Từ vụ Vinashin đến scandal ở VTV

Nhật Hiên, Thông tín viên RFA

VIETNAM-TRANSPORT-SHIPPING-COMPANY-VINASHIN

Logo của tập đoàn Vinashin tại trụ sở chính ở Hà Nội hôm 19/07/2010. AFP photo

Trong tuần qua, có khá nhiều sự kiện khiến người dân Việt Nam phải quan tâm nhưng nổi cộm nhất là những diễn biến tiếp theo của “vụ án” Vinashin và việc ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VTV xin từ chức.

Vinashin - con nợ khổng lồ

Kể từ khi vụ việc Vinashin bùng nổ trên mặt báo vào tháng 7/2010 cho đến nay, đã có 5 lãnh đạo cao nhất của Vinashin bị bắt. Tất cả đều bị khởi tố vì tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong những ngày qua, thông tin về cung cách làm ăn cực kỳ yếu kém, dối trá của tập đoàn Vinashin với hàng loạt những sai phạm để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nền kinh tế của đất nước khiến dư luận bàng hoàng. Một tập đoàn được thành lập với chức năng chính là đóng tàu, "từng được xem là quả đấm thép, con chim đầu đàn của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, với kỳ vọng trở thành thương hiệu đóng tàu hàng đầu thế giới" (theo VNexpress), nhưng trong thực tế, Vinashin đã làm gì trong thời gian qua?

Trong bài “Chiến lược công nghiệp nặng quốc gia qua điển hình Vinashin: Kinh doanh đồ đồng nát” đăng trên Talawas, tác giả Phan Xuân Lâm viết: “…chuyện những con tàu nát của Vinashin đã được nói đến trên khắp mặt báo, từ báo chí lề phải đến báo chí lề trái và báo chí… không lề. Tuy nhiên, việc một tập đoàn mà chức năng chính là đóng tàu lại đổ tiền của ra mua hàng loạt tàu đồng nát, đồ phế thải của thế giới, để cuối cùng đem ra bán sắt vụn, để lại một cảm giác kinh tởm không phai nhạt. Vinashin trở thành nhà bán sắt vụn hoành tráng nhất Việt Nam”.

... việc một tập đoàn mà chức năng chính là đóng tàu lại đổ tiền của ra mua hàng loạt tàu đồng nát, đồ phế thải của thế giới, để cuối cùng đem ra bán sắt vụn, để lại một cảm giác kinh tởm không phai nhạt. Vinashin trở thành nhà bán sắt vụn hoành tráng nhất Việt Nam.

Tác giả Phan Xuân Lâm

Không những đi mua tàu cũ, tàu phế thải, Vinashin còn "mua 2 nhà máy nhiệt điện cũ từ những năm 1960 của Hàn Quốc, đã ngừng hoạt động từ năm 2004, trong đó có các biến thế có chứa chất độc hại mà chính phủ Hàn Quốc cấm xuất, chính phủ Việt Nam cấm nhập", và "sử dụng giấy tờ giả mang danh Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương để nhập số thiết bị trên về Việt Nam…".

Việc tại sao những người lãnh đạo Vinashin lại bỏ hàng núi tiền đi mua những con tàu cũ nát được blogger Bút Lông lý giải: “Theo một số chuyên gia sành sỏi về hàng hải và môi giới tàu biển: Với nước ngoài, tàu mới đóng luôn rõ ràng một mức giá nhất định, khi mua không thể nâng giá được. Còn các loại tàu cũ thì giá cả vô chừng, chủ tàu chỉ cần số tiền mình cần bán, người mua muốn nâng lên bao nhiêu thì... tùy! Thông thường, khoản chênh lệch này sau đó người bán và môi giới tàu thanh toán lại cho người mua tại một địa điểm trung gian”.

Câu trả lời ở đây là tiền, là lòng tham vô đáy và căn bệnh tham nhũng vô phương cứu chữa ở Việt Nam. Hàng loạt tàu phế thải được mua với giá cao ngất ngưởng để về nằm “đắp chiếu” và nếu có cưa sắt vụn bán thì cũng không thu hồi được bao nhiêu, “điều này đã lý giải vì sao tổng nguồn vốn nhà nước chuyển công ty viễn dương Vinashin gần nửa tỷ USD bị bốc hơi gần hết”, blogger Bút Lông kết luận.

Có rất nhiều bài học đắt giá được rút ra từ vụ vỡ nợ này. Thứ nhất là sự dốt nát, liều lĩnh đến hoang tưởng, sự yếu kém, vô trách nhiệm trong làm ăn và trong quản lý của những người lãnh đạo tập đoàn Vinashin. Nhưng người chịu trách nhiệm cao nhất chính là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo blogger Kami: “Vì coi Vinashin như ngọn cờ đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe các quân sư quạt “máy” xui dại, với một chiến lược phát triển, với viễn tưởng sẽ xây dựng thành công và đưa những tập đoàn công nghiệp nhà nước hàng đầu thành những tập đoàn kinh doanh lớn theo kiểu định hướng XHCN. Đó chính là lý do vì sao khoản 750 triệu đô-la từ cuộc phát hành trái phiếu đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định chuyển qua cho Vinashin toàn bộ”.

VIETNAM-TRANSPORT-SHIPBUILDING-VINASHIN-ARREST

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin trả lời báo chí trong buổi lễ hạ thủy một con tàu mới tại thành phố Hải Phòng hôm 23/6/2006. AFP PHOTO

Trong bài “Từ Titanic đến Vinashin: những ác mộng kinh hoàng đến những cú lừa thế kỷ” đăng trên trang Bauxite Việt Nam, tác giả Nguyễn Trung cũng có cùng quan điểm: “…kẻ thủ ác đầu tiên đã cắm nhát dao chí mạng cho con tàu Vinashin là những cơ quan, những người đã ký giải ngân 750 triệu USD! Thật vậy. Vì 750 triệu USD là số tiền gấp 4,7 lần tổng số vốn của Vinashin vào năm 2006. Điều này trái với quy luật kinh doanh – tiền đầu tư vào cơ sở nhà máy, máy móc thiết bị không thể nhiều hơn số vốn của công ty. Nhưng trong trường hợp này là lớn hơn gấp 4,7 lần. Lúc đó, đã có người gởi thư cảnh báo chuyện này được gởi đến những cơ quan cùng những người có trách nhiệm nhưng tất cả chỉ là con số không – không ai quan tâm” .

Với số tiền khổng lồ này, ông Tổng Giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình bèn tha hồ chi tiền mạnh tay cho nhiều dự án chưa lập luận chứng, chưa cần báo cáo đầu tư.

Trong loạt bài về “Vinashin: chuyện bây giờ mới kể”, tác giả Lê Trung Thành đã liệt kê ra hàng loạt “Dự án nối tiếp dự án ra đời và tập trung nhiều nhất, lớn nhất là vào năm 2006 và 2007 bởi Vinashin đã nắm trong tay 750 triệu USD, 8.300 tỷ đồng phát hành trái phiếu trong nước và 600 triệu USD vay của Ngân hàng Thụy Sĩ… Hàng ngàn tỷ đồng từ vốn vay trả lãi từ 7 – 12 % một năm nằm chôn chết ở các dự án đầu voi đuôi chuột kéo dài từ địa đầu Móng Cái đến chót mũi Cà Mau”.

Hậu quả thật nặng nề. Tác giả Alan Phan viết trong bài “Hiện tượng Phạm Thanh Bình”: “Trước hết, có thể nói Vinashin là một hiện tượng trong lịch sử kinh tế thế giới, đáng ghi vào Sách kỷ lục Guinness (Book of Records). Theo Bloomberg, tập đoàn này làm thất thoát khoảng 4,5 tỉ USD tài sản tương đương với 5% GDP của Việt Nam. So với xì-căng-đan kinh tế lớn nhất của Mỹ, Công ty Enron phá sản với tài sản tổng cộng hơn 65 tỉ USD (vốn hóa thị trường) tương đương với 0,6% GDP của Mỹ vào thời đó (2001). Ở Á châu, Tập đoàn Sime Darby của Malaysia đạt kỷ lục năm 2009 với số tiền lỗ hơn 1,8 tỉ USD, tương đương với 0,4% của GDP. So với thành tích của Vinashin, họ chỉ là đàn em".

Vì coi Vinashin như ngọn cờ đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe các quân sư quạt “máy” xui dại, với một chiến lược phát triển, với viễn tưởng sẽ xây dựng thành công và đưa những tập đoàn công nghiệp nhà nước hàng đầu thành những tập đoàn kinh doanh lớn theo kiểu định hướng XHCN.

Blogger Kami

Blogger Kami bình luận: “Số tiền nợ này nhiều tới mức nếu bổ đầu bình quân mỗi công dân nước Cộng hòa XHCN Việt nam, kể từ em bé vừa cất tiếng chào đời đến người chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng cũng phải mắc nợ khoảng hơn 1 triệu VND. Trong một thư ngỏ của TS Vũ Triệu Minh gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông TS Vũ Triệu Minh đã nói toạc rằng: “… Chỉ trong một chớp mắt, mỗi người dân Việt Nam phải trả nợ cho Vinashin của ông một triệu đồng đấy. Số tiền này đủ để ông xóa nghèo cho toàn dân Việt Nam trong vòng 20 năm…”.

Nhưng tiền bạc chưa phải là chuyện lớn, vấn đề quan trọng là công ăn việc làm và cuộc sống của người lao động của Vinashin. Báo Thanh niên cho biết "Ngày 4/8, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chính sách lao động tại Vinashin. Theo công văn này, đời sống của người lao động Vinashin đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có 7.314 lao động thiếu việc làm, tập đoàn nợ tiền lương của người lao động 103 tỉ đồng, nợ BHXH 143,9 tỉ đồng”.

Bài học thứ hai là mô hình kinh tế quốc doanh do nhà nước chỉ đạo từ trước đến nay chỉ toàn lỗ lã, thất bại. Trong bài “Từ chuyện Vinashin - Con tàu không bến đến một cơ chế cần khai tử” tác giả Nguyễn Trung nói thẳng: “Tính đến nay thì có hai doanh nghiệp đã “lộ mặt” chuyện này. Đó là TKV dưới thời ông cựu Kiển – và nay là Vinashin. Việt Nam hiện có bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước đã, đang, và sẽ đi mượn nợ kiểu này – và số nợ đã vay là bao nhiêu?

...85 triệu dân Việt Nam hôm nay, cùng con cháu họ sẽ cật lực làm để trả nợ cho Chính phủ được gây ra bởi các tập đoàn con cưng của Chính phủ. Những tập đoàn kinh tế mà hiệu quả kinh tế thì kém cỏi nhưng theo lời các vị Bộ trưởng thì “hiệu quả chính trị, hiệu quả xã hội vẫn tốt”!

Những vấn nạn mà theo lời của ông PTT Nguyễn Sinh Hùng là “Tôi nhấn mạnh một lần nữa việc kiểm soát trước còn nhiều yếu kém. Yếu kém này là do cơ chế”. Đổ thừa tất cho cơ chế là cách mà các nhà lãnh đạo từ trên xuống dưới của Việt Nam vẫn thường làm. Nói như tác giả Nguyễn Trung: “Cơ man nào là cơ chế và cơ chế nào cũng hung hiểm như bệnh nan y khiến cho Việt Nam không thành rồng thành hổ. Vậy thì, đã đến lúc khai tử cái cơ chế này – đó là cách duy nhất để Việt Nam thành Rồng nơi biển lớn– còn không thì Việt Nam mãi là Rồng nơi lỗ chân trâu mà thôi”!

Dư luận thì cho rằng đây chỉ là những vụ đấu đá nhau trước Đại hội Đảng, và sau vụ này thì ông Nguyễn Tấn Dũng khó lòng mà mơ đến cái chức Tổng Bí thư quyền lực cao nhất ở Việt Nam!

Phía sau vụ từ chức của ông Phó tổng giám đốc VTV

clip_image003

Lá đơn tố cáo ông Vũ Văn Hiến vi phạm nghiêm trọng pháp luật và điều lệ Đảng Cộng sản VN do Văn phòng luật sư Vì Dân đứng đơn. Hình do thính giả gửi RFA

Một sự việc khác cũng gây xôn xao dư luận gần đây là vụ ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, được nhiều người đánh giá là có thực tài, có uy tín, đã gửi đơn xin từ chức lên Thủ tướng chính phủ. Sở dĩ sự việc được coi là không bình thường vì ở Việt Nam, rất hiếm khi có người ngồi đang ngồi ở một vị trí cao trong ngành nào đó xin từ chức, nhất là lại nằm ở một ngành làm công tác tư tưởng văn hóa, là nghề báo chí.

Báo Tuần Việt Nam viết “Xin một lời buồn về chuyện Phó Tổng Giám đốc VTV xin từ chức”: “Chuyện thời nay một người không phù hợp với nơi này và chuyển đến nơi khác là chuyện bình thường. Tuy chúng ta từng chứng kiến sự chảy máu chất xám ở một số cơ quan Nhà nước, nhưng ở Việt Nam chưa phải là chuyện bình thường của cái lẽ vốn bình thường ấy. Mà trường hợp của ông Trần Đăng Tuấn thì phải gọi đó là chuyện bất thường. Không thể là chuyện bình thường khi một người có kinh nghiệm, có gắn bó, có công không nhỏ với sự phát triển của Truyền hình Việt Nam (THVN) trong giai đoạn đổi mới và có một vị trí xã hội mà vạn vạn người mong ước lại rũ áo ra đi".

Dư luận cho rằng ông Trần Đăng Tuấn phải ra đi vì bị cô lập, vô hiệu hóa bởi ông Vũ Văn Hiến –Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và phe nhóm của ông ta. Chưa rõ điều này có đúng hay không thì liền sau đó rộ lên hai chuyện: trang anhbasam đăng nguyên văn lá đơn của ông Trần Quốc Khánh, (cán bộ Đài truyền hình VN) khiếu nại, tố cáo ông Vũ Văn Hiến (Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Đài truyền hình VN) vi phạm nghiêm trọng pháp luật và điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam do Văn phòng luật sư Vì Dân đứng đơn.

Không thể là chuyện bình thường khi một người có kinh nghiệm, có gắn bó, có công không nhỏ với sự phát triển của Truyền hình Việt Nam (THVN) trong giai đoạn đổi mới và có một vị trí xã hội mà vạn vạn người mong ước lại rũ áo ra đi.

Báo Tuần Việt Nam

Lá đơn tố cáo ông Hiến cố ý làm trái pháp luật trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tại Đài truyền hình VN cũng như trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm sản xuất chương trình truyền hình VN gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng và có dấu hiệu tham nhũng; phe cánh, trù dập người ngay…

Chuyện thứ hai là nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng ba cho ông Vũ Văn Hiến. Trước đó, chính ông Vũ Văn Hiến đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thi đua của Đài THVN, lập biên bản để trình Thủ tướng đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba cho Vũ Văn Hiến. Nhà báo, blogger Phạm Viết Đào bức xúc viết bài đề nghị “Cần xem xét lại việc trao Huân chương Độc lập cho ông Vũ Văn Hiến - Tổng giám đốc Đài truyền hình VN”.

Vô hình chung giữa hai câu chuyện tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau là vụ Vinashin và vụ ông Trần Đăng Tuấn từ chức, lại cho thấy những điểm chung trong căn nguyên cội rễ gây ra những vụ việc này. Đó là nạn tham nhũng, bè phái có mặt ở khắp mọi lĩnh vực, là sự bất tài kém đức ở những người nắm giữ những quyền lực rất cao cho dù là ông Tổng Giám đốc một tập đoàn đóng tàu hay ông Tổng Giám đốc của một đài truyền hình trung ương, và cuối cùng là “lỗi hệ thống”: chính một thể chế chính trị như lâu nay ở VN đã tạo điều kiện cho những sự việc như vậy xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra dài dài!

N.H

Nguồn: RFA

Audio: 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn