BÁO “LÁ CẢI” VÀ ĐẠI TÁ SON

Mi Lâm

Ngày 21/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (Bộ 4T) Nguyễn Bắc Son trong phiên chất vấn đã có một phát ngôn để đời:
“Phải khẳng định trong xã hội chúng ta không có báo lá cải. Tuy nhiên có tờ báo trong một thời kỳ, thời điểm nào đó đã không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Đây chỉ là hiện tượng thể hiện khuynh hướng báo lá cải”.
Nhân ngày báo chí Việt Nam (21/6), xin phép được bàn một chút về câu nói để đời của Đại tá Son (xin phép được gọi Ông như vậy vì quân hàm quân đội là thiêng liêng không thể từ bỏ, dù ông là Bộ trưởng thì ông vẫn là một ông Đại tá làm Bộ trưởng kiểu ông Đại tá Gaddafi làm Tổng thống Lybia đến mấy chục năm). Trước tiên hãy thử tìm hiểu khái niệm về thuật từ “báo lá cải” (Tiếng Anh là tabloid). Cái này thì lên google gõ cái là ra ngay, đại loại có hai cách hiểu.

Cách hiểu thứ nhất là nếu nhìn vào kích thước của tờ báo thì “báo lá cải” là một loại báo có khổ giấy in nhỏ hơn so với loại báo xuất bản hàng ngày mặc dù không có tiêu chuẩn rõ rệt nào về khổ chính xác của một tờ báo lá cải (phổ biến ở nước Anh với rất nhiều báo lá cải là 16.9 inch x 11 inch tương đương 430 x 280mm, bằng với kích thước báo giấy Năng lượng mới hiện nay). Nguồn gốc là từ viên thuốc có tên “Tabloid” của Công ty dược phẩm có trụ sở tại Anh, Burroughs Wellcome & Co, đặt để gọi loại thuốc viên được ép nhỏ mà họ đưa ra thị trường vào cuối thập niên 1880. Trước khi thuốc viên được ép nhỏ, người bệnh thường phải uống một lượng thuốc bột nhiều hơn. Mặc dù Burroughs Wellcome & Co. không phải là công ty đầu tiên tìm ra kỹ thuật ép nhỏ các viên thuốc lại nhưng họ là công ty thành công nhất khi giới thiệu loại thuốc như thế và vì thế thuật từ “tabloid” trở nên phổ biến hơn trong văn hóa đại chúng. Nghĩa rộng của thuật từ “tabloid” chẳng bao lâu sau đó được dùng để chỉ các thứ khác có khổ nhỏ cũng như cho loại báo chí “ép nhỏ” mà cô đọng các câu chuyện trong một khổ nhỏ đơn giản hơn.
Cách hiểu thứ hai là nếu dựa vào nội dung của tờ báo thì “báo lá cải” (tiếng Anh là tabloid journalism) về nội dung có xu hướng khai thác các đề tài như các câu chuyện tội phạm, chiêm tinh, và lời đồn thổi có liên quan đến những người nổi tiếng gây chấn động. Thuật từ “lá cải” đã trở thành đồng nghĩa với các tờ báo kém chất lượng tại một số khu vực.
Và nên nhớ, tên gọi “báo lá cải” (1901) đã xuất hiện trước khi có các tờ báo khổ “lá cải” mà chứa đựng nội dung “lá cải” ra đời (1918).
Báo lá cải thực chất tồn tại và phát triển ở những nước có nền dân chủ phát triển ở trình độ cao, quyền của báo chí và người dân được luật pháp bảo vệ, đó chính là quyền tự do phát ngôn mà xưa nay vốn vẫn bị các xã hội Đông Á phản đối vì động chạm đến các giá trị gia đình, cộng đồng, đạo đức và trách nhiệm, cổ vũ cho chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Trở lại với câu nói của Đại tá Son. Ông đề cập đến “báo lá cải” chắc là theo cách hiểu thứ hai (về nội dung). Trên cơ sở lập luận “đối với nhà nước ta hiện nay, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu của xã hội, là cơ quan ngôn luận của nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn của nhân dân” nên không thể có báo lá cải tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng ở đâu đó trong vào các thời điểm nhất định, trong số hơn 800 báo in, 67 Đài PTTH, hàng trăm báo & trang tin điện tử thuộc quản lý của Bộ 4T thì vẫn có những hiện tượng theo khuynh hướng “báo lá cải”. Vấn đề ở chỗ, khuynh hướng này là Thuận hay không thuận? Tốt hay không tốt?
Có thể thấy, mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công Chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là Chủ nghĩa Cộng sản. (Điều lệ Đảng – Đại hội XI). Nếu lực lượng báo chí thực hiện đúng chức năng của mình, không phân biệt “lề trái lề phải”, vừa phản biện vừa định hướng xã hội thì chắc chắn sẽ tồn tại một số lượng không nhỏ những tờ báo lá cải. Đây chính là lực lượng có vai trò tiên phong trong việc phát hiện và cảnh báo toàn diện các vấn đề của xã hội, từ tổ chức tới cá nhân. Giả thử nếu có báo lá cải một cách “chân chính” như ở những nước phát triển thì việc ông nghị A. mua nhà ở quận Nhất hay ông Ủy viên Trung ương B. cho con đi học ở Canada sẽ được tìm hiểu rốt ráo, thử hỏi với sức ép của dư luận xã hội, tính minh bạch được đề cao, từng đồng xu trong túi các ông được cả nước biết, liệu các ông có dám tham ô tham nhũng không? Rồi nếu có nhiều những kẻ “chõ mũi” vào nồi cơm của các Tập đoàn, Doanh nghiệp Nhà nước (mà việc “chõ mũi” nãy được Luật Báo chí bảo vệ) thì liệu có xảy ra các câu chuyện đau đớn của Vinashin, của Vinalines, … thất thoát nhiều tỷ USD hay không? Tất nhiên, lương tâm đạo đức của người phóng viên trong môi trường báo chí “dân chủ” tự do ngôn luận được đề cao như vậy thì cũng cần phải được tăng cường một cách tương xứng, làm sao để gần hai vạn phóng viên (được cấp thẻ – tất nhiên có nhiều ông có thẻ nhưng chỉ dùng để trình CSGT) luôn là những người lính tiên phong trên mặt trận báo chí, góp phần xây dựng xã hội theo đúng mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Hãy nhớ định nghĩa ngắn gọn của Hữu Thọ về một nhà báo chân chính: Có tài, có tâm và có tầm! Một xã hội minh bạch là một điều mà đất nước chúng ta đang thiếu, thiếu trầm trọng, thiếu đến mức không một người dân nào còn dám tin vào việc lương một ông Bộ trưởng là 14 triệu/ tháng, nghĩa là ông (và gia đình ông) chỉ sống dựa vào số tiền đó. Một giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong một bài giảng tại Tập đoàn Dầu khí đã nói vui: “Nếu lương có chừng đấy thì sao đầu các ông lúc nào cũng bóng mượt, lấy gì mà cứ mượt mãi thế? Tiền “gôm” còn chẳng đủ thì sống bằng gì?”.
Như vậy, theo tiến trình phát triển của xã hội nói chung và mục đích của Đảng và Nhà nước nói riêng, xã hội Việt Nam cần tiến đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, minh bạch, quyền con người được tôn trọng như Hiến pháp đã quy định. Song hành với nó là một nền báo chí tự do, tồn tại song song cả báo khổ to (broadsheet) và báo lá cải (tabloid) cả về nội dung và hình thức để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tất nhiên sẽ có những quy định đặc thù theo thể chế chính trị phù hợp, nhưng cũng không thể tước bỏ những quyền theo Hiến pháp và Luật Báo chí quy định để đảm bảo quyền chính đáng của một phóng viên hay một nhà báo trong việc góp phần xây dựng xã hội hoàn thiện hơn. Không nên chỉ duy trì một dạng báo chí “lề phải, chất lượng tốt” vì độc giả cũng có nhiều loại, loại nhí nhố tò mò thích báo chí cũng kiểu nhí nhố tò mò, có sao đâu. Vẫn cần tôn trọng sự đa dạng của báo chí như tự nhiên vốn đã chấp nhận sự đa dạng của muôn loài. Bản thân ông Đại tá Son cũng thừa nhận một khuynh hướng “lá cải” đang tồn tại trong nền báo chí đương đại. Điều ông cần làm mạnh tay hơn, theo ý kiến cá nhân, đó là cần giải phóng cho những tờ báo có tư tưởng phản biện, dám soi mói đời tư của chính khách cũng như đang soi mói đời tư của giới showbiz bây giờ, dám “chõ mũi” vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế chính trị văn hóa xã hội. Có như vậy, một xã hội dân chủ hình thức sẽ không còn đất để tồn tại và sẽ sớm bị diệt vong, nhường chỗ cho một xã hội dân chủ thực sự, bên cạnh một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
Tâm tình thêm với ông Đại tá Son (là bên cạnh việc tái cơ cấu các cơ quan và doanh nghiệp của Bộ thì ông nên xem tivi nhiều hơn để thấy được diện mạo thực sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). VTV trong thời gian qua mặc dù có nhiều cống hiến cho xã hội và hoàn thành trách nhiệm một kênh truyền thông đắc lực hiệu quả của Đảng và Nhà nước thì vẫn thực sự chưa đạt đến chuẩn mực quốc tế. Chỉ cần so sánh một bản tin của CNN hay BBC làm live thôi là đã đủ chứng minh. Tuy nhiên, điều đáng nói là VTV bộc lộ nhiều điều bất cập và tai tiếng ảnh hưởng xấu đến nhận thức người dân, khiến họ không còn thực sự tin vào những gì mà VTV truyền tải (thực ra chính thống chỉ nên tin có TTXVN mà thôi). Cụ thể là:
– Tình trạng bè phái, mất đoàn kết nội bộ, khiến 1 Phó TGĐ phải xin nghỉ việc.
– Biên tập viên ăn cắp, chửi tục, hủ hóa, …
– Xây dựng chương trình thiếu sức sống, chất lượng kém, nhất là phát các phim truyền hình và các games đã quá lỗi thời.
– Xây dựng kịch bản để nói đểu các khách mời nhằm trả thù cho các phát ngôn của họ trên sóng đối với VTV (ví dụ vụ ông Đặng Gia Mẫn bị tụi Việt Khuê và Xuân Bắc, Tự Long hạ nhục hồi World Cup sau khi ông Mẫn phê phán tụi BLV bóng đá của VTV hay vụ BTV Ngọc Trinh với nhà văn Quang Vinh liên quan đến Công Phượng).
–  Trình độ BTV kém, nhất là khả năng ngoại ngữ (điển hình vụ anh Lại Văn Sâm phiên dịch tài tử HK).
– Một loạt chương trình bị Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tuýt còi cấm phát song, phạt hàng chục triệu đồng.
Còn nhiều nữa chưa liệt kê hết.
Mất niềm tin vào VTV đã đành, quan trọng hơn là điều đó phần nào chứng minh được xu hướng « lá cải » trong hệ thống báo chí phát thanh truyền hình của Bộ 4T. Điều này thật nguy hiểm vì Đài Trung ương có diện phủ sóng rộng khắp cả nước. Người dân luôn coi Đài Trung ương là chuẩn mực định hướng xã hội, nếu mà cứ sai mãi thế này thì liệu đất nước sẽ ra sao? Liệu có đảm bảo được nhiệm vụ là công cụ tuyên truyền như Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao cho không? Ông vốn là một quân nhân, ông hiểu trách nhiệm của người đứng đầu trong mọi sai phạm của tổ chức, vì vậy công luận cần một hành động dũng cảm hơn của ông trong nhiệm kỳ cuối cùng này. Hãy góp phần xây dựng một nền báo chí chân chính như Hiến pháp đã quy định. Ai đúng và ai sai? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Và thực sự ông hiểu thế nào về đồng đội Kim Quốc Hoa đang bị tạm giam? Hãy thực sự để nhân dân hiểu rằng đập trong trái tim ông là một trái tim của một quân nhân dũng cảm chứ không phải là một ông Bộ trưởng sắp nghỉ hưu.
Kính,
Hà Nội ngày 22 tháng 6 năm 2015

M.L.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn