vấn đề chất lượng sách giáo khoa (SGK), nhiều cuộc tranh luận nảy sinh và cuộc nào cũng lôi kéo sự quan tâm của giới học giả.

Sau khi chỉ trích chất lượng bộ sách giáo khoa hiện hành, nhiều học giả quy kết đó là hệ quả của cơ chế độc quyền: Mười mấy triệu học sinh phổ thông trong cả nước, từ đô thị tới nông thôn, từ miền ngược tới miền xuôi, từ đất liền tới hải đảo, từ nội địa tới biên ải xa xôi... tất thảy đều chung nhau dùng một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa cho phép sử dụng.

Không chỉ là băn khoăn của trí thức, chất lượng SGK ám ảnh đến cả cơ quan lập pháp. Năm 2005, khi sửa đổi Luật Giáo dục, vấn đề sách giáo khoa cũng được đưa ra bàn thảo với đề xuất của ban soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung là cho phép trong một chương trình cùng tồn tại nhiều hơn một bộ SGK.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Tiền Phong, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTN TN&NĐ của Quốc hội cho biết, sở dĩ Quốc hội không thông qua đề xuất này là bởi Bộ GD&ĐT còn “nợ” Quốc hội một số câu hỏi, trong đó có câu: nếu cùng một lúc biên soạn nhiều bộ SGK, kinh phí lấy ở đâu ra?

Câu hỏi này tưởng như một thách thức khó vượt qua khi mà Bộ GD&ĐT không dám lấy tiền nhà nước tung vào một cuộc đấu trí, đấu lý mà chưa biết hơn thua thuộc về ai; giới học giả thì đa phần đều không đủ kiên nhẫn và đam mê theo đuổi một công việc chẳng có mục tiêu rõ ràng. Kết cục một bộ sách vẫn là một bộ sách. Không có bộ sách nào ra đời sau những cuộc tranh cãi. Thậm chí, có những lời thách đố được tung ra: có giỏi thì đi mà làm sách! Xem ra chê thì dễ, làm thì khó...

Sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII (tháng 11 – 2009), Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung vẫn mang tinh thần cũ: một chương trình một bộ SGK, và bộ sách này do Bộ GD&ĐT “duyệt và quyết định chọn”. Điều này khép lại những tranh cãi tưởng như vô tiền khoáng hậu, “nên có một hay nhiều bộ SGK”.

Bất ngờ thay, tối 27 - 9, một sự kiện được tổ chức khiêm nhường với thể thức của một buổi giới thiệu sách khiến các trí giả giật mình: Chào lớp một! Sự kiện diễn ra chưa đầy hai tiếng đồng hồ nhưng là kết quả của một quyết tâm nung nấu suốt 30 năm: đưa đến cho quốc dân một sản phẩm sách giáo dục có ý nghĩa như một bộ sách giáo khoa hòng thay đổi hệ thống giáo dục.

Người chủ trì nhóm biên soạn bộ sách này không xa lạ với giới học giả: nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn. Ông đã cùng giáo sư Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của công nghệ giáo dục Thực nghiệm - mang lại niềm hy vọng mới cho dư luận xã hội về một cuộc cải cách giáo dục những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước.

Tại cuộc hội thảo, học giả Phạm Toàn khẽ khàng, “mấy cuốn sách tuy bé bỏng, nhưng ra đời chật vật...”. Mấy cuốn sách bé bỏng..., nhưng chúng có sức nặng hơn tất cả các cuộc tranh luận nhiều năm qua dồn lại. Nó thể hiện một cách phản biện hiệu quả của trí thức: tạo mẫu đối trọng.

Mẫu có khả thi và chất lượng phụ thuộc vào phán xét của xã hội, của những người sử dụng sách. Nhưng dư luận nghiêng mình trước cách tranh luận mà học giả Phạm Toàn cùng cộng sự đưa ra trong cuộc bàn cãi chưa có hồi kết về chất lượng sách giáo khoa hiện hành.

T. H.

Nguồn: Tienphong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn