Từ Titanic tới Vinashin – những cơn ác mộng kinh hoàng đến những cú lừa thế kỷ

Nguyễn Trung

image Từ Titanic….

Cách đây gần một thế kỷ – chính xác là 98 năm – đã xảy ra một vụ đắm tàu kinh hoàng trong lịch sử của ngành hàng hải thế giới. Đó là vụ đắm tàu Titanic – con tàu lớn nhất thế giới vào thời điểm đó [1]. Tàu Titanic lớn đến nỗi nó được giới chuyên môn, những người hâm mộ, và báo chí mệnh danh là “con tàu không thể chìm – an unshinkableship”.

Được đặt hàng vào ngày 31 tháng 7 năm 1908, tàu Titanic được hoàn thành vào ngày 31 tháng 3 năm 1912. Ngày 10 tháng 4 năm 1912, tàu Titanic khởi hành chuyến đi đầu tiên từ cảng Southampton của nước Anh, đích đến là thành phố New York của nước Mỹ. Tổng sức chứa của tàu Titanic là 3.547 người – bao gồm cả hành khách và thủy thủ. Trong chuyến đi định mệnh này, 2.240 người có mặt trên tàu Titanic. Thuyền trưởng của tàu Titanic là ông Edward John Smith – một người đã từng phục vụ trong Hải quân của Hoàng gia Anh quốc.

Sau 4 ngày đêm hành trình, ngày 14 tháng 4 năm 1912, Titanic đã đi được hơn 3 phần tư hành trình. Nhưng Titanic đã không bao giờ cập bến New York, Titanic đã chìm xuống biển sâu...

Tới Vinashin….

98 năm sau, con tàu Vinashin hoành tráng – niềm kiêu hãnh của nền công nghiệp đóng tàu Việt Nam bị đắm – đó là vụ đắm tàu kinh hoàng trong lịch sử ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Được thành lập từ năm 1996 với cái tên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, sau 7 năm hoạt động, Tổng công ty tàu thủy Việt Nam được “thí điểm” chuyển sang mô hình công ty “mẹ con”.

Sau 3 năm “mẹ con”, đến năm 2006 thì lại được “thí điểm” chuyển sang mô hình “tập đoàn” [2]. Chữ “Tập đoàn” nghe mới hoành tráng, mới phú quý, mới sang trọng – mới đủ để làm rạng rỡ khuôn mặt của nước nhà vốn không có gì nổi trội ngoài sự tụt hậu giáo dục, thấp kém về phúc lợi xã hội, y tế nhưng luôn dẫn đầu về nạn quan liêu và tham nhũng!

Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Vinashin khởi hành chuyến đi đầu tiên từ Văn phòng của Thủ tướng với quyết định 103/QĐ- TTg và cái đích đến là 10% thị phần đóng tàu biển của thế giới. Nhưng có lẽ, ước mơ cập bến 10% thị phần đóng tàu của thế giới này cũng giống như ước mơ của người Tây Tạng hay người Lào mơ về sở hữu một đội thương thuyền hùng mạnh hay sở hữu những cảng biển sâu thăm thẳm với những con tàu khổng lồ ra vào nườm nượp. Sau bốn năm hành trình và chưa rời bến được bao xa thì Vinashin đã chìm xuống biển sâu.

Những cơn ác mộng kinh hoàng…

Dù đã 98 năm trôi qua, thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc đến tàu Titanic. Bởi con tàu Titanic đã cướp đi hơn 1.500 mạng người, và những người xấu số đã phải bị cái lạnh chết người hành hạ từ từ cho đến khi nhắm mắt.

98 năm sau, dù vụ đắm tàu Vinashin không cướp đi những mạng người, nhưng cơn ác mộng của nó gây ra không phải là nhỏ. Hàng chục ngàn người mất việc. Nhiều công ty bị đẩy đến bờ vực phá sản hay chìm ngập trong nợ nần vì hùn hạp làm ăn với Vinashin, vì nhận thầu của Vinashin. Nhiều gia đình, mà trong có nhiều người về hưu, thương bệnh binh lâm vào sự khó khăn túng quẫn vì đã lỡ cho Vinashin vay mà không đòi được tiền.

Ngoài những điều tệ hại trên, cái đích đến là 10% thị phần đóng tàu biển của thế giới mới là cơn ác mộng kinh hoàng khi Vinashin chìm nơi biển cả. Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài và nhiều sông ngòi. Không quá khó khăn để nhận ra tầm quan trọng của ngành vận tải đường biển, khai thác thủy sản, mà trong đó đều rất phụ thuộc vào ngành công nghiệp đóng tàu. Thế nhưng, ước mơ có những đội thương thuyền hùng mạnh và 10% thị phần đóng tàu biển của thế giới đã chìm sâu cùng với con tàu Vinashin.

Những cú lừa thế kỷ

Đến nay, đã Chính phủ đã có kế hoạch “tái cấu trúc” để cứu con tàu Vinashin. Một kế hoạch “tái cấu trúc” mà theo lời ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì “năm 2015 ta sẽ có một Vinashin mới” [3].

Muốn biết được “năm 2015 ta sẽ có một Vinashin mới” hay không thì phải cần có cái nhìn tổng thể về Vinashin từ khi nó được hình thành từ năm 1996.

Cũng như bao ngành công nghiệp khác là công nghiệp xe hơi, công nghiệp máy bay, ngành công nghiệp đóng tàu có những điểm chính sau đây:

Thứ nhất. Công ty hoạt động trong ngành công nghiệp đóng tàu cần một số vốn lớn để hoạt động, vì khách hàng chỉ giao tiền sau khi nhận tàu. Do vậy, trong quá trình bắt đầu đóng tàu đến khi giao tàu cho khách hàng, công ty phải có tiền để trang trải chi phí.

Thứ hai. Một phần lớn vốn của công ty là vốn chết, bởi đã đầu tư vào cơ sở vật chất để sản xuất như máy móc, mặt bằng, nhà kho. Số vốn chết này dao động từ 15-30% trên tổng số vốn của công ty. Những công ty mới bắt đầu như Vinashin thì có thể còn cao hơn.

Thứ ba. Vì số vốn chết đã chiếm từ 15-30% trên tổng số vốn của công ty, nên hàng năm công ty chỉ có thể dùng từ 10-15% trên tổng số vốn của mình để đầu tư thêm vào các cơ sở sản xuất, máy móc thiết bị, xây dựng kho xưởng để phục vụ sản xuất nhằm tăng số lượng sản phẩm. Có nghĩa, bất cứ ở mọi thời điểm, phần vốn chết này không thể lớn hơn 50% tổng số vốn của công ty.

Thứ tư. Tuy ngành công nghiệp đóng tàu chôn số lượng vốn rất lớn nhưng phân lời thì tương đối thấp. Do vậy, tăng trưởng của ngành công nghiệp đóng tàu không thể có những cú nhảy vọt như những công ty dịch vụ. Và doanh thu của những công ty đóng tàu cũng không thể gấp đôi tổng số vốn của công ty như những ngành dịch vụ khác.

Đến nay, đã có 5 lãnh đạo cao cấp của Vinashin bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra vì có dấu hiệu sai phạm [4]. Tuy nhiên, một khi chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án thì không thể nói lãnh đạo của Vinashin phạm tội. Do đó, bỏ qua yếu tố phạm tội của lãnh đạo Vinashin – những yếu tố mà có thể khiến con tàu Vinashin đi vào phá sản – thì, liệu đến “năm 2015 ta sẽ có một Vinashin mới” như lời ông PTT Nguyễn Sinh Hùng trên đây hay không?

Theo thông báo từ Văn phòng Chính phủ, Vinashin khởi nghiệp vào năm 1996 với số vốn ít ỏi là 100 tỉ đồng. Tăng trưởng hàng năm của Vinashin là 35-40% từ khi được đi vào hoạt động [5]. Xin được bình quân là 38%. Dưới đây là bảng tổng kết tăng trưởng của Vinashin từ năm 1996.

clip_image002

Ghi chú: Vì tỉ giá đô la thay đổi nên có những năm tăng trưởng dưới 38% nếu đổi ra giá trị đồng đô la.

Có lẽ con số tăng trưởng 38% (tính bình quân của 35-40%) này bao gồm tăng trưởng từ doanh thu và cả tăng trưởng giá trị của công ty. Và con số thực tăng trưởng từ doanh thu chỉ vào khoảng 20% trở xuống mà thôi. Bởi lẽ, với phân lời là 20% mà để có được tăng trưởng 38 tỉ đồng vào năm 1996 thì tổng doanh thu phải là 190 tỉ đồng. Một con số không tưởng với số vốn 100 tỉ đồng!

Theo bảng tổng kết trên đây thì đến năm 2006, tổng số vốn của Vinashin chỉ có 157 triệu USD. Vậy thì, kẻ thủ ác đầu tiên đã cắm nhát dao chí mạng cho con tàu Vinashin là những cơ quan, những người đã ký giải ngân 750 triệu USD! Thật vậy. Vì 750 triệu USD là số tiền gấp 4,7 lần tổng số vốn của Vinashin vào năm 2006. Điều này trái với quy luật kinh doanh – tiền đầu tư vào cơ sở nhà máy, máy móc thiết bị không thể nhiều hơn số vốn của công ty. Nhưng trong trường hợp này là lớn hơn gấp 4,7 lần. Lúc đó, đã có người gởi thư cảnh báo chuyện này được gởi đến những cơ quan cùng những người có trách nhiệm nhưng tất cả chỉ là con số không – không ai quan tâm.

“Thư dài 6 trang giấy A4 đã dẫn giải, phân tích sâu và kiến nghị Chính phủ dừng ngay việc giải ngân 750 triệu đôla cho Vinashin, chưa quá muộn để cứu lấy số tiền trên khỏi bị phung phí.

Thư đã gửi đi bằng đường bưu điện 6 tuần trước khi Chính phủ ra quyết định 104/TTG ngày 15/5/2006 thành lập Vinashin, gửi tới: Thủ tướng Phan Văn Khải, phó thủ tướng Vũ Khoan, Nguyễn Tấn Dũng, Quốc Hội, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Đài TNVN, báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Đại đoàn kết

Nhưng tất cả đều im lặng, làm ngơ[6].

Nhìn vào những nơi nhận thư cảnh báo này thì có hai người vẫn đang tại quyền. Đó là đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Tổng thanh tra Trần Văn Truyền – người vẫn được bà con gần xa ưu ái tặng cho danh hiệu rất ngọt ngào là ‘Ngủ đi Cưng”!

Tính đến năm 2008, tổng giá trị của Vinashin là 296 triệu USD. Tất nhiên là chưa tính tài sản từ khoản nợ trái phiếu, vì số nợ trái phiếu dùng để đầu tư thì chưa thể sinh lời. Và dẫu những cơ sở này đã sẵn sàng để phục vụ sản xuất, để làm ra sản phẩm thì Vinashin cũng không có vốn. Vậy thì, con số doanh thu của năm 2008 là 29.000 tỉ đồng – tương đương 1 tỉ 800 triệu USD vào năm 2008 [5] – là từ đâu ra?

Vì theo con số đó, doanh thu của năm 2008 gấp 6 lần số vốn hiện có của Vinashin. Ngay cả những công ty như Apple hay Exxon Moble –những công ty có tăng trưởng kỷ lục của Mỹ cũng không dám mơ ước. Vậy thì, con số 29.000 tỉ đồng– hay 1 tỉ 800 triệu USD – của năm 2008 có phải là con số hoang tưởng hay không?

Nhưng bài học thương đau từ 750 triệu USD của năm 2006 vẫn không làm ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhụt chí. Năm 2009, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định về việc phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu trong nước, được Chính phủ bảo lãnh, có kỳ hạn từ 5 - 10 năm cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Công ty đóng tàu Phà Rừng và dự án đầu tư nâng cao năng lực đóng tàu 70.000 DWT của Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hạ Long [7].

Như đã trình bày ở trên, những công ty trong ngành công nghiệp nặng như Vinashin cần số vốn sống là tiền mặt gấp đôi vốn chết để vận hành. Điều này là bắt buộc. Bởi lẽ, có nhà máy hoàng tráng, nguồn nhân lực ưu hạng, và nhiều hợp đồng béo bở. Nhưng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu công ty không có “nội lực” hay có lượng tiền mặt cần thiết để hoạt động.

Khi đặt bút ký cho Vinashin mượn 750 triệu USD với phân lời 7,125%, Chính phủ đã mở cho Vinashin một con đường nguy hiểm. Đó là sống bằng vốn vay. Theo lời ông cựu Tổng Giám đốc Trần Quang Vũ thì Vinashin đã thành công trong 2 đợt phát hành trái phiếu liên tiếp 750 triệu, rồi 600 triệu USD. Và còn lên kế hoạch phát hành 2-3 tỷ USD cho năm 2008-2009 để phục vụ các dự án đóng tàu [8].

Có nghĩa, Vinashin chỉ sống bấp bênh như kẻ sống bám. Thật vậy, chỉ cần một trục trặc nhỏ là đủ giết chết Vinashin. Cho dù Vinashin có được những hợp đồng hàng tỉ USD đi chăng nữa thì Vinashin cũng chỉ làm mướn không công. Với phân lời vốn vay là 7,125%, trong khi đó phân lời của ngành đóng tàu dao động từ 6-10%, nếu giao tàu trước hoặc đúng hạn thì Vinashin vẫn chỉ lời chưa tới 3% hoặc là lỗ 1%!

Đến nay, hơn 85 triệu người Việt Nam còn chưa hết bàng hoàng về con số nợ khủng khiếp của Vinashin là 86.000 tỉ đồng – tương đương 4,3 tỉ USD – hay 4,7% GDP của Việt Nam. Theo bản thông báo của Chính phủ thì số nợ vay của Vinashin lớn hơn gần 11 lần vốn sở hữu của tập đoàn “chúa Chổm”. Một kỷ lục về sự chênh lệch giữa vốn vay và vốn sở hữu mà đến ngay những kinh tế gia lỗi lạc như George Soros hay Warren Buffet cũng không thể nghĩ tới!

Ngay sau khi tập đoàn “chúa Chổm” không có khả năng trả nợ thì một dàn đồng ca gồm toàn những “sao” cùng cất cao giọng ca bản tình ca “khủng hoảng” để làm cứu cánh, làm bình phong, làm cái phao cho con tàu Vinashin. Xin hãy nghe qua dàn “sao” hùng hậu với bản tình ca “khủng hoảng” này.

Danh ca Lê Lộc -Tổng Giám đốc Đầu tư của Vinashin: …Những khó khăn tài chính của Vinashin hiện nay nằm trong khó khăn chung của thế giới. Trong khủng hoảng chúng tôi bị ảnh hưởng nặng… [9].

Danh ca Trần Quang Vũ – cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin: ...Nhưng không may khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, chúng tôi không huy động được vốn… [8].

Danh ca Phạm Viết Muôn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Tham khảo ý kiến chuyên gia thì nhiều lắm. Vào năm 2006, 2007 Vinashin hoạt động tốt, phát triển tốt, qua năm 2008 mới suy thoái. Người ta đặt đóng tàu với mình 166 hợp đồng, giá trị 5-6 tỉ USD, nhưng có suy thoái lại thôi... Các cơ quan làm chiến lược, làm chính sách không phải chỉ tham khảo ý kiến chuyên gia trong nước mà cả nước ngoài để đánh giá… [10].

Danh ca Hồ Nghĩa Dũng và dàn đồng ca Bộ GTVT: ...Tuy nhiên, theo Bộ, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới từ giữa năm 2008 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội và ảnh hưởng nặng nề đến Vinashin như không huy động được nguồn vốn vay nước ngoài, cam kết vốn của một số ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước bị hủy… [11].

Danh ca Phạm Thanh Bình – cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin: …Số tôi không gặp may. Ký xong hợp đồng thì xảy ra khủng hoảng kinh tế. Nhiều đối tác chấp nhận bỏ tiền cọc, hủy hợp đồng… [12].

Dàn hợp xướng Bộ Chính trị: …Bên cạnh đó, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, trong đó có Vinashin… [13].

Danh ca Nguyễn Sinh Hùng – Phó Thủ tướng: …Những khó khăn khách quan từ thị trường thế giới khá nghiêm trọng… [14].

Danh ca Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ: ...Bước vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm mạnh, hàng loạt định chế tài chính, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có bề dày hoạt động cả trăm năm bị sụp đổ; nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng rất lớn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, sản xuất khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và giảm thấp, Tập đoàn Vinashin chịu tác động hết sức nặng nề, đặc biệt về thị trường và nguồn vốn…[5].

Khủng hoảng kinh tế năm 2008 bị ảnh hưởng đến nhiều nước, nhiều ngành nghề là điều không thể chối cãi. Nhưng đối với Vinashin thì khủng hoảng năm 2008 chỉ có tác động rất nhỏ. Bởi lẽ, cho dù khách hàng có đặt Vinashin những trị giá hàng chục tỉ USD thì Vinashin cũng không có vốn mà làm. Vậy thì, hủy hợp đồng hay không hủy hợp đồng cũng giống nhau mà thôi. Điều này đã phân tích ở trên.

Vậy thì, tại sao Chính phủ lại đem những con số hủy hợp đồng những 8 tỉ USD

để dọa dân chúng? Đằng sau những con số đầy hoang tưởng này là gì? Và cho dù nếu Vinashin có đi vay được vốn thì Vinashin vẫn làm không công cho các ngân hàng nước ngoài mà thôi. Và Vinashin sẽ vẫn mãi là kiếp ở đợ mà thôi.

Có thể kết luận rằng, khởi đầu từ người ký quyết định giải ngân 750 triệu USD cho Vinashin vào năm 2006, con tàu Vinashin đã không có lối ra. Cộng với một ban lãnh đạo đầy hoang tưởng cùng với những kế hoạch đầu tư ngu xuẩn, Vinashin chìm sâu nơi đáy biển là điều đương nhiên.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là:

- Chính phủ và ban lãnh đạo của Vinashin không biết những điều này hay là biết mà vẫn làm?

Nếu Chính phủ và ban lãnh đạo Vinashin không biết thì đáng buồn, bởi lẽ những quan chức này không có đủ hiểu biết mà vẫn được giao những trọng trách như vậy.

Còn nếu Chính phủ và ban lãnh đạo Vinashin biết những điều bất cập này mà vẫn làm thì thật là đáng sợ.

Ngoài ra, qua vụ Vinashin, có thể thấy thêm được nhiều điều. Đó là sự ngô nghê đến buồn cười: …Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1996-2007 đạt từ 35-40% / năm, đều có lãi; doanh thu thuần năm 2008 đạt gần 29.000 tỷ đồng. Đến tháng 3 năm 2009, đã có nhiều đơn hàng và thỏa thuận hợp đồng sơ bộ đóng tàu với tổng giá trị khoảng 12 tỷ USD. Đã hoàn thành đóng và bàn giao được 279 tàu trị giá trên 1,8 tỷ USD [5].

Theo tin tức từ Thông báo của Văn phòng Chính phủ trên đây thì chỉ mỗi doanh thu của năm 2008 đã là 29.000 tỉ đồng – tương đương 1,8 tỉ USD năm 2008. Nghĩa là trong năm 2008, Vinashin đã đóng và bàn giao 279 con tàu các loại để giao cho khách hàng! Một kỷ lục! Chả nhẽ từ năm 1996 đến năm 2007 không có doanh thu? Nếu không có doanh thu thì làm sao có tăng trưởng 35-40%?

Trong những người làm thông báo này chắc phải có vài Tiến sĩ. Vậy thì, có quá khó để nhìn nhận ra cái sự ngô nghê trên đây?

Sự ngô nghê thứ hai: Chẳng hạn như việc Vinashin đi mua tàu, trong khi chỉ được phép đóng tàu. Hơn thế nữa, báo cáo Thủ tướng hôm trước thì hôm sau đã đi mua luôn. Thanh tra phải mấy tháng sau mới vào. Khi đó tàu đã đi mua rồi [15]. Nói như vậy việc đi mua một con tàu với giá cả ngàn tỉ đồng còn dễ hơn đi mua con trâu!

Nhưng những cú lừa thế kỷ còn chưa hết. Cú lừa hậu Vinashin mới là độc đáo: Năm 2015 ta sẽ có một Vinashin mới [3]. Đó là lời của ông PTT Nguyễn Sinh Hùng.

Theo nguồn tin trên đây thì Chính phủ cho Vinashin vay thêm 1, 5 tỉ USD. Theo lời ông cựu TGĐ Trần Quang Vũ thì hiện nay Vinashin có những dự án giá trị 1 tỉ USD nhưng phải cần đầu tư thêm từ 300-400 triệu USD để hoàn thành. Làm một phép tính đơn giản thì sau khi giải quyết số dự án đang tồn đọng này và với số vốn 1,5 tỉ USD mới vay, cộng thêm tài sản 8.000 tỉ đồng, thì Vinashin có trong tay 2,7 tỉ USD. Sau khi chuyển nợ 20.000 tỉ đồng cho PVN và Vinalines thì Vinashin còn nợ 60.000 tỉ đồng hay tương đưong 3 tỉ USD.

Nếu Vinashin duy trì số vốn 2,7 tỉ USD để hoạt động thì Vinahsink có tổng số nợ là 4,5 tỉ USD bao gồm cả nợ cũ (3 tỉ USD) và nợ mới (1,5 tỉ USD). Chỉ tính phân lời cho cả nợ mới và nợ cũ là 5% – so ra vẫn thấp hơn nợ vay 750 triệu USD trái phiếu với phân lời 7,125%.

Tạm cho rằng đầu năm 2011 thì Vinashin hoạt động bình thường với số vốn hiện có là 2,7 tỉ USD. Cũng tạm cho rằng những cơ sở đầu tư trước đây của Vinashin đã hoàn thành và sẵn sàng hoạt động để đem lời cho Vinashin. Cũng tạm cho rằng bắt đầu từ năm 2011, khách hàng đặt hợp đồng với Vinashin là 4,4 tỉ USD. Và cũng tạm cho rằng với số tiền vốn 2,7 tỉ USD hiện có, Vinashin có thể cho ra một lượng sản phẩm có giá trị 4 tỉ USD một năm vì Vinashin được lãnh đạo bởi ông PTT tài ba Nguyễn Sinh Hùng – người hiện đang nắm chức “Trưởng ban tái cơ cấu Vinahshin”. Như vậy, hàng năm lãi ròng Vinashin thu về là 400 triệu USD hay 10% của số vốn bỏ ra. Tạm cho rằng số tiền lời hàng năm từ nợ gốc được tính vào giá thành của sản phẩm. Do vậy, 400 triệu USD lãi ròng dùng để trả nợ gốc. Sau khi đưa vào excell thì kết quả như bảng tổng kết dưới đây.

clip_image004

Theo như kết quả trên đây thì mãi đến năm 2023 – hay 12 năm sau thì Vinashin mới có thể trả hết nợ.

Thế nhưng, liệu Vinashin có thể có được hợp đồng 4,4 tỉ USD trong 12 năm liên tiếp hay không? Liệu chỉ với số vốn 2,7 tỉ USD, Vinashin có thể hoàn thành một số lượng tàu giá trị 4 tỉ USD trong 12 năm liên tiếp hay không? Đó mới thực sự là những câu hỏi cần được trả lời.

Do đó, khi PTT Nguyễn Sinh

Hùng nói rằng “đến năm 2015 thì sẽ có một Vinashin mới” – chỉ có thể hiểu rằng đó chỉ là cú lừa thế kỷ!

N.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

(1) http://en.wikipedia.org/wiki/RMS_Titanic

(2) http://www.vinashin.com.vn/Info/Thong-tin-Tap-doan.html?p=20

(3) http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/38632/

(4) http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/09/3BA1FF84/

(5)http://baodientu.chinhphu.vn/Uploaded_VGP/thukybientap/20100804/Thong%20bao%20%20VPCP.htm

(6) http://www.boxitvn.net/bai/9750

(7) http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/dautu/25288/

(8) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/07/3BA1DD24/

(9) http://tuoitre.vn/Kinh-te/342649/Tong-giam-doc-Dau-tu-Vinashin-%E2%80%9CChung-toi-vay-thi-phai-tra%E2%80%9D.html

(10) http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/387933/Vinashin-no-hon-80000-ti-dong.html

(11) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/07/3BA1D92E/

(12) http://phapluattp.vn/2010080909571314p0c1015/cuu-chu-tich-vinashin-pham-thanh-binh-do-bung-ra-khong-dung-luc.htm

(13) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/08/3BA1EF8F/

(14) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/08/3BA1ED79/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn