Nhân ngày giỗ lần thứ 11 tướng quân Trần Độ

Rút ba cây hương châm lửa cắm lên bàn thờ vị tướng lừng danh tại nhà con trai ông ở TP HCM rồi nhìn lên tấm ảnh giản dị của ông với chiếc áo đại cán bạc màu và khuôn mặt bình thản, đôi mắt hiền từ như đang lặng lẽ ngắm mình, tôi bồi hồi khôn tả. Chợt nhớ đến lễ tang của ông ở Hà Nội vào ngày 14 tháng 8 năm 2002 mà tôi và nhiều người có may mắn tham dự – một lễ tang có lẽ có một không hai về mặt kịch tính, thông qua trải nghiệm của cá nhân tôi. 11 năm đã qua, số người đông đảo có mặt ngày ấy chẳng biết đến nay ai mất ai còn.

clip_image002

Võ Nguyên Giáp và Trần Độ. Ảnh rút từ blog Nguyễn Trọng Tạo

Tôi tự hứa với mình vào một dịp thuận tiện nào đấy phải kể lại đầy đủ quang cảnh lễ tang này, bởi trong lịch sử cận đại Việt Nam, hình như khi một gương mặt thực sự là lớn của đất nước mất đi, lễ tang diễn ra sau đó thế nào cũng thu hút được sự quan tâm vượt trội của đông đảo người dân và đánh dấu một chuyển biến trọng đại trong tâm thức dân tộc. Với lễ tang tướng quân Trần Độ, lần đầu tiên hàng nghìn người dự lễ dám đồng thanh bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ công khai cách hành xử của chính quyền đi ngược với tâm nguyện dân chúng. Và đó cũng là dấu hiệu một sự tha hóa không cưỡng được của bộ máy trên phương diện trắng trợn áp đặt lên dư luận những quyền uy vô lối bất chấp chúng có phù hợp với phong tục, đạo nghĩa truyền thống và tâm lý xã hội hay không.

Đám tang Trần Độ quả là phép thử đầu tiên cho thấy sự phân khai không thể nào hàn gắn giữa lòng dân và ý muốn chủ quan của người cầm quyền. 11 năm qua đi, hình ảnh Trần Độ ngày càng sáng rỡ, trong khi những kẻ khăng khăng dùng mọi thủ đoạn tàn tệ của cả một bộ máy bôi lem lên gương mặt của ông thì chính mình lại chuốc lấy những lời kết án nặng nề nhất nơi cửa miệng dân gian. Đó là quy luật nhân quả nhìn thấy nhãn tiền. Đó cũng là một tiên triệu để chúng ta chiêm nghiệm về những gì đang và sẽ xảy ra trong đời sống đất nước vào những năm sắp tới mà sự tác động toàn diện và ghê gớm của nhiều cơn bão khác nhau: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... chắc chắn sẽ làm lộ diện đầy đủ hơn những ông Thiện ông Ác – chết rồi hay còn sống – vốn lâu nay đã được đặt dần lên bàn cân công luận, nhưng bộ mặt nhiều vẻ của họ thì chưa lúc nào lộ diện hết.

Nguyễn Huệ Chi

Về thăm mộ bố tướng Trần Độ

Trần Hải - Khánh Trâm

clip_image004

Một ngày đầu tuần tháng 6/2012 chúng tôi về thăm mộ ông ở Thái Bình. Sáng nay trời Hà Nội âm u, mưa từ đêm qua. Lúc 7h chúng tôi rời ngôi nhà 97 Trần Hưng Đạo mưa vẫn chưa ngớt nhưng cả hai vẫn thực hiện kế hoạch hôm nay về Thái Bình. May quá trên đường đi thì trời cứ sáng dần lên rồi mưa tạnh. Khoảng hơn 8h xe đến Phủ Lý. Nơi đây nổi tiếng hơn chục năm nay về một món ẩm thực được chế biến bằng thứ bột gạo mà ai đã đến Phủ Lý cũng sẽ dừng chân thưởng thức, đó là món “bánh cuốn thịt nướng”. Làm 2 suất rồi gọi thêm 2 ly trà nóng là xong bữa sáng, chiếc bóp bớt đi 64.000 đ. No bụng xong là mắt bắt đầu làm việc. Vốn hay quan sát, thoáng nhìn tôi đã thấy công an Hà Nam đội mũ kê-pi không giống như mũ của công an Hà Nội. Đi được một đoạn mà tôi vẫn còn nhớ bữa sáng. Ngồi ăn món bánh cuốn trên vỉa hè tôi lại chợt nhớ câu vè lưu truyền trong dân gian đã lâu:

«Vỉa hè là của nhân dân anh hùng».

Từ ngày được nhà nước chính thức công nhận «5 thành phần kinh tế» thì cái vỉa hè vốn là của chung, là «sở hữu tập thể» nay thoắt cái được trưng dụng thành của riêng ở rất nhiều nơi và nó được vinh dự mang cái tên cũng thật ấn tượng. Thoạt nghe đã thấy bóng dáng người chủ của nó:  «Nhân dân anh hùng». Sáng nay tôi đã cảm ơn «ông chủ» này.

Theo chỉ dẫn của tấm bản đồ du lịch, khoảng cách từ Hà Nội đến thành phố Thái Bình là 110 km, từ đây về quê nội Tiền Hải khoảng 20km nữa. Xe cứ chạy bon bon. Đường sá bây giờ tốt thật. Tôi lại tiếp tục ngắm cảnh. Đi qua Nam Định đã thấy nhiều đặc sản như bánh gai, kẹo dồi (là những thứ quà quê sang trọng của thời thơ ấu). Chúng tôi chuyển vô Nam sinh sống đã lâu nên rất thích ngắm cảnh đồng bằng Bắc Bộ. Khi đi vào địa phận Thái Bình, nhìn thấy những cánh đồng lúa nơi đây, tôi lại nhớ về những câu thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường của bài «Anh chủ nhiệm». Ngày ấy những đứa học trò như chúng tôi ai cũng thuộc lòng :

«Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre

Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về

Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ

Áo nâu bạc mầu bay với gió

Anh giơ tay vẽ giữa trời xanh

Vẽ cả ngày mai thành bức tranh… »

Nghĩ về hai câu thơ cuối, tôi cho rằng nhà thơ Hoàng Trung Thông dùng hình ảnh “Anh chủ nhiệm” để nói lên cái tương lai XHCN mà miền Bắc đang cố gắng dựng xây. Cái ước muốn, cái mong ước này được bắt đầu từ những năm 60 của TK 20 thời chống Mỹ cho đến ngày thống nhất đất nước 1975, rồi hơn 37 năm hòa bình tưởng là sẽ vẽ xong thế nhưng đến tận hôm nay – sang thế kỷ 21 chúng ta vẫn chưa có bức tranh đó... và cũng không biết sẽ còn “vẽ” đến bao giờ?

Nằm trong vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình từ xưa nổi tiếng với danh hiệu “quê hương 5 tấn”. Cũng từ đây ra đời bài hát “Bài ca 5 tấn”: “Trong tiếng súng cả nước cùng đánh Mỹ, ruộng đất hôm nay không muốn nghỉ lấy một ngày…”. Bao nhiêu hồi ức của quá khứ lại hiện về. Với 5 tấn thóc/ha ngày ấy để có được những khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, và “Tất cả cho tiền tuyến”. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sáng tác bài này, không phải người quê Thái Bình mà là quê Nghệ Tĩnh . Khi bài hát chào đời thì bố tôi, một người con của Thái Bình lại đang chỉ huy quân chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ (B2). Ông đi Nam từ 1964 đến 1974 mới trở về Bắc. Trong 10 năm ở chiến trường B2, ông mang quân hàm Thiếu tướng, phó chính ủy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng chiến đấu với ông còn có tướng Hoàng Văn Thái cũng là con dân Thái Bình.

Tôi cứ chìm trong những nghĩ suy. Đến gần trưa thì đến nghĩa trang làng.

Đây là làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải nơi ông yên nghỉ từ ngày 15/8/2002 (tức 7/7 AL). Ông mất đúng ngày đầu tháng bảy AL 1/7/2002. Sau 6 ngày mới tổ chức được tang lễ. Một đám tang có “tiếng vỗ tay” và nhiều sự kiện. Thi hài được hỏa táng. Hôm sau gia đình nhận cốt và đưa ông về đây. Năm nay là vừa tròn 10 năm ngày mất. Là người gắn bó với quê hương, ông có ước nguyện khi qua đời sẽ về nằm tại quê nhà. Lúc còn sống, bố tôi cũng đặt tên con trai theo tên quê hương để nhớ về nơi “ chôn rau cắt rốn”: Trần Điền, Trần Hải.

Nghĩa trang làng tôi không lớn lắm nhưng rất khó đi. Chúng tôi phải đi lòng vòng trên các khu mộ để vào phần mộ của gia đình. Ở đây dân làng không chừa lối đi chung thế là chúng tôi phải trèo lên bờ tường, dẫm từ mộ nọ đến mộ kia. Ai không giữ được thăng bằng thì chỉ có ngã. Năm ngoái về đây chúng tôi cũng đã gặp tình cảnh này. Những năm trước nữa thì đi dễ dàng hơn, càng về sau càng nhiều người mất và mạnh ai nấy chôn không có quy hoạch gì nên những ngôi mộ lâu đời sẽ bị bịt kín lối vào.

Tôi bước lò dò chênh vênh trên bờ tường, vừa đưa mắt xem hướng phần mộ của bố nằm ở đâu. Cái mốc để nhớ là chiếc cột điện. Từ đây cách mộ 50, 60 mét nhưng rất khó vào. Lúc thì lội bùn, lúc lên bờ tường. Cứ thế trèo lên, lội xuống, rồi thì nhảy từ bờ nọ sang bờ kia…Đi vài mươi phút thì cũng đến nơi.

Khuôn viên của gia đình rất nhỏ, chưa tới 20 m2, nơi yên nghỉ của 7 con người: Bà nội tôi (cụ Tô Thị Phủng), các bác, các chú, bố tôi. Trừ bà nội ra mỗi người chỉ có một tấm bia ghi tên họ, ngày sinh, ngày mất nhưng không có ảnh. Trên mặt đất cỏ mọc cao ngút. Có cả hoa dại. Loại hoa cúc trắng rất đẹp. Khi tôi đang thắp hương thì có một chú bướm vàng bay đến. Không biết có phải bố ra đón không? Chú bướm vàng này lại hơi bé. Nhiều khi tôi cũng thật khó giải thích bởi hai lần về thăm mộ bố trước đây, trên đường đi mưa tầm tã. Tôi cứ lo khi đến nơi mưa như thế có trèo được vào mộ không, ấy vậy mà thật kỳ lạ, khi xe bắt đầu rẽ vào làng mưa cứ ngớt dần. Lúc ra đến mộ thì tạnh hẳn.

clip_image006

Về quê bao giờ tôi cũng chuẩn bị hai sắp lễ, một đem ra mộ, một thắp tại nhà thờ tổ của dòng họ. Trái cây cúng các cụ và bố có táo Mỹ, xoài Nam Bộ, và vải đầu mùa. Thêm bó hoa cúc vàng tươi, rực rỡ. Trong khói hương nghi ngút, tôi bần thần nhớ bà nội, nhớ bố tôi, nhớ người thân… Năm ngoái tôi đưa con gái nhỏ đến thăm và thắp hương cho ông. Năm nay cháu ở nhà vì nhớ cảnh bế cháu chật vật mãi mới tìm được mộ. Cháu nhờ tôi nói với ông nội: “Ông ơi, cháu thương ông lắm. Năm nay cháu đã 10 tuổi rồi ông ạ”. Suy nghĩ của trẻ thơ là vậy vì cháu nhớ mãi câu chuyện tôi kể cho cháu nghe, khi ông mất cháu mới được 11 tháng tuổi. Lần nào đến đây tôi cũng vẫn nghiệm thấy rằng cái kết nối âm dương thật kỳ diệu. Khi thì thầm với bố về những lời dặn của con gái, nước mắt tôi lại trào ra. Có lẽ bố tôi đọc được suy nghĩ của người thân đó. Tôi đã từng đứng trước mộ bố nhiều lần, đã cúi lạy ông, đã kể cho ông nghe về thời cuộc nhưng chưa bao giờ tôi nói rành mạch như ngày hôm nay. Tôi buồn rầu kể về cái ác đang hàng ngày diễn ra ở khắp ba miền Trung-Nam-Bắc, những cái ác còn rùng rợn kinh tởm hơn 10 năm trước đúng như tâm sự của ông ở bài thơ:

Những mơ xóa ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ác xóa đi thay bằng cực thiện

Tháng ngày biến hóa ác luân hồi».

Người dân thời nay chịu biết bao đau đớn vì những cái ác cứ công khai, cứ ngang nhiên lộng hành không cần che đậy. Một thời cái ác lên ngôi.

Nhưng tôi cũng vui mừng báo tin với bố về một xã hội dân sự đang hình thành.

Tôi vẫn tin là những lời từ trong tim tôi sẽ vượt qua cách biệt âm dương để đến tai ông.

Tôi quỳ sát đất và nghĩ rằng bố đang nghe mình. Tôi cũng vui vì âm – dương hòa quyện, lòng người bên nhau. Khi thầm thì tôi cứ nhìn vào tấm bia. Lúc mới đến tấm bia bị cỏ che khuất, tôi phải nhổ bớt vài cụm thì cái tảng đá nho nhỏ màu xám mới hiện ra. Hai chúng tôi cũng thắp hương cho các ngôi mộ xung quanh nữa. Những người anh em và hàng xóm của bố.

Hôm nay là thứ Sáu. Toàn cảnh khu nghĩa trang vắng lặng quá. Lần nào cũng vậy chúng tôi ở chơi với các cụ và bố cho hết tuần hương rồi mới hóa vàng. Sau khi xong hết việc nhang khói, tôi ngồi ghi chép và nhìn ra xung quanh. Đã hơn 11 giờ trưa. Nắng hanh hanh. Gió nhè nhẹ. Chú bướm vàng cứ quanh quẩn bên trang viết của tôi. Nghĩa trang này khi 10 năm trước đưa bố về đây còn vắng vẻ, ra vào rất dễ. Bây giờ thì khó vô cùng. Tôi nhìn các ngôi mộ hàng xóm, mỗi cái một vẻ. Màu sắc cũng vậy. Chỗ nào cỏ cũng mọc rất cao. Có nhiều chỗ cỏ mọc che hết các ngôi mộ và bia người mất. Trong khuôn viên gia đình tôi, cô tôi phải lát gạch để hạn chế cỏ mọc. Lúc này đang vào mùa mưa, cỏ mọc xanh quá. Phong tục ở làng là không nhổ cỏ. Một năm chỉ làm cỏ vào dịp đông chí trước tết Nguyên đán.

Cỏ xanh, cúc trắng, thật thanh bình còn mâm trái cây lại vừa tươi vừa đẹp. Nhìn những trái táo Mỹ tôi lại liên tưởng đến chuyến thăm vịnh Cam Ranh của vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lion Panetta đầu tuần. Nếu bây giờ bố còn sống thì bố sẽ thấy người đứng đầu quân đội Mỹ này rất bình dị. Ông mặc dân sự, chuyện trò thân thiện với các quân nhân và vui vẻ trả lời những câu hỏi của các nhà báo. Sự kiện này đánh dấu gần 40 năm sau ngày người Mỹ từ bỏ Nam Việt Nam nay đã trở lại quân cảng chiến lược này. Biển Thái Bình Dương luôn là lời mời gọi mọi công dân trái đất, chẳng của riêng ai, chẳng cấm cửa ngăn chân ai được. Vài năm trở lại đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh có nhiều gây hấn trên Biển Đông nhằm biến nơi đây thành ao nhà của riêng mình. Tự do hàng hải (cũng như mọi sự tự do khác trong khuôn khổ nhân bản) là vĩnh hằng bố nhỉ? Tuần hương cháy đến sát chân. Hóa vàng xong, chúng tôi tần ngần chia tay với bố và người thân. Nắng vẫn nhẹ, gió hiu hiu. Có tiếng mèo kêu meo meo vẳng lại rất gần đây. Lúc ra cũng gian khổ như lúc vào, chỉ khác là không phải tìm đường nữa. Lộc mang ra chúng tôi chia hết cho trẻ chăn trâu.

Viếng mộ xong, chúng tôi về nhà cô Xuyến em ruột bố để thăm cô và  thắp hương cho các cụ ở nhà thờ tổ. Nơi đây trước là ngôi nhà tuổi thơ của bố. Nhà mái tranh, vách đất, sau này bà nội làm lại xây bằng tường gạch. Cũng trên cái thổ này năm 2004, cô Xuyến và các bác xây một nhà thờ tổ. Phong tục ở đây còn đậm nét «đất lề quê thói»: Trên bàn thờ tổ đặt bài vị của dòng họ, quanh năm phủ tấm vải đỏ, chỉ lấy ra vào ngày 30 tết để đón các cụ về với con cháu. Đến ngày 3 tết tiễn ông bà xong, đem phủ lại. Ảnh bố tôi được đặt ở bàn thờ nhỏ ngay bên trái bàn thờ chính. Trên tường có treo một vài bức trướng từ buổi tang lễ. Đọc những dòng chữ của đồng đội, đồng chí, những người bạn, người lính cùng vào sinh ra tử với ông ở các chiến trường khiến tôi nhớ cụ vô cùng. Đây là bức trướng thêu những tấm lòng đồng đội trên nền đỏ chữ vàng của Ban liên lạc truyền thống báo QĐND: «Trọn nghĩa nước non / vẹn tình đồng đội. Kính viếng nhà báo lão thành. Trung tướng Trần Độ». Bức trướng của đoàn cựu chiến binh Ban ký sự lịch sử Quân đội mang dòng chữ : «Thương tiếc nhà văn. Trung tướng Trần Độ». Hay bức «Tuệ mục tuệ tâm - Văn nhân võ tướng» đã nói lên tất cả tình người với sự kính trọng và yêu quý dành cho ông. Tôi nghĩ con người ta sống trên đời này khi mất đi được mọi người dành cho tình yêu thương đến như vậy cũng là mãn nguyện.

Thoắt cái đã 10 năm trôi qua. Cô Xuyến chỉ vào bụi mẫu đơn bố tôi trồng ngay sau khi từ Nam ra nay đang ra bông. Bụi khá to, cây cũng đã già. Lá màu xanh sẫm làm nổi bật những trùm hoa màu đỏ thật đẹp. Bụi hoa nằm ở cuối sân thỉnh thoảng cô tôi vẫn hái để dâng lên các cụ. Bố tôi cũng được thưởng thức thứ hoa cây nhà lá vườn này do chính tay em gái chăm sóc chắc ông vui lắm. Tôi cũng được biết trong số các anh chị em, bố dành nhiều tình thương cho cô Xuyến nhất.

Sau bữa trưa, chúng tôi chia tay với ngôi nhà của họ nội. Cũng mảnh đất và ngôi nhà này (tôi hình dung trước đây là vách đất) bố tôi đã chào đời để 16 tuổi chia tay với bà nội đi hoạt động cách mạng. 17 tuổi bị bắt vô tù, bị tra tấn dã man ở nhà lao Thái Bình, Hỏa Lò. Năm 18 tuổi vào Đảng và cũng năm này bố tôi bị đày đi nhà tù Sơn La (1941), nơi rừng thiêng nước độc «nước Sơn La, ma Hòa Bình». Kể từ đó bố vượt ngục, gắn bó với cuộc đời đi làm cách mạng.Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống Pháp, chống Mỹ ông là một vị tướng của nhân dân, «từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu». Tôi sẽ còn nhớ mãi lời ông tâm sự với tướng Lê Trọng Tấn: «Chúng mình làm tướng để đánh giặc chứ không phải đánh giặc để làm tướng». Khi Tổ quốc hòa bình, ông buông tay súng để cầm lấy cây bút. Những dòng tâm huyết của ông không nằm ngoài ý tưởng của Bác Hồ: «Nước nhà được độc lập mà người dân không được tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì» và «đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn». Ông đã sống đẹp, đã «vì nhân dân quên mình». Từ mảnh đất nơi làng Thư Điền rợp sóng lúa, bóng tre bố tôi đã ra đi, nay ông lại trở về với quê hương yêu dấu: Làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Sài Gòn 18/7/2012

T.H.- K.T.

Các tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn