Thoát chết ở Thiên An Môn

Bùi Mẫn Hân, project-syndicate.org

Phạm Nguyên Trường dịch

clip_image002Thật khó tưởng tượng, nhưng 25 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã súyt nữa thì phong trào ủng hộ dân chủ trên toàn quốc lật đổ. Chính bộ não sắt đá của nhà lãnh đạo tối cao đã quá cố là Đặng Tiểu Bình và xe tăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân – được cử tới để tiến hành thiết quân luật và đàn áp những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh – đã giúp chế độ, tránh được sụp đổ, với cái giá là hàng trăm người bị giết.

Lần kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989, có hai câu hỏi được đặt ra: làm sao mà ĐCSTQ lại sống qua được phần tư thế kỷ vừa rồi, và sự cai trị của nó có thể kéo dài thêm được 25 năm hay không?

Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên tương đối đơn giản. Điều chỉnh chính sách, chiến thuật vận động thông minh, và một chút may mắn đã tạo điều kiện cho ĐCSTQ tìm được sự ủng hộ cần thiết nhằm duy trì quyền lực và đàn áp các lực lượng có thể gây mất ổn định.

Chắc chắn là, đã có những sai lầm nghiêm trọng. Sau vụ thảm sát, các nhà lãnh đạo bảo thủ của Trung Quốc đã có những cố gắng nhằm xóa bỏ những cuộc cải cách tự do mà Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng trong những năm 1980, làm cho kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái. Và sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đã gây ra những vụ hoảng loạn trong ĐCSTQ.

Nhưng một lần nữa, Đặng Tiểu Bình lại cứu được Đảng. Dồn hết sức lực và vốn liếng chính trị của mình, nhà lãnh đạo đã 87 tuổi đã làm sống lại những cuộc cải cách theo hướng kinh tế thị trường, tạo ra một cuộc cách mạng kinh tế, dẫn tới làn sóng tăng trưởng và phát triển chưa từng có, qua đó nâng cao đáng kể uy tín của ĐCSTQ.

Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm ông ta củng cố thêm xu hướng này bằng cách trao cho công dân Trung Quốc một số quyền tự do cá nhân, thúc đẩy sự xuất hiện nền văn hóa tiêu thụ thô thiển và giải trí đại chúng. Trong thế giới mới của “bánh mì và rạp xiếc”, ĐCSTQ dễ dàng được dân chúng ủng hộ và dễ đàn áp phe đối lập hơn. Những bước đi đã được phối hợp một cách thận trọng nhằm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và lợi dụng tinh thần bài ngoại cũng đã có đóng góp đáng kể.

Thậm chí đàn áp, chỗ dựa chính cho sự sống còn của chế độ, cũng đã được điều chỉnh. Khối của cải mà Trung Quốc mới kiếm được tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo của nó xây dựng một trong những bức tường lửa Internet tinh vi nhất thế giới về mặt kĩ thuật và trang bị cho lực lượng an ninh nội bộ của mình những công cụ hữu hiệu nhất.

Trong khi xử lí ​​cộng đồng những nhà bất đồng chính kiến, tuy nhỏ nhưng kiên cường ở Trung Quốc, chế độ thực hiện chiến lược “loại bỏ những người cầm đầu”. Nói cách khác, chính phủ loại bỏ mối đe dọa từ các nhân vật đối lập hàng đầu bằng cách bỏ tù hoặc buộc họ phải sống lưu vong, dù họ có là người xuất chúng đến mức nào. Lưu Hiểu Ba – người đã giành giải Nobel Hòa bình 2010 – đã bị kết án 11 năm tù, mặc cho sự phản đối diễn ra trên toàn thế giới.

Dù vô liêm sỉ, nhưng cách giải quyết này đã mang lại hiệu quả. Nhưng ĐCSTQ có thể không thành công như vậy nếu nó không gặp may trong một số lĩnh vực quan trọng. Khởi đầu, những cuộc cải cách sau năm 1992 trùng với làn sóng toàn cầu hóa, cung cấp cho Trung Quốc dòng vốn lớn (từ năm 1992, người ta đã đưa vào nước này khoảng 1 nghìn tỷ USD FDI), một loạt các công nghệ mới, và sự tiếp cận hầu như không bị cản trở tới các thị trường hàng hóa tiêu dùng ở phương Tây. Do đó, Trung Quốc đã trở thành phân xưởng của thế giới, đến năm 2007 kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn mười lần.

Một yếu tố khác có lợi cho chế độ là thành phần nhân khẩu (lực lượng lao động dồi dào, ít trẻ em và người người già). Điều này đã cung cấp cho Trung Quốc lực lao động dồi dào, giá rẻ, trong khi chính phủ không phải chi những khoản tiền lớn cho lương hưu và y tế.

Vấn đề mà hiện nay ĐCSTQ đang phải đối mặt là hầu hết các yếu tố từng giúp nó sống sót sau vụ Thiên An Môn thì hoặc đã biến mất hoặc đang đi theo hướng đó. Thật vậy, đối với tất cả những mục tiêu thực tế, cải cách theo hướng thị trường đã chết. Bộ máy ăn cướp của các quan chức chính phủ, gia đình của họ, và các doanh nhân có nhiều dây mơ rễ má đã thực dân hóa nước Trung Hoa và sẵn sàng ngăn chặn mọi cuộc cải cách có thể đe dọa đặc quyền đặc lợi của họ.

Ngoài ra, ĐCSTQ không còn có thể dựa vào sự thịnh vượng đang gia tăng nhằm duy trì sự ủng hộ của dân chúng được nữa. Tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng gia tăng, cùng với sự phá hủy môi trường sống, đang làm cho những người Trung Quốc bình thường – đặc biệt là tầng lớp trung lưu, tầng lớp đã từng hy vọng vào cải cách – ngày càng trở nên vỡ mộng.

Đồng thời, với tốc độ già hóa như hiện nay, thành phần dân cư mà Trung Quốc từng có đã tiêu tan. Và, với vị thế nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, với hơn 11% thị phần toàn cầu, trong những năm tới Trung Quốc sẽ khó mà tăng được xuất khẩu thêm nữa.

Nghĩa là sau Thiên An Môn, ĐCSTQ chỉ hai công cụ là đàn áp và chủ nghĩa dân tộc. Và, trên thực tế, cả hai tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm bảo đảm cho sự sống còn của Đảng.

Nhưng Tập Cận Bình cũng đang thử nghiệm với hai công cụ mới: chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có và cố gắng nhằm làm sống lại những cải cách theo hướng thị trường. Cho đến nay, cuộc chiến chống tham nhũng đã có tác động lớn hơn là kế hoạch cải cách kinh tế của ông ta.

Bề ngoài, chiến lược của Tập Cận Bình dường như là vững chắc. Nhưng, tiến hành cuộc chiến chống các quan chức tham nhũng và áp lực nhằm tiến hành những cuộc cải cách sâu sắc hơn với mục tiêu xóa bỏ bộ máy cướp bóc của các quan chức chính phủ chắc chắn sẽ làm cho Tập Cận Bình xung đột với giới tinh hoa chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là làm sao ông ta có thể vượt qua được sự kháng cự của họ mà không cần tập hợp người dân Trung Quốc, sự năng động chính trị của nhân dân có thể gây nguy hiểm cho hệ thống độc đảng.

ĐCSTQ đã thách thức những người bi quan sau năm 1989: Nó đã sống sót và ngăn chặn được tất cả những mối đe dọa đối với quyền lực của nó. Nhưng cơ hội để nó có thể nắm quyền thêm một phần tư thế kỷ đã phát triển khá lâu – và dường như không được cải thiện.

B. M. H.

Bùi Mẫn Hân 裴敏欣 là Giáo sư về quản trị tại Claremont MacKenna College và thành viên không thường trú của Quỹ Marshall Đức ở Hoa Kỳ.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn