Tôn Vinh Chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Trận Gạc Ma 14-3-1988

Nguyễn Khắc Mai

GĐ Trung Tâm Minh Triết, Thường trực Ban Điều hành Chương Trình Minh Triết Làm Chủ Biển Đông

I- Ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã diễn ra cuộc chiến bi hùng giữa một lực lượng nhỏ, chỉ có ba tàu vận tải với chủ yếu là công binh để bảo vệ đảo Gạc Ma, bãi đá Cô Lin và bài đá Len Đao đối địch với hơn 40 tàu chiến trang bị cả tên lửa và pháo lớn hàng 100 mm của quân xâm lược Trung quốc.

Quân ta đã anh dũng chiến đấu, cũng đã gây cho phía Trung quốc thiệt hại và thương vong. Lực mỏng, tàu không phải chiến hạm, vũ khí chỉ là thứ cầm tay, nhưng tinh thần quyết tử của chiến sĩ ta thật oai hùng.

Những gương hy sinh cao cả của thuyền trưởng Vũ Phi Từ, Lữ phó Trần Đức Thông, của Thiếu úy Trần văn Phương, trước khi ngã xuống còn hô vang ”Thà hy sinh không chịu mất đảo, hãy để máu mình tô thắm truyền thống Hải quân Việt Nam”... và của 61 liệt sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng trong trận Gạc Ma, cũng như hành động dũng cảm chiến đấu, mưu trí chống lại quân Trung quốc xâm lược của các chiến sĩ bảo vệ Gac Ma, Cô Lin, Len Đao thuở ấy đã để lại mãi mãi trong lòng các thế hệ người Việt lòng nhớ thương, kính phục và biết ơn.

Gương hy sinh của họ, hành động mưu trí, dũng cảm của họ, tinh thần căm thù kẻ xâm lược của họ, đời đời sẽ là những giá trị tinh thần để nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam yêu nước, không hèn hạ khiếp sợ trước quân thù, luôn biết thức tĩnh, cảnh giác trước mọi mưu mô và hành vi thâm độc của quân bành trướng đại Hán, cũng như với mọi thế lực cường quyền gian ác khác.

Tri ân và ghi nhớ những người con đã bỏ mình, đã chiến đấu để bảo vệ non sông Đất nước, chính là để nuôi dưỡng tâm hồn và văn hóa của người Việt. Vì thế bất cứ ai, do một lý lẽ nào, mà vô cảm quay lưng lại với lịch sử, với tiền nhân đều có tội, đáng lên án và phỉ nhổ.

II- Sự kiện Gạc Ma và những bài học không bao giờ được quên

1. Âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của Trung quốc

Trung quốc là nước lớn, đang hưng phát, dù họ tuyên bố đường lối phát triển hòa bình, họ nói láng giềng tốt, bạn tốt, đối tác tốt… chớ cả tin. Họ đang khát không gian sinh tồn, và với bản chất bành trướng đại Hán, họ sẵn sàng theo đuổi những phương thức của chủ nghĩa đế quốc dẫu đã lỗi thời. Rõ ràng Việt Nam đã không rút ra được bài học từ Hoàng Sa năm 1974, nên đã không sẵn sàng đối phó được với mưu đồ của Trung quốc chiếm Gạc Ma và trước đó đối với cả chục bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đối với Trung Quốc thì mềm nắn, rắn buông. Rõ ràng một tháng sau khi Gạc Ma đã bị chiếm, ta đã bí mật cho công binh ra xây nhà đánh dấu chủ quyền trên bãi Len Đao, Trung Quốc đem 7 chiến hạm đến vây Len Đao, nhưng không quân VN đã cho 7 máy bay ra chi viện, và chiến hạm của Trung Quốc phải rút chạy khỏi Len Đao.

2- Thế trận bảo vệ biển đảo của Việt Nam

Cha ông ta đã để lại những tư tưởng chiến lược thiên tài, thế kỷ 16 Nguyễn Bỉnh Khiêm nói:

Biển Đông vạn dặm dang tay giữ,

Đất Việt muôn năm vững trị bình.

Giữ cho được chủ quyền Biển Đảo, và khai thác được lợi thế của một quốc gia biển đảo là chiến lược sinh tử của Việt Nam. Phải tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền Biển Đảo. Đúng. Phải khai thác lợi thế biển để xây dựng một nền kinh tế biển khá hoàn chỉnh và tầm cỡ. Đúng. Phải phát triển khoa học biển, văn hóa biển. Đúng. Nhưng còn phải coi trọng thế trận lòng dân. Không biết giáo dục tinh thần và ý chí vì chủ quyền biển đảo sẽ là sai lầm nghiêm trọng. Chỉ trên cơ sở một sức mạnh nội lực của Dân tộc về cả tinh thần và vật chất, với một nhân cách mới của người Việt Nam, một nhân cách mới của Dân tộc thật sự văn minh, dân chủ, giàu mạnh mới có tự cường để làm chủ vận mệnh của mình trên biển cả cũng như trên đất liền.

Việt Nam thường nói đến phương châm kết hợp sức mạnh của dân tộc và của thời đại. Sức mạnh thời đại chính là sự liên minh, liên kết với những quốc gia, dân tộc văn minh tiến bộ, chứ không thể khư khư cúi mình phục vụ cho một thế lực cường quyền. Đối phó với hiệu ứng “bóng đè” của Trung Quốc trên biển Đông không thể không coi đoàn kết, hô ứng lẫn nhau trong ASEAN là quan trọng.

3-Coi trọng nghiền ngẫm những bài học lịch sử, cả thành công và thất bại

Vấn đề ở đây không chỉ là kể công hay luận tội, mà phải là trao lại cho thế hệ mới một năng lực nhận thức mới, những kinh nghiệm thực tiễn, những giá trị tinh thần về làm chủ, về trách nhiệm, về lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng hy sinh… về cả kinh nghiệm đối phó với những tình huống chính trị phức tạp. Cho nên cách hành xử ngăn cấm tưởng niệm, nghiên cứu, bình luận, rút tỉa những bài học từ chúng ta, từ đối phương… đều là thiển cận, nếu không nói là vô trách nhiệm với Dân với Nước.

Phải làm cho thế hệ trẻ biết trân trọng những giá trị, kể cả bài học sai lầm và thất bại đó sẽ là sự khôn ngoan có văn hóa và đạo đức. Cũng là sự thể hiện một phép thử về máu anh có bao nhiêu nước lã và bao nhiêu là tình dân, nghĩa nước.

Dạy cho con em biết trân quý những con người cao quý, đã hy sinh chiến đấu vì Dân vì Nước, đó cũng là nuôi dưỡng một năng lượng mới, một chất lượng mới của nhân cách Việt Nam. Vấn đề không hề nhỏ tí nào. Nhân dân có lý lẽ để chê trách cũng như đòi hỏi một tầm nhìn cao hơn đối với những người đang có trọng trách với Nhân dân và Đất Nước. Ví như Đà nẵng thì chủ trương cho 1974 thanh niên cầm nến tưởng niệm sự kiện Hoàng Sa. Còn Hà Nội lại tổ chức nhảy nhót với điệu nhạc Tàu vào đúng ngày phải nhớ nghĩ đến 6 vạn đồng bào và chiến sĩ hy sinh để đánh đuổi quân cướp nước! Một cái Tâm đẹp, một cái tầm cao trí tuệ mới là đòi hỏi về cái đức cầm cân nảy mực mới của đất nước.

III- Kính lạy trước anh linh 64 liệt sĩ Gạc Ma. Kính chào các chiến sĩ anh dũng chiến đấu ở Gạc Ma

Không giống như nhiều năm trước. Năm nay cuộc tưởng niệm trận chiến Gạc Ma đã được Vùng Hải quân III tổ chức trang nghiêm, xúc động. Nhiều bài báo đề cập đến sự kiện bi hùng này.

Tình cờ tôi gặp một chuẩn đô đốc Hải quân. Anh ấy nói, chúng cháu vẫn có nề nếp hễ đi qua vùng biển Gạc Ma là thực hiện điều lệnh Hải quân, thả hoa hướng về Gạc Ma tưởng niệm đồng đội đã hy sinh anh dũng. Chúng cháu vẫn đều đặn tổ chức thăm hỏi gia đình các liệt sĩ. Tôi nói nên quan tâm nhiều hơn đến các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và trở về từ Gạc Ma. Vẫn còn những người bao năm nay vẫn chưa được xác nhận công tích, vẫn còn thất nghiệp.

Chương Trình Minh Triết Làm Chủ Biển Đông nhân dịp này xin gởi đến các bạn bè gần xa, các bạn sinh viên, thanh niên, các bậc cha chú, các anh chị em có tấm lòng kính cẩn tri ân đối với những người con của Tổ quốc đã bỏ mình để bảo vệ Gạc Ma, cùng những chiến sĩ đã trở về từ Gạc Ma lời kêu gọi nghĩa tình. Hãy cùng nhau tổ chức những cuộc thăm hỏi tới các gia đình liệt sĩ và chiến sĩ Gạc Ma. Chúng tôi xin công bố danh tính theo từng tỉnh thành để bà con tiện thực hiện. Xin nhờ các báo đài tiếp tay truyền thông giúp. Lời kêu gọi này cùng danh sách liệt sĩ cũng sẽ được gởi đến các tổ chức hội đoàn ở TƯ và các địa phương có liệt sĩ. Thành kính mong có được sự hưởng ứng tốt đẹp.

Hà nội ngày 5 tháng 3 năm 2014

N.K.M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

*******************

Phương Danh 64 Liệt sĩ Gạc Ma 14-3-1988

(Xếp theo Tỉnh, Thành)

I- Quãng Bình: 14 Liệt sĩ

1. Trần văn Quyết. Xã Quãng Thủy, H. Quãng Trạch

2. Trương Minh Phương. Xã Quãng Sơn, H Quãng Trạch

3. Hoàng văn Tùy. Xã Hải Ninh, H.Lệ Ninh

4. Võ Văn Đức. Xã Liên Thủy, H. Lệ Ninh

5. Võ Văn Từ. Xã Trường Sơn, H.Lệ Ninh

6. Trương Văn Hướng. Xã Hải Ninh, H. Lệ Ninh

7. Nguyễn Tiến Doãn. Xã Nghi Thủy, H. Lệ Ninh

8. Phạm Hữu Tý. Xã Phong Thủy, H. Lệ Ninh

9. Phạm Văn Thiêng. Xã Đông Trạch, H. Bố Trạch

10. Trần Đức Hóa. Xã Trường Sơn, H. Lệ Ninh

11. Trần Quốc Trị. Xã Đông Trạch, H. Bố Trạch.

12. Trần Văn Phương. Xã Quãng Phúc, H. Quãng Trạch

13. Nguyễn Mậu Phong. Xã Duy Ninh, H. Lệ Ninh

14. Phạm Văn Lợi. Xã Quãng Thủy, H.Quãng Trạch

** Lệ Ninh, nay đã tách trở lại là Lệ Thủy và Quãng Ninh. Xin tìm chính xác cho __________________________

II. Thái Bình: 9 Liệt sĩ

1. Nguyễn Minh Tâm. Xã Dân Chủ, H. Hưng Hà

2. Mai Văn Tuyến. Xã Tây An, H. Tiền Hải

3. Trần Văn Phong. Xã Minh Tâm, H. Kiến Xương

4. Trần Đức Thông. Xã Minh Hóa, H. Hưng Hà

5. Nguyễn Văn Phương. Xã Mê Linh, H. Đông Hưng

6. Bùi Duy Hiển. Xã Điêm Điền, H. Thái Thụy

7. Phạm Hữu Đoan. Xã Thái Phúc, H. Thái Thụy

8. Nguyễn Văn Thắng. Xã Thái Hưng, H. Thái Thụy

9. Trần văn Chức. Xã Canh Tân, H. Hưng Hà

_________________________

III. Nghệ An: 9 Liệt sĩ

1. Trần Văn Minh. Đại Tân. Xã Quỳnh Long, H. Quỳnh Lưu

2. Nguyễn Tấn Nam. Xã Thường Sơn, H. Đô Lương

3. Đậu Xuân Tư. Xã Nghi Yên, H. Nghi Lộc

4. Nguyễn Văn Thành. Xã Hương Điền, H. Hương Khê

5. Phạm Huy Sơn. Xã Diễn Nguyên, H. Diễn Châu

6.Lê Bá Giang. X. Hưng Dũng. TP Vinh.

7.Phạm Văn Dương.X. Nam Kim. H Nam Đàn.

8.Hồ Văn Nuôi. X Nghi Tiên. H Nghi Lộc.

9. Vũ Đình Lương. Xã Trung Thành, H. Yên Thành

________________________________

IV. Đà Nẵng: 7 Liệt sĩ

1. Trần Tài. Tổ 12, Xã Hòa Cường

2. Phạm Văn Sửu. Tổ 7, Hòa Cường

3. Nguyễn Phú Doãn. Tổ 47, Xã Hòa Cường

4. Trương Quốc Hùng. Tổ 5, Xã Hòa Cường

5. Nguyễn Hữu Lộc. Tổ 22, Xã Hòa Cường

6. Trần Mạnh Viết. Tổ 36, Xã Bình Hiên

7. Lê Thế. Tổ 29, Xã An Trung Tây

________________________________

V. Thanh Hóa: 6 Liệt sĩ

1. Hồ Công Đệ. Xã Hải Thượng, H. Tĩnh Gia

2. Đỗ Viết Thắng. Xã Thiệu Tân, H. Đông Sơn

3. Lê Đình Thơ. Xã Hoàng Minh, H. Hoàng Hóa

4. Vũ phi Trừ. Xã Quãng Khê, H. Quãng Xương

5. Cao Xuân Minh. Xã Hoàng Quang, H. Hoàng Hóa

6. Lê Đức Hoàng. Nam Yên. Xã Hải Yến, H. Tĩnh Gia

____________________________________

VI. Hà Nam: 3 Liệt sĩ

1. Phạm Gia Thiều. Hưng Đạo, Xã Trung Đồng, H. Nam Ninh

2. Trần Đức Bảy. Phương Phượng, Xã Lệ Hòa, H. Kim Bảng

3. Nguyễn Văn Thủy. Phú Linh, Xã Phương Đình, H. Nam Ninh

__________________________________

VII. Hải Phòng: 3 Liệt sĩ

1. Bùi Bá Kiên. Xã Vân Phong, H. Cát Hải

2. Đoàn Đắc Hoạch. 163 Trần Nguyên Hãn, Q. Lê Chân

3. Nguyễn Văn Hải. Xã Chính Mỹ, H. Thủy Nguyên

_____________________________________

VIII. Quãng Trị: 2 Liệt sĩ

1. Tống Sĩ Bái. Phường 1, TP Đông Hà

2. Hoàng Anh Đông. Phường 2, TP Đông Hà

___________________________________

IX. Nam Định: 2 Liệt sĩ

1. Nguyễn Trung Kiên. Xã Nam Tiến, H. Nam Ninh

2. Trần Văn Phong. Xã Hải Tây, H. Hải Hậu

_________________________________

X. Phú Yên: 2 Liệt sĩ

1. Trương Văn Thinh. Xã Bình Kiên, TP Tuy Hòa

2. Phan Tấn Dư. Xã Hòa Phong, TP Tuy Hòa

_______________________________

XI. Hà Tĩnh: 2 Liệt sĩ

1. Đào Kim Cương. Xã Vương Lộc, H. Can Lộc

2. Nguyễn Thắng Hai. Xã Sơn Kim, H. Hương Sơn

_________________________________

XII. Hà Nội: 1 Liệt sĩ

1. Kiều Văn Lập. Phú Long, Xã Long Xuyên, H. Phúc Thọ.

_______________________________

XIII. Ninh Bình:1 Liệt sĩ

1. Đinh Ngọc Doanh. Xã Ninh Khang, H. Hoa Lư

________________________________

XIV. Quãng Nam: 1 Liệt sĩ

1. Nguyễn Bá Cường. Xã Thanh Quýt, H. Điện Bàn

_________________________________

XV. Phú Thọ: 1 Liệt sĩ

1. Hàn Văn Khoa. Xã Văn Lương, H. Tam Thanh

__________________________________

XVI. Khánh Hòa: 1 Liệt sĩ

1. Võ Đình Tuấn. Xã Ninh Ích, H. Ninh Hòa

___________________________________________________________________

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn