Phim Thái Tổ Lý Công Uẩn: Sao còn chưa quyết?

Nguyễn Duy

clip_image001

 

Đoàn làm phim Đi tìm dấu tích ba vua bên mộ vua Hàm Nghi tại làng Thonac, vùng Périgord, miền nam nước Pháp - Ảnh: N.D.

 
Bài báo, của Nguyễn Duy, đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 30/7/2008, còn bài thơ, của Bằng Việt, đăng trên tạp chí Nhà Văn (Hội Nhà văn VN) số 7-2008, tức cách đây hơn hai năm. Như thế, cái hồi kết thảm hại của bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long đã được tiên đoán rất sớm, ngay từ lúc phương án làm phim chính thức chưa được duyệt. Tất cả những lời can gián ấy đều bị bỏ ngoài tai.

Khi nhà lãnh đạo không trân trọng phản biện, không xây dựng một cơ chế khuyến khích phản biện; trái lại tỏ thái độ cảnh giác đối với bất kỳ ai nói ngược, thậm chí công khai ấn định lề phải / lề trái, đưa ra ranh giới vấn đề gì được / không được bàn, thì tất cả ý kiến phản biện hoặc chỉ là “giả phản biện” hoặc có nguy cơ bị dán nhãn “phá rối”, thậm chí “phản động”! Kết quả là xã hội không có cơ chế tự điều chỉnh, làm nảy sinh ngày càng nhiều những rạn nứt không thể cứu vãn. Trong ý nghĩa đó, vụ bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long chỉ là một trong những trường hợp kiểu IDS, bauxite Tây Nguyên, hay, mới cách đây hơn 10 ngày, văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo việc công bố và lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng, mà thôi.

Bauxite Việt Nam

TT - Tôi đang theo đoàn làm phim ký sự truyền hình Đi tìm dấu tích ba vua do đài truyền hình TP.HCM (HTV) và Công ty tư nhân BHD hợp tác thực hiện với phương thức công ty này chịu trách nhiệm toàn bộ kinh phí (khoảng nửa triệu USD).

Đoàn chúng tôi (*) đã "quay" trọn một vòng xuyên Việt, Sài Gòn - Hà Nội rồi ngược lại, suốt năm tuần không nghỉ một ngày nào. Tiếp theo, lại năm tuần nữa cũng không nghỉ ngày nào, "quay" vòng quanh nước Pháp và đảo La Réunion (tận Nam Ấn Độ Dương, thuộc châu Phi). Vài ngày nữa, nhóm "quay bổ sung" sẽ bay trở lại Pháp và Algeria, đi tìm tiếp những dấu tích vua Hàm Nghi thời lưu đày ở đó. Kinh phí "xã hội hóa" đã được tính toán rất chi li đến từng xu, từng xen, buộc chúng tôi phải "thắt lưng buộc bụng", dè sẻn chi tiêu tối thiểu, đôi khi phải "ăn nhờ ngủ đậu" như hồi còn "chiến tranh nhân dân"... Nhưng ai nấy đều vui vì được làm việc mình muốn làm, hào hứng làm và hi vọng thành công.

Năm ngoái, đoàn làm phim của nhà văn Nguyễn Hồ và đạo diễn Đào Anh Dũng đã thực hiện thành công phim truyền hình dài kỳ Ký sự Tân Đảo, cũng HTV hợp tác với Công ty tư nhân BHD bằng vốn "xã hội hóa" do công ty này đầu tư. Trước đó nữa, HTV đã làm nhiều phim lớn nhờ vốn "xã hội hóa" như Mekong ký sự, Ký sự hỏa xa... Cũng không ít phim truyện của các hãng đã ra lò nhờ vốn "xã hội hóa", cả người chi tiền lẫn người tiêu tiền đều phải chịu trách nhiệm với "đồng tiền dính liền khúc ruột" và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của công việc. Nó rất khác với cách chi tiền và tiêu tiền ngân sách nhà nước, tiền "chùa", chi lẫn tiêu đều vô tội vạ mà chẳng ai phải chịu một tí trách nhiệm nào về hiệu quả, thậm chí về hậu quả của công việc.

Nhiều bộ phim "tiền tấn" của ngân sách nhà nước còn "đắp chiếu để đó”, nhiều tượng đài "năm cha ba mẹ” rất phản cảm, cũng như nhiều dự án "vô bờ bến" đầu tư theo kiểu "chia chác" cho các hoạt động văn hóa, sáng tác văn học - nghệ thuật mà hầu như chẳng thu về được gì đáng gọi là giá trị, thì nên gọi đó là lãng phí hay tham nhũng? Hay là gì nữa?...

Vừa trở về từ đảo La Réunion xa xôi, đoàn làm phim "ba vua…" chúng tôi được nghe bạn bè bàn luận xôn xao về việc Nhà nước đang đắn đo có nên dừng đầu tư cho bộ phim "khổng lồ" về Lý Công Uẩn? Nghe đâu cũng cả trăm tỉ đồng, tức khoảng hàng nghìn căn nhà tình nghĩa cho người nghèo, nếu quy ra trâu cày thì khoảng hàng vạn con. Để làm gì nhỉ? Thì để kỷ niệm một nghìn năm ngày cụ Lý về Thăng Long.

Thiết nghĩ, đó là việc nên làm, nếu làm tốt, làm xứng đáng một tác phẩm nghệ thuật giá trị dâng cúng tổ tiên. Còn nếu chỉ vì chạy theo thành tích kỷ niệm suông mà "làm lấy được", làm bôi bác, thậm chí lợi dụng cơ hội kỷ niệm mà "làm tiền" nhân dân thì có tội với tổ tiên đấy. Thà đem tiền ấy làm nhà cho người nghèo, mua trâu cày cho nông dân, thì chắc các ngài sẽ hài lòng hơn là đem tiền ấy nhờ láng giềng làm cỗ cúng giỗ Tổ (biết đâu lại đi cúng bánh dỏm, bánh thiu như đã từng xảy ra). Tại sao còn đắn đo chưa "quyết" nhỉ?

Để "rộng đường dư luận", tôi xin dẫn nguyên văn "lời bàn" bằng thơ của nhà thơ Bằng Việt – nguyên phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội, đương kim chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội – in trên tạp chí Nhà Văn (Hội Nhà văn VN) số 7-2008. Xin cảm ơn nhà thơ Bằng Việt vui lòng cho tôi sử dụng bài thơ thời sự của ông trong bài viết này.

N. D.

Phim về Lý Công Uẩn

Tới mốc nghìn năm còn chín trăm ngày
Phim chất lượng cao dễ gì đạt được
Thảo luận mãi ngỡ chừng nát nước
Chưa ai chịu ai có sáng kiến gì
Một người thăm dò "Hay cứ thuê thầy ngoại  
Đạo diễn nước mình chưa đủ chắc ăn"
Người khác bàn thêm, nghi ngại, băn khoăn
"Đến thành quách, cung đình...cũng nên nhờ nước bạn"
Người thứ ba hùng hồn hơn, lên giọng phán:
"Thế còn ngựa nghẽo không thuê thì ông biết quay gì?
Bao trận đánh hào hùng cũng sẽ vứt đi
Nếu chỉ kéo ba chú ngựa còm thuê từ đoàn xiếc
Chạy tới chạy lui thở sùi bọt mép
Y hệt trong phim Đề Thám thuở nào…"
Ba người nói xong, nhẹ nhõm thở phào
Ý kiến xem ra đã gần thống nhất
Tôi bèn tặc lưỡi: "Thôi thuê quách diễn viên Hàn Quốc
Thật ăn khách, bảnh trai, vào vai Lee Koong Wan!(**)"…

Bằng Việt

 

Lộ trình phim Thái tổ Lý Công Uẩn

Năm 2002, 15 nhà biên kịch được UBND TP Hà Nội mời viết đề cương tham dự cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tháng 10-2002, cuộc thi kịch bản phim truyện kết thúc với giải nhất trao cho kịch bản Hội thề Đông Quan của Nguyễn Quang Thân và giải nhì trao cho Thái tổ Lý Công Uẩn của Đinh Thiên Phúc.

15-6-2005: thường trực Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chọn kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn đưa vào làm phim và bắt đầu tiến hành "đấu thầu đạo diễn". Tiến độ bắt buộc là tháng 10-2010 phải có phim công chiếu. Sau hai năm "đấu thầu đạo diễn" thất bại, đầu năm 2007, dự án làm phim chính thức được giao cho Hãng Phim truyện VN (PTVN).

12-2007: công bố thành phần đoàn làm phim với hai đạo diễn tên tuổi là Đỗ Minh Tuấn và Lưu Trọng Ninh.

6-3-2008: Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tuyên bố Hà Nội chưa duyệt dự toán bộ phim. Công luận xôn xao vì kinh phí dự trù lên đến 200 tỉ đồng.

20-3-2008: giám đốc Hãng PTVN Lê Đức Tiến cho biết hãng không làm phim bằng mọi giá, sẽ giảm kinh phí xuống còn khoảng trên 100 tỉ đồng.

12-7-2008: giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Phạm Quang Long tuyên bố giãn tiến độ làm phim vì nội bộ đoàn làm phim chưa thống nhất, kịch bản chưa hoàn chỉnh và nhiều công trình có kinh phí lớn phải tạm ngưng để thực hành tiết kiệm, giảm đầu tư công.

28-7-2008: Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Tiến Thọ cho biết Hà Nội có quyền giãn tiến độ của bộ phim vì là chủ đầu tư. Lỗi thuộc về Hãng PTVN và các nghệ sĩ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết bộ chủ quản đã yêu cầu Hãng PTVN phải trình hai phương án làm phim khác. Phương án thứ nhất: giảm quy mô, rút kinh phí xuống còn khoảng 80 tỉ. Phương án thứ hai: huy động các nguồn vốn xã hội hóa và Nhà nước chỉ phải bỏ vào khoảng 50 tỉ. Tuy nhiên, đến thời điểm này cả hai phương án trên vẫn chưa hoàn chỉnh và được trình chính thức.

/TH.H.

(*) 3/6 người đã ở tuổi hưu trí, gồm nhà biên kịch Nguyễn Hồ (66 tuổi), nhà văn Ngô Thảo (68 tuổi), nhà thơ Nguyễn Duy (60 tuổi) - ghi chú của Tuổi Trẻ.

(**) Lee Koong Wan: Tên phiên âm Lý Công Uẩn theo kiểu Hàn Quốc - ghi chú của tác giả Bằng Việt.

N. D.

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn