Việt Nam không có ý định kiềm chế Trung Quốc

Việt Nam không có ý định kiềm chế Trung Quốc

(Bình luận của Chủ blog Phamvietdaonv về bài trả lời phỏng vấn của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN)

Phạm Viết Đào

clip_image001

Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam

Ngay cái đầu đề của bài phỏng vấn của báo Quân đội nhân dân... đã không chuẩn, thiếu chín chắn về chính trị và không chính xác cả về ngôn ngữ ngoại giao, quân sự. Việt Nam làm sao mà kiềm chế được Trung Quốc? Có mà nằm mơ giữa ban ngày?! [Báo Quân đội nhân dân đã sửa lại đầu đề, vốn là Việt Nam không có ý định kiềm chế Trung Quốc, thành Gặp gỡ báo chí tại Bắc Kinh, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quan hệ quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển tích cực, nhưng Vietnamnet đăng lại của báo Quân đội nhân dân, vẫn còn giữ nguyên - BVN]

Giải thích với báo chí Trung Quốc đang cho rằng Việt Nam đang bắt tay với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, nếu ở cương vị tướng Nguyễn Chí Vịnh, chủ Blog sẽ trả lời như sau: “Trước hết xin cảm ơn các bạn đã có những ý kiến đánh giá quá cao Việt Nam. Sao bạn lại đánh giá Đâng Cộng sản, Chính phủ và quân đội Trung Quốc thấp và kém thế? Việt  Nam làm sao mà kiềm chế nổi Trung Quốc! Việt Nam giỏi lắm, tài lắm, anh hùng lắm như cha ông ta từ ngàn đời nay đã làm được, đó là, nếu như Trung Quốc kéo quân sang xâm lược thì sẽ phát động toàn dân đứng lên:

Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để răng đen

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn 
Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ…

Còn cho rằng Việt Nam lôi kéo Mỹ vào để kiềm chế Trung Quốc thì Mỹ đâu phải làm đám trẻ con mà Việt Nam thể xui làm gì thì làm? Nếu Trung Quốc là một quốc gia tự nhận là siêu cường mà bị Việt Nam kiềm chế được thì chính quyền Bắc Kinh nên cải tổ, từ chức tập thể…

Chính phủ Mỹ từ khi lập quốc đến nay luôn giương ngọn cờ thực dụng trong các chính sách đối ngoại của mình; nếu quả thật Việt Nam và Mỹ đã tìm thấy lợi ích chung, bắt tay được với nhau được thì Trung Quốc là nước láng giềng, có ảnh hưởng lớn về văn hóa lâu đời đối với Việt Nam cần phải xem lại mình. Trung Quốc đã ứng xử thế nào khiến cho nhân dân và chính phủ Việt Nam luôn phải cảnh giác, phải đề phòng, còn người dân thì ngày càng căm ghét chính quyền Bắc Kinh? Chả nhẽ Việt Nam là phía chủ động gây sự với Trung Quốc để rước họa binh đao với nước lớn cạnh mình…”

Đây là câu hỏi mang đầy yếu tố khiêu khích chính trị, vu vạ, gắp lửa bỏ tay người của báo chí Trung Quốc; tất nhiên đằng sau các nhà báo này là ai thì không cần viết ra bà con cũng rõ.

Đáng lẽ ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cần phải đáp trả sòng phẳng rằng: “Không có cơ sở chính trị, quân sự ngoại giao nào chứng minh được rằng Việt Nam bắt tay với Mỹ để kiềm chế, khống chế Trung Quốc cả. Nói như vậy là vu cáo, là gắp lửa bỏ tay người là kiếm cớ gây hấn. Nếu phía Trung Quốc chứng minh được Việt Nam đang gây hấn, kiềm chế Trung Quốc thì xin mời các ngài cho dẫn chứng để Việt Nam rút kinh nghiệm, không tái diễn những hành vi khiến cho Trung Quốc nghĩ là đang tìm cách ăn hiếp, bắt nạt Trung Quốc…”

Ai đưa tàu vào sâu trong lãnh hải Việt Nam? Ai bắt bớ, đánh đập, tống tiền ngư dân Việt Nam? Ai đưa ra thuyết đường lưỡi bò? Ai đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa vốn là của Việt Nam? Việt Nam đã chiếm tấc đất nào của Trung Quốc, bắt người nào của Trung Quốc?

Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, do vậy nếu như có mời tàu Mỹ, tàu Nga, tàu Pháp… vào ghé chơi thì lại phải xin visa của Trung Quốc chắc? Tại sao Trung Quốc không tự đặt dấu hỏi: Hỏi như vậy chính Trung Quốc đang muốn Việt Nam là sân sau của mình, Biển Đông là ao nhà của Trung Quốc chăng? Vậy thì ai đang có ý định kiềm chế ai?

Theo chủ Blog thì quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, giữa Việt Nam và Trung Quốc không có gì khác nhau cả. Tại sao ông Thứ trưởng lại trả lời: “Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc khác nhiều với quan hệ Việt Nam với Mỹ.”? Quan hệ với bất cứ quốc gia nào, Việt Nam đều giữ một nguyên tắc chung: bình đẳng, tôn trọng chủ quyền độc lập của nhau và hai bên cùng có lợi. Tại sao chúng ta lại tạo đặc ân cho Trung Quốc được vào một sân chơi riêng?

Về câu hỏi thứ nhất của mạng Toàn cầu rằng Mỹ đang tìm kiếm đồng minh quân sự của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đáng lý ra Thứ trưởng phải trả lời: Mạng Toàn cầu nên hỏi Mỹ chứ sao lại hỏi Việt Nam. Nguyên tắc đối ngoại của Việt Nam là: ai ủng hộ, hữu nghị với Việt Nam thì Việt Nam hữu nghị lại, ai xấu, ác, có ý định dùng vũ lực đánh Việt Nam thì Việt Nam không ngán, đủ sức chơi lại sòng phẳng. Điều này lịch sử đã chứng minh trong quá khứ: Việt Nam đã đáp trả dáng hoàng với Nhật, Pháp, Mỹ và cả Trung Quốc. Việt Nam cử đoàn sang Trung Quốc là để hai bên bàn thảo các giải pháp hợp tác hữu nghị với nhau, Việt Nam không cử đoàn sang Trung Quốc đây để gây sự hay tìm cách kiềm chế Trung Quốc.

Theo chủ Blog trả lời như vậy mới đích đáng với cái mạng Toàn cầu, mạng chuyên đăng bài cà khịa với Việt Nam để họ bớt hung hăng đi.

Về câu hỏi thứ hai của Nhân dân nhật báo, nếu Chủ Blog này ở cương vị Tướng Nguyễn Chí Vịnh thì sẽ trả lời như sau: “Những điều các bạn nêu là có thật. Việc báo chí nước ngoài bình luận như thế nào là việc của họ, các bạn quan tâm các bạn nên hỏi họ. Chỉ xin hỏi lại, nếu Việt Nam lại đặt ngược lại câu hỏi này cho phía Trung Quốc, khi Trung Quốc mời tàu các nước khác vào thăm cảng Trung Quốc rằng: có sẽ làm nảy sinh ảnh hưởng quan hệ Việt-Trung không? […] Thực ra Việt Nam chưa bao giờ quan tâm tới việc Trung Quốc mời ai, đón ai kể cả khi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mời Nixon sang bàn về việc giải quyết chiến tranh Việt Nam, không thông báo với Việt Nam, nhưng Việt Nam có công khai phản đối đâu; nếu Việt Nam làm như vậy thì Trung Quốc có vu cho là Việt Nam đang can dự vào công việc nội bộ Trung Quốc, khống chế Trung Quốc không?!”

Còn khi trả lời câu hỏi: “Đồng chí có đánh giá gì về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc? Hiện nay có rất nhiều mối quan tâm về Biển Đông, xin đồng chí đánh giá về vấn đề này?”, Thứ trưởng đã trả lời không đạt yêu cầu và không nắm vững đường lối đối ngoại. Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời:” Tôi cho rằng quan hệ quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc đang có bước phát triển tích cực. Nó nằm trong bối cảnh chung quan hệ giữa hai đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc. Ngoài ra, quan hệ quốc phòng còn có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc. “

Phát triển tích cực là như thế nào? Xin trích một đoạn từ thông tin của Vụ Thông tin Báo chí - Bộ Ngoại giao vừa công bố ngày 21/8/2010: “Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 – 116 hải lý. Phía Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này. 
Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định, không làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp khác nhau và bày tỏ ý kiến chính thức của Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nói trên.
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh.”

Việc làm này của Trung Quốc nên được hiểu là tích cực hay tiêu cực trong quan hệ ngoại giao hai nước về Biển Đông?

Câu trả lời tiếp theo của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Về vấn đề Biển Đông, đây là vấn đề lớn đã được bàn ở nhiều diễn đàn khác. Tôi chỉ muốn nói rằng những quan điểm chính thức có tính nguyên tắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam trước sau như một không thay đổi, đó là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế…” là chưa thuộc bài.

Những động thái gần đây cho thấy Việt Nam đang chủ trương quốc tế hóa việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông Nguyễn Chí Vịnh lại không nhắc tới tư tưởng chủ đạo này với báo giới Trung Quốc là điều đáng tiếc. Do không nhắc đến nên nhân dân Trung Quốc sẽ tưởng Việt Nam cũng tán thành với chủ trương của nhà đương cục Bắc Kinh: giải quyết tranh chấp Biển Đông theo phương thức song phương.

Còn câu hỏi của phóng viên Đài Tiếng nói VN là một câu hỏi đáng tiếc vì sự ngu dại, kém nhạy bén chính trị của phóng viên. Trong khi báo giới Trung Quốc người ta đang săm soi cái quan hệ Việt Mỹ thì ông nhà báo Việt Nam này lại tiếp tay vạch áo cho người xem lưng, dồn ông Vịnh phải trả lời cái câu hỏi khó mà ông đang muốn né tránh. Câu hỏi của phóng viên Đài Tiếng nói VN vừa như là vạch áo cho người ta xem lưng, lạy ông tôi ở bụi này. Giám đốc Đài Tiếng nói Việt nam nên triệu hồi cái ông phóng viên ngớ ngẩn, dại mồm dại miệng, chỉ tìm cách sút bóng vào gôn nhà này, cho về làm bảo vệ…
Tướng Nguyễn Chí Vịnh giải thích với bào chí Trung Quốc có vẻ quanh co, đối với họ thì phải phòng ngự bằng cách tấn công, phải đáp trả từ lời ăn tiếng nói chứ mềm quá người ta nghĩ mình hèn, yếu, người ta bắt nạt...

P. V. Đ.

Nguồn: Phamvietdao Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn