Nghịch lý trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài tại Việt Nam

Trần Văn Tùng

Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

Giáo dục từ xưa đến nay được thừa nhận là một cơ chế hiệu quả để lựa chọn nhân tài. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã áp dụng cơ chế này thông qua thi cử, lựa chọn ra các vị quan lại trong triều. Ở Việt Nam nhiều năm qua đã không như thế, nhiều người học giỏi không chắc có việc làm theo đúng chuyên môn đào tạo và sở trường của mình do đó, một bộ phận tài năng sau một quá trình được đào tạo tìm kiếm công việc ở nước ngoài. Không riêng gì ở Việt Nam, tình trạng này đã xảy ra ở nhiều nước lớn, thí dụ Liên Xô và Đông Âu trong thời kỳ chuyên chính vô sản, hoặc sau khi hệ thống XHCN sụp đổ; Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua. Nguồn nhân lực tài năng chỉ có thể phát huy được khả năng trong điều kiện công nghệ luôn thay đổi, thể chế chính trị kinh tế dân chủ và mở cửa, cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ hiện đại. So sánh với một số nước trên thế giới, tất cả các khâu từ tuyển chọn, bồi dưỡng đào tạo và sử dụng nhân tài ở Việt Nam đều có những vấn đề cần phải thay đổi.

1. Phát hiện và tuyển chọn

Có thể khẳng định việc phát hiện học sinh năng khiếu ở bậc phổ thông được thực hiện tương đối tốt. Điều đó được chứng minh qua kết quả của các cuộc thi quốc gia, Olympic quốc tế về khoa học tự nhiên. Một câu hỏi đặt ra là liệu những học sinh này có thể trở thành tài năng trong lĩnh vực mà bản thân mình nhận được thành tích cao trong thi cử?

Để trả lời câu hỏi này ta hãy tìm hiểu xem những học sinh được giải quốc gia và Olympic quốc tế sau khi được giải họ tiếp tục học tập ở đâu và đang làm gì? Hầu hết những người học sinh đó, thời kỳ đầu đều được chọn sang Đại học quốc gia Maxcơva học tập, sau này do Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước tư bản, học sinh xuất sắc được cử sang Pháp, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Australia... để đào tạo. Một số nghịch lý đã xảy ra:

Thứ nhất, phần đông các học sinh được giải về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, Sinh và Tin học chọn ngành quản trị kinh doanh và thương mại để tiếp tục sự nghiệp của mình. Như vậy nhiều tri thức học được trước đây là bỏ phí. Người ta chọn những ngành này bởi vì dễ kiếm việc làm trong thời kỳ Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường. Toán, Lý, Hoá là những lĩnh vực hoạt động khó khăn, đòi hỏi sáng tạo, biên chế các cơ quan này không mở rộng, lương bổng thấp. Hậu quả là chúng ta thiếu đội ngũ các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học cơ bản, bởi vì tại các viện nghiên cứu, hầu hết gồm những người già. Việt Nam đã từng được đánh giá là một trung tâm toán học mạnh của châu Á vào thập kỷ 1960- 1970, nhưng theo F. Phạm, một nhà Toán học Pháp (bố người Việt) thì số nhà Toán học của Việt Nam trong thế kỷ XXI coi như bằng không. Coi nhẹ, bỏ rơi các ngành khoa học cơ bản là một chính sách thiển cận mà hậu quả của nó sẽ thấy rõ trong các ngành khoa học khác.

Nghịch lý thứ hai, trong số những học sinh được giải quốc gia và Olympic quốc tế được đào tạo tại Đại học quốc gia Maxcơva về Toán, Lý không có sinh viên Việt Nam nào được lọt vào danh sách 10 học sinh đứng đầu của khoá học. Những người đứng đầu khoá học là các sinh viên Nga và một số nước cộng hoà khác. Trong số những người được giải Olympic quốc tế về Toán, chỉ có Phạm Hữu Tiệp có một số công trình về nhóm Lee; Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn đang giảng dạy ở Mỹ; Ngô Bảo Châu được giải thưởng Field còn được nhắc tới, những tên tuổi khác may mắn được giảng dạy ở một số trường đại học hoặc nghiên cứu tại các Viện khoa học trong nước. Rất nhiều người đã bị lãng quên, không ai hiểu thân phận và nghề nghiệp của họ nữa. Vậy là cách tuyển chọn và bồi dưỡng năng khiếu xảy ra nhiều điều khiếm khuyết. Nhiều người cho rằng cách đào tạo bồi dưỡng học sinh của Việt Nam nặng về thủ thuật. Thủ thuật chỉ giúp cho học sinh giải được một số bài toán cụ thể, những bài toán nhỏ và thiết thực hơn là phục vụ cho mục đích thi cử. Trong khoa học cơ bản, tìm ra một hướng nghiên cứu mới là điều quan trọng.

Nghịch lý thứ ba, trong khi nước ta đang cần những nhân tài kinh doanh, tại sao trước đây lại không tổ chức những cuộc thi tuyển chọn loại tài năng này? Cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh chỉ mới được tổ chức một vài năm gần đây là một hoạt động tốt. Bởi vì đất nước muốn giầu có phải nhờ vào lực lượng doanh nhân. Tuy nhiên nó chỉ được thực hiện ở một vài nơi, không có tính chuyên nghiệp và không liên tục.

Có người nói tiêu chuẩn chọn lựa là dựa vào các tiêu chuẩn của Mỹ. Mỹ là nước có trình độ kinh doanh tiên tiến, áp dụng nguyên xi sao được khi Việt nam mới chuyển sang kinh tế thị trường, đặc biệt một số thị trường không mang đúng ý nghĩa của một thị trường. Ban giám khảo gồm những nhà kinh doanh được cho là thành đạt. Liệu họ có thực sự là những nhà kinh doanh thành đạt hay không? Thật khó tin, ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp thành đạt do nhà nước bảo hộ, do độc quyền buôn bán, do buôn lậu trốn thuế. Rất ít có doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh mà lại thành công. Phương Tây coi phẩm chất quan trọng của tài năng kinh doanh là người có ý chí, dám đương đầu trước áp lực cạnh tranh, đưa ra ý tưởng mới và sản phẩm mới, lợi dụng được các cơ hội của thị trường, hiểu tỷ mỷ các điều khoản của luật pháp... Thế nhưng, các câu hỏi của cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh Việt Nam lại chỉ là các câu hỏi về thông tin, có tính chất tìm hiểu về hoạt động kinh doanh. Tầm trí tuệ của cuộc thi thấp, thấp hơn nhiều so với cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Câu hỏi để đánh giá mức độ thông minh cũng chỉ là giải bài toán tìm cực trị đơn giản trong chương trình toán phổ thông. Nói tóm lại là cuộc thi giống như một cuộc chơi, tương tự như trò chơi âm nhạc, trò chơi đoán giá, bởi vì chỉ cần thuộc những điều trong sách vở là có thể trả lời được các câu hỏi.

Liệu cuộc thi này có chọn ra những tài năng kinh doanh thực sự hay không, họ có là chủ các doanh nghiệp lớn trong tương lai hay không?

Nghịch lý thứ tư, việc chọn người lãnh đạo quản lý. Chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng có thể khẳng định những người lãnh đạo, cán bộ quản lý cao cấp trong các cơ quan nhà nước là những học sinh không có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập tại các trường phổ thông, các trường đại học. Nếu có thì con số đó là rất ít. Có nhiều tiêu chuẩn đưa ra để chọn lựa tài năng quản lý, có vẻ hợp lý, rất tiếc trong quá trình thực hành lại không tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc này. Muốn trở thành người lãnh đạo, quản lý cấp cao thì người đó phải là đảng viên. Nhiều người đã có thói quen đồng nhất đảng viên với người tốt. Thói quen thừa nhận đó đúng với thời kỳ trước đây, trong hai cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập cho dân tộc, nhiều gương hy sinh chiến đấu là đảng viên tiêu biểu. Bây giờ điều đó không còn đúng nữa, bởi vì không ít đảng viên mất sức chiến đấu, không có lý tưởng, tha hoá về đạo đức, tham nhũng ức hiếp dân chúng. Tiến tới nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự nên xây dựng lại tiêu chuẩn thế nào là một công dân tốt, trước hết đó là công dân tuân thủ luật pháp. Vì cho rằng đảng viên là người tốt, có năng lực, do đó khi cất nhắc đề bạt cán bộ phải chọn xem người đó có là đảng viên hay không? Một số cơ quan của nhà nước từ trung ương tới địa phương hoạt động kém hiệu quả, cán bộ vi phạm pháp luật, thiếu cán bộ có năng lực có ý kiến cho rằng do không chịu sử dụng, đề bạt những người ngoài đảng có năng lực nhận trọng trách. Bộ máy chính quyền đầu tiên sau khi giành được độc lập, Hồ Chủ tịch đã mạnh dạn tin dùng những người không phải là đảng viên của đảng Cộng sản, trong số đó có Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước và một số tri thức có tên tuổi khác như Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh…, đặc biệt dùng người trong chính quyền cũ giữ chức vụ cao như Phan Kế Toại. Người ngoài đảng không phải là người xấu, vì một lý do nào đó cơ sở đảng không kết nạp họ, hoặc họ đủ tiêu chuẩn nhưng lại không muốn vào đảng.

Không chỉ có việc bổ nhiệm đề bạt cán bộ mà ngay trong quy định về thi tuyển công chức từ bậc thấp lên bậc cao đòi hỏi có chứng chỉ chính trị cấp cao. Muốn có chứng chỉ đó, phải là đảng viên mới được theo học. Đã có một số nghiên cứu viên ở một số viện nghiên cứu đầu ngành, có năng lực, hưởng bậc lương nghiên cứu viên chính hơn 10 năm, được nhà nước phong chức danh PGS, nhưng không có chứng chỉ chính trị cao cấp vì không phải là đảng viên đã không được thi tuyển lên bậc nghiên cứu viên cao cấp. Trong khi đó một số người năng lực kém là đảng viên lại được thi và trở thành nghiên cứu viên cao cấp. Đó là điều phi lý đang tồn tại, lương bổng là chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với công chức chứ đâu phân biệt là đảng viên hay không đảng viên?

Ở Mỹ, trong việc lựa chọn ê kip lãnh đạo, người ta ít quan tâm đến đảng phái chính trị. Trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ đã từng xảy ra chuyện Tổng thống là người của đảng Cộng hoà liên danh với người phó của mình là đảng Dân chủ và ngược lại. Người Tổng thống tìm người phó cho mình theo tiêu chuẩn có được nhân dân tín nhiệm không, có bổ sung những nhược điểm của mình không? Chọn ê kip lãnh đạo của Việt Nam không ít trường hợp do thân quen, do áp lực xung quanh hoặc ý kiến cấp cao hơn dội xuống, do dễ sai bảo, do chạy chọt… cho nên không ít lãnh đạo cao cấp không có tài năng. Có thể thấy hiện nay các nhà khoa học chức càng cao khả năng chuyên môn tụt xuống càng nhanh. Quan sát để đưa ra kết luận đó là đúng, nhưng nên đặt lại câu hỏi nó đúng trong thời kỳ nào, tại sao xảy ra tình trạng đó trong thời gian qua? Một phản thí dụ khá điển hình là trước đây, đã có không ít người giữ trọng trách cao đó là Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai... mà tài năng của của họ cứ tiếp tục toả sáng. Lỗ hổng của cơ chế lựa chọn người tài gần đây ở đâu và có đúng những người được lựa chọn lãnh đạo các cơ quan khoa học có thực tài không?

Nghịch lý thứ năm, thi tuyển công chức không công khai, thiếu dân chủ. Hàng năm một số cơ quan nhà nước đều tiến hành thi tuyển công chức, nhưng không thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mức độ cạnh tranh trong các cuộc thi không cao, do biên chế có hạn, hầu hết người trúng tuyển là con em của những người trong cơ quan, con các vị có chức sắc cấp cao hơn gửi gắm. Cơ quan nhà nước tiếp tục trở thành nơi chứa chấp một số đông cán bộ không có năng lực.

2. Đào tạo và bồi dưỡng

Với phương pháp giáo dục nặng về nhồi nhét, học gạo, học tủ và học lệch đến mụ người như hiện nay các trường đại học của Việt Nam mau chóng thiết lập xu hướng tạo ra những người làm theo, nói theo và thừa hành. Thật đáng lo ngại khi lối học khoa cử, từ chương mà Nguyễn Trường Tộ đã từng lên án hơn 100 năm trước đây trở thành xu hướng phát triển trong xã hội ta. Chính vì lối học đó mà người Việt Nam thường chỉ xuất sắc ở lớp dưới, càng lên cao, đòi hỏi sáng tạo, tưởng tượng phong phú thì càng đuối sức. Thêm vào đó trong quá trình công tác, người tài năng chân chính không được trọng dụng thì dễ từ bỏ khoa học để tìm cơ hội tiến thân theo con đường khác.

Trường đại học muốn trở thành nơi đào tạo tốt phải có một số điều kiện cơ bản: cơ sở vật chất tốt, giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn mực quốc tế và luôn luôn đổi mới, phương pháp giảng dạy hiện đại.

Việt Nam là nước nghèo, lại có hơn 400 trường đại học cao đẳng, nhưng không hề có một trường đại học nào ngang tầm với các đại học có tiếng tại các nước ASEAN, chưa dám so với các nước châu Á. Ở các trường đại học trên thế giới, trường đại học đồng thời là các trung tâm nghiên cứu chủ lực, sản sinh ra nhiều công nghệ mới. Ở Việt Nam, trường đại học chỉ có chức năng đơn thuần là nhiệm vụ đào tạo; bởi vì không có phòng thí nghiệm, không có thiết bị phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu. Chỉ có một vài trường trọng điểm được nhà nước chú ý đầu tư cho nghiên cứu khoa học thí dụ Đại học quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Số công trình khoa học ở các trường đại học được thương mại hoá là không đáng kể.

Trình độ giáo viên đại học của Việt Nam rất yếu. Số trước đây được đào tạo ở Liên Xô cũ, Đông Âu đã về hưu, hoặc già cả. Nhiều năm chuyển sang kinh tế thị trường do mưu sinh, nhiều sinh viên học giỏi ở bậc phổ thông chọn thi vào các trường đại học kinh tế như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, đại học Luật. Học xong ít người muốn ở lại trường giảng dạy, mà làm việc cho công ty nước ngoài có thu nhập cao hơn. Do đó số giáo viên càng thiếu về số lượng càng yếu về chất lượng. Việt Nam đã kéo dài tình trạng người có trình độ đại học dạy đại học, số giáo viên có bằng thạc sĩ trở lên ở các trường đại học chỉ vào khoảng 15-18%, so với mức trung bình của các trường đại học trong khối ASEAN hiện hơn 30%, đó là chưa kể những trường hợp bằng được cấp cho người không đủ trình độ tương xứng. Rất ít giáo viên đọc được sách nước ngoài, không được cử đi trao đổi, bồi dưỡng ở các nước khác. Hậu quả là những người giáo viên đó truyền lại những kiến thức mà mình tiếp thu được cách đây hơn 20 - 30 năm. Mặc dầu các sinh viên không hài lòng khi tiếp thu những tri thức cũ đó, nhưng lại không được quyền phản đối. Lực lượng giáo viên như vậy thì làm sao nói tới thay đổi phương pháp giảng dạy ở bậc đại học. Ở các trường Đại học phương Tây, nếu giáo viên không thu hút được số đông sinh viên đến nghe giảng, không trả lời được các câu hỏi chất vấn của các sinh viên, giáo viên đó bị loại ra khỏi trường. Thí dụ, Al Gore sau khi thất cử Tổng thống Mỹ, đã được một người bạn giới thiệu tới dạy tại Khoa Báo chí ở Đại học Columbia. Sau một tuần thử thách, ông lập tức bị Ban giám đốc thải hồi. Giáo viên ở các trường Đại học Mỹ được trả lương cao, do đó phải chịu áp lực cạnh tranh rất gay gắt. Giáo viên đại học là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam hầu hết các kết quả nghiên cứu là từ các viện không thuộc trường đại học, đó là một thực tế buồn, không nghiên cứu thì không có trí thức mới.

Chương trình giáo dục tại các trường đại học Việt Nam vừa lạc hậu, vừa chắp vá. Trước đây chủ yếu dựa vào khung chương trình và giáo trình của Liên Xô, Đông Âu. Gần đây chuyển sang kinh tế thị trường, tham khảo chương trình của các trường đại học Anh, Mỹ. Chương trình đại học có đổi mới nhưng chưa triệt để. Để so sánh quốc tế về chất lượng giáo dục cần phải dựa vào chuẩn mực quốc tế. Chuẩn mực đó là chương trình và giáo trình mà các trường đại học lớn trên thế giới sử dụng. Tôi nhớ lại Khoa Toán - Cơ Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi tôi từng học trước đây được thừa nhận là có chất lượng. Bởi vì các giáo trình hồi đó là của Khoa Toán - Cơ Đại học Quốc gia Maxcơva, một trường nổi tiếng về khoa học tự nhiên. Các giáo trình kinh tế học đang dùng để giảng dạy cho bậc đại học tại Việt Nam quá sơ sài, đơn giản. Ít thấy các giáo trình đưa vào các phương pháp phân tích kinh tế hiện đại nhờ sử dụng công cụ toán. Toán học dường như vẫn còn xa lạ với các nhà kinh tế và sinh viên kinh tế của Việt Nam. Thay vì việc biên soạn, Bộ Giáo dục - Đào tạo nên đầu tư tài chính cho việc dịch, xuất bản các giáo trình kinh tế của các tác giả nổi tiếng trên thế giới dùng làm tài liệu giảng dạy, tham khảo cho các sinh viên Việt Nam.

Các thống kê cho thấy, số tiết của ba môn học Chính trị Mác Lênin, Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất chiếm tới 1/3 chương trình của 4-5 năm học đại học. Có cần giành nhiều thời gian đến mức đó không? Nếu giành chừng ấy thời gian thì việc giảng dạy phải cải tiến đổi mới thế nào cho phù hợp với xu thế chung của giáo dục trên thế giới. Xét riêng trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, chủ yếu tập trung vào bộ Tư bản của Mác, trong khi kinh tế học có nhiều học thuyết khác cũng có giá trị. Thí dụ các học thuyết cổ điển của Adam Smith, Ricardo, Keynes, các học thuyết mới gần đây của Paul Romer, R. Lucas nhấn mạnh vai trò của vốn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế. Muốn có nhận thức đúng, đánh giá khách quan về xu thế phát triển của các hiện tượng kinh tế xã hội cần tiếp thu nhiều nguồn tri thức và các phương pháp phân tích hiện đại khác nhau.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là nơi bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn cao cấp cho cơ quan đảng, nhà nước. Nếu xem vào các tài liệu được sử dụng trong quá trình học tập nghiên cứu thì thấy không khác nhiều so với chương trình đại học, chương trình đào tạo cao học và nghiên cứu sinh. Mặt khác các giáo viên giảng dạy không dám nêu ý kiến của mình, những quan điểm mới của mình. Do vậy không ít cán bộ sau khi đã học qua chương trình đó đã thẳng thắn nêu lên nhận xét là không có cái mới, lý luận không theo kịp với thực tiễn, không theo kịp xu hướng phát triển của thời đại. Bởi vì đó là tri thức cũ, quan điểm cũ. Đã đến lúc phải đánh giá lại toàn bộ trên diện rộng rằng học để mong có chức cao hay là học để tiếp thu tri thức mới. Nếu học mà không tiếp thu được tri thức mới thì việc học đó gây tốn kém tiền của nhà nước và nhân dân. Bồi dưỡng tri thức chính trị, luật pháp quản lý cho cán bộ cao cấp là cần thiết nhưng nội dung, phương pháp đào tạo phải đổi mới.

Đề bạt cán bộ dựa vào bằng cấp khuyến khích ứng viên phải có bằng. Do đó bằng dởm tràn lan, thậm chí thời Liên Xô sụp đổ một số người mải mê buôn bán đã phải thuê viết và dịch luận án tiến sỹ về kinh tế và một số lĩnh vực khác. Vài người trong số đó được phong GS kinh tế.

3. Chính sách sử dụng và đãi ngộ đối với tài năng khoa học

Bảo vệ sinh mệnh chính trị của các tài năng khoa học nói riêng và đội ngũ cán bộ khoa học nói chung là rất quan trọng. Trung Quốc đã có bài học đau đớn từ cách mạng văn hoá. Việt Nam cũng có những bài học trong thời kỳ cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, đối xử bất công với các nhà văn, nhà thơ trong phong trào Nhân văn Giai phẩm, trong khoán nông nghiệp. Ở các nước phương Tây mọi công dân đều được bảo vệ sinh mệnh chính trị nhờ pháp luật, có thể bày tỏ chính kiến độc lập của mình mặc dầu ý kiến cá nhân ngược lại với các ý kiến của Tổng thống, Thủ tướng. Những người có ý kiến độc lập trên tinh thần đổi mới, mở rộng dân chủ đừng vội quy kết, cho họ là phản bội tổ quốc, lật đổ chính quyền. Phải xem ý kiến đó có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không? Có tin dùng tri thức thì tri thức mới cống hiến tài năng cho dân tộc cho tổ quốc. Tự do học thuật là môi trường nuôi dưỡng nhân tài, nếu thể chế không mở rộng dân chủ thì có tài năng đến đâu cũng bị vô hiệu hoá.

Cách sử dụng và đãi ngộ hiện nay dễ làm kiệt sức đội ngũ các nhà khoa học. Đồng lương thấp, nhiều người phải hoạt động kiếm sống bằng nghề khác. Trong khi các cán bộ quản lý giữ chức vụ cao hưởng nhiều bổng lộc, có đặc quyền đặc lợi. Cho nên đã có không ít cán bộ khoa học sau khi được đào tạo có học vị cao, cố gắng tìm kiếm vị trí xã hội mới. Điều quan trọng hơn, về mặt tinh thần và vị trí xã hội của người lao động khoa học đang bị cơi rẻ. Bất cứ nước nào trên thế giới kể cả Việt Nam hơn 40 năm trước đây, một chuyên gia giỏi đã phục vụ 20-25 năm, bao giờ cũng được xếp bậc lương trên cùng của thang lương nghề nghiệp. Ở Việt Nam các vị trí cao nhất trong thang lương nghề nghiệp chỉ dành cho người có chức vụ hành chính cao. Nhà khoa học tài năng cống hiến thế nào cũng mặc, nếu không có chức vụ cao thì không được kính trọng, không được xã hội thừa nhận. Do đó mới có chuyện Chủ nhiệm các chương trình đề tài khoa học là các vị quan chức cấp cao, ít khi rơi vào các nhà khoa học đúng chuyên môn đào tạo, đúng lĩnh vực nghiên cứu. Việc giao đề tài theo kiểu bảo kê, chạy chọt, thực hiện đề tài chụp giựt, nghiệm thu đề tài khép kín theo cơ chế gia đình, bầu bạn thân quen. Nhà nước bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, nhưng kết quả nghiên cứu chỉ là những kiến nghị chung chung không thể đưa vào ứng dụng, không thể chuyển giao (trừ số ít đề tài khoa học công nghệ). Biết bao nhiêu tài năng khoa học, quản lý lẽ ra có thể làm rạng danh cho đất nước, cho nền khoa học Việt Nam, nhưng chỉ vì chính sách sử dụng ấy mà nửa chừng khô héo, mai một dần, không khí hoạt động cũng không còn hồ hởi nữa. Muốn có tài năng và thành quả khoa học cần phải đầu tư. Giáo dục cùng với khoa học là quốc sách hàng đầu, nhưng tỷ lệ đầu tư trong tổng ngân sách tiêu dùng luôn luôn thấp, rất thấp nếu so với các nước ASEAN. Dù chúng ta cố gắng ca ngợi chế độ ta tốt đẹp, ca ngợi chính sách tuyển chọn bồi dưỡng và sử dụng nhân tài của ta là đúng thì thực tế cơ chế chính sách đó vẫn là thông điệp buồn đáng hoài nghi đối với thế hệ trẻ, đối với hàng ngàn các nhà khoa học, doanh nhân người Việt đang sống ở nước ngoài.

Một vài nhà khoa học thường bày tỏ niềm vinh dự lớn khi được tiếp kiến với các vị lãnh đạo cao cấp Việt Nam. Ở nước ngoài, hiện tượng này xảy ra thường xuyên. Nhân dịp các ngày lễ lớn, các Tổng thống, Thủ tướng đến thăm các nhà khoa học, các tài năng trong những lĩnh vực khác nhau, đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm danh nhân. Thay vì đưa ra lời khuyên bảo, chỉ thị, phải thế này, phải thế kia, họ chăm chú lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để cùng tháo gỡ các khó khăn. Hành vi ứng xử có văn hoá này hiếm thấy ở Việt Nam.

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn