TS Lê Đăng Doanh: Cần xem lại vai trò kinh tế chủ đạo

 

clip_image001

TS Lê Đăng Doanh

TP - Góp ý cho Dự thảo văn kiện ĐH Đảng XI, TS Lê Đăng Doanh nói, các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI nên bỏ cụm từ 'kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo'. Vì đã là cạnh tranh bình đẳng thì không thể chọn kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nếu không sẽ tự mâu thuẫn.


Gây nhiều tranh cãi

Theo TS Lê Đăng Doanh, đến nay, trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng sắp tới vẫn khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo và vẫn xác định sẽ xây dựng một số tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh. Và việc tiếp tục khẳng định này đang gây tranh cãi nhiều hơn bao giờ hết. Nhất là trong thời điểm hiện nay khi vừa xảy ra vụ Vinashin, nợ nần hơn 86.000 tỷ đồng không có khả năng trả nợ.

Sao lại gây tranh cãi, thưa ông?

Tôi nghĩ thời điểm hiện nay đã chín muồi để bỏ câu kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tôi cũng xin lưu ý, trên khắp thế giới không đâu có câu đó cả. Ngay cả ở Trung Quốc họ cũng không nói kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Vấn đề ở đây là phải thực hiện tăng trưởng bền vững, có hiệu quả. Muốn như vậy phải phát huy tối đa mọi nguồn lực của người dân. Phát triển khu vực kinh tế dân doanh.

Chúng ta rất cần những tập đoàn nhưng phải là thực chất, chứ không phải như lâu nay các tập đoàn hình thành từ sự lắp ghép hành chính. Các số cộng hành chính này không đem lại một sức mạnh thật. Trái lại, nó còn gây ra quá nhiều vấn đề. Cũng phải nói, muốn cải cách tập đoàn, phải cải cách cả thể chế thị trường và thể chế quản lý của chúng ta. Hiện các doanh nghiệp tư nhân muốn tiếp cận tín dụng rất khó. Còn nhà nước muốn cấp tín dụng thì chỉ cần chỉ định. Như Vinashin vừa rồi, dù bị lỗ như vậy cũng được chỉ định cấp tín dụng thêm trong khi nền kinh tế thiếu hụt vốn rất lớn.

Cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng kinh tế nhà nước có thực sự chủ đạo hay do được người ta khoác cho cái áo đẹp, trong khi thực chất không phải như thế. Kết quả của nền kinh tế thực cho thấy rất rõ: Doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều tín dụng, nhiều tài sản nhưng giá trị xuất khẩu, hiệu quả sử dụng lao động, kinh tế thấp. Như kiểu Vinashin, vừa làm mất của vừa mất người (hiện đã có 7 người bị khởi tố – PV). Số nợ của Vinashin tương đương 4,8% GDP của Việt Nam. Đây là số nợ khổng lồ.

Vậy theo ông, nếu bỏ cụm từ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì nên sửa thế nào?

Theo tôi chỉ cần bỏ cụm từ kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là được, chẳng cần thêm cái gì. Bỏ cụm từ đó cũng không làm mất gì cả mà chỉ giúp nền kinh tế phát huy được sự cạnh tranh hiệu quả, phát triển kinh tế dân doanh. Đặc biệt, sẽ tạo tiền đề cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Chứ hiện nay, một mặt Đảng, Nhà nước luôn khẳng định xây dựng môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trong khi lại bảo ông doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo. Như vậy là mâu thuẫn.

Nhưng về mặt pháp lý, từ sau 1-7-2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực, các doanh nghiệp cùng chơi chung sân Luật Doanh nghiệp rồi, thưa ông?

Đứng về mặt pháp lý thì bình đẳng còn trong hành động thực tế thì chưa bình đẳng. Muốn cải thiện việc này thì phải cải cách cả bộ máy nhà nước. Trong đó có cải cách việc nhà nước không nên trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh nhiều như hiện nay. Nhà nước hãy làm thật tốt y tế, giáo dục rồi tổ chức kết cấu cơ sở hạ tầng. Nhà nước không phải tự đứng ra làm mà chỉ đứng ra tổ chức đấu thầu thu hút vốn trong, ngoài nước, còn kinh doanh thì để cho doanh nghiệp tự làm.

Ở nước ngoài, quan chức chỉ là quan chức hành chính. Đã là quan chức nhà nước thì chỉ làm theo những gì luật pháp cho phép. Không thể để một ông vừa làm thứ trưởng vừa là chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp hoặc bộ trưởng lại đi kiêm chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Giờ ông phải khoác thêm áo kinh doanh thì không biết trong người ông có mấy trái tim, vừa có trái tim kinh doanh lỗ lãi vừa có trái tim làm theo pháp luật. Như thế là rất tréo ngoe.

Chúng ta phải có can đảm nhìn vào sự thật, thấy những điều gì không phù hợp thực tế và không chứng minh được thì phải loại bỏ.

Thay đổi tư duy quản lý

Nhưng nếu kinh tế Nhà nước không là chủ đạo thì ai là chủ đạo, vì thực tế kinh tế dân doanh chưa thực sự mạnh, lại thêm cả lo ngại không quản được việc điều tiết về giá?

Các mệnh đề nói doanh nghiệp Nhà nước phải điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô đến nay cả về khoa học kinh tế và thực tế đều không được chứng minh. Tôi nghĩ hãy để doanh nghiệp là doanh nghiệp. Còn sử dụng các công cụ như quản lý giá thì tổ chức điều tra cạnh tranh xem ai bán hàng kém chất lượng, gian dối thì phạt tới bến. Khi đó tình hình sẽ ổn hơn hiện nay.

Tôi lưu ý từ thời kế hoạch hóa tập trung, quản lý giá bằng hành chính cũng không phát huy tác dụng gì cả. Thụy Điển là một nước có phúc lợi xã hội cao hơn của chúng ta nhiều lần mà họ có để kinh tế nhà nước là chủ đạo đâu. Hãy xem xét kinh nghiệm của các nước trước khi chúng ta tự tìm ra con đường riêng cho mình.

Nhìn vào thực lực khối tư nhân hiện nay, theo ông đã đủ sức làm những việc các doanh nghiệp nhà nước đã làm?

Lịch sử không thể thay đổi, sang trang chỉ sau một đêm. Phải có quá trình, qua từng bước phát triển. Cũng cần nhấn mạnh không phải mọi doanh nghiệp tư nhân ở ta hiện nay đều ngon lành. Những đại gia tư nhân của chúng ta hiện nay là thế nào. Họ có đóng góp gì vào tiến bộ khoa học công nghệ? Có như Bill Gates làm ra các phần mềm cả thế giới dùng? Có đóng góp vào tăng năng suất lao động, xuất khẩu không?

Phần lớn các đại gia đó đều có mối quan hệ với quan chức và được tiếp cận đất đai, mỏ tài nguyên, các nguồn khác và họ giàu lên rất nhanh từ những cái có sẵn này. Những đại gia này đều không có khả năng cạnh tranh quốc tế. Vì vậy không nên quá ảo tưởng hay nghĩ rằng doanh nghiệp tư nhân đã thay thế được. Nhưng không vì thế mà phủ định họ, khối tư nhân phải tiếp tục được coi trọng, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước.

Có nghĩa khu vực tư nhân chưa được ngon lành nên vẫn phải dựa vào doanh nghiệp nhà nước?

Theo tôi cần có lộ trình cắt giảm. Không ai cai sữa cho một đứa bé chỉ qua một đêm. Dần dần nhưng phải hướng tới môi trường cạnh tranh hơn, tạo điều kiện đòi hỏi các doanh nghiệp đó cạnh tranh hơn. Trung Quốc họ đã làm việc này. Anh muốn làm chủ tịch HĐQT, giám đốc thì phải qua đấu thầu: Mỗi năm tăng năng suất lao động bao nhiêu phần trăm, xuất khẩu, đổi mới công nghệ, giảm chi phí bao nhiêu…

Khi đó môi trường bổ nhiệm trong sáng hơn nhiều, tránh được vừa bổ nhiệm xong lại miễn nhiệm. Chúng ta cũng nên học các nước trong việc công khai minh bạch, áp dụng các tiêu chuẩn, tổ chức xét tuyển công khai và có chế độ đánh giá nghiêm ngặt hằng năm.

Bá Kiên - Phạm Tuyên (thực hiện)

Nguồn: Tienphong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn