Yêu cầu “thay đổi” không chỉ là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống mà còn là mệnh lệnh của dân tộc!

Trần Ngọc Thạch

Hiện trạng kinh tế-xã hội Việt Nam

Nhận định từ bên trong:

Hiện trạng kinh tế Việt Nam đã được đưa ra mổ xẻ tại một cuộc hội thảo khoa học với tên gọi ‘Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược’ hôm 23/9. Trong khi một số chuyên gia và quan chức Chính phủ cho rằng kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng chính từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì ông Khoan lại không đồng tình với ý kiến đó. Cựu Phó Thủ tướng được trích lời nói rằng ông không tin khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân chủ yếu vì ‘nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng nhưng đâu đến nỗi như Việt Nam’. Ông Khoan cho rằng ‘sai lầm chủ quan dẫn tới bất ổn vĩ mô mới là nguyên nhân chính’. Tiến sỹ Trần Đình Thiên tán đồng quan điểm này[1].

Đánh giá từ bên ngoài (Nhóm tác giả thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright):

Luận điểm chính xuyên suốt báo cáo này có thể diễn đạt ngắn gọn như sau: thể chế yếu kém chính là nguyên nhân sâu xa đã dẫn tới những bất ổn của nền kinh tế và nguy cơ suy thoái kinh tế hiện nay. Các nguy cơ về kinh tế, chính trị và xã hội ngày nay đều có thể lý giải được bởi những cuộc cải cách thể chế bị trì hoãn hoặc chưa được tiến hành triệt để trong quá khứ.”[2]

Theo tôi, những ý kiến xác đáng nêu trên đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh không thể xám hơn của thực trạng kinh tế-xã hội Việt Nam những năm qua và sẽ còn u ám hơn trong những năm tới, nếu không có những bước thay đổi đột phá.

‘Thay đổi’ như thế nào?

Theo tôi, bản dự thảo báo cáo của nhóm Fulbright đã đi sâu vào phân tích các khía cạnh chuyên môn về tài chính - tiền tệ và quản trị hành chính công với những đề xuất tháo gỡ các nút thắt một cách cụ thể, xác đáng và đầy tâm huyết.

Với hiện trạng kinh tế Việt Nam, tôi nhìn nhận vấn đề một cách trực diện và đơn giản hơn. Trong cuốn BCG bàn về chiến lược [3], tác giả bài viết ‘Một nửa lãng quên,’ Luc de Brabandere có kể một câu chuyện:

Ở quê, tôi có một chú chó rất thích được nhảy qua hàng rào trong vườn để trốn sang vườn nhà hàng xóm. Thế là một ngày kia tôi quyết định dỡ bỏ hàng rào kẽm gai xấu xí, vì nó đã không còn làm nhiệm vụ của mình. Thử tưởng tượng tôi ngạc nhiên đến mức nào khi hôm sau tôi thấy chú chó của mình vẫn tiếp tục nhảy đúng chỗ thường lệ trên hàng rào cũ, và vẫn mang bộ mặt hài lòng rất láu.

Nhưng trước khi bạn cười nó, hãy bỏ chút thời gian suy nghĩ. Có thể chính nó đang cười chúng ta – những người không thể thoát ra chiếc hộp mà chúng ta đã dựng nên cho mình, cứ ngồi ru rú bên cái hàng rào đã bị dỡ bỏ từ lâu, và tự bó hẹp mình trong những bức tường tưởng tượng (tr. 479).

Qua câu chuyện trên tác giả ám chỉ cái cách chúng ta nhìn nhận vấn đề mới là quan trọng. Khi vượt khỏi những rào cản vô hình hạn hẹp, tầm nhìn mới bao quát và sự đánh giá sẽ khách quan hơn. Ví von một cách hình tượng, tôi hình dung thực trạng nền kinh tế Việt Nam giống như hình ảnh một chàng thanh niên đang trong độ tuổi sung sức nhưng buộc phải mặc quá lâu chiếc áo của thời niên thiếu. Chiếc áo (thể chế XHCN) đã quá cũ kỹ và chật chội này khiến cho tư duy bị ‘đóng khung’, trói buộc sự vận động nhịp nhàng của cơ thể (nền kinh tế), khiến cho trái tim (ngân hàng trung ương) bị loạn nhịp và hệ tuần hoàn (hệ thống tín dụng ngân hàng) lưu thông bị ứ đọng, phân phối bị lệch pha; từ đó dẫn đến cơ thể phát triển không đồng bộ, suy kiệt về thể lực. Như vậy, cách giải quyết rốt ráo và giản đơn nhất mà ai cũng biết là chỉ cần thay cái áo mới có độ co giãn phù hợp với cơ thể đang phát triển, mọi việc sẽ trở về trạng thái phối hợp nhịp nhàng, theo qui luật tự nhiên, khi tư duy được giải phóng.

Tất nhiên, sự đời không hề đơn giản như ta hình dung. Thay đổi tư duy một người đã khó, thay đổi một thể chế gắn liền với ý thức hệ bị giam hãm bởi những thành công trong quá khứ, đã tồn tại gần bẩy thập kỷ qua thì quả là điều cực kỳ khó khăn. 68 năm có thể là khoảng thời gian còn ngắn để thay đổi một hệ tư tưởng, nhưng chỉ có vài ngày trước và sau đám tang của một vị Tướng huyền thoại của dân tộc – qua những tình cảm quí mến của nhân dân cả nước dành cho ông, cộng với một vài câu chuyện lịch sử liên quan đến cuộc đời đầy thăng trầm của vị Tướng tài ba này hé mở, giới lãnh đạo cao cấp chắc đã cảm nhận được thời điểm lịch sử cần phải thay đổi, không phải vì những toan tính riêng tư mà đó là vì vận mệnh dân tộc!

Mỗi một dân tộc đều có những ánh hào quang trong quá khứ đủ lớn để tự hào và có cả những sai lầm nghiêm trọng mang đầy toan tính cá nhân, nhóm lợi ích của một vài lãnh đạo cấp cao, đủ để kéo lùi sự phát triển của cả một dân tộc qua vài thập kỷ. Như một lẽ thường tình, chúng ta mặc nhiên phải chấp nhận. Đó là những ‘chi phí lịch sử’ mà dân tộc nào, ít nhiều cũng đã phải trả giá. Nhưng khi áp lực tích lũy đủ lớn, từ nội tại chủ quan bên trong và cả điều kiện khách quan từ bên ngoài, nhu cầu cần phải thay đổi đã hiện ra quá rõ ràng đến mức toàn thể nhân dân và tổ chức đều nhận thấy, sẽ là ‘có tội lớn’ (với đất nước, với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc) nếu những ‘sai lầm cá nhân’ trên lại lặp lại.

Qua sự kiện trên, tôi tin rằng nhân dân Việt Nam đã có thừa sức mạnh đoàn kết để tự thay đổi hoàn cảnh thực tại, nếu như các cấp lãnh đạo và những vị đại biểu của nhân dân không đủ dũng khí thừa nhận nó. Vì đây là mệnh lệnh của dân tộc, vì tương lai của đất nước – cũng là tương lai của các thế hệ con cháu chúng ta.

Vấn đề còn lại quan trọng không kém là, trong tương lai gần, đất nước Việt Nam phải thay đổi như thế nào để có thể sánh vai với các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Tôi cho rằng cần phải thay đổi một cách toàn diện, triệt để những vấn đề cốt lõi sau:

Triển khai mục đích

* Hiến pháp & thể chế

Trong cơ chế thị trường, mục tiêu thỏa mãn nhu cầu khách hàng là cái đích ngắm mà hầu hết các công ty, tập đoàn đều phải hướng tới nhằm đạt kết quả cao về tăng trưởng và lợi nhuận. Ở tầm vĩ mô, với xu thế toàn cầu hóa ngày một lan rộng khắp các châu lục, hầu hết các quốc gia tiên tiến đều xem trọng dân chủ hóa là con đường phát triển bền vững mà họ cần phải thiết lập. Trong xu thế đó, Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, tôi cho rằng mô hình dân chủ nghị viện là phù hợp nhất với bối cảnh lịch sử hiện nay của đất nước.

Về cơ bản, chế độ nghị viện và chế độ tổng thống đều được xác lập trên nền tảng dân chủ lập hiến. Nhưng so về mức độ tản quyền của hệ thống nghị viện đang được đa số các quốc gia áp dụng, hệ thống tổng thống dễ tạo điều kiện dẫn đến sự chuyên quyền, độc tài vì tất cả quyền hành pháp tập trung trong tay của một cá nhân. Trong số các quốc gia theo chế độ tổng thống, chỉ có Hoa kỳ là nước áp dụng tương đối thành công vì thiết lập được nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để, cộng với một hệ thống tư pháp độc lập, mang tính chuyên trách cao và một nền dân chủ cơ sở lâu đời.

Xét về tương quan lực lượng giữa các đảng phái/ tổ chức chính trị hiện thời, với lợi thế về hệ thống bộ máy, tổ chức, con người sẵn có từ cấp cơ sở tới trung ương của đảng cầm quyền, một kịch bản mang tính dung hòa có lợi nhất cho đại cục là: thông qua hệ thống bầu cử tự do, đảng đương quyền thu được tỉ lệ số phiếu bầu quá bán (chiếm đa số tuyệt đối) hoặc cao hơn (chiếm đa số tương đối) để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo chi phối, số phiếu còn lại thuộc về các đảng đối lập (lý tưởng là hai, với tỉ lệ phiếu trúng cử của đảng đối lập thứ ba tối thiểu không ít hơn 15%). Một khi nhân dân được trao quyền làm chủ trực tiếp thông qua bỏ phiếu, chế độ này với vai trò lập pháp có tầm ảnh hưởng quan trọng của quốc hội, sẽ buộc các đảng liên minh cầm quyền từng bước tinh gọn bộ máy, sàng lọc nhân sự và chấp pháp theo hướng hiệu quả, mang lại lợi ích tốt nhất có thể cho nhân dân, trong nhiệm kỳ đương quyền của mình.

Về bản dự thảo Hiến pháp 1992 đang được quốc hội thảo luận và sắp được thông qua (bước cuối cùng là trưng cầu dân ý?), với cá nhân tôi, cho đến thời điểm này, Hiến pháp 1946 được xem là bản hiến pháp dân chủ, mang tính phân quyền cao, lời văn cô động, súc tích, ngắn gọn và dễ hiểu nhất với quảng đại quần chúng. Tất nhiên, sẽ giữ lại những nội dung cơ bản của nó và sửa đổi, bổ sung thêm một số điều cho phù hợp với chế độ nghị viện. Để đảm bảo cơ chế kiểm soát chéo giữa các nhánh quyền lực, cần thiết phải bổ sung một số điều khoản quan trọng liên quan đến Hội đồng bảo hiến, một tổ chức độc lập trực thuộc nhánh tư pháp, nhằm kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật (trước và sau khi có hiệu lực) do quốc hội ban hành.

* Thiết kế tổ chức kết hợp tập quyền và phân quyền

Trong cuốn Tư duy lại tương lai của nhiều tác giả, do Rowan Gibson biên tập, có bàn về tập quyền và phân quyền trong thiết kế tổ chức:

Vấn đề có tính chiến lược cho các tổ chức ở thế kỷ 21 là làm thế nào để cân bằng các hoạt động của mình: đặt cái gì vào phần hạt nhân và cái gì cho phần không gian xung quanh (nguyên tắc ‘Bánh cam vòng’). Chẳng hạn, một tổ chức cần phải nhỏ vừa đủ về nhân lực và linh hoạt, nhưng đồng thời trong một số lĩnh vực nó cần phải đủ lớn để tạo sự bứt phá, thay đổi có lợi. Trong việc điều hành vĩ mô của chính phủ luôn phải có một trung tâm mạnh để quán xuyến mọi việc nhưng vẫn dành một không gian đáng kể cho các quyết định của địa phương.

Báo cáo dự thảo của nhóm tác giả Fulbright có đề xuất cụ thể hơn: “Xây dựng Luật chính quyền địa phương là một cơ hội rất phù hợp để thảo luận về cơ cấu địa phương và mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với Chính quyền trung ương. Cần thảo luận để thiết lập các thiết chế quản lý kinh tế cấp vùng có đủ thẩm quyền để quản lý và điều tiết hiệu quả hơn các nguồn lực kinh tế… Ngoài ra, dưới cấp vùng, các đô thị và làng xã cần được tự quản theo nguyên tắc tự quản địa phương được quy định trong Hiến pháp với những thẩm quyền và ngân sách được phân tách rạch ròi với chính quyền trung ương.”

Trong bài tiểu luận Trung tâm lợi nhuận và phân quyền quản lý (BCG bàn về chiến lược), tác giả Henderson có nhấn mạnh: “Triết lý tiềm ẩn là quyền lực và trách nhiệm phải đi song hành, và nhất thiết phải được chia sẻ cho nhiều người. Sự cân bằng hoàn hảo giữa tập quyền và phân quyền do đó phải mang lại hiệu quả thay vì cực đoan.”

Theo tôi, nếu bộ máy quản trị nhà nước tạo cơ chế phân quyền (phân công, phân nhiệm đi kèm với phân bổ nguồn lực) rõ ràng & minh bạch thì tính chủ động, sáng tạo & trách nhiệm của cấp dưới và địa phương sẽ được nâng cao. Khi đó việc đầu tư dàn trải theo phong trào, cơ chế xin-cho sẽ bị triệt tiêu; ngược lại, sự cạnh tranh giữa các tỉnh, vùng miền sẽ kích hoạt việc khai thác tốt hơn lợi thế đặc thù của từng địa phương. Chính quyền trung ương lúc này sẽ ‘rảnh tay’ để định hướng, điều tiết và xử lý những vấn đề thuộc tầm vĩ mô.

Thiết kế bộ máy hành chính công tinh gọn là một chuyện, việc điều hành, xử lý sự cố lại là chuyện khác, nó liên quan đến động cơ, năng lực và kỹ năng của con người – cá nhân lãnh đạo. Ở cấp quốc gia, nhân dân cả nước bầu cho các đảng theo kiểu bầu đại diện theo tỉ lệ. Ở cấp địa phương, tôi đề nghị, để tăng tính tự chịu trách nhiệm và năng lực cá nhân lãnh đạo, nên trao quyền cho nhân dân địa phương bầu trực tiếp các vị trí Xã trưởng, Đô trưởng và Tỉnh trưởng theo hình thức bầu cử theo đa số tương đối (ứng cử viên chiếm đa số phiếu trong một khu vực xác định sẽ là người chiến thắng). Còn vị trí Trưởng vùng và Quận trưởng thì do các tỉnh/ thành phố và các xã chọn ra, từ những người cùng cấp đương nhiệm (hoặc đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn đủ sức khỏe và có uy tín) đảm nhiệm luân phiên hoặc theo chu kỳ, ngắn hạn hay trung hạn.

Bởi lẽ, nhân dân chỉ muốn và chỉ có thể đặt niềm tin vào một cá nhân nào đó – đủ năng lực và đủ sức thuyết phục - chứ khó có thể đặt trọn kỳ vọng vào nguyên cả một ‘hội đồng’. (Tất nhiên, kèm theo đó là những điều khoản ràng buộc và bãi miễn trong trường hợp cần thiết). Các ứng viên này (nên) được phép vận động quyên góp tài lực (có giới hạn, và đặt trong tầm kiểm soát của cấp có thẩm quyền) trong quá trình vận động tranh cử tự do, đi kèm với ‘chương trình hành động’ để thuyết phục cử tri khu vực bầu chọn. Những cá nhân nói trên là nguồn lực dự trữ, bổ sung cho hàng ngũ lãnh đạo cấp quốc gia trong trường hợp cần thiết, nếu họ chứng tỏ được năng lực lãnh đạo, điều hành và được nhân dân tin tưởng.

* Xác định lợi thế cạnh tranh và mô hình tăng trưởng

Trong cuốn Tư duy đột phá, tác giả Shozo Hibino nhận định tình hình kinh tế thế giới một cách khái quát: “Nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế thế giới, chúng ta thấy Anh từng dẫn đầu về kinh tế đến đầu những năm 1900 nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài chính mạnh. Mỹ dẫn đầu suốt những năm 1970 nhờ có nguồn tài nguyên và kỹ năng con người. Từ những năm 1980 đến nay, Nhật dẫn đầu, phần lớn nhờ kỹ năng con người mạnh. Tuy nhiên, hiện tại và trong tương lai, ba yếu tố đầu (tài nguyên thiên nhiên, tài chính, và công nghệ) hầu như đều có sẵn cho mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới. Vì vậy, yếu tố riêng biệt tạo ra sự khác biệt trong tương lai chính là kỹ năng con người.”

Theo ý kiến một số chuyên gia và các nhà kinh tế có tên tuổi trong và ngoài nước, Việt Nam nên chú trọng vào hai lĩnh vực có lợi thế tương đối là công nghệ thông tin và nông nghiệp. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên, tuy nhiên cần phải nhấn mạnh thêm là, lợi thế tiềm ẩn to lớn của Việt Nam chính là nguồn nhân lực chưa được khai thác đúng mức. Đúng như nhận xét của ông Lý Quang Diệu viết trong cuốn sách One man’s View of the world (NXB SPH Singapore, 2013) [4]:

Người Việt là giống người năng động và tài giỏi ở Đông Nam Á. Học sinh đến Singapore theo dạng học bổng Asean rất nghiêm tục học hành và đậu thứ hạng cao nhất. Với giống người thông minh như vậy, quả thật là đáng tiếc là họ lại thiếu tiềm năng. Hy vọng rằng sau khi hết lớp người trải qua cuộc chiến, giới trẻ sẽ kế nhiệm, họ sẽ thấy Thái Lan đã thành công ra sao và họ sẽ bị thuyết phục bởi mức độ quan trọng của thị trường tự do.

Du học sinh Việt Nam, không chỉ ở Singapore mà hầu hết tại các nước tiên tiến trên thế giới, đa phần đều nằm ở top 3-5 trong bảng xếp loại sinh viên/học sinh của các trường ở các nước sở tại, nếu không tính đến số học sinh xuất sắc ưu tú mà báo chí đã nêu trong thời gian qua. Vậy thì, chúng ta cần phải xem lại môi trường và phương pháp, hiệu quả đầu tư trong giáo dục tại Việt Nam có những khiếm khuyết cơ bản nào cần phải thay đổi để nền giáo dục nước nhà tiến tiệm cận với trình độ của thế giới.

Một khi đã xác định được lợi thế cạnh tranh trong tương lai của thế kỷ 21 chính là nguồn nhân lực chất lượng cao thì mô hình tăng trưởng của quốc gia cũng phải tập trung, ưu tiên phát triển thế mạnh này: cạnh tranh dựa trên năng lực (yếu tố con người), trong đó tư duy sáng tạo là một kỹ năng mang tính đột phá trong hầu hết các lĩnh vực, đặt biệt là công nghệ thông tin, công nghệ cao và công nghệ sinh học.

Xác định mục tiêu

* XH cạnh tranh, đa dạng hóa: động lực của phát triển

Giám đốc Viện Kinh tế thế giới ở Hamburg, Thomas Straubhaar, có viết trong cuốn Chúng ta đã giàu lên như thế nào: Cạnh tranh thúc đẩy tiến hóa: “Adam Smith, cha đẻ của học thuyết kinh tế hiện đại, coi tác động tiến hóa của cạnh tranh là một vấn đề trọng tâm. Smith nhận thấy cấu trúc ganh đua trên thị trường cạnh tranh là một sức mạnh hết sức năng động, nó như một cỗ máy khổng lồ thúc đẩy cả xã hội vươn lên… Đối với toàn xã hội thì sự để ngỏ kết quả của cạnh tranh lại chính là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế.”

Có tác giả (lời của một tiến sĩ người Việt đang làm việc tại Nhật Bản?) đã viết: Một xã hội thiếu sự cạnh tranh, phản biện là một xã hội chết lâm sàng [chỗ này có thể tác giả lầm, nội dung ý kiến này là của GS Ngô Bảo Châu – BVN]. Để dễ hình dung, chúng ta hãy quan sát sự khác nhau giữa hai giải bóng đá (hoặc các giải tranh tài những môn thể thao khác) ở cấp quốc gia, một bên là giải phong trào và một là giải chuyên nghiệp. Hai kết quả đem lại sẽ cho ta câu trả lời xác đáng. Đó là sự khác biệt giữa cạnh tranh và thi đua. Cạnh tranh cần sự nỗ lực và mang tính cách mạng; còn thi đua cần sự hứng khởi, chỉ đem lại giá trị tương đối về mặt tinh thần. Trong một thế giới đa dạng, đầy khác biệt, và biến động khó lường ngày nay, nếu không tạo được môi trường cạnh tranh đủ mạnh trên mọi lĩnh vực, phương diện (kèm theo sự điều chỉnh linh hoạt, liên tục) thì các công ty, tổ chức hay quốc gia luôn là kẻ theo sau thị trường, luôn phải bám đuổi các nước khác. Kẻ đi sau thì ít khi có ‘lợi thế’. Chắc chắn là như vậy.

* Chính phủ ‘tinh hoa’: động cơ thúc đẩy và định hướng phát triển

Phần này thì chính phủ Singapore là một ví dụ điển hình để các nước phải học hỏi. Tôi chỉ xin trích dẫn những câu nói nổi tiếng của ông mà không cần bình luận gì thêm.

“Theo Lý Quang Diệu, ngay cả nền dân chủ tốt nhất cũng khó mà cạnh tranh với một chính phủ gồm những cá nhân tinh hoa thực sự có tài, không tham nhũng và có động lực làm việc mạnh mẽ.”[5]

“Rất cần thiết phải bồi dưỡng một thế hệ ở trên đỉnh của xã hội, sao cho thế hệ ấy có đủ phẩm chất cần thiết để dẫn dắt và đem lại cho người dân cảm hứng và động lực để đi tới thành công. Nói tóm lại, chính là tầng lớp tinh hoa… Tất cả những người có tiềm năng phát triển rực rỡ phải được như vậy. Đó chính là mũi nhọn trong xã hội, những con người để gửi gắm tốc độ tiến bộ của chúng ta.”[6]

Có thể đúc kết lại vấn đề “bộ máy” & “con người” bằng những câu sau trong bài viết của John S. Clarkeson (Nhạc Jazz hay nhạc giao hưởng trong cuốn The BCG on strategy): “Tổ chức chiến thắng trong tương lai sẽ tương tự một tập hợp những nhạc công jazz hơn là một dàn nhạc giao hưởng… Thực tế sẽ không còn những bản nhạc soạn sẵn nữa. Sự phân biệt giữa nhà soạn nhạc/ người chỉ huy dàn nhạc/ nhạc công biểu diễn đang mờ dần. Nhà lãnh đạo là những người chung quanh chúng ta.”

* Nền giáo dục tiên tiến: nguồn lực cho ‘chiến lược cạnh tranh dựa trên năng lực’

Chúng ta đã biết rằng lợi thế cạnh tranh trong tương lai, thế kỷ 21 – thế kỷ của nền kinh tế tri thức, chính là nguồn nhân lực - kỹ năng con người, và đây cũng là lợi thế kỳ vọng của Việt Nam, theo ý kiến cá nhân tôi.

Để có được ‘sản phẩm’ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ‘chiến lược cạnh tranh dựa trên năng lực’, chắc chắn nền giáo dục của chúng ta buộc phải tiếp cận (hoặc mô phỏng, tiếp thu có chắt lọc) những nội dung, phương pháp và giáo trình của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. (Vì một số nước trên thế giới đang triển khai thí điểm các chương trình giáo dục mở với một số giáo trình trực tuyến miễn phí, hoặc có thu phí tượng trưng, cho nên việc tiếp cận nó không phải là khó khăn. Hơn nữa, chúng ta còn có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giáo sư, du học sinh hiện đang công tác, học tập trên khắp thế giới, những người sẽ là cầu nối hữu hiệu để chúng ta nhanh chóng tiếp cận).

Vấn đề quan trọng khác là, chúng ta xác định rõ mục tiêu của nó là gì, phải đổi mới, cải cách nền giáo dục với ‘độ mở’ như thế nào trước khi triển khai những bước tiếp theo. Tôi được biết Chính phủ và Bộ Giáo dục – Đào tạo đang trong quá trình thảo luận và tiếp thu những góp ý cho bản dự thảo Đề án Đổi mới Giáo dục 2013. Tôi không dám ‘múa rìu qua mắt thợ’ nên không muốn bàn sâu hơn.

Chỉ có điều, nói gì thì nói, tôi nghĩ mục đích cuối cùng của một nền giáo dục tiên tiến là phải tạo ra được những ‘sản phẩm’ – con người phát triển toàn diện. Sau khi đọc qua cuốn Trí óc, trái tim và khí phách: Tư duy lãnh đạo thế kỷ 21 của các tác giả David L. Dotlich, Peter C. Cairo, & Stephen H. Rhinesmith và liên tưởng tới bài viết trước đây của tôi lạm bàn về thực trạng nền giáo dục nước ta, tôi thấy có những điểm tương đồng về mục tiêu giáo dục. Tôi cho rằng ‘sản phẩm’ cuối cùng của một nền giáo dục, nói chung, phải đạt được tối thiểu ba mục tiêu về con người: Trí – Thể - Mỹ (Trí là phải biết cách tiếp thu và ứng dụng những kiến thức đã học; Mỹ là phải biết cảm thụ và yêu mến cái đẹp (nói chung) trong cuộc sống; và Thể là phải có một nền tảng sức khỏe tốt, tinh thần mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng).

Tác giả cuốn sách trên viết rằng: “Để làm lãnh đạo trong môi trường kinh doanh ngày nay, bạn cần phải sử dụng trí óc, biểu lộ bằng trái timhành động bằng khí phách… Xuyên suốt cuốn sách này, chúng tôi đã đề cập đến các nhà lãnh đạo tổng thể (toàn diện hay chín chắn) và sự cần thiết phát triển con người toàn vẹn. Các nhà lãnh đạo chín chắn thường thể hiện trí óc, trái tim và khí phách (Head, Heart, and Guts) một cách tự nhiên” (Chương 1 & 14, trang 31 & 341).

clip_image002Cả ba phẩm chất nói trên (Trí – Thể - Mỹ) nếu được rèn luyện, phát triển trong môi trường tốt sẽ đáp ứng được các tố chất của một nhà lãnh đạo toàn diện (Head – Guts – Heart) – nhà lãnh đạo chín chắn – cho thế kỷ 21.

Kết quả đem lại?

Shozo Hibino đã đúc kết 7 nguyên tắc tư duy đột phá của ông bằng ba từ: “Mục đích -> Mục tiêu -> Kết quả,” chính là “quy tắc ngón tay cái” đơn giản mà hiệu quả. Mục đích và sự triển khai mục đích mở ra cơ hội sáng tạo trong quá trình xác định vấn đề thực tế. Mục tiêu xác định hệ quy chiếu cho sự ra đời của các giải pháp sáng tạo. Kết quả cho bạn cơ chế để giữ khoảng cách gần với mục tiêu của bạn trong khi thực hiện các thay đổi. (Ch 11. Sức mạnh của sự kết hợp 7 nguyên tắc của Tư duy đột phá)

Tôi xin tóm lược bài viết của mình bằng ‘qui trình’ sau:

clip_image004

Cuối cùng, tôi muốn nhắn gởi tới quí vị đại biểu của nhân dân Việt Nam đang trong quá trình nghị sự những vấn đề quan trọng của đất nước, rằng: Quí vị có thể thận trọng, cân nhắc khi bàn đến những chính sách quan trọng của quốc gia, nhưng hãy biết quyết đoán khi đưa ra những biểu quyết hệ trọng có ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc. Bác Hồ đã từng nói [7]: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.” Hãy cố gắng để lại những ‘di sản’ tốt đẹp nhất có thể vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt.

Chúng tôi tin ở quí vị!

T.N.T.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Tham khảo:

(1): Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực?’ Nguồn VnExpress, chinhphu.vn, VOA’s interview

(2): Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng, Dự thảo báo cáo của nhóm tác giả thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy School.

(3): BCG (The Boston Consulting Group) là hãng tư vấn chiến lược danh tiếng bậc nhất thế giới hiện nay, được sáng lập bởi Bruce D. Henderson – một nhà tư tưởng vĩ đại và một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng. Phần lớn các bài tiểu luận viết trong cuốn sách này là “quan điểm” được tập hợp và xuất bản bởi Boston Consulting Group cho khách hàng của họ.

(4): Theo Diễn đàn Xã hội Dân sự, http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/09/25/viet-nam-bi-nhot-trong-y-thuc-he-xa-hoi-chu-nghia/

(5): Cuốn Đối thoại với Lý Quang Diệu: Cách thức xây dựng một quốc gia, của GS Tom Plate.

(6): Cuốn Lý Quang Diệu: Bộ máy quốc gia cần gì? Trích bài phỏng vấn của các tác giả Graham Allison, Robert D. Blackwill và Ali Wyne trong cuốn Lee Kuan Yew: The Grand Master’s Insights on China)

(7): Câu này nguyên không phải của Hồ Chí Minh. Có thuyết nói là nguyên của nhà thơ Thanh Tịnh, lấy từ bài thơ Dân no thì lính cũng no, 1948 của ông, có thuyết nói rằng câu này trong báo cáo của Đảng bộ tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình gửi ra, được Hồ Chí Minh đọc và từ đó nhiều người dân và cán bộ miền Bắc cho rằng đây là câu nói của Hồ Chí Minh. (Nguồn: Wikipedia)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn