Sở hữu: toàn dân hay quốc gia?

Tiến Tài thực hiện

clip_image002Ông Phạm Duy Nghĩa.

(TBKTSG) - Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đang trong quá trình sơ kết. Một trong những vấn đề được đặt ra là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. TBKTSG đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, trưởng nhóm chuyên gia của báo cáo, về vấn đề này.
 

TBKTSG: Báo cáo của nhóm chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất táo bạo. Tuy nhiên, không rõ là nhóm đã dựa trên nền tảng lý luận nào? Hay nói cách khác, những đề xuất ấy liệu có đảm bảo cho thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN?

- Ông Phạm Duy Nghĩa: Trung ương Đảng có hẳn một nghị quyết bàn về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Về vấn đề này, nhìn chung có hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất, định hướng XHCN nghĩa là phải sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, khống chế sở hữu tư nhân và kiểm soát kinh tế tư bản.

Cách tiếp cận thứ hai là theo định lượng. Ví dụ: người nghèo phải được giúp đỡ; những đối tượng dễ bị tổn thương phải được đảm bảo về an sinh phúc lợi; việc phát triển phải đảm bảo bền vững; phân bổ phúc lợi phải đồng đều...

Muốn phúc lợi được phân bổ một cách tương đối công bằng, thì nguồn tài nguyên quốc gia phải được quản lý và các thế hệ phải có quyền kiểm soát. Những nhóm lợi ích ngày càng thao túng chính sách phải được kiểm soát, còn những nhóm không có tiếng nói hoặc tiếng nói yếu ớt cần phải được nâng đỡ. Nhóm chuyên gia chúng tôi đang đi theo hướng thứ hai.

TBKTSG: Một trong những đề xuất quan trọng của nhóm là bỏ khái niệm sở hữu toàn dân và thay vào đó là sở hữu quốc gia và sở hữu của chính quyền địa phương tỉnh, huyện, xã. Ông có thể giải thích kỹ hơn về đề xuất này?

- Sở hữu toàn dân là một khái niệm được chính trị hóa, khiến cho nó trở nên không rõ ràng. Do đó, khi triển khai vào các khái niệm pháp lý thì không dùng được vì không thể xác định ai có chủ quyền thực sự. Tiếp nữa là khi khái niệm không rõ thì nó tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích kiểm soát được tài nguyên, biến những tài nguyên của quốc gia trở thành của tư.

Tôi lấy ví dụ, hôm rồi tại cuộc hội thảo người ta tranh luận về trường hợp bán trụ sở ở 48 Hàng Bài, Hà Nội. Nguyên đây là một chỗ rất đẹp, trước kia cơ quan xuất nhập cảnh, Bộ Công an dùng làm trụ sở, nhưng mới đây nó đã được bán cho tư nhân. Lập tức một câu hỏi đặt ra: Liệu cơ quan nhà nước có quyền bán trụ sở không? Ví dụ nhỏ nói trên cho thấy khái niệm toàn dân thật sự không giúp xác định rõ ràng ai là chủ cả. Không rõ ràng nên không dùng được. Vì vậy, cần sử dụng khái niệm khác.

Khái niệm sở hữu quốc gia mà chúng tôi đề xuất thực ra đã có trong Hiến pháp 1946. Mặt khác, sở hữu quốc gia phải được hiểu là tài sản bao gồm của nhiều thế hệ gộp lại. Lấy ví dụ như bờ biển chẳng hạn. Chắc chắn nó không phải chỉ của thế hệ ngày nay mà là của hàng bao thế hệ cha ông mình đã giành được, đồng thời nó cũng phải được để dành cho các thế hệ mai sau. Nay bờ biển được khoanh lại, biến thành những resort như ở Mũi Né, Bình Thuận, hóa ra của cải của cả dân tộc đã biến thành tài sản tư, tài sản của một vài ông chủ.

Thật khó tưởng tượng là ngay cả kênh nước thải cũng bán luôn cho tư nhân. Ở Hà Nội, có những nơi như trên đường Phan Kế Bính, tư nhân mua những đoạn kênh thoát nước rồi đổ bê tông lên phía trên, sau đó cho người khác thuê lại làm mặt bằng kinh doanh. Nếu kể ra hết thì đây thực sự là một cuộc chuyển đổi từ của công sang của tư với quy mô khổng lồ chính vì sở hữu không rõ ràng.

Khác với sở hữu toàn dân, khi xác lập sở hữu quốc gia thì chúng ta minh định được tài sản ấy là của dân tộc, có tính kế thừa từ thế hệ này đến thế hệ khác, tức là mang tính trường tồn và khi muốn sử dụng tài sản ấy thì phải có thái độ đối với các thế hệ. Trong sở hữu quốc gia, chúng tôi chia thành hai loại. Loại thứ nhất, ví dụ như bờ biển, thuộc sở hữu của chính quyền trung ương. Loại thứ hai, những tài sản thuộc sở hữu của chính quyền địa phương, ví dụ: nhà máy thoát nước, kênh rạch, trụ sở của các sở... Chúng tôi xin lưu ý, mục đích xác lập sở hữu quốc gia ở đây không phải để thay đổi hình thức sở hữu mà mục đích là làm rõ ai là chủ của khối tài sản.

TBKTSG: Vậy ai sẽ quản lý những khối tài sản ấy?

- Đã là của dân thì dân phải quản! Nhưng quản thông qua đại diện, tốt nhất là một ủy ban quản lý công sản độc lập, chuyên nghiệp, tương tự như quỹ tín thác vậy. Tổ chức này được giao nhiệm vụ quản lý công sản và chịu trách nhiệm trước cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân). Đây là mô hình không do chúng tôi tự nghĩ ra mà thực tế đã có ở Trung Quốc, Úc, Singapore...

TBKTSG: Lúc này, vai trò của Chính phủ với tài sản quốc gia sẽ như thế nào?

- Chính phủ sẽ mất vai trò như là tổng quản đối với khối tài sản công. Chính phủ không được tùy tiện vì tài sản này là của toàn dân. Chính phủ là những nhà chính trị nên họ luôn luôn muốn đầu tư để có lợi cho các cử tri của họ nhằm được tái bổ nhiệm. Để tránh hiện tượng đó, phải tách khối tài sản đó ra khỏi Chính phủ.

Đương nhiên, Chính phủ có quyền đề xuất. Ví dụ, chúng tôi cần từng này tiền để mua tàu ngầm. Đề xuất của Chính phủ sẽ được trình cho cơ quan dân cử và có thể được chấp nhận. Như vậy, không ai cấm Chính phủ không được quyền sử dụng tài sản công nhưng quy trình sử dụng đó phải được minh bạch và thông qua cơ quan dân cử.

TBKTSG: Quay lại trường hợp bán trụ sở 48 Hàng Bài. Liệu Chính phủ hay một cơ quan nào đó của chính quyền có tài sản riêng của mình và có quyền bán tài sản đó hay không?

- Nhiều quốc gia, họ quy định thế này: một sở không phải là một pháp nhân, chính quyền thành phố mới là một pháp nhân. Do đó, sở không có quyền bán trụ sở của mình cho người khác vì tài sản ấy là của chính quyền thành phố. Muốn bán thì phải báo cáo, xin phép cơ quan quản lý công sản thành phố và cũng chỉ có cơ quan này mới được quyền bán. Tương tự, một bộ hay bất kỳ một cơ quan nào khi đụng chạm đến tài sản công cũng buộc phải hành xử như vậy.

TBKTSG: Nhà nước hiện đang nắm giữ một khối tài sản khổng lồ là vốn đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước. Xử lý khối tài sản này ra sao?

- Đảng đã từng chỉ đạo tách quản lý hành chính ra khỏi kinh doanh. Tuy nhiên đây là việc vô cùng khó. Như một bộ có 200 doanh nghiệp thì phần phúc lợi nộp lại cho bộ cũng đủ giúp cho nhân viên của bộ tiền ăn trưa. Nay cúp cái đó đi thì anh em họ không có tiền ăn trưa nữa cũng là phiền toái rồi. Ý tôi muốn nói rằng 20 năm vừa rồi không thể tách được vì các lợi ích giằng xé, đan xen nhau. Nhưng chúng ta không thể để duy trì tình trạng này mãi. Kinh doanh không ra hồn mà làm chính sách cũng chẳng ra hồn. Một bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tới 250 doanh nghiệp thì chỉ riêng việc trình báo cáo kế hoạch, dự án, nhân lực... đã hết hơi rồi.

Quay lại đề xuất của chúng tôi. Đó là phải thiết lập một thiết chế công quản nằm ngoài Chính phủ, khối tài sản này do Quốc hội, các hội đồng nhân dân kiểm soát. Vốn đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước cũng không nằm ngoài phạm vi quản lý này. Khi đó, Quốc hội sẽ đưa ra các yêu cầu để sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả.

Tuy nhiên, hiệu quả ở đây không có nghĩa là nhất thiết phải có lãi mà phải theo yêu cầu của cử tri. Ví dụ in sách giáo khoa thì phải cung cấp đủ cho học sinh ở tất cả các nơi, hoặc kinh doanh điện thì phải kéo được về nông thôn... Nghĩa là có thể phải bù lỗ. Về lâu dài, Nhà nước cũng chỉ nên đầu tư vào một số lĩnh vực tối cần thiết như cơ sở hạ tầng, điều phối sân bay, định chuẩn, an toàn hàng hải... Còn những lĩnh vực mà tư nhân người ta làm rồi Nhà nước không nên cạnh tranh. Ví dụ như may mặc.

Nguồn: Thesaigontimes

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn