Việt Nam rất khó trở thành “một bản sao của Trung Quốc”

Jason Kyriakides

image Bất chấp những dự đoán cho rằng do sự tương đồng trong quá trình phát triển và các chính sách chiến lược, Việt Nam sẽ là “một bản sao của Trung Quốc”, vẫn có một vài yếu tố khác biệt giữa hai quốc gia này.

Sự bùng nổ của nền kinh tế Việt Nam và những thay đổi trong xã hội từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000 thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Sự phát triển vượt trội sau quá trình giải phóng khỏi nền kinh tế nhà nước, lịch sử các cuộc cách mạng và Đảng Cộng Sản đã khiến một số người so sánh sự phát triển của Việt Nam với Trung Quốc – quốc gia cũng trải qua một sự chuyển biến đáng kể từ cuộc cải cách kinh tế năm 1979. Tuy nhiên, bất chấp những điểm tương đồng giữa hai nước trên các phương tiện truyền thông, chiến lược phát triển của Việt Nam và Trung Quốc rất khác nhau.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam đã chứng kiến sự thành công vượt trội sau cuộc cải cách kinh tế.

Việt Nam phát triển nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn. Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 1993, 58% dân số Việt Nam sống trong cảnh nghèo khổ. Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo đói xuống còn 14% vào năm 2008, và hiện tại được Ngân hàng Thế giới công nhận là “nước có thu nhập trung bình”, với thu nhập bình quân đầu người đạt 1000 đô Mỹ. Nền kinh tế Việt Nam đã chuyển đổi từ một nền kinh tế sở hữu và vận hành bởi nhà nước sang một nền kinh tế đa dạng và tự do hơn, dẫn đến sự bùng nổ các công ty cả đa quốc gia lẫn của Việt Nam.

Đây chủ yếu là do kết quả của quá trình đổi mới, mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, khởi đầu từ năm 1986. Cuộc cải cách nền kinh tế này bao gồm việc chi tiêu ngân sách nhà nước một cách cẩn thận hơn, khiến cho tỷ lệ lạm phát giảm từ 400% vào năm 1990 xuống còn dưới 10% năm 1992. Việc giảm thiểu sự kém hiệu quả của kinh tế nhà nước, sự phát triển của ngành sản xuất và sự tràn vào của các công ty ngoại quốc đã dẫn đến tỷ lệ tăng GDP là 8% năm 1992 – dấu hiệu của một kỷ nguyên mới của sự phát triển của Việt Nam. Theo chuyên gia về Việt Nam và kinh tế gia James Riedal, thập kỷ vừa qua, Việt Nam phát triển với tỷ lệ trung bình 7,2% một năm.

Quá trình đổi mới và những tác động tích cực lên Việt Nam cũng giống như những gì đã diễn ra trong cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc – bắt đầu 1 thập kỷ sớm hơn vào năm 1979. Không quan hệ về kinh tế với cộng đồng quốc tế trong suốt thời Mao Trạch Đông từ 1949-1976, Trung Quốc khởi xướng sách lược kinh tế dựa vào xuất khẩu rất táo bạo và cũng rất thành công. Những công ty nhà nước không cạnh tranh được với công ty tư nhân đều bị đóng cửa, và với những khoản đầu tư từ các nước láng giềng Hồng Kông và Đài Loan cũng như từ Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài và trở thành một đối thủ cạnh tranh có tầm cỡ quốc tế.

Trung Quốc và Việt Nam khác nhau ở sự phát triển về quy mô và sức mạnh

Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang theo đuổi hai hướng rất khác nhau do những khác biệt cơ bản về quy mô. Dân số Việt Nam chi khoảng 88,6 triệu người, với khoảng 28% dân số sống ở thành thị; Trung Quốc có 1,34 tỷ người (gấp 15 lần Việt Nam) với hơn 43% thị dân, có nghĩa là hơn 575 triệu người đang làm việc ở các ngành công nghiệp, là thương gia, ở các ngành dịch vụ, và ở những lĩnh vực khác để sản xuất hàng hóa và dịch vụ dành cho xuất khẩu.

Trung Quốc có một ngành công nghiệp nặng và đường sắt lâu đời, phát triển từ cuối thế kỷ 19. Trái lại, Việt Nam phát triển phần lớn các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng nhờ vào các khoản vay từ Nga vào cuối những năm 1970, và còn rất xa mới đuổi kịp Trung Quốc. Việt Nam vẫn tụt hậu so với phần lớn các nước Đông và Đông Nam Châu Á về đường sắt, cảng biển, thậm chỉ cả đường bộ. Trong khi đó, Trung Quốc đi đầu trong những ngành này.

Trung Quốc chiếm vị trí chi phối trong ASEAN và trong quản lý tài nguyên; Việt Nam vẫn đang chật vật

Khác với Việt Nam, sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc cho phép quốc gia này có được sự tiếp cận hung hãn hơn về thương mại và các vấn đề trong khu vực. Một ví dụ thực tế là việc so sánh vị trí của Trung Quốc và Việt Nam trong Hiệp định tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc, được chính thức ký kết vào ngày 1/1 và củng cố vị thế của Trung Quốc như một sức mạnh thống trị trong quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á. Mặc dù Hiệp định này tạo thuận lợi cho các nước ASEAN tiếp cận thị trường Trung Quốc, sự ký kết của Hiệp định tự do mậu dịch khiến hàng hóa Trung Quốc, được sản xuất dựa vào lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc nhờ quy mô sản xuất lớn và lao động rẻ, chiếm lĩnh thị trường các nước Đông Nam Á và đánh bại những hàng nội địa có giá cao hơn như hàng may mặc, thực phẩm và những hàng hóa có khối lượng nhẹ khác ở Việt Nam và những quốc gia ASEAN.

Một ví dụ khác là Trung Quốc có vai trò là một nước khai thác tài nguyên, chứ không phải cung cấp tài nguyên trong khu vực. Để đổi lại việc tiếp cận dầu khí ở Indonesia, kim loại ở Philippines, cao su ở Malaysia, và bauxite ở Việt Nam, Trung Quốc cung cấp những hàng hóa đã qua chế biến cho các nước ASEAN. Kinh tế gia Walden Bello cho rằng nhược điểm của cách trao đổi hàng hóa này là nó có thể dẫn đến một trong những vấn đề của chủ nghĩa đế quốc trong quá khứ – nước khai thác tài nguyên thường hưởng lợi nhiều nhất, bởi vì khả năng bị thiệt hại trong giao thương là nhỏ nhất so với những nước cung cấp tài nguyên.

Việt Nam nay không có khả năng bắt chước những chiến lược phát triển hung hãn như thế. Việt Nam thiếu sức mạnh chính trị để trở thành một lực lượng thống trị ở Châu Á, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Thay vào đó, Việt Nam đang thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và các quốc gia khác và dựa vào công nghệ và thiết bị máy móc của các quốc gia này để phát triển các ngành công nghiệp. Tuy vậy, Việt Nam bộc lộ rất nhiều tiềm năng trong tương lai. Dân số nhận được sự giáo dục tốt (hơn 90% dân số biết chữ, theo Factbook của CIA) và bờ biển dài cùng với những cảng biển sẽ có thể tạo nên sự cạnh tranh trong quá trình chuyển dịch từ một quốc gia có thu nhập thấp sang lực lượng cạnh tranh trong khu vực.

J. K.

DTKT dịch

Nguồn: http://www.suite101.com/content/vietnam-is-unlikely-to-become-another-china-a233537

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn