Thư giãn Chủ nhật: Tác giả “Bút Chẳng Tà” ngủ mê rồi!

Đâu Chăng Tá

image Xin giới thiệu với các bác, em có tên là anh chàng Đâu Chăng Tá. Em lang thang vào xứ mạng, đọc được bài “lạ” của anh chàng có cái tên cũng rất “lạ” ... Bút Chẳng Tà trên đó. Tên bài viết là “Có đúng thế không?” đăng trên mạng Bauxite Việt Nam ngày 8/9/2010.

Thưa anh Bút Chẳng Tà, đọc xong bài này của anh, Tá em lăn ra cười. Em đoán Bút Chẳng Tà là “chàng” vì giọng điệu rất chi là nam tính, mà lại nghe hơi có vẻ quen quen trong cái làng viết lách xứ ta. Em xin trích cái đoạn mà em lăn ra cười nhé (xin được trích nguyên văn):

“... tôi bỗng nhớ một câu “nôm na mách qué” về mấy vị lãnh đạo chủ chốt của Thủ đô chúng ta khi ông Trọng là người đứng đầu Đảng bộ thành phố này: “Tham như Ph…, lú như Tr…, lật lọng như Ngh…, huyên thiên như Tr…”, bởi vì ngày đó những tưởng rằng câu nói vần vè này chỉ là một nhận xét đùa nghịch của dân gian về một số tính cách nhất thời nào đấy chứ chưa chắc đã có sức khái quát cao. Nhưng giờ đây nghiệm ra mới thấy dân gian hóa ra tinh thật.”

Thì ra anh chàng Bút Chẳng Tà này ngây thơ thật! Té ra cho đến hôm nay anh vẫn tưởng đó là “vần vè đùa nghịch” của dân... “gian” à? Thôi, được cái anh Bút Chẳng Tà này cũng thật thà bộc bạch: “Nhưng giờ đây nghiệm ra mới thấy dân gian hóa ra tinh thật”. Đọc đến đây Tá em cũng nghiệm ra chàng Bút Chẳng Tà có lẽ là loại công tử con nhà quý phái, ít khi ra khỏi nhà, đến tận bây giờ mới “nghiệm ra” cái chuyện của dân gian, mới tá hỏa ra là “dân gian tinh thật”.

Này Tá em nói anh Bút Chẳng Tà nghe nhé. Tất cả các vị có tên trong cái hội “Tham”, “Lú”, “Lật lọng” và “Huyên thiên” của anh đều đang đương chức đương quyền hoặc đang sống như các bậc đế vương cả đấy. Em mách anh Bút Chẳng Tà chịu khó lặn lội đi thực tế “ba cùng” với các hàng quan ngự sử và cung tần mỹ nữ nơi cung đình, anh sẽ còn... tá hỏa ra khối chuyện hay hơn đấy.

Mấy hôm rồi vợ em đi về bà ngoại, em lẻn đi bia ôm trên Quán bia ôm Cung Đình với mấy bác thuộc hàng quan ngự sử và cả mấy thằng quan hoạn, mới tá hỏa ra ối chuyện hay. Tá em thì không có tài viết lách như anh Bút Chẳng Tà, nhưng khi chạy về làng ghé qua sân đình thấy Bác Huệ Chi cùng các bác tiên chỉ trong làng đang đánh cờ uống rượu. Em ghé vào xin các bác tí... “tửu hậu”... thì các bác bảo: “Này cu Tá, mày hay lang thang tếu táo, lê la đầu đường xó chợ, nghe nhiều cái “thông tin” trên trời dưới biển... có chuyện gì hay kể các bác nghe”.

Tá em cười toe toét một hồi, nghệt mặt ra như cái đồ… “mất sổ gạo” thời kinh tế xã hội chủ nghĩa, mà các cụ thức giả trong làng cứ gọi là gì gì “kinh tế quan liêu bao cấp”. Tá em gãi đầu gãi tai mấy nhát thưa rằng: “Thưa các cụ, em sợ lắm, nói rồi các cụ xẻo tai”, lại bảo em là “thế lực thù địch”. Các bác gắt, làm em tái cả mặt mũi... “Thứ như chú mày thì thế “nực” thù địch cái gì, cái bọn cho Tàu thuê đất mà còn chưa bị gọi là thế “nực” thù địch thì chú mày đừng có “no” nhá” (trong số các bác ngồi đàm đạo hôm đó, có một bác là công an cán bộ tiền khởi nghĩa về hưu nên mắc tật lói ngọng)... Một bác khác nói chen... “Cả cái bọn đi đêm tận Thượng Hải, Hàng Châu,... cho Tàu thắng thầu để rồi bọn Tàu làm ăn ỳ ạch gây trì trệ phá hoại kinh tế Việt Nam còn chưa bị các đồng chí bên an ninh vạch mặt thì chú mày đừng có rối lên...”.

Thú thật các bác nói một tràng... em nghe ù cả tai, cứ như nghe tiếng Ả-Rập-Thổ-Nhĩ-Kỳ, chẳng hiểu mô tê chi cả.

Nhưng rồi các bác dỗ dành: “Chú mày vừa theo hầu các bác trên cung đình đi bia ôm à?”. Em trả lời “Dạ vâng”. Các bác lại dỗ dành tiếp: “Vậy chú mày có nghe lỏm được chuyện gì mua vui cho các bác”. Em thưa: “Dạ có”. Nghe các bác ngọt ngào, em đã “Từ đang lo sợ... chuyển sang... đàng hoàng”. Em kể: “... Em nghe trên đó người ta mua bán cái gì lạ lắm, không như ở chợ làng ta đâu”. Các bác trố mắt: “Chú mày lê la ở chợ nhiều mà chưa thấy cái đó sao?”. Em bẩm: “Dạ chưa”. Các bác dồn em: “Chú mày nói cho các bác ngay đi để các bác cũng thu xếp lên đó xem mua được cái... cái của lạ nào?”. Em thưa: “Dạ các bác không mua được đâu ạ?” Một bác sửng sốt: “Sao chú mày dám coi thường các bác vậy hả?”. Em nổi máu điên: “Thưa... như các bác, chỉ đủ trình độ cho em uống cái chất quốc lủi này thì làm sao mà mua được những thứ trên đó... Bọn mua cái đó là nó uống cái gì... Mạc-ten, Ích-Xô, chứ đâu thèm uống gì cái thứ nhà quê này của các bác”... Một bác ngắt lời em... “Này này, mới lên đó ôm tí chút mà đã nói tiếng tây dọa các cụ đấy à?”. Một bác ngắt lời bác kia: “Thôi, chú mày nghe được cái gì kể các bác nghe...”

Em giao hẹn: “Nhưng các bác hổng có được giựt mình nhá!”. Rồi em kể một mạch, vì sợ các bác ngắt lời chen ngang mắng mỏ là đồ thế lực thù địch... Em kể rằng... Có một cái gì đó gọi là trường đại học Tờ Mờ (TM), nổi tiếng là ăn bẩn, đã nhiều lần bị bêu lên báo. Bác công an về hưu ngắt lời: “Mày lói náo”. Em trả lời: “Em thề với bác”. Rồi em kể, ngay như cái thằng cu Tèo con ông Tư Nhỡ ở làng ta đây, thi trượt vào cái trường ấy, nghe người ta mách đến gặp một bà đưa hai lăm triệu thì sẽ từ trượt chuyển sang đỗ cao đẳng. Nghe sướng cả cái lỗ tai, nhưng sau hai năm học, cu Tèo ... tá hỏa ... nhận được không phải cái “bằng” cao đẳng, mà là cái giấy chứng chỉ đã qua một chương trình học tương đương cao đẳng... Lập tức cu Tèo kéo một lũ bặm trợn đến nhà mụ kia gây gổ, đòi là bà phải trả tiền tôi, nếu không tôi sẽ.... Các cụ ngắt lời “Sẽ làm sao?”. Cụ công an về hưu nói chen: “Hắn lói đi nên trên tỉnh để kiện à?”. Thằng Tá em phì cười: “Các cụ ngớ ngẩn quá. Kiện củ khoai à? Nó mua hết quan tòa rồi, kiện ai?”. Lại một cụ ngắt lời: “Vậy thì nó làm sao? Làm sao?”. Em bảo: “Các cụ ngồi sân đình đánh cờ uống rượu... nghĩ rặt chuyện ngay thẳng, kể cả cụ công an về hưu, nhưng vì cụ là công an các thế hệ trước... còn tử tế nhá... Nhưng sự đời đâu có được ngay thẳng tử tế như các cụ”.

Một cụ an ủi em: “Thôi các cụ hiểu rồi, chú mày kể tiếp đi. Chúng nó mua bán cái gì trên đó?” Em lúng túng: “Dạ, dạ, chúng nó mua bán cái gì gọi là “quan” với “chức” ạ. Cụ công an về hưu nổi cáu: “Nàm gì có chuyện đó! Mày lói xấu nãnh đạo hả?”. Không hiểu vì sao cái lần nghe mắng này em không sợ, mà cũng chẳng xúc động gì. Em cười: “Dạ, em không dám nói xấu lãnh đạo đâu ạ. Em chỉ nói sự thật thôi. Còn cái sự thật ấy có xấu hay không thì tùy các cụ phán xét, trình độ em không đủ để hiểu được đâu ạ”. Một cụ dàn hòa: “Thôi, vậy thì mày nói tiếp, bọn cu Tèo làm cái trò gì?” Em trả lời: “Dạ, Nó dọa ạ. Nó bảo... Bà lừa tôi. Bà không thể nuốt trôi hai mươi lăm triệu của tôi đâu. Bà phải nôn tiền ra. Bà biết thế nào là luật rừng chứ?”... Ơ thưa các cụ, thế mà được việc ra phết đấy. Cuối cùng bà kia phải nôn tiền ra. Nhưng cái thằng cu Tèo oái oăm, lại đổi giọng: “Thôi này, con nói thật với cô nhá. Con lấy tiền lại để làm gì. Con đưa thêm cho cô mười triệu nữa, cô lo cho con cái bằng đại học”. Bây giờ đến lượt “bà mai” lên giọng: “Dễ thường ba mươi lăm triệu mà xong cái bằng đại học sao? Chú mày đưa thêm hai mươi lăm triệu, vị chi là năm mươi triệu cô sẽ lo cho chú mày. Chú mày tưởng cô ăn một mình sao? Còn phải phòng nọ ban kia... Còn người ký bằng cho chú mày nữa chứ! Chú mày có biết ai ký bằng không? Người cao nhất trường chứ còn ai nữa. Cơ mà có hai người cao nhất trường đấy: Một người ký, một người lãnh đạo “toàn diện” và “tuyệt đối” cái người ký... Chú mày hiểu chứ?”. Cu Tèo lắp bắp: “Dạ thưa cô con hiểu ạ”. Xong rồi hắn đổi giọng: “Nhưng con nói cho cô nghe nhé. Con đồng ý năm chục triệu, nhưng con phạt cô một chục triệu về cái vụ cô lừa con lần trước. Cô nghe được chứ”... Bà mai nhăn nhở: “Thôi, chú mày nhớ dai quá. Thế này nhá, cô chịu phạt năm triệu nhá, còn năm triệu thì cho cô xin. Cái con đóng dấu, cái thằng vào sổ cô cũng phải có quà cho nó chứ dễ nó làm công không cho các con à?”.

“Rồi câu chuyện ra sao?”. Em trả lời: “Ra sao à? Còn ra sao nữa? Các cụ không thấy thằng cu Tèo cầm cái bằng nghênh ngang về làng à? Rồi nó lại lo lót để xin được việc làm ở một công ty nhà nước đấy”. Một cụ nói ngang: “Chú mày nói bịa. Nhà thằng Tèo nghèo rớt, lấy đâu ra chừng ấy tiền mà lo lót”. Em cười phá: “Em nói các cụ tha lỗi. Các cụ lẩm cẩm thật. Thằng ấy nghèo nhưng nó có cái mã đẹp trai. Nó được mấy nàng tiểu thư con nhà đại gia bao, còn bao cả việc đi mua chỗ làm việc. Thêm năm chục triệu vào đấy nữa. Thế là ngót nghét trăm triệu, được một thằng chồng có địa vị”. Một cụ thủng thẳng: “Tao không tin, toàn chuyện bịa”. Em bảo: “Các cụ có muốn gặp cu Tèo không? Em dẫn nó đến kể chuyện các cụ nghe. Người thật, việc thật một trăm phần trăm, một trăm phần nghìn”. Một cụ thở dài: “Thế thì hết nói rồi, hèn nào dạo này dân chúng ăn nói bất mãn nhiều quá, đứa nào cũng nói xấu lãnh đạo, nói xấu chế độ... Toàn dân thành thế lực thù địch cả rồi sao?”

Được thể cu Tá em gạ các cụ: “Các cụ muốn nghe chuyện mua bán ở chợ cung đình nữa không?”. Các cụ bảo: “Ừ, nhưng các cụ đang mải đánh cờ, chú mày đi sang nhà cô Tám mua cho các cụ chai quốc lủi”. Tá em đâu có nề hà. Mua được rượu về các cụ khoái chí, còn rót mời cu Tá một ly. Các cụ hỏi: “Chú mày còn biết chuyện gì nữa? Công nhận chú mày thuộc giới thạo tin”.

Tá em tiếp tục câu chuyện. Em dạo đầu: “Chuyện này còn phản động hơn chuyện lúc nãy”. Các cụ tròn mắt. Không đánh cờ nữa, dồn mắt vào Tá em. Em bắt đầu kể: “Thế rồi cái bà Hiệu trưởng ký... cái gì nhỉ?... ký bằng đểu... kia mua được một cái chức rất to... kiểm tra kiểm triếc gì đó ở trên cái chỗ “chung chung”, à “trung trung”, “ương ương” gì đó”. Một cụ ngắt lời: “Mày nói chuyện với các cụ phải ăn nói cho đứng đắn, người ta gọi là “bằng giả”, chứ sao chú mày lại gọi là “bằng đểu”. Toàn nói giọng chợ búa”. Em ngắt lời cụ luôn: “Cụ nhầm, bằng thật chứ sao lại bằng giả. Này nhé, phôi bằng thật của Bộ, Hiệu trưởng thật ký thật, đóng dấu thật của nhà trường. Vì vậy không thể gọi là bằng giả được!... Dân... “gian” gọi là bằng đểu”. Một cụ lại ngắt lời: “Thế thì ta phải tố cáo thôi”. Một cụ hỏi vặn: “Tối cáo cái củ khoai à?” Em cũng hăng máu ngắt lời cụ: “Bây giờ bà ta còn nhảy lên ngồi chễm chệ tận cái chỗ cao tột, chẳng kém gì cái ông “Lú” của cái nhà bác “Bút Chẳng Tà” đâu nhá. Một cụ phẫn nộ... “Thế thì bất hạnh cho dân ta”. Một cụ sốt sắng: “Thế rồi sao nữa? Bà ấy đi rồi thì chắc cái trường Tờ Mờ kia không cấp bằng đểu nữa chứ?”. Em cười... Dạ thưa các cụ, nó còn đểu hơn chứ ạ. Thưa... “hậu sinh khả ố ... à à khả úy ạ, xin lỗi em kém chữ nho.”... Và rồi cái ông Hiệu trưởng kế nhiệm của bà ta cũng được bà chị dìu dắt theo con đường y chang, lên ngồi bảnh chọe ở cái ghế cầm đầu ngành gõ đầu trẻ đấy ạ. Lại nghe tiếng cụ ban nãy: “Thế thì bất hạnh cho con cháu chúng ta quá”.

Cu Tá em nghe các cụ nói... hết “bất hạnh cho dân ta”, lại đến “bất hạnh cho con cháu chúng ta” thì tức cười quá, bèn thưa: “Các cụ có muốn nghe Tá em kể chuyện nữa không ạ. Các cụ cười phá... “Ừ mày nói nữa đi”.

“Dạ, thưa em nghe có chuyện thế này ạ. Trong thể chế dân chủ, nếu lãnh đạo sai thì dân có quyền thay lãnh đạo. Bây giờ ở xứ ta, dân sai nhiều quá, mở miệng ra là nói xấu lãnh đạo. Sai quá thể rồi, sai đến mức tất thảy thành thế lực thù địch. Vậy theo lô gích, nếu lãnh đạo sai thì phải thay lãnh đạo, còn bây giờ dân sai, lãnh đạo đúng ..., vậy thì phải thay dân đi thôi các cụ ạ”..

Các cụ gật gù... Thằng Tá có lý, lãnh đạo đang ký các hợp đồng để cho dân “lạ” tràn ngập xứ ta. Chắc lãnh đạo đang thay dân rồi. Kiếm đường mà chuồn thôi các cụ ơi.

Đ. C. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN. Trong thư gửi đến chúng tôi, người ký bút danh Đâu Chăng Tá – một cán bộ cao cấp đã về hưu – cam đoan những chuyện thư giãn trong bài đều là chuyện trăm phần trăm sự thật, nhưng chuyện xảy ra kể cũng đã lâu lâu, từ thuở mỗi tấm bằng đại học giá mới có 50 triệu đồng kia, và bà Hiệu trưởng Trường TỜ MỜ thì chưa trèo lên đến địa vị chót vót như hiện nay – Bauxite Việt Nam.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn