Tư liệu liên quan đến bản Kiến Nghị 2009 (2)

Phạm Toàn kể chuyện chấp bút và đi nộp "bản kiến nghị có ý nghĩa tày trời"

Sau này, nghĩa là ngay cả bây giờ, nếu có ai hỏi tôi về kỷ niệm trong buổi đi nộp bản kiến nghị có ý nghĩa tầy trời này, tôi sẽ kể lại như thế nào?

Thong thả sáng chủ nhật

Một tháng qua là những ngày cực kỳ mouvementé đối với Toàn. Ba tài liệu dịch song song, gồm một tập truyện ngắn cho nhà Nhã Nam, một cụm bốn tập truyện trẻ em cho nhà Đông A, và một cuốn tiểu luận của nhà văn Ba Lan Milosz được NN cho, một cuốn sách nói về sự cầm tù của tư tưởng, La pensée captive, đã nghĩ thầm trong đầu về việc dịch cái tên – Ngục trung tinh thần – định đọc xong rồi sẽ làm một bài điểm sách công phu, công việc cũng gần mất công như dịch cả cuốn sách. Bên cạnh đó? Bên cạnh đó, còn ơi ới đòi những bài báo về giáo dục, và còn quan trọng hơn nữa bên cạnh đó là công việc Toàn vừa mới khởi động và đang điều hành ba nhóm soạn sách giáo khoa tiểu học (bí mật nhé!). Công việc cuối cùng này mới cần, vì Toàn đã cảm nhận được sự xúc động của các cộng sự: họ nghèo nhưng đều đồng tình làm không công, không có dự án, không có tài trợ, và chưa chắc đã được "nghiệm thu", nhưng vẫn phải làm nhanh, làm đẹp, làm tử tế cho ba tập đầu của cả ba bộ sách được ra kịp trước năm học mới; đối với trẻ em, mất một ngày có khi là mất một năm học, và có khi là mất cả đời người… Nào đã hết! Nhà thơ tám mươi tuổi TVP lại giục sớm sớm in một tập thơ nữa mới chết người ta chứ!

“...anh phải viết cho ôn tồn, coi như các ông ấy cũng như mình, đều lo cho đất nước, nhưng lúng túng về giải pháp... thế thôi... có khi chính các ông ấy cũng ký vào kiến nghị đấy…”

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Thế rồi đùng một cái ông Huệ Chi gọi điện tới "anh phải thảo ngay bản kiến nghị thôi". Thì thảo. Mấy giờ sau, lại là điện của Huệ Chi, "đọc rồi, viết thế không được, viết thế thì đi tù cả nút à?" Thì khổ quá, chơi với nhau mà không biết tính nhau! Toàn không làm gì thì thôi, hễ làm là phải triệt để. Không làm triệt để, có nhiều lúc thế vẫn thời phải thế, nhưng cứ có cảm giác mình đã thành một người không tử tế, mình đánh lừa bạn bè, mình mời bạn uống nước đun chưa sôi, gây cho bạn chứng khó chịu vùng thận. Thế là bẵng đi không nghĩ đến chuyện kiến nghị bauxite được mấy tuần và được "tập trung làm công việc chuyên môn". Rồi lại điện thoại. Vẫn lại Huệ Chi. "Anh phải thảo ngay bản kiến nghị thôi, cấp bách lắm rồi, nhịp tim tôi lên 97 rồi…" và không quên dặn dò "anh phải viết cho ôn tồn, coi như các ông ấy cũng như mình, đều lo cho đất nước, nhưng lúng túng về giải pháp… thế thôi… có khi chính các ông ấy cũng ký vào kiến nghị đấy". Hình như Huệ Chi đùa như vậy. Ông Cổ Cận Trung đại mà đã đùa là cách mệnh lắm!

Và thế là hai giờ sau, bản kiến nghị lại ra đời, chín chín phần trăm như bản anh em đặt bút ký, một phần trăm là mấy chữ phải sửa, thí dụ vì Toàn nghĩ mình không là trí thức nên không chịu viết "anh em trí thức…", chỉ viết "người Việt Nam …", nhưng phải sửa lại thành "anh em trí thức chúng tôi", vì quả thật sau đó đúng là bao nhiêu chữ ký đều của anh em trí thức thật!

*

Đến ngày đi gửi kiến nghị. Trời mát, sớm tháng tư se se lạnh, nước Hồ Tây bảng lảng và Vườn Bách thảo buổi sớm lá cây như thẫm hơn, cứ như là vẫn còn đang lưu luyến mùa thu – Hà Nội đẹp vậy đó, đẹp đến phát khóc, mấy anh chị ôi! Mấy anh em lên xe tu-vin riêng của tiến sĩ ĐTH do cô con gái của ĐTH lái – áo xanh, móng tay đỏ, nói tiếng Đức, tay lái lụa – thế hệ mới chở hai ông già thế hệ cũ và một giáo sư trẻ từ Đà Nẵng bay ra, để đi đến địa chỉ đầu tiên: Phủ thủ tướng và Phủ chủ tịch. (Dương Tường nhà gần Quốc Hội, đi bộ sang chờ ở cổng trụ sở, chứ không lên địa chỉ một).

Ô tô đánh sát đường vào cổng số 1 Hoàng Hoa Thám. Một chiến sĩ đeo lon Trung sĩ bước ra. Nói mấy lời. Huệ Chi: "Chúng tôi thay mặt các nhà trí thức tiêu biểu…” Anh chiến sĩ lúng túng, cười ngượng nghịu, chắc là thấy cái chuyện này lạ quá! May sao, có một anh mặc áo sơ mi xanh nhạt bước nhanh đến. Huệ Chi lại "mở băng" nói những lời mở đầu. Tôi đứng bên có sáng kiến: "Hùng đưa cho đồng chí ấy một bản để đồng chí ấy đọc". Thế mà lại hay! Anh ấy đọc lướt nhanh tiêu đề, rồi chuyển ngay xuống phần tên tuổi, và thế là anh ấy bảo "các bác chờ đây tôi vào báo cáo".

Chỉ một thoáng, anh ấy trở ra. "Mời một bác đi theo tôi". Huệ Chi: "Chúng tôi cả ba người là đại diện, nên để cả ba người vào". "Vâng, mời cả ba cùng vào". Anh này thật dễ tính. Đi qua cổng, dọc theo một hành lang lớn, qua các cửa đề "phòng khách số 1"… cho đến "phòng khách số 5", nhưng đều đóng chặt. Anh áo xanh dẫn chúng tôi vào gõ mấy cửa đều không thấy ai. Chính anh ấy cũng có vẻ thất vọng chẳng hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Cuối cùng có một anh cao lớn, da đen, người rất lực sĩ, từ sâu bên trong nữa đi ra, không bắt tay chúng tôi, đưa chúng tôi trở lại cái phòng trước "phòng khách số 1", đề là "phòng nhận công văn", có bốn cái ghế và một thùng rút tiền của Agribank, nhưng anh không mời chúng tôi ngồi, Huệ Chi tự động kéo ghế ngồi, anh kia vẫn đứng nhưng cũng chỉ tay mời chúng tôi ngồi, nhưng tôi không ngồi, vẫn cứ đứng như khi mới bước vào… Và bắt đầu cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề "ở đây không trực tiếp nhận thư từ công văn", phải gửi qua Bưu điện. Tiến sĩ Hùng giơ máy ảnh định chụp (tôi không tin là người hồn nhiên như anh lại định chụp chữ "phòng nhận công văn"), nhưng người đứng bên trong lớp kính xua tay "không được chụp", thế là thôi. Cuối cùng, cả "phái đoàn" đành lủi thủi đem kiến nghị về, để gửi qua đường Bưu điện vậy.

Người vẫn khuyên nhủ tôi biết vì nghĩa lớn mà nhẫn nhịn bỗng nổi cáu. Người bắt đầu lẩm bẩm mấy tiếng tôi nghe lỏm được: của dân do dân vì dân. Và tôi đây cái con người hay cáu bỗng thấy cần xua tan nỗi ức chế. Tôi bắt tay anh mặc áo màu xanh nhạt, nói mấy lời cảm ơn nồng nàn. Huệ Chi quay sang "… hôm nay chỉ có đồng chí là thông cảm với công việc của chúng tôi, còn họ là công chức hết, xin thay mặt hơn một trăm ba mươi chữ ký… xin cảm ơn đồng chí…" Hay thiệt là hay! Đến phút này mà vẫn cứ còn là "đồng chí"!

Ra cửa Phủ thủ tướng, cũng là Phủ chủ tịch, chờ mãi xe ô-tô không thấy đến. Hóa ra xe không được phép đậu ở đó, cứ phải chạy lòng vòng, chờ nhận được tuýt túyt thì tới đón. Nào ngờ, hai mẹ con tiến sĩ ĐTH chờ lâu quá đã tranh thủ đi mua bánh. Ba anh em lên xe tắc-xi về trụ sở Quốc Hội. Dương Tường chờ muộn mất mười phút, nhưng ngần ấy thời gian với ông nhà thơ đó có là cái gì quan trọng. Ông đang lơ vơ thì chúng tôi đến. Bốn anh em vào trụ sở. Tên tuổi đã được ông Phó chủ nhiệm Nguyễn Minh Thuyết báo cho Bảo vệ. Chúng tôi vào phòng 206, "Ủy ban văn hóa, giáo dục", ông Thuyết ra tận cửa đón. Phòng mát rượi. Ông Thuyết rót nước. Ông còn mời thuốc lá thơm, nhưng anh em không ai hút (kể cả Dương Tường, ông này nhất định không dám hút trước mặt tôi, vì tôi được vợ anh và người yêu của anh giao nhiệm vụ theo dõi anh bỏ thói xấu mang tính toàn cầu là hút thuốc lá nơi công cộng). Chúng tôi ngồi, ở đây Huệ Chi được nói chân tình và thoải mái về nhiệm vụ được anh em ký kiến nghị giao, giáo sư Thế Hùng thoải mái nói về ý nghĩa toàn diện của bản kiến nghị, nhà thơ Dương Tường thỉnh thoảng được giao chụp ảnh, và tôi thì ngồi im. Chỉ sau khi giáo sư Nguyễn Thế Hùng nói về âm mưu đi những nước cờ tính toán xa của những người phương Bắc thì tôi mới bổ sung một chút: "cả tiểu nhân và quân tử ta đều khó đoán được các nước cờ".

Sau đó, chúng tôi sang phòng tiếp của Phó văn phòng Quốc Hội, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Qua bên này, gặp chỗ quen biết, tôi mở đầu bằng câu đùa: "Anh Dũng à, trên bản đồ anh treo kia, anh đã đánh dấu vị trí Bauxite rồi chứ?" Anh Dũng chỉ cười không đáp lại. Tôi tranh thủ nói với anh em cùng đi, thực chất là để giới thiệu anh Dũng: "Năm 2004, cả tôi và anh Dũng đều được giải thưởng của báo "Người đại biểu nhân dân"… anh Dũng đây viết khỏe lắm đấy!". Và "trưởng đoàn đại biểu" lại vào việc. …Một trăm ba mươi chữ ký … trí thức … sứ mệnh … trách nhiệm … tương lai dân tộc … Và chụp ảnh. Đang chụp ảnh, thì Huệ Chi có sáng kiến nhờ anh Dũng chuyển bản kiến nghị cho những đại biểu nào "có nhiều hy vọng" hơn cả… Anh Dũng khuyên nên gửi tới các chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các ủy ban… Thấy anh Dũng mở ra cả một cuốn sách in tên và địa chỉ các đại biểu, Huệ Chi gạ luôn "cho chúng mình xin một bản đi"… Nhưng nào có dễ như thế được! Thế là Huệ Chi lấy bút để viết phong bì, còn Nguyễn Thế Hùng mở cạc-táp đem ra cả mớ kiến nghị chụp sẵn. Tôi viết nhanh, cũng xung phong viết được bốn năm phong bì. Sau đó, thấy trên bàn anh Dũng có số báo Tuổi Trẻ chủ nhật mới, tôi muốn coi xem bài của mình, nói về cách tháo gỡ cái "ngòi nổ" đua nhau dạy cho trẻ em biết chữ trước khi vào lớp 1, liệu đã biên tập họ rồi có đăng kỳ này không… Hình như tôi nghe không rõ, nhưng rõ là có nghe thấy anh Dũng nói "chắc là không đăng đâu…".

“Làm thì làm thôi, nhưng không tin là có tác động, nhưng không làm thì không yên lòng...”

Phạm Toàn

Trước khi ra về, tôi ngắm nhìn hai bức tranh sơn dầu treo trong phòng anh Nguyễn Sĩ Dũng. Trong hai bức tranh, có một bức đẹp, đều do hoạ sĩ Phạm Lực vẽ. Tôi nhìn tranh, bắt tay anh Dũng, và nói: "Làm thì làm thôi, nhưng không tin là có tác động, nhưng không làm thì không yên lòng …". Hình như tôi nghe anh Dũng có đáp lại, và có nói đến một ý nào đó như thế này: "… mình sẽ phải trả lời con cháu…" Hay thật đấy! Ai ai ít nhiều gì cũng đều thấy trách nhiệm, mà chẳng ai có quyền gì, và nói năng với nhau cũng cứ úp úp mở mở, vậy là thế nào?

*

Chúng tôi ra về lúc gần trưa.

Sau này, nghĩa là ngay cả bây giờ, nếu có ai hỏi tôi về kỷ niệm trong buổi đi nộp bản kiến nghị có ý nghĩa tầy trời này, tôi sẽ kể lại như thế nào?

Bạn có nhớ miêu tả các chiến sĩ người thiểu số của Trần Đăng một lần tới thủ đô chứ? Những con người lý tưởng chủ nghĩa, mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe …

Lần này, đi gửi kiến nghị về, còn thêm được một điều, đọng lại trong hình ảnh cái ông chiến sĩ hồn nhiên, đại hồn nhiên, mang tên Nguyễn Huệ Chi. Cả hai lần đến hai quan chức Quốc hội, một lần trước khi và một lần sau khi gửi kiến nghị, Huệ Chi đều nhoẻn cười hỏi khẽ "đi… chỗ nào ấy nhỉ?". Tội thân đời ông già! Mà ấy là buổi sáng trước khi rời khỏi nhà đã "dự trữ" sẵn một bận "đi" rồi đó! Xông pha mũi tên hòn đạn, dù chỉ là hòn đạn bắn từ… màn ảnh nhỏ xuống, dẫu sao cũng bức xức cái bụng lắm!

Của yêu, gọi một chút này làm ghi…

Hà Nội,

19-4-2009

Phạm Toàn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn