Tại sao nông dân chỉ lời 30% so với giá thành?

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Qui định mua lúa “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất” được nêu trong hai văn bản của Chính phủ: Nghị quyết số 63/NQ-CP “Về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” và Dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo (lần thứ 4) do Bộ Công thương biên soạn. Tôi sẽ phân tích sự bất hợp lý của qui định này trong cả hai văn bản.

Tôi xin được nói rõ, đừng ai giải thích rằng đây là qui định mức lãi “tối thiểu” nên giá thu mua lúa có thể cao hơn.

Trong thực tế, nếu cho phép “thương nhân thu mua lúa đảm bảo cao hơn tối thiểu 30% so với giá thành bình quân chung” (Điều 19 khoản 3 của Dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo (lần thứ 4)), thì thương nhân sẽ mua lúa của nông dân chúng tôi với giá 30,00000000000…1 %. ( 30,0000000000000…1% > 30%).

Không thương nhân nào lại dại dột mua lúa giá cao khi được phép mua lúa giá thấp. Cho nên lời tối thiểu 30% cũng có nghĩa là lời đúng 30%.

Đảm bảo an ninh lương thực bằng cách nào?

Chúng ta là một nước xuất khẩu mỗi năm 6 triệu tấn gạo, không thể thiếu gạo ăn, nên nói đến an ninh lương thực là nói đến việc đảm bảo giá lúa gạo rẻ cho người ăn gạo.

Để đảm bảo giá gạo rẻ cho người ăn gạo khi giá lúa gạo trên thị trường thế giới tăng cao, Chính phủ phải dùng ngân sách trợ giá cho người ăn gạo, đồng thời mua lúa của nông dân đúng với giá bán gạo trên thị trường thế giới.

Khống chế giá lúa gạo trong nước ở mức 30% so với giá thành, khi giá lúa gạo trên thị trường thế giới tăng cao, nghĩa là Chính phủ bắt nông dân phải đem thu nhập còm cõi của mình đảm bảo giá gạo rẻ cho người ăn gạo.

Bán gạo xuất khẩu với giá 380 đô la Mỹ/ tấn là đã đủ để mua lúa cho nông dân lời trên 30% so với giá thành. Giá bán gạo 380 đô la Mỹ/ tấn là giá bán rẻ như bèo, lúc nào cũng bán được. Vì vậy đảm bảo nông dân lời trên 30% so với giá thành cũng như không đảm bảo gì cả.

Cho nên qui định “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất” thực ra là khống chế giá lúa gạo trong nước cho người ăn gạo, chớ chẳng bảo đảm gì cho nông dân gì cả.

Tại sao nông dân chỉ được lời 30% so với giá thành trong điều kiện xuất khẩu gạo bình thường?

Lúa gạo của nông dân đem đi xuất khẩu, vậy giá thu mua lúa phải qui ra từ giá bán gạo xuất khẩu. Tại sao nông dân chỉ được lời 30% so với giá thành trong điều kiện xuất khẩu bình thường?

Bán gạo xuất khẩu giá cao sao lại ra qui định mua lúa của nông dân giá thấp?

Mức giá thu mua lúa cho nông dân lời 30% so với giá thành giao động trên dưới 4.000 đồng/ kg. Qui ra giá bán gạo xuất khẩu khoảng 350 đô la Mỹ/ tấn.

Theo Hải quan Việt Nam Online: Năm 2008 lượng gạo xuất khẩu 4,74 triệu tấn đạt kim ngạch 2,89 tỷ đô la Mỹ, giá bình quân xuất khẩu gạo cả năm là 610 đô la Mỹ/ tấn.

Năm 2009 lượng gạo xuất khẩu 5,96 triệu tấn đạt kim ngạch 2,89 tỷ đô la Mỹ, giá bình quân xuất khẩu gạo cả năm là 446 đô la Mỹ/ tấn.

Như vậy nếu tính cả 2 năm 2008 và 2009: lượng gạo xuất khẩu 10,7 triệu tấn, kim ngạch 5,55 tỷ đô la Mỹ, giá bán gạo bình quân là 518 đô la Mỹ.

Giá bán gạo bình quân của 2 năm là 518 đô la Mỹ/ tấn, thế nhưng lại ra qui định cho phép thương nhân (tức VFA) mua lúa của nông dân với giá qui ra giá bán gạo chỉ có 350 đô la Mỹ/ tấn là cớ làm sao?

Qui định “các thương nhân thu mua lúa đảm bảo cao hơn tối thiểu là 30% so với giá thành bình quân chung”, vậy khi VFA bán gạo xuất khẩu 518 đô la Mỹ/ tấn, VFA có quyền mua lúa của nông dân với giá lúa qui ra giá gạo là 380 đô la Mỹ/ tấn chăng? Vì giá lúa qui ra gạo 380 đô la Mỹ nông dân lời đến 32,5%. Còn doanh nghiệp thì bỏ túi 138 đô la Mỹ/ tấn liệu có hợp lý không?

Qui định giá mua lúa cao hơn tối thiểu 30% so với giá thành, thực chất là giúp VFA tước đoạt hết lợi nhuận của nông dân một cách hợp pháp.

Tại sao không mua lúa theo giá bán gạo xuất khẩu, mà lại ra qui định tách giá thu mua lúa ra khỏi giá bán gạo xuất khẩu? Nhóm lợi ích VFA có tác động gì vào qui định này không?

VFA kinh doanh theo kiểu “ngồi mát ăn vàng” đang chiếm hết lợi nhuận của nông dân. Sao không ấn định lợi nhuận cho VFA mà khống chế lợi nhuận của nông dân?

Làm sao ấn định giá thành sản xuất lúa trước mỗi vụ thu hoạch?

Giá thành sản xuất 1kg lúa = chi phí trên 1 ha / năng suất trên 1 ha.

Năng suất lúa trên 1 ha chỉ có sau khi thu hoạch xong và cân số lúa đã thu hoạch. Vậy chưa thu hoạch làm sao có được năng suất để tính giá thành?

Năng suất là một biến số có nhiều ẩn số. Năng suất tùy thuộc vào thời tiết, sâu bệnh, dịch hại, tay nghề của nông dân, tùy thuộc địa phương… Năng suất mùa này khác mùa trước, năm rồi khác năm nay, vậy làm sao có mà tính giá thành trước mỗi vụ thu hoạch. Tính thí xác chăng?

Thu nhập của hằng triệu nông dân được ấn định bằng cách ước tính giá thành chăng? Hay tạm tính? Rồi sau khi nông dân thu hoạch lúa ra từng đám ruộng mà cân, sau đó tính giá thành chính xác?

Tôi đố tác giả của việc ấn định “mua lúa đảm bảo cho nông dân lãi tối thiểu 30%” đưa ra được giá thành chính xác 1 kg lúa trước vụ thu hoạch.

Nông dân sống bằng thu nhập chứ chẳng phải bằng lợi nhuận.

Qui định giá thu mua lúa là để đảm bảo đời sống của nông dân, mà muốn đảm bảo đời sống của nông dân phải nói đến thu nhập.

Thu nhập của nông dân = năng suất * diện tích * lợi nhuận.

Muốn cho thu nhập của nông dân hợp lý, phải điều tra năng suất và diện tích của nông dân rồi mới tính % lợi nhuận sao cho thu nhập của nông dân đủ sống.

Ấn định giá mua lúa mà chỉ căn cứ duy nhất vào lợi nhuận, là một cách làm phiến diện và vô nghĩa. Vì năng suất thấp, diện tích ít thì dù lợi nhuận hơn 30% nông dân vẫn ngày càng nghèo hơn.

Tại sao gắn thu nhập của nông dân vào giá thành sản xuất lúa?

Điều 19 khoản 3 có thể khai triển thành công thức như sau: giá thu mua lúa = giá thành sản xuất lúa + 30% giá thành sản xuất lúa.

Như vậy, nếu muốn được tăng giá thu mua lúa nông dân chúng tôi phải tăng giá thành sản xuất.

Điều này không khó. Nông dân chúng tôi có thể tăng giá thành lên 5.000 đồng/ kg lúa một cách hợp lý không ai bắt bẻ được bằng cách giảm năng suất và tăng chi phí.

Thí dụ: tôi sẽ tăng phân bón, tăng số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, mua những loại thuốc mắc tiền, làm cho lúa tốt đến nỗi nó sập (ngã đổ) hết thì chi phí tăng mà năng suất giảm nên giá thành tăng.

Thế nhưng khi giá thành lúa lên 5.000 đồng/kg giá bán phải là 6.500 đồng/ kg liệu VFA có bán được gạo ra thị trường thế giới không?

Nông dân chúng tôi tìm mọi cách hạ giá thành sản xuất lúa để có lợi nhuận cao, nay qui định lợi nhuận tỷ lệ thuận với giá thành khác nào muốn nông dân tăng giá thành sản xuất lúa.

Giá bán lúa gạo phụ thuộc chất lượng chứ chằng phụ thuộc giá thành.

Những giống lúa mùa thơm như lúa Nàng Thơm Chợ Đào, thời gian sinh trưởng khoảng 6 – 7 tháng, ít sâu bệnh, giá thành thấp hơn cả giống lúa ngắn ngày, nhưng giá bán rất cao. Giá bán cao ở đây là do chất lượng thơm ngon của hạt gạo.

Đến Chợ Đào mua lúa Nàng Thơm bằng cách tính lời tối thiểu 30% so với giá thành, nông dân rượt chạy… mất dép.

Lúa đông xuân có chất lượng cao hơn lúa hè thu, mùa đông xuân có năng suất cao hơn mùa hè thu đến cả tấn/ ha, mà chi phí lại ít hơn, vì thế giá thành của vụ đông xuân rất thấp so với vụ hè thu. Vậy chẳng lẽ bán lúa vụ đông xuân thấp hơn lúa vụ hè thu? Trong thực tế hiện nay giá lúa đông xuân thường cao hơn lúa hè thu rất nhiều.

Giá bán lúa gạo do Chính phủ tự ý quyết định chớ chẳng phụ thuộc giá thành.

Thái Lan bán gạo 5% tấm hơn Việt Nam từ 100 đến 160 đô la Mỹ/ tấn, cao hơn khoảng 30%. Vậy chẳng lẽ nông dân Thái Lan làm lúa có giá thành cao hơn nông dân Việt Nam đến 30% hay sao?

Chính phủ Thái Lan ấn định giá bán gạo cao mà chẳng cần quan tâm đến giá thành. Ai đồng ý thì mua, không ai mua thì đem lúa bỏ vào kho, từ từ bán, nên họ bán với giá rất cao so với giá bán gạo của Việt Nam.

Lúa gạo là sản phẩm đặc biệt, nông dân trồng một năm chỉ được hai vụ, nhưng chỉ một vụ đông xuân ăn chắc, còn vụ hè thu năm lời năm lỗ. Vì vậy Chính phủ phải ấn định giá bán hợp lý để nông dân làm lúa sống được.

Đi bán gạo tại sao lại công bố giá thành lúa cho khách hàng biết?

Đi bán gạo mà công bố giá thành cho khách hàng biết, rồi lại công bố rằng Chính phủ cho phép bán gạo với giá miễn sao nông dân lời 30% so với giá thành, tính ra 1 tấn gạo chỉ khoảng 350 đô la Mỹ/ tấn. Vậy làm sao bán được gạo với giá cao? Làm sao mà không bị khách hàng ép giá?

Nói thiệt, buôn bán gạo phải khôn ngoan một chút. Thiệt thà cỡ đó, còn gì là lúa gạo của nông dân?

Tóm lại

Giá thu mua lúa của nông dân phải căn cứ vào giá bán gạo xuất khẩu, giá bán gạo xuất khẩu phải qui chiếu về giá bán gạo cùng loại của Thái Lan.

Qui định “thương nhân thu mua lúa đảm bảo cao hơn tối thiểu là 30% so với giá thành bình quân chung” hay “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất” là qui định để khống chế giá lúa gạo, không cho giá mua lúa liên thông với giá bán gạo trên thị trường thế giới.

Việc khống chế này Chính phủ được lợi vì hạn chế được lạm phát. VFA được lợi vì lấy được lợi nhuận nhiều hơn một cách hợp pháp. Còn nông dân thì sẽ dần đi đến phá sản.

Ngày 24/9/2010

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn