CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 21)

Victor Sebestyen

 Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 19
XANH MẶT GIỮA QUẢNG TRƯỜNG ĐỎ
MÁY BAY LẠ – 600 CÂY SỐ ĐẾN KREMLIN – GORBACHEV NGHI NGỜ QUÂN ĐỘI – “NẾU LÀ ÔNG, TÔI SẼ TỪ CHỨC” – ĐẠI THANH TRỪNG QUÂN ĐỘI
***
Moscow. Thứ năm, 28 tháng 5, năm 1987
MÁY BAY LẠ

1.
Tối hôm đó là một buổi tối mùa xuân ấm áp, đủ ấm để ăn mặc nhẹ nhàng, mọi sự diễn ra bình thường, yên tĩnh giữa Quảng trường Đỏ.
Một họa sĩ không chuyên đặt giá vẽ tại một điểm quen để bắt được những tia nắng trên mái vòm củ hành Nhà thờ Thánh Basil (mặt trời tháng 5 ở Moscow lặn khoảng 10 giờ đêm). Một ít du khách vẫn quẩn quanh lối vào Lăng Lenin. Một số khác xăm xoi cửa hiệu khu mua sắm GUM xem có hàng gì mới không. Nhưng, như thường lệ, cửa hàng không có gì mới.
Điều bất thường duy nhất, không lâu sau khi đồng hồ điểm 6 giờ tối là tiếng kêu vo vo nho nhỏ trên bầu trời trung tâm Moscow, và bóng dáng của một chiếc máy bay cánh quạt hạng nhẹ, nhỏ và bay thấp. Xưa nay không hề có máy bay tư nhân ở Liên Xô, nên sự xuất hiện của chiếc máy bay nhỏ này là một bí ẩn lớn.
Chiếc máy bay trắng khuất khỏi tầm nhìn trong giây lát rồi đột ngột xuất hiện khi hạ cánh, có thể nghe thấy tiếng bánh máy bay đáp lăn trên mặt quảng trường lát đá bên ngoài Cổng Spassky dẫn vào Điện Kremlin và dừng lại gần như ngay giữa Quảng trường Đỏ.
2.
Anh họa sĩ đứng vẽ nghĩ đây là màn biểu diễn hàng không hoặc một sự kiện thể thao nào đó, vì hôm đó cũng là Ngày Lính Biên phòng, một lễ nhỏ trong năm. Một số du khách ra vẻ phấn khích vì nghĩ rằng có thể đó là máy bay của Mikhail Gorbachev. Văn phòng của Gorbachev chỉ cách chỗ máy bay đậu khoảng 300 mét.
Một số nhân viên an ninh đứng quanh lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng không làm gì hết. Động cơ máy bay tắt, cánh quạt ngừng quay và từ máy bay xuất hiện một chàng trai nhỏ con, nhìn căng thẳng, tóc đen, đeo kính, mặc bộ đồ bay màu đỏ.
Anh phi công tự giới thiệu tên mình là Matthias Rust, 19 tuổi, làm nhân viên ngân hàng ở Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức, và anh bay đến thủ đô Liên Xô với một “sứ mệnh hòa bình”. Một đám đông thân thiện tụ tập quanh anh và anh ký tên lưu niệm, nhai bánh mì ai đó trong đám đông dúi vào tay anh.
Với vẻ thành khẩn, anh nói có mang theo một kế hoạch dài 22 trang giấy về việc hủy hỏ các loại vũ khí và kết thúc Chiến tranh Lạnh. Anh nói anh muốn gặp lãnh tụ Liên Xô để thảo luận về kế hoạch này. Sau khoảng 45 phút hoàn toàn bối rối vì bất ngờ, cuối cùng công an đến đưa anh đi.[i]
***
600 CÂY SỐ ĐẾN KREMLIN
3.
Chuyến phiêu lưu ly kì và gan dạ của Matthias Rust bắt đầu nửa tháng trước đó. Ngày 13/5, tại câu lạc bộ bay ở ngoại ô Hamburg, Rust thuê chiếc máy bay Cessna 172-B, một trong những loại máy bay dân dụng nhỏ nhất trên thị trường.
Chặng đầu tiên, Rust bay qua Biển Baltic đến Na Uy. Anh ở đó vài ngày rồi bay đến Phần Lan. Ngay sau 1 giờ chiều ngày 28/5, Rust cất cánh từ Phi trường Malmi tại Helsinki, anh báo với kiểm soát không lưu Phần Lan rằng mình sẽ bay đến Stockholm, Thụy Điển. Nhưng ngay sau cuộc điện đàm cuối cùng với đài kiểm soát, anh bẻ hướng, bay về phía đông. Đài không lưu Helsinki cố gắng liên lạc để báo anh đã chệch hướng Thụy Điển, nhưng Rust đã tắt điện đàm.
Radar quân đội Liên Xô bắt được tín hiệu máy bay của Rust lúc 14 giờ 29 phút khi Rust vượt qua không phận biên giới Phần Lan và Estonia, bay ở độ cao cách mặt đất 540 mét. Họ đặt cho máy bay số hiệu “liên lạc” là 8255, thường dùng cho các máy bay bị tình nghi là của kẻ thù. Nhưng một loạt những sai sót vì bất ngờ, hỗn độn, tai nạn ngoài ý muốn và nhận định không chính xác đã góp phần gây ra một trong những vụ mất mặt nhục nhã nhất cho quân đội Liên xô kể từ Thế chiến II.[ii]
4.
Ngay khi hệ thống phòng không Liên Xô phát hiện, một chiếc tiêm kích MiG-23 đã được phóng lên để theo dõi máy bay của Rust. Phi công MiG-23 báo về đó chỉ là “một máy bay thể thao hạng nhẹ, bay dưới mây”. Đó không là điều chỉ huy không quân trông đợi, nhưng kể từ thảm họa bắn hạ Chuyến bay 007 của Hàng không Hàn Quốc bốn năm trước, lực lượng phòng không Liên Xô bị công khai cấm dùng biện pháp mạnh đối với các máy bay dân sự.
Khi Rust bay xa hơn về phía đông, gần đến Moscow, hai chiếc tiêm kích khác cũng xuất phát để truy tìm, nhưng họ mất dấu chiếc Cessna sau những tầng mây thấp. Khi radar bắt được tín hiệu máy bay của Rust trở lại thì họ lại tưởng đó là khinh khí cầu thăm dò thời tiết.
Rust “mất dấu” lần thứ hai, và được tìm thấy khoảng 45 phút sau đó, nhưng lần này, các sĩ quan cao cấp trong hệ thống phòng không quốc gia lại cho rằng chiếc máy bay Cessna kia chỉ là “một đàn chim … và chúng tôi dám chắc đó là một bầy ngỗng”.
Trong 20 phút quan trọng cuối cùng trước khi Rust đến Moscow, hệ thống phòng không quân khu Moscow cũng đang tắt hoàn toàn để một số thiết bị radar được bảo hành định kỳ, vì vậy, họ không bắt được tín hiệu nào của máy bay Rust.*[iii]
Rust sau này kể lại: “Kế hoạch của tôi là đáp ở Quảng trường Đỏ. Nhưng ở đó đông người quá, tôi sợ sẽ gây thương vong. Tôi có nghĩ đến việc đáp xuống Điện Kremlin, nhưng trong ấy không đủ chỗ. Tôi bay vòng quanh Quảng trường Đỏ ba lần để tìm chỗ đáp. Chỗ đáp phải là chỗ thật sự công cộng”.
Cuối cùng anh đáp xuống Vasilevsky Spusk (quảng trường giữa Nhà thờ Basil và Sông Moscow), ngoài dãy tường Điện Kremlin, và cho máy bay chạy trên mặt đất khoảng 300 mét trước khi dừng lại hoàn toàn. Nói cách khác, Rust đã bay qua hơn 600 km trên lãnh thổ Liên Xô và có thể đáp xuống mà không gặp cản trở nào ngay trung tâm quyền lực Liên Xô.[iv]
***
GORBACHEV NGHI NGỜ QUÂN ĐỘI
5.
Lãnh tụ Liên Xô không có mặt tại Moscow lúc máy bay của Matthias Rust hạ cánh. Gorbachev lúc đó đang ở Berlin dự hội nghị thượng đỉnh các nước Khối Warsaw và đang trong tâm trạng bực bội trước khi nghe về vụ rắc rối này. Thực vậy, ông đã phải chịu đựng nhiều giờ đồng hồ bên cạnh những nhân vật như Erich Honecker, Gustav Husak và các tay lãnh đạo Stalinnist già nua từ các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, họ khiến ông trầm uất và chán chường.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô, Thống chế Sergei Akhromeyev, không hề được thông báo điều gì về vụ này, cho đến khi cậu thanh niên Tây Đức Rust đang ở phòng thẩm vấn, đối mặt với các câu hỏi của KGB.
Akhromeyev từng chiến đấu tại mặt trận Leningrad trong Thế chiến II, được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và từng nhận rất nhiều huy chương, nhưng người hùng Akhromeyev đã thực sự kinh hãi khi phải thông báo cho Gorbachev vụ việc phi thường vừa xảy ra tối hôm đó tại Moscow.
Gorbachev điên tiết vì phẫn nộ. Cả phái đoàn tháp tùng đều biết Gorbachev thường nói tục và dùng nhiều hình tượng khi chuyện trò với những người thân tín, và đây là dịp để những lời lẽ tục tằn đủ màu sắc tha hồ tuôn ra. Ông nổi đóa: “Đây là quốc nhục … nhục chẳng kém gì Chernobyl”. Người hùng già Akhromeyev chỉ có thể đồng ý với nhận định này.
Gorbachev nói với những người thân cận rằng ông tình nghi giới lãnh đạo quân đội – vốn không đồng ý với chủ trương của ông về kiểm soát vũ khí và cắt giảm ngân sách quốc phòng – đã cố tình để cho chiếc máy bay kia đáp xuống Quảng trường Đỏ như một cách để làm ông mất mặt về chính trị.
Ông nói ông sẽ không cho phép họ bình an vô sự với một chiêu trò như thế. Ông nói: “Họ đã làm nhục quốc thể … làm nhục nhân dân. Rồi sao nữa! Hãy để mọi người thấy quyền lực thực sự nằm ở đâu trên đất nước này. Nó nằm trong tay giới lãnh đạo chính trị … Ta phải chặn đứng ngay những lời ong tiếng ve loạn xạ về việc quân đội chống đối Gorbachev”.[v]
*
“NẾU LÀ ÔNG, TÔI SẼ TỪ CHỨC”
6.
Gorbachev cắt ngắn thời gian ở Berlin để trở về Moscow. Tại đây, ngay ngày hôm sau, ông triệu tập giới lãnh đạo chóp bu quân đội lại để chấn chỉnh, ngay trước mặt các thủ lĩnh chính trị khác tại Kremlin.
Gorbachev cho thấy mặt dữ tợn của ông. Ông nói với tướng Pyotr Lushev, vị tư lệnh quân đội chịu trách nhiệm phòng thủ Moscow, rằng: “Vụ này kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, và chiếc máy bay xâm phạm không phận thuộc Quân đoàn 6 … vụ này có được báo cho ông không?”. Tướng Lushev đáp: “Không. Tôi chỉ biết khi máy bay đã hạ cánh ở Moscow”. Gorbachev mỉa mai cay độc: “Tôi đoán chắc là cảnh sát giao thông cho ông biết phải không?”.
Gorbachev huyên thuyên hơn một tiếng đồng hồ, lên án Bộ trưởng Quốc phòng về tội “gây thất vọng toàn phần … lỏng lẻo toàn phần, thiếu sót nghiệp vụ nghiêm trọng” và lên án các tướng lĩnh cao cấp là họ đang âm mưu phá hoại công cuộc cải cách của ông. Nhìn thẳng vào Bộ trưởng Quốc phòng, Thống chế Sergei Sokolov, Gorbachev nói: “Trước tình hình như vậy, nếu tôi là ông, tôi sẽ từ chức ngay lập tức”. Solokov, vị tướng chỉ huy quân đội Liên Xô xâm lăng Afghanistan, đứng nghiêm, đưa tay chào, và từ chức tại chỗ.
Ông được thay thế lập tức bởi Tướng Dmitri Yazov, một nhân vật lành tính, thân thiện, nổi tiếng là người chỉ biết “gọi dạ bảo vâng”, Yazov được dịp nhảy cóc vượt mặt một số tướng lĩnh cao cấp hơn và rõ là có năng lực hơn mình.
Về phần Alexander Koldunov, tư lệnh lực lượng phòng không Liên Xô, một phi công xuất sắc trong Thế chiến II, ông còn không được phép từ chức hay về hưu, mà bị sa thải tại chỗ vì tội “sơ suất”.
Gorbachev kết luận: “Một sự cố đã xảy ra vượt hẳn mọi vụ trước đây về tác hại chính trị … Chúng tôi muốn nhắc tới việc nhân dân mất niềm tin vào quân đội, một quân đội mà rất nhiều người trong nhiều lúc đã hy sinh mạng sống để phục vụ. Đó là một cú đánh nhắm vào tập thể lãnh đạo chính trị của đất nước, đánh vào uy quyền của lãnh đạo”.[vi]
*
ĐẠI THANH TRỪNG QUÂN ĐỘI
7.
Akhromeyev sống sót trong vụ này, Lushev cũng thế, nhưng hơn 150 sĩ quan cao cấp bị sa thải, một số còn phải ra tòa án binh, vì vai trò của họ trong vụ máy bay Rust. Tuy nhiên, hầu hết được cho là những sĩ quan quân đội chống đối công cuộc tái cấu trúc perestroika của Gorbachev.
Tuy vụ Rust gây ra tai tiếng và ô nhục, nhưng Gorbachev, một người cơ hội khi cần thiết, đã tận dụng dịp này để trấn áp quân đội. Chỉ trong vòng một năm, toàn bộ giới lãnh đạo chóp bu tại Bộ Quốc phòng, tại Bộ Tổng tham mưu, trong hàng ngũ tư lệnh Khối Warsaw và tư lệnh các quân khu đã bị thay đổi. Một nhà quan sát quân sự nhận xét: “Ngay trong thời kỳ thanh trừng đẫm máu của Stalin năm 1937-1938, tỉ lệ những vị trí chóp bu bị thay thế cũng không cao như vậy”.
Gorbachev ngày càng xem thường các thủ lĩnh quân đội. Từ đó trở đi trong các phiên họp, ông thường châm chọc, khiêu khích và có thể nói với bất cứ ai mặc quân phục chung quanh ông những câu đại loại như: “Vâng, thưa đồng chí đại tướng, ta tính xua quân đánh nước nào hôm nay đây?”. Quân đội cay cú bất mãn khi bị đối xử như thế.
Trước mắt, Gorbachev có vẻ thắng thế, trên cơ các tướng lĩnh. Nhưng họ cũng tìm được cách đả thương Gorbachev để trả đũa.[vii]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô Viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Theo bài “A Dubious Diplomat”, báo Washington Post, ngày 27/5/2007
[ii] Sergei Akhromeyev và Georgi Kornienko, Glazami Marshala I Diplomatia (Mezhdunarodnye Otnosheniya, Moscow, 1992), tr. 265
[iii] Như trên
* Rust bị kết án bốn năm tù nhưng chỉ ở 18 tháng trong một nhà tù KGB, tách biệt với các tù nhân khác. Anh được đối xử tương đối tốt, dù việc anh làm gây quá nhiều phiền phức. Anatoly Chernyaev ghi trong nhật ký rằng việc xử lý vụ án một cách tế nhị cho thấy Liên Xô thực sự thay đổi. Chernyaev viết: “Nếu xảy ra trước đó không lâu, cậu ấy có thể đã bị đưa đi, bắn bỏ, và rồi chẳng ai nghe gì về cậu nữa”. Rust trở về Tây Đức nhưng sống không ổn định. Anh làm nhiều việc linh tinh trong lĩnh vực tài chính, và vào tù ra khám một số lần vì nhiều án hình sự khác nhau, từ trộm cắp, giả mạo đến tấn công tình dục một nữ tu.
[iv] “A Dubious Diplomat”, báo Washington Post, ngày 27/5/2007
[v] Nhật ký Chernyaev, tháng 5/1987, CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)
[vi] APRF (Russian Presidential Archives, Moscow), biên bản Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 30/5/1987
[vii] Anatoly Dobrynin, In Confidence (Lidove Noviny, Prague, 1999), tr. 367-8
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn