Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ hai và bình luận của các nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam

Mỹ - ASEAN: Giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải

clip_image002

 

Tổng thống Mỹ Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN.Ảnh: AP

 

Rạng sáng nay (giờ Việt Nam), Nhà Trắng đã đưa ra Tuyên bố chung sau cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN lần thứ hai, diễn ra tại New York. Một lần nữa, hai bên khẳng định tầm quan trọng của ổn định và hòa bình khu vực, an ninh hàng hải, không cản trở thương mại và tự do hàng hải theo những quy định liên quan được nhất trí của luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và những điều luật hàng hải quốc tế khác, đồng thời giải quyết hòa bình các tranh chấp.

VietNamNet giới thiệu Tuyên bố chung này:

1. Chúng tôi, những người đứng đầu nhà nước/chính phủ của Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Indonesia, Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, Malaysia, Liên bang Myanmar, Cộng hoà Philippines, Cộng hoà Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ, đã tổ chức cuộc họp lãnh đạo ASEAN - Mỹ lần thứ hai ngày 24/9 ở New York. Cuộc họp có sự đồng chủ trì của ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Việt Nam và ông Barack Obama, Tổng thống Mỹ. Tổng thư ký ASEAN cũng tham dự.

2. ASEAN đánh giá cao cam kết của Mỹ ở mức cao nhất với các nước thành viên ASEAN. Chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng, việc Mỹ tham gia Hội nghị sau Bộ trưởng hàng năm (PMC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + (ADMM +) sắp tới, duy trì cam kết thông qua Thỏa thuận khung Thương mại và Đầu tư Mỹ - ASEAN (TIFA), Mỹ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC), và thiết lập một Phái đoàn thường trực tại ASEAN, tất cả đã phản ánh cam kết vững chắc của Mỹ trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ toàn diện với ASEAN. Chúng tôi hoan nghênh việc bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại ASEAN.

3. Chúng tôi ghi nhận những yếu tố gắn kết tốt hơn giữa ASEAN và Mỹ. Chúng tôi nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hiện nay để cung cấp khuôn khổ cho sự phát triển tiếp tục trong quan hệ ASEAN - Mỹ và mở rộng đóng góp đáng kể sự hợp tác vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á. Chúng tôi hoan nghênh ý tưởng nâng cao quan hệ đối tác của chúng tôi tới một tầm chiến lược và sẽ coi đây là lĩnh vực tập trung ưu tiên của ASEAN - Mỹ. Nhóm Danh nhân sẽ gánh vác việc này nhằm phát triển cụ thể và thiết thực các khuyến nghị hoàn tất vào năm 2011. Chúng tôi cũng hướng tới việc thông qua Kế hoạch Hành động 2011 - 2015.

4. Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ với Cộng đồng và Kết nối ASEAN. Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ để giải quyết các vấn đề như nhân quyền, thương mại và đầu tư, hiệu quả năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, văn hoá và trao đổi con người, đối thoại tín ngưỡng, khoa học và công nghệ, quản lý rủi ro thảm họa và phản ứng khẩn cấp, y tế và bệnh dịch, môi trường, bảo tồn sinh thái, biến đổi khí hậu, chống nạn buôn bán trái phép về con người, vũ khí, ma tuý và các hình thái tội phạm xuyên quốc gia khác. Chúng tôi quyết tâm hợp tác sâu sắc hơn chống khủng bố quốc tế theo khuôn khổ Tuyên bố chung ASEAN - Mỹ về Hợp tác và Chống khủng bố quốc tế.

Tái khẳng định tầm quan trọng của ASEAN

5. Chúng tôi đã thảo luận gia tăng các nỗ lực để thúc đẩy hợp tác khu vực tại Đông Á và tái khẳng định tầm quan trọng trung tâm của ASEAN trong tiến trình EAS. ASEAN hoan nghênh ý định của Tổng thống Mỹ tham gia Thượng đỉnh Đông Á (EAS) bắt đầu từ 2011 và sự tham gia của Ngoại trưởng Clinton với tư cách khách mời của chủ tịch tại cuộc họp EAS lần thứ năm ngày 30/10/2010 tại Hà Nội. ASEAN và Mỹ hy vọng tiếp tục trao đổi các quan điểm với tất cả các bên liên quan để đảm bảo một cách tiếp cận cởi mở và toàn diện cho hợp tác khu vực trong tương lai.

clip_image004

Trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone. Ảnh: AP

6. Chúng tôi đã xem xét các thảo luận từ cuộc gặp lịch sử đầu tiên tại Singapore năm ngoái và ghi nhận với sự hài lòng những thành tựu đáng kể của Tăng cường quan hệ Đối tác Mỹ - ASEAN. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của những mục tiêu chung, và giao nhiệm vụ cho các quan chức tiếp tục theo đổi các chương trình và hoạt động để đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ, tăng cường hội nhập khu vực, hỗ trợ hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN năm 2015.

7. Chúng tôi cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực thông qua Sáng kiến an ninh lương thực L’Aquila, đặc biệt là khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường hiệu quả sản xuất và phân phối, xây dựng năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn nghiên cứu phát triển tốt nhất, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, chúng tôi cam kết thúc đẩy an ninh lương thực thông qua ủng hộ Chương trình khung về An ninh lương thực tổng hợp ASEAN (AIFS) và Kế hoạch hành động chiến lược về An ninh lương thực (SPA-FS) cũng như thông qua xúc tiến thương mại nông nghiệp và nghề cá.

8. Chúng tôi thừa nhận tiếp tục mối quan hệ về hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực bảo vệ sở hữu trí tuệ và thực thi vấn đề thông qua Thỏa thuận giữa Ban thư ký ASEAN với Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá Mỹ, đưa ra từ 2004 và gần đây được mở rộng thêm 5 năm nữa, biểu dương các kết quả từ quá trình đào tạo trước theo thoả thuận này.

9. Dựa vào các quyết định của chúng tôi tại cuộc họp các lãnh đạo ASEAN - Mỹ đầu tiên, trao đổi hơn nữa giữa ban thư ký Nội các Mỹ và những người đồng cấp ASEAN cần được xem xét và khuyến khích để phát triển các lĩnh vực hợp tác chung.

10. ASEAN và Mỹ đã rút ra những bài học giá trị từ các cuộc khủng hoảng 1997 và 2008, quyết tâm sẽ đóng góp vào quá trình cải tổ kiến trúc tài chính toàn cầu để bảo vệ kinh tế toàn cầu khỏi các cuộc khủng hoảng tương lai, cam kết sẽ thiết lập một nền tảng bền vững cho phát triển tương lai cân đối hơn trong nhu cầu các nguồn của mình, và cung cấp cho nhu cầu phát triển phù hợp với Khuôn khổ G20 vì tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân đối. Về khía cạnh này, Mỹ đã ghi nhận vai trò xây dựng của ASEAN trong diễn đàn đa phương bao gồm cả những đóng góp của khối với tiến trình G20.

Tăng cường hợp tác kinh tế

11. Chúng tôi hoan nghênh sự phục hồi thương mại giữa ASEAN và Mỹ và duy trì cam kết tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa để duy trì phục hồi và tạo việc làm cũng như tăng thêm những cơ hội kinh tế mỗi nước. Trao đổi hàng hoá hai chiều ASEAN - Mỹ đạt 84 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 28% so với năm trước. Ngoài ra, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại ASEAN đạt tổng cộng 153 tỉ USD năm 2008 và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của ASEAN tại Mỹ là 13,5 tỉ USD.

clip_image006

Từ trái qua phải, Phó Tổng thống Indonesia Boediono, Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Obama, Tổng thống Philippine Benigno Aquino, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Ngoại trưởng Myanmar U Nyan Win. Ảnh: Reuters

12. Chúng tôi ủng hộ việc tăng cường các nỗ lực để thúc đẩy những sáng kiến mới của tất cả các bên theo Thoả thuận khung Thương mại và Đầu tư ASEAN - Mỹ (TIFA), bao gồm việc hoàn thành một thoả thuận tạo thuận lợi thương mại, tiếp tục phát triển tài chính thương mại và môi trường đối thoại thương mại, tiếp tục hợp tác trên các tiêu chuẩn của Ủy ban tư vấn về tiêu chuẩn và chất lượng của ASEAN (ACCSQ). Chúng tôi hoan nghênh các Bộ trưởng Tài chính của chúng tôi đã gặp gỡ lần đầu tiên để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm trong phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực.

13. Chúng tôi thừa nhận tham nhũng và buôn lậu xói mòn phát triển, đầu tự, thu nhập thuế và kinh doanh hợp pháp trong khu vực, gây ra bất ổn trong cộng đồng và là những rào cản lâu dài của tăng trưởng. Vì lý do này, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua và thực thi đầy đủ Công ước LHQ về chống tham nhũng. Chúng tôi cũng công nhận sự cần thiết trong tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong vấn đề thảo luận để đạt được sự tăng trưởng toàn cầu bền vững và cân đối hơn, tăng cường xây dựng năng lực trong những lĩnh vực chính như chống tham nhũng và buôn lậu, ngăn chặn hối lộ, tăng cường minh bạch ở cả lĩnh vực công và tư nhân, bác bỏ thiên đường an toàn, dẫn độ và thu hồi tài sản. Chúng tôi cũng hoan nghênh các nỗ lực của G20 trong việc thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng.

14. Chúng tôi hoan nghênh tiến bộ liên tục trong tự do thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư khu vực, thông qua tiến trình Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng như các cuộc đàm phán đang diễn ra trên quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương có sự liên quan của một số thành viên ASEAN và Mỹ.

15. Chúng tôi thừa nhận biến đổi khí hậu là mối lo ngại chung của loài người. Phù hợp với Lộ trình Bali, chúng tôi tái khẳng định rằng, tất cả các nước cần bảo vệ hệ thống khí hậu vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai theo nguyên tắc và quy định của UNFCCC, trong đó có nguyên tắc chung nhưng phân biệt khả năng và trách nhiệm tương ứng. Chúng tôi nhất trí thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu gồm thích ứng, tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực. Chúng tôi ghi nhận sự đóng góp quan trọng của Hiệp ước Copenhagen và cam kết cùng nhau làm việc để hướng tới một kết quả thành công của Hội nghị Biến đổi khí hậu LHQ 2010 tại Cancun, Mexico.

16. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ với Ủy hội Nhân quyền liên chính phủ ASEAN và đề xuất hỗ trợ Ủy hội về thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em thông qua các chương trình xây dựng năng lực. Chúng tôi trông đợi các kết quả của chuyến khảo sát AICHR diễn ra tại Mỹ vào cuối năm nay và chuyến thăm của Ủy ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em dự kiến năm tới.

17. Các lãnh đạo ASEAN hoan nghênh sự tham gia tiếp tục của Mỹ với Chính phủ Myanmar. Chúng tôi bày tỏ hy vọng rằng, ASEAN và Mỹ tham gia khuyến khích Myanmar tiến hành cải tổ chính trị và kinh tế để tạo điều kiện hoà giải dân tộc. Chúng tôi hoan nghênh Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ngày 17/8/2010. Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi từ Tuyên bố chung các lãnh đạo tháng 11/2009 rằng, cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2010 ở Myanmar cần được tiến hành theo cách tự do, công bằng, toàn diện và minh bạch để tạo sự tin tưởng cho cộng đồng quốc tế. Chúng tôi nhấn mạnh việc Myanmar cần tiếp tục làm việc với ASEAN và LHQ trong tiến quá trình hoà giải dân tộc.

18. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của ổn định và hòa bình khu vực, an ninh hàng hải, không cản trở thương mại và tự do hàng hải theo những quy định liên quan được nhất trí của luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và những điều luật hàng hải quốc tế khác, đồng thời giải quyết hoà bình các tranh chấp.

19. Các lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Hiệp ước ký kết giữa Mỹ và Liên bang Nga về các biện pháp cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược ngày 8/4/2010 ở Prague. ASEAN và Mỹ coi đây là bước đi quan trọng hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, ASEAN và Mỹ tái khẳng định rằng, việc thiết lập một khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) đã đóng góp vào tiến trình giải trừ hạt nhân toàn cầu, chống phổ biến hạt nhân, hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi khuyến khích các quốc gia có vũ khí hạt nhân tới SEANWFZ để tiến hành thảo luận, trong khuôn khổ phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc của hiệp ước. Về vấn đề này, ASEAN hoan nghênh tuyên bố của Mỹ tại Hội thảo đánh giá Hiệp ước không phổ biến hạt nhân 2010 rằng, đây là bước chuẩn bị để tham vấn và giải quyết các vấn đề, cho phép Mỹ gia nhập Nghị định thư SEANWFZ. ASEAN đã chúc mừng Mỹ trên các kết quả thành công của Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tháng 4/2010, trong đó có sự tham dự của một số nước ASEAN, sẽ cùng nhau thực hiện các cam kết đưa ra và cùng kết hợp với các bên khác trong nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn khủng bố hạt nhân.

20. Chúng tôi nhắc lại cam kết về ngăn chặn việc sử dụng và phố biển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), trong một nỗ lực xây dựng thế giới không tồn tại mối đe dọa WMD. Chúng tôi chúc mừng Philippines vì thành công và hiệu quả trong vai trò Chủ tịch Hội thảo đánh giá Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), và nhấn mạnh tính cần thiết với tất cả các bên tham gia NPT cần tiếp tục thực thi bổn phận của chúng ta theo NPT. Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc áp dụng và thực thi cân bằng, đầy đủ, không chọn lọc ba trụ cột của Hiệp ước - giải trừ hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, và sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân.

21. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 1929 Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Iran và các nghị quyết 1718, 1874 về Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (DPRK). Chúng tôi kêu gọi cả hai quốc gia và cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các bổn phận theo những nghị quyết này. Chúng tôi kêu gọi DPRK thực hiện các cam kết theo Tuyên bố chung Đàm phán sáu bên 19/9/2005 nhằm từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân hiện có. Chúng tôi cũng thúc giục DPRK tuân thủ đầy đủ các bổn phận theo những nghị quyết kể trên của Hội đồng Bảo an.

22. Các lãnh đạo ASEAN và Mỹ hoan nghênh ADMM + như một khuôn khổ có thể góp phần thúc đẩy hợp tác hiện có về an ninh và quốc phòng khu vực giữa ASEAN và các đối tác phù hợp với định hưởng cởi mở, linh hoạt, hướng ra bên ngoài của ADMM. ASEAN hoan nghênh kế hoạch tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng trong buổi khai mạc ADMM + vào tháng 10.

23. Chúng tôi hoan nghênh việc duy trì Sáng kiến Mỹ - Hạ nguồn Mekong để tăng cường hợp tác môi trường, y tế, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Chúng tôi ủng hộ duy trì các cuộc họp bộ trưởng giữa Mỹ và những quốc gia hạ nguồn Mekong. Chúng tôi khuyến khích cam kết và ủng hộ của Mỹ với Khu vực phát triển Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Đông Á (BIMP-EAGA), Tam giác Tăng trưởng Indonesia, Malaysia, Thái Lan (IMT-GT), Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam(CLMV), Trái tim của Borneo, và những khuôn khổ khác trong hợp tác tiểu vùng.

24. Chúng tôi công nhận tầm quan trọng của hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu, giáo dục ASEAN và khuyến khích thêm nhiều những liên kết học thuật. Về vấn đề này, chúng tôi đánh giá cao Hợp tác ERIA - Đại học Harvard trong trao đổi học thuật và hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là hội thảo chuyên đề mà họ đồng bảo trợ diễn ra tại Hà Nội ngày 26/10/2010 mang tên “Phát triển Xã hội ASEAN và thành lập Mạng lưới an sinh xã hội bền vững”.

25. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại ở cấp cao nhất giữa hai bên và cam kết sẽ tổ chức cuộc họp thứ ba vào năm tới cùng với hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2011.

  • Thái An (theo whitehouse)

Nguồn: Vietnamnet

Bình luận của các nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam

Nguyễn Xuân Diện Blog đã gặp gỡ, phỏng vấn các nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam về sự kiện này. Có ba nhà ngoại giao sau đã vui lòng trả lời phỏng vấn Nguyễn Xuân Diện - Blog:

1. Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, từng có 13 năm là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc (1974 - 1987)

2. Ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu

3. Ông Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan.

ÔNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1987)

Tôi thấy thế này, chính sách ngoại giao của Việt Nam từ trước đến nay là đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau vì hòa bình và phát triển. Như vậy, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc Việt Nam có quan hệ với các nước, bất kể lớn hay nhỏ, là bình thường. Và thực sự Việt Nam đã có quan hệ với các nước lớn, không chỉ Trung Quốc mà cả Nga, Ấn Độ, EU và Mỹ.

Hiện nay, trong tình hình Trung Quốc cứ lấn át, và thường xuyên đe dọa Việt Nam thì việc Mỹ trở lại khu vực và quan hệ với ASEAN ở một cấp độ mới, thực sự góp phần không nhỏ nhằm hạn chế bớt sự hung hăng và đe dọa đối với Việt Nam là một việc tốt. Tất nhiên điều này làm cho Trung Quốc tức tối. Nhưng mà sự tức tối đó là vô lý. Và thực sự thì Trung Quốc đã làm biết bao điều vô lý là dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và những bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, rồi vẽ đường lưỡi bò chiếm gần hết Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trái luật pháp quốc tế, vi phạm quyền hàng hải tự do của các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, việc Mỹ trở lại khu vực Đông Nam Á và liên hệ với ASEAN là một tất yếu, hết sức bình thường.

Rất đáng tiếc trong lãnh đạo Việt Nam vẫn có một số người cứ nín nhịn và hữu nghị một chiều với Trung Quốc.

Tôi cho rằng, Tuyên bố chung Mỹ - ASEAN là phù hợp với lợi ích của Mỹ và ASEAN. Đồng thời cũng có tác dụng ngăn chặn bớt thái độ “lấy thịt đè người” của Trung Quốc.

clip_image007

Thiếu tướng, Cựu Đại sứ VN tại TQ Nguyễn Trọng Vĩnh trả lời phỏng vấn Nguyễn Xuân Diện

clip_image008

Vị lão tướng, nhà ngoại giao lão thành 95 tuổi đang chọn những ngôn từ thích hợp

clip_image009

Nhà ngoại giao kỳ cựu trả lời. Nguyễn Xuân Diện ghi.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh trả lời trực tiếp Nguyễn Xuân Diện tại nhà riêng (từ 10h45-11h5)

ÔNG DƯƠNG DANH DY

Nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc

Theo tôi, Tuyên bố chung Mỹ - ASEAN phản ánh đúng mức quan hệ quốc tế hiện nay, tức là phía Mỹ cũng có nhân nhượng với ASEAN và ngược lại, ASEAN nhân nhượng Mỹ về chuyện 6 bên vấn đề Triều Tiên, vấn đề I-ran, vấn đề Miến Điện. Mỹ có các cam kết mạnh mẽ hơn đối với ASEAN. Và lần đầu tiên Mỹ cử Đại sứ bên cạnh ASEAN, có hợp tác toàn diện với ASEAN, v.v. Như thế là được!

(Ông Dương Danh Dy trả lời qua điện thoại)

ÔNG ĐINH HOÀNG THẮNG
Nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan

1. Phải đặt Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực thì mới thấy hết ý nghĩa của nó. Hiện nay, các mối quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nhật, Trung - Ấn, Trung - Úc... đều đang căng thẳng do những động thái quá mạnh bạo của Trung Quốc. Nếu như trước đây, trong cụm từ "trỗi dậy hòa bình" hoặc "quật khởi hòa bình" (chữ rise có thể dịch trỗi dậy, hoặc quật khởi đều được), Trung Quốc chú ý vế "hòa bình" thì hai năm trở lại đây Trung Quốc nhấn mạnh vế "quật khởi". Người dân VN nói chung, đặc biệt là ngư dân Quảng Ngãi, những người từng bị đánh đập, mất thuyền, phải "nộp phạt" cho Trung Quốc là những người cảm nhận hơn ai hết sự căng thẳng này.

Do đó, nhu cầu nâng cấp quan hệ đối tác, tập hợp lực lượng mới ở khu vực là một tất yếu khách quan, không thể né tránh. Trong bối cảnh đó Việt Nam không thể đứng yên, không thể không tìm đối tác chiến lược để cân bằng và đối trọng (check and balance) trong tình hình mới. Trong toàn cầu hóa không thể "một mình một ngựa" để xây dựng kinh tế thị trường, xã hội công dân, nhà nước pháp quyền. Mà thiếu các yếu tố này thì không thể có "dân giàu, nước mạnh...".

Nếu chỉ tự dựa vào sức mình để làm chuyện "đội đá vá trời" (chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường; chuyển từ bao vây cấm vận sang hội nhập...) thì việc gì ta phải vất vả "cò cưa" với Mỹ trong mấy năm để có BTA, làm gì phải "trồi trụt" năm này qua năm khác để cuối cùng có được tấm vé gần chót lên chuyến tàu tốc hành WTO. Nhưng cuộc đời này, nghĩ cho cùng cũng công bằng. Cũng có phải có cái duyên cái phận thế nào, thì Việt Nam mới làm Chủ tịch đúng vào lúc Mỹ và ASEAN chuyển hướng. Vì vậy, Tuyên bố Mỹ - ASEAN lần này mang một ý nghĩa đặc biệt.

2. Tuyên bố này đánh dấu một bước chuyển có ý nghĩa trong chính trường khu vực và trong quan hệ quốc tế của Mỹ và ASEAN.

Thứ nhất, các bên cam kết xây dựng và triển khai mối bang giao từ thấp đến cao, từ “quan hệ đối tác tăng cường” lên “quan hệ đối tác chiến lược”. Khi hai bên đã thừa nhận có sự gắn bó về lợi ích chiến lược thì sự cam kết trong Tuyên bố này hy vọng không còn chỉ trên văn bản và lời nói, mà nó sẽ được hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể sau này.

Thứ hai, các bên khẳng định sự can dự từng phần chuyển sang sự can dự toàn diện. Mỹ không chỉ trở lại châu Á, trở lại để ở lại mà chấp nhận vai trò lãnh đạo châu Á, lấy ASEAN làm hạt nhân.

Thứ ba, với sự cam kết và can dự đó, hy vọng rằng những “căn bệnh cố hữu” của ASEAN sẽ được khắc phục. Từ nay, các thành viên ASEAN trước khi hành động sẽ phải nghĩ đến lợi ích của ngôi nhà chung trước, tránh "mạnh ai nấy làm", tránh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Có như thế, sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và 10 thành viên trong tổ chức này mới là một sự tin cậy bền vững, lâu dài và hiệu quả.

3. Riêng đối với Việt Nam, đây vừa là một tin vui, nhưng cũng là một nỗi lo. Vui vì từ nay chính sách khu vực rộng mở - hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ được triển khai dưới những tầm nhìn mới. Rõ ràng từ nay không chỉ hội nhập kinh tế, mà Việt Nam cũng “can dự” toàn diện vào các công việc của khu vực: từ kinh tế - thương mại đến chính trị - xã hội, từ an ninh đến quốc phòng… “Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế” vốn đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội XI, sẽ mang một ý nghĩa mới của thời đại. Lo vì những nguyên tắc căn bản của Việt Nam từ trước đến nay làm thế nào để hòa đồng với phương châm mới là “độc lập dân tộc gắn với hội nhập quốc tế” vì mục tiêu hòa bình và phát triển?

clip_image010

Ông Đinh Hoàng Thắng trả lời trực tiếp Nguyễn Xuân Diện tại nhà riêng (9h45-10h30)

Nguyễn Xuân Diện-Blog xin chân thành cảm ơn các Ông: Nguyễn Trọng Vĩnh, Dương Danh Dy, Đinh Hoàng Thắng đã vui lòng trả lời phỏng vấn của Nguyễn Xuân Diện.

Nguồn: Nguyenxuandien Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn