Tản mạn trước tết năm Giáp Ngọ

Tô Văn Trường

Trước đòi hỏi chính đáng của người dân và yêu cầu của cuộc sống “nói phải đi đôi với làm” và chia sẻ với băn khoăn suy nghĩ của nhiều người dân, lãnh đạo nước ta “nói dzậy nhưng không phải dzậy”, tôi mới viết bài “Dân mình tốt quá nên lãnh đạo mình… hư lâu” [đã đăng trên vietnamnet.vn với nhan đề được Ban Biên tập sửa lại thành “Dân có nói nặng một chút cũng phải nghe” – BVN]

Giáo sư Hoàng Tụy phản hồi: “Tôi rất tâm đắc cái nhan đề bài này của anh. Quả vậy, trong nhiều lần được tiếp xúc riêng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi được nghe ông thổ lộ: "dân mình quá tốt, chứ như ở các nước khác thì mình làm thế này dân họ đã lật đổ mình từ lâu rồi." Cũng đúng như cái câu anh đã trich dẫn”.

TS Phạm Gia Minh bình luận: “Tuy dân mình quá tốt như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định nhưng Nguyễn Trãi vẫn phải đưa ra hình ảnh ví von nước là Dân đẩy thuyền đi và cũng đồng thời lật thuyền. Có lẽ do chính quyền của ta chưa tồi tới mức như những triều đại phong kiến mục nát trước kia hoặc là cách cai trị của cộng sản không cho phép Dân làm phản loạn mà chỉ có tự cộng sản mới "chấn chỉnh" được lẫn nhau như V. I. Lenin đã nói nên mới nảy ra nhận định “Dân mình tốt quá" đấy thôi!”.

TS Thang Văn Phúc nhận xét: “Bài viết trúng lắm rồi, chính sách còn nằm trên giấy, thực tiễn mới được 10/100 thôi. Người nông dân vẫn là người thiệt thòi nhất, rõ ràng cần cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam và cơ chế chính sách có động lực mới như khoán 100 cùng với đưa công nghệ sinh hoc vào mới mong năng suất, hiệu quả, an toàn cho sản phẩm nông nghiệp , lúc đó mới nói đến nền nông nghiệp hiện đại. Cách đây hơn 10 năm tôi có dịp đi Ixraen nghiên cứu về Dân chủ và tổ chức hợp tác xã mới thấy họ tổ chức hợp tác xã đúng với Các Mác và công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển công nghệ sinh học từ những năm 50 của thế kỷ trước!?”.

Lúc này, có thời gian ngẫm suy, tôi nhận thấy trong bài viết: “Dân mình tốt quá nên lãnh đạo hư lâu” còn chưa đề cập đến một điểm không giống ai của Việt Nam mà ta phải quan tâm khi nói đến cải cách ở nông thôn là dân không có quyền tư hữu đất. Dù dưới hình thức cá nhân, gia đình hay hợp tác xã thì người dân nếu rời khỏi công việc làm nghề nông về nguyên tắc sẽ bị mất quyền sở hữu. Giả dụ chính quyền địa phương làm sai luật (Hiến pháp) vẫn để cho họ giữ quyền, cho thuê lại hoặc không làm gì trong hợp tác xã, mà chỉ hưởng địa tô thì sẽ tạo ra:

1. Một chế độ phi pháp

2. Sự bất bình của những người đóng góp thực sự vào hợp tác xã.

3. Tình trạng đi đêm/hối lộ/xung đột giữa chính quyền, hợp tác xã (những người làm thực sự), và dân lấy địa tô.

Đây là những vấn đề cần quan tâm để có hình thức thể chế phù hợp khi đưa Thông điệp của Thủ tướng vào cuộc sống của người nông dân.

Có tờ báo đặt tôi viết bài “Hạnh phúc một con người & hạnh phúc một dân tộc” để đăng vào dịp Tết Giáp Ngọ. Thật khó cho người viết vì mình không phải là nhà nghiên cứu về xã hội, dân tộc học, cũng không phải là dân tuyên giáo, trong khi đất nước ta vẫn còn ngổn ngang trăm bề hay nói đúng hơn đang trong vòng xoáy rơi xuống đáy của cái giếng hẹp.

Có lẽ trong số các khái niệm thì hạnh phúc là khái niệm có nhiều định nghĩa nhất, đa dạng nhất. Trong bộ Tam đa “Phúc, Lộc, Thọ” thì ông Phúc tay bế đứa trẻ, bởi theo quan niệm xưa thì “đông con là nhà có phúc”. Nhưng đẻ nhiều mà không nuôi được, hoặc có con cái mà chúng hư đốn, gây họa thì bố mẹ bị người ta chê là “vô phúc”!

Ông Các Mác thì cho rằng "Hạnh phúc là đấu tranh" vì ông tìm thấy niềm vui và đam mê trong đấu tranh. Gần đây, trên tivi, một nhà khoa học nổi tiếng, đã nói một cách thẳng thắn và vui vẻ rằng người hạnh phúc nhất theo ông là “sống khỏe, chết nhanh, không của để dành, nhiều người thương nhớ”! (Nhiều người tất nhiên là có “các em” rồi đấy)! Như vậy, hạnh phúc được nhìn nhận theo quan điểm sống và góc nhìn của mỗi người. Ngay cả khi gặp bất hạnh, người ta vẫn tìm cách an ủi : “trong cái rủi có cái may”.

Tôi có người bạn giáo sư tiến sĩ cùng trạc tuổi, nổi tiếng là hiền lành, chất phác thế mà bỗng nhiên gần đây mới cho ra mắt “sản phẩm” rất độc đáo là cậu con trai “ngoài luồng” gần chục tuổi. Bà nội vui mừng đã đành nhưng ngay bà cả “chính chủ” cũng OK vì mình chỉ có hai cô con gái nên cho nhận con trai về để ra mắt họ hàng có người nối dõi tông đường nhưng bà hai chưa chịu vì sợ cô đơn. “Chính chủ” lại cho phép cố đẻ thêm đứa nữa cho thêm vui cửa, vui nhà. Phải chăng hạnh phúc của anh bạn tôi là “hai vợ đề huề” và để lại “gien trội” cho đời!?

Tết Giáp Ngọ năm nay hàng trăm ngàn lao động không có thưởng Tết, hơn 10 nghìn lao động vẫn còn bị nợ lương. Nhà nước vẫn còn phải hỗ trợ 12.322 tấn gạo cứu đói cho 16 tỉnh trong cả nước. Phải chăng hạnh phúc đối với phần lớn người dân nghèo đơn giản chỉ là câu chuyện muôn thuở “cơm áo, gạo tiền”!?

Chữ HẠNH PHÚC liền theo tiêu đề ĐỘC LẬP - TỰ DO có nghĩa là nước không bị ngoại bang thôn tính và chi phối gây hại, người dân được hưởng tự do (quyền được nói và quyền mưu cầu hạnh phúc) và các quyền dân chủ khác, trong đó quyền con người là tiêu chuẩn sơ đẳng và căn bản. Như vậy, mọi công dân sống dưới chế độ ấy mới thật sự có hạnh phúc (từ cảm nhận chủ quan đến khách quan đánh giá). Độc lập và tự do là 2 khái niệm có giá trị thời đại, có nội hàm và ý nghĩa mà không thể tùy tiện vận dụng riêng cho từng quốc gia mà gọi là "đặc thù" được. Giá trị của hạnh phúc một quốc gia là do dân tộc cảm nhận, nhưng nó phải được quốc tế thừa nhận thì mới có giá trị phổ biến. Tức là nó phải được cộng hưởng cảm xúc. Có thể ví dụ như AQ ở Trung Quốc hạnh phúc thì chỉ có Chí Phèo ở Việt Nam chia sẻ.

“Ta tìm hạnh phúc ở đâu

Vầng dương chói sáng hay bầu trời xanh?

Đâu là hạnh phúc ngọt lành

Vài ba trái chín trên cành vườn trưa

Vài lời kẻ đẩy người đưa

Cái danh rất hão, nhưng vừa lòng ta?

Hạnh phúc nằm tận đâu xa

“Bát cơm, tấm áo, hương hoa”… ấm lòng

Sao mà hạnh phúc mênh mông

Quẩn quanh nhặt nhạnh vừa lòng… A ha…”

Trên công luận mới đưa thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công thay vì theo kế hoạch là năm 2014. Đây quả là một tin rất đáng mừng vì chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực và mọi mặt. Nhớ lại, năm ngoái, GS Nguyễn Huệ Chi không chỉ là người tâm huyết trăn trở về dự án bô xít Tây Nguyên, mà ông đã sốt sắng ba lần gửi mail thúc dục tôi soạn thảo bản Kiến nghị Thủ tướng Việt Nam tạm dừng khởi công nhà máy điện nguyên tử. Lắng nghe ý kiến trao đổi nội bộ rất xác đáng của GS Phạm Duy Hiển và chuyên gia điện hạt nhân ở Mỹ, TS Phùng Liên Đoàn, tôi phúc đáp vì mới có một bản kiến nghị gửi Thủ tướng Nhật Bản, chúng ta làm cách khác, miễn sao những phân tích xác đáng, tâm huyết, rất khách quan, khoa học và yêu cầu (không phải kiến nghị) của các vị chuyên gia được chuyển tải đến những người có trách nhiệm điều hành quản lý đất nước.

Đến nay, thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hoãn đến năm 2020 mới khởi công nhà máy điện nguyên tử, đó là hồng phúc của đất nước. Gía như người ta biết lắng nghe lời khuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà khoa học về dự án bô xít Tây Nguyên! Tiếc thay, lịch sử lại không có hai từ “giá như”!

Nhìn chung, tình hình khai thác tài nguyên của quốc gia lại càng nhức nhối trước thông tin Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc các doanh nghiệp Trung Quốc “đào bới loạn xạ” từ năm 2010 trong tình trạng cán bộ quản lý địa phương thiếu và yếu kém đã diễn ra trong suốt thời gian qua và nếu tiếp tục sẽ là một thảm họa cho tương lai đất nước! Người dân không thể hiểu nổi cung cách quản lý nhà nước, đây là trách nhiệm của ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường hay là của Thủ tướng?

Hạnh phúc của một người Việt Nam và dân tộc Việt Nam có lẽ cũng vừa giống dân tộc khác nhưng cũng vừa khác do trình độ phát triển, lịch sử và văn hóa. Nếu lấy mức độ nhu cầu được đáp ứng làm một thước đo thì có thể lấy tháp nhu cầu của Maslow; cơ bản người Việt Nam ta vẫn mưu cầu cái cơ bản nhất mà ta hay gọi là “cơm, áo, gạo, tiền” và vẫn đang bị ám ảnh mạnh nhất bởi những cái này, một nỗi ám ảnh rất là Jack London.

Chủ đề hạnh phúc rất rộng, nói không bao giờ hết, bàn không bao giờ đủ. Về cá nhân, tự hài lòng với cái mình có, đấy chính là niềm hạnh phúc đơn giản và dễ có nhất. Nhìn rộng ra, hạnh phúc của dân tộc, đó là một dân tộc được nghĩ điều mình nghĩ, được biết điều muốn biết và được nói điều muốn nói. Hồ Chí Minh đã giải thích: "Nước có độc lập mà dân không được tự do thì độc lập ấy phỏng có lợi ích gì?". Có thể đảo lại là nếu dân chưa được tự do thì nước vẫn chưa phải là độc lập hoàn toàn, mà còn bị nội xâm. Cho nên tự do cho con người, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, là hạnh phúc cao nhất.

Có thể ta đang vẫn đang đặt nặng việc có “cơm ăn, áo mặc” mà chưa đề cao được những tiêu chuẩn sống cao hơn, văn minh hơn, đại loại như là “sống một cách có nhân phẩm”. Một trong những lý do khiến đôi khi Việt Nam được xếp hạng cao ở một vài bảng xếp hạng “cảm nhận hạnh phúc” (danh hão) có lẽ do người Việt Nam cũng “biết thân, biết phận” nên không dám đòi, hỏi, kỳ vọng nhiều. Viết đến đây, tôi chợt nhớ láng máng trong truyện “Trại súc vật” có câu: “Chúng tớ hạnh phúc vì chúng tớ rất ngu!”.

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn