QUAN ĐIỂM NÀO VỀ CHỦ QUYỀN HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM

Đỗ Trung Hậu

Trong thời gian vừa qua có rất nhiều quan điểm tranh cãi về chủ quyền của VN với Hoàng Sa, nhất là trong giai đoạn 1954-1975.

Nhiều quan điểm rất sai lầm dựa vào HĐ Geneve 1954, Hiệp định Paris 1973 cho rằng Việt Nam chỉ là 01 Quốc gia duy nhất, VNCH, VNDCCH chỉ là các chính thể (các chính phủ chỉ quản lý các vùng lãnh thổ miền Bắc và miền Nam) trong cùng 1 Quốc Gia (QG), đấu tranh lẫn nhau dẫn đến kết quả 30/04/1975. Đây chính là quan điểm mà Trung Quốc  rất mong muốn, Trung Quốc đã tuyên truyền bao lâu nay, và điều đó trực tiếp phủ nhận chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 trên bình diện Quốc tế.

Trước khi phân tích về các quan điểm trên, ta nên thống nhất lại một số khái niệm, hiểu rõ ràng hơn về cái nghĩa Quốc Gia trong luật quốc tế(LQT)

1/.Quốc gia: là một thuật ngữ pháp lý (http://www.cfr.org/.../montevideo-convention.../p15897)

Có 4 thuộc tính rất quan trọng, thuộc tính lãnh thổ luôn gắn liền với quốc gia

-Có lãnh thổ nhất định

-Có cư dân sinh sống

-Có Chính phủ, Chính phủ phải kiểm soát “phần lớn lãnh thổ “ mà QG đang chiếm được trên thực tế, Chính phủ không phụ thuộc trên bình diện quốc tế.

-Có khả năng quan hệ ngoại giao quốc tế (với các quốc gia khác) và gánh chịu được các quan hệ ngoại giao đó

Như vậy: Quốc gia không đồng nhất với đất nước, nước (Đất nước, nước là một khái niệm về lãnh thổ địa lý)

-Sự hiện hữu của một quốc gia không dựa vào sự công nhận của các quốc gia khác. (Điều 3 công ước Monteviedo 1933). Ta hiểu là QG không phải luôn là 1 nước thống nhất hoàn toàn, và bắt buộc phải được Liên Hiệp Quốc (LHQ) hay một số QG lớn công nhận. Việc LHQ công nhận QG là một nhận thức phụ thuộc theo nhiều ý chí chủ quan và thời gian.

2/. Chủ quyền lãnh thổ của QG không đồng nhất với việc quản lý, kiểm soát hay chiếm dụng.

Việc thụ đắc lãnh thổ phải trên nguyên tắc LQT – các Công ước LHQ. QG Kiểm soát, chiếm đóng, nắm giữ lãnh thổ không có nghĩa là QG đang có chủ quyền với lãnh thổ khi mà chủ quyền đó đã được QG khác xác lập và chưa từ bỏ chủ quyền của mình.

i/.Để xác định tại thời điểm có HĐ Geneve 1954 có quốc gia Việt Nam độc lập nào bị chia cắt hay chưa ta quay lại quá khứ một chút:

- Năm 1884, Triều định Nhà Nguyễn ký hiệp ước, sáp nhập vào Pháp. 1887, Pháp chia VN thành 03 kỳ, lập LB Đông Dương thuộc CH Pháp. Như vậy bắt đầu từ thời điểm này đến 1945: trên lãnh thổ VN không có QG nào, An Nam của Vua Bảo Đại chỉ quản lý Trung Kỳ tự trị và cũng thuộc Pháp. Và kết thúc vào 25/08/1945 khi Bảo Đại thoái vị trao ấn kiếm cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (VNDCCH).

- Ngày 2/09/1945 CT.Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn khai sinh ra nước VNDCCH, phải hiểu chính thể này như thế nào? Có phải là một QG đúng nghĩa theo LQT. 1/1946 Bầu cử trên Toàn quốc để bầu ra chính phủ LH. 6/03/1946 VNDCCH ký với Pháp hiệp định sơ bộ để Pháp công nhận VNDCCH là 1 QG tự do (gồm Bắc kỳ, Trung kỳ) nằm trong Liên Hiệp Pháp (LHP). Như vậy bắt đầu từ thời điểm này chính thể VNDCCH đã hình thành tiền đề cho 1QG đúng nghĩa sau này. Kế đến tại Hội nghị Fontainebleau bị đổ vỡ do Pháp không chấp nhận yêu sách sáp nhập Nam Kỳ vào VNDCCH vì Pháp đã có ý đồ lập ra Nam Kỳ quốc (vấn đề ý đồ của Pháp đã được bà Monique Chemillier-Gendreau phân tích rất rõ trong quyển sách nói về chủ quyền Hoàng Sa, xuất bản 1996). 12/1946 Pháp tái lập chủ quyền của mình tại Đông Dương. VNDCCH rút lên chiến khu Việt Bắc và đã có cuộc kháng chiến đến năm 1954 , kết thúc bằng trận chiến Điện Biên phủ.

- Ngày 7/12/1946, Pháp và Bảo Đại ký hiệp ước Vịnh Hạ Long đồng thuận về thống nhất Việt Nam, trong LHP. Tháng 1 năm 1949 Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée tuyên bố xác nhận "nền độc lập của Việt Nam", chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam (QGVN) trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Đây là 1 chính phủ phụ thuộc, non yếu. Các quyền quan trọng về quân sự, tài chính và ngoại giao đều do người Pháp nắm giữ và quyền hành cao nhất trên thực tế là Cao ủy Pháp. Tính độc lập của nhà nước QGVN không có, vì đa số lãnh thổ Việt Nam vẫn do Pháp nắm giữ kiểm soát, phần còn lại do VNDCCH kiểm soát.

Kết luận từ năm 1945 đến 1954 trước khi ký kết Hiệp Định (HĐ) Geneve, đã hình thành 02 chính thể VNDCCH, QGVN tiền đồ cho 02 thực thể sau này, nhưng không có một QG đúng nghĩa theo LQT khi mà Pháp vẫn giữ chủ quyền toàn bộ Đông Dương, chỉ trao trả một phần thông qua ký kết HĐ Geneve. Chính xác là chỉ có đất nước VN (lãnh thổ địa lý) bị chia cắt làm 02 phần ngay vĩ tuyến 17.

Ii/. Tại thời điểm ký kết HĐ Geneve 1954:

HĐ Geneve 1954 là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi nhất cho đến ngày hôm nay người ta vẫn chưa lý giải một cách trọn vẹn về nó.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, HĐ Genève về Đông Dương bắt đầu được ký kết với nhiều văn kiện, chủ yếu là:

1. Ba hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia

2. Bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị (không có chữ ký)

Ngoài ra còn những tuyên bố riêng và những văn kiện ngoại giao riêng giữa các nước tham gia như:

1. Bản tuyên bố riêng ngày 21 tháng 7 của Mỹ tại Hội nghị Genève

2. Bản tuyên bố của chính phủ Pháp ngày 21 tháng 7, trong đó nêu rõ Pháp sẵn sàng rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia theo lời yêu cầu của chính phủ những nước có liên quan trong một thời gian do các bên thoả thuận.

3. Các công hàm trao đổi giữa Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Pierre Mendès-France.

- Rất nhiều chuyên gia pháp lý quốc tế cho rằng HĐ Geneve 1954 thuần túy là một hiệp định về quân sự (1 trong những chứng cứ về luận điểm này là chỉ chia biên giới tạm đình chiến), ít có giá trị về mặt chính trị, giá trị về công pháp quốc tế.

Người ta hay viện dẫn điều 6 và điều 7 trong bản tuyên bố cuối cùng, ngày 21/07/1954 mà không có bên nào ký , bản tuyên bố này phải hiểu là ý nguyện của các bên, có điểm bắt đầu là 07/1954, kết thúc là 7/1956 , và ý nguyện là sẽ có 1 Quốc gia thống nhất trong tương lai. Còn về giá trị pháp lý theo LQT có hay không cần phải xem xét tất cả các điều kiện thỏa đáng của nó.

- Như vậy phải hiểu như thế nào về HĐ này? Về mặt thực tế nó là HĐ về quân sự, hay nói chính xác hơn là Pháp đã buộc phải trao trả độc lập chủ quyền toàn bộ từ vĩ tuyến 17 về phía bắc cho VNDCCH (do Pháp đã thua trong trận chiến mấu chốt là trận Điện Biên Phủ). Còn vĩ tuyến 17 trở về nam vẫn là của LHP, trong đó có bao gồm QGVN. Pháp chỉ chính thức từ bỏ chủ quyền này là từ 4/1956.

Iii/. VNDCCH và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có phải là 02 quốc gia?

- Nhiều người viện dẫn là trong điều 6, HĐ geneve 1954, (và sau này là HĐ Paris luôn có một vấn đề) đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ. Và các bên phải tôn trọng chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ.

Đó là ý nguyện của 1 HĐ mà các bên tham gia đã ký, ý nguyện đó có thực hiện được hay không là vào thời điểm 7/1956, thực tế không có một kết quả bầu cử thống nhất nào diễn ra, và đường biên giới tạm thời này kéo dài vô hạn định, dẫn đến 1 thực tế là có 02 thực thể. 02 thực thể này thỏa mãn đầy đủ 4 thuộc tính về khái niệm QG như đã nói ở trên. Và cũng chính quan điểm về QG này mới khẳng định chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa thuộc về VNCH trên bình diện quốc tế. Nếu trong giai đoạn 1954-1975 02 thực thể VNCH, VNDCCH không là QG thì chủ quyền Hoàng Sa trên phương diện quốc tế lúc đó thuộc về ai. Pháp đã kết thúc chủ quyền từ năm 1956, nếu không có thì chủ quyền đó thuộc về QG khác. Và phía Trung Quốc luôn mong muốn VN chúng ta theo quan điểm này để họ bác bỏ chủ quyền Hoàng Sa của Việt nam.

4i/. Từ lập luận trích ra từ 1 điều trong bản tuyên bố cuối cùng – bản tuyên bố ý nguyện của HĐ Geneve (bản tuyên bố mà không có bên nào ký nhận) đường ranh giới quân sự tạm thời này(đường vĩ tuyến 17) không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ để bác bỏ lập luận của VN hiện nay. Thực ra lập luận chính thống hiện nay là căn cứ vào thực tế từ mốc 7/1954, mới hình thành lãnh thổ thực tế của VNDCCH, VNCH. Và chính vì lãnh thổ thực tế như vậy VNDCCH không có thẩm quyền về các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa trong công thư của TT-Phạm Văn Đồng, chứ không có lập luận là “dựa vào Hiệp định Geneve 1954”.

Ta thấy trường hợp đất nước Việt Nam bị chia cắt giống như trường hợp Triều Tiên. Năm 1910 Triều tiên thực sự bị sáp nhập vào Nhật qua hiệp ước Nhật-Hàn. Từ thời điểm 1910 đến 1953, Triều Tiên không có một quốc gia đúng nghĩa khi bị phân chia sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần 2 (phía Bắc do Liên Xô nắm giữ, phía Nam do Mỹ). Và cũng bắt đầu từ 1945 hình thành 02 chính thể CHNDTT, và Đại Hàn dân quốc. Hiệp ước tạm đình chiến tại Bàn Môn Điếm 1953, chỉ là biên giới tạm thời, chưa bao giờ là biên giới phân chia quốc gia. Thế nhưng thực tế từ sau 1953 đã hình thành 02 QG, và vào thập niên 1990, cả 02 QG này đều là thành viên chính thức của LHQ.

Đ.T.H

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn