ĐIỆN HẠT NHÂN NINH THUẬN một giải pháp khôn ngoan cho dự án (Bài 1)

TK TRAN

Ở nước Đức, khi đi dọc sông Rhein từ miền Nam lên phía Bắc, trước khi tới Hà Lan, bạn sẽ gặp Kalkar. Kalkar là một thành phố cổ kính nhỏ nằm cạnh sông, chỉ có hơn chục ngàn dân cư, song có thời nổi danh khắp nước Đức và được sự chú ý của cả thế giới. Nơi đây có một khu vui chơi giải trí rất đặc biệt, gọi là "Đất thần tiên Kalkar" (Wunderland Kalkar). Nổi tiếng không phải vì thần tiên thật sự. Đó chỉ là một tên gọi. Mặc dù nơi này là có thể thần tiên đối với trẻ em vì trẻ em ở đây được ăn khoai chiên giòn (pommes frites) thả giàn không tính tiền. Nếu tính về số lượng trò chơi thì nơi đây không bằng phần lớn những khu vui chơi giải trí khác ở toàn nước Đức. Lại càng không thể so sánh với những khu giải trí có tầm vóc quốc tế như Disneyland, Universal Filmstudio Hollywood...

Nhưng "Đất thần tiên Kalkar" đặc biệt, có một không hai trên thế giới, vì tiền thân của khu này là một nhà máy điện hạt nhân đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng đi vào hoạt động, song chưa hề được vận hành, chưa hề sản xuất ra 1 kw điện nào.

Từ nhà máy điện hạt nhân Kalkar trị giá 7 tỷ….

Nhà máy điện hạt nhân Kalkar còn được gọi là lò "ấp nhanh" (Schnellbrüter/ fast breeder) Kalkar. Cái tên có vẻ lạ kỳ này bắt nguồn từ nguyên tắc hoạt động của nó. Lò "ấp nhanh", trong quá trình sản sinh năng lượng, có khả năng "ấp ủ" Uranium235 và Uranium238 để "nở" ra Plutonium, là một chất phóng xạ hữu ích có thể được tái sử dụng. Các lò điện hạt nhân nước nhẹ (H2O ) hay nước nặng (D2O) thông thường khác chỉ thải ra cặn bã phóng xạ mà sau này việc thanh toán rác phóng xạ là cả một bế tắc mà hàng chục năm nay không giải quyết thỏa đáng được. Lò "ấp nhanh" được xây dựng có nguyên nhân chính là chính sách năng lượng thời đó phải lưu tâm tới việc độc lập về nguồn nhiện liệu phóng xạ. bởi vì nước Đức (Tây Đức lúc ấy) không có mỏ Uranium. Dùng lò "ấp nhanh", họ sẽ dùng được Plutonium tái tạo. Lượng Uranium phải nhập cảng sẽ không nhiều. Bản chất của các lò điện hạt nhân đã là nguy hiểm vì rủi ro phóng xạ, song lò hạt nhân loại này còn phức tạp, còn nguy hiểm hơn các lò khác đặc biệt là vì phải dùng một chất dễ phát nổ là Natrium lỏng (thay vì dùng nước nhẹ hay nước nặng) để làm nguội lò và trung chuyển (transfer) năng lượng. Trong quá trình thiết kế và xây dựng đã phải có nhiều thay đổi để lò an toàn. Từ đó việc xây dựng lò bị đội vốn gấp nhiều lần.

Lúc lò được bắt đầu thiết kế trên giấy tờ (1969), chi phí ước đoán quãng 500 Triệu DM (250 triệu Euro), tới khi bắt đầu xây dựng (1973) thì chi phí dự tính là 1,7 tỷ DM. Khi nhà máy xây dựng xong (1985) thì chi phí lên tới 7 tỷ DM, gần 4 lần nhiều hơn so với lúc khởi công.

Trong suốt 12 năm xây dựng nhà máy, nhà nước Đức đã phải đối phó liên tục với phong trào chống đối điện hạt nhân bởi tính cách mạo hiểm, dễ gây thảm họa của loại năng lượng này. Phong trào phản kháng này bắt dầu chỉ có một nhóm người, bao gồm các "dân oan" là những nông dân bị cưỡng chế ruộng để lấy đất làm nơi xây nhà máy và một số người am hiểu chuyên môn, chống lại dự án này của nhà nước. Dần dần phong trào này lớn mạnh. Đã có lúc họ huy động được hàng chục ngàn người tham gia biểu tình chống chính phủ. Cuối cùng, các phản kháng của phong trào thành công. Chính phủ Đức phải bãi bỏ việc sử dụng lò "ấp nhanh" Kalkar, sau 12 năm xây dựng, mặc dù lò đã hoàn chỉnh, đã sẵn sàng cho việc điều hành. Chỉ cần đưa vào lò các thanh phóng xạ là đã có thể sản xuất điện.

Cần mở một dấu ngoặc nơi đây, phong trào chống điện hạt nhân đã là cái nôi phát sinh ra đảng "Xanh", một đảng chính trị có chương trình nổi bật là bảo vệ môi trường. Nhiều người trong đảng lúc trước biểu tình cầm biểu ngữ hay ném đá vào công an dẹp biểu tình, sau này đã giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ Đức, kể cả chức phó thủ tướng, bộ trưởng hay Thủ hiến các bang.

….tới khu giải trí "Đất Thần Tiên" trị giá 3 triệu

Sau quyết định hủy bỏ việc vận hành nhà máy năm 1991, các bộ phận, máy móc quan trọng được tháo gỡ, đưa ra địa điểm khác để bảo tồn. Còn lại các cơ sở nhà cửa, bất động sản được rao bán giá bèo trên báo chí. Kết quả là một nhà máy điện hạt nhân hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm đó , giá trị hơn 7 tỷ DM đã được bán lại với giá.... quãng 3 triệu DM, gần như biếu không, cho một nhà đầu tư Hà Lan. Cuộc chuyển hóa một nhà máy điện hạt nhân thành khu vui chơi giải trí bắt đầu từ đó. Việc biến chuyển thực hiện được bởi vì toàn khu vực chưa bị nhiễm phóng xạ, chưa có nguyên liệu phóng xạ nào đã được đưa tới đây.

Khuôn viên nhà máy, trước là nơi đất cấm nay là nơi hàng ngàn gia đình tới vui chơi nô đùa, tham dự khoảng 40 trò giải trí . Cơ sở nhà máy cũ, với những bức tường bê tông kiên cố dầy tới 2m, biến thành một khách sạn có 1000 gường với các tiệm ăn, phòng hội nghị. Phòng điều hành trung tâm của nhà máy trở thành phòng họp chứa được 300 người. Tháp làm mát (Kühlturm) cao 50 m, biểu tượng của mọi nhà máy hạt nhân bên ngoài biến thành nơi tập leo núi, bên trong được lắp đặt 1 đu quay khổng lồ.

Một nơi từng tiềm ẩn hiểm họa phóng xạ không lường trở thành chỗ vui chơi cho nửa triệu người mỗi năm. Nhờ quyết định cản đảm dứt khoát, Kalkar đã trở thành một biểu tượng cho chính sách năng lượng an toàn có viễn kiến, đầy tinh thần nhân văn của nước Đức.clip_image002

Hình1: Nhà máy điện hạt nhân Kalkar 1991

clip_image004

Hình 2: Nhà máy điện hạt nhân, nay là một khách sạn 1000 giường

clip_image006

Hinh 3: Nhà máy hiện nay là một khu vui chơi: phía trước là những trò giải trí, phía sau là tháp làm mát, bên ngoài tháp nay là nơi chơi trò leo núi.

clip_image008

Hình 4: Bên trong tháp làm mát là trò đu quay khổng lồ

Việt Nam cần can đảm như Đức nên từ bỏ dự án điện hạt nhân. Hay bắt chước Bulgaria năm 2011, hủy bỏ hợp đồng mua nhà máy đã ký với Rosatom, dù bị áp lực mọi bề. Hay quyết định như nước láng giềng Phi Luật Tân cũng đã bỏ, không khai thác nhà máy điện hạt nhân ở Bataan, thà đổ sông đổ biển hàng tỷ USD tốn phí xây dựng còn hơn gây thảm họa cho dân. Hay ít ra cũng dùng kế hoãn binh như Thổ nhĩ kỳ, trì hoãn trường kỳ việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đã ký hợp đồng. Ngày nay, sau những biến cố quân sự việc xây dựng này càng thêm xa vời.

Tương lai dài lâu của đất nước cần những quyết định ngôn ngoan và dứt khoát. Hãy như Kalkar, Đức Quốc, biến chuyển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thành nơi giải trí vui chơi cho mọi gia đình.

T.K.T.

Tác giả gửi BVN

clip_image009clip_image009[1]

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn