‘Chống tham nhũng’ và cuộc chiến khốc liệt giành thị phần

Lê Dung

…việc chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng nhắm đến những “mỏ vàng” như Vũ Huy Hoàng và Nguyễn Thị Nguyệt Hường đang khiến dư luận đặt câu hỏi: phải chăng phía sau chiến dịch này là động lực thâu tóm thị trường của nhóm lợi ích mới đối với nhóm lợi ích cũ?

clip_image002

Ảnh www.voatiengviet.com

Đảng viên, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng - người được đồn đoán “cực giàu” ở Việt Nam - đang phải đối mặt với không chỉ là nguy cơ, mà rất gần với triển vọng được đảng cầm quyền đưa lên “thớt”.

Vào những ngày này, một chiến dịch đánh ngược từ vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang lên Vũ Huy Hoàng ở Hà Nội đang nở rộ. Hàng loạt tờ báo Nhà nước đã tham gia vào chiến dịch “đấu tố” hiếm có kể từ thời “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm về trước.

Ông Vũ Huy Hoàng và ‘mỏ vàng’ có lắm vấn đề nhân sự” là một trong những tựa đề nóng bỏng của báo chí. Dựa theo “ tinh thần” này thì “Việc nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa thư ký và con trai Vũ Quang Hải về làm Chủ tịch và Phó Tổng giám đốc Sabeco bị dư luận phản ứng gay gắt thời gian qua cho thấy “mỏ vàng” này không chỉ có nhiều vấn đề liên quan đến nhân sự, mà còn liên quan cả việc chậm cổ phần hóa”.

Báo chí cũng liên tiếp phỏng vấn những quan chức về hưu về “nhóm lợi ích nào đã đưa ông Trịnh Xuân Thanh luồn sâu, leo cao?” - một cụm từ mà trước đây thường dùng trong lĩnh vực phản gián và nhắm đến “các thế lực thù địch”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, người phụ trách Đảng là Nguyễn Phú Trọng đã quyết định tung ra chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” tương tự như Tập Cận Bình đã tiến hành ở Trung cộng từ năm 2012. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch “chống tham nhũng” ở Việt Nam, hai nhân vật đầu tiên bị đưa lên “thớt” là “ruồi” Trịnh Xuân Thanh” và “hổ nhỏ” Vũ Huy Hoàng.

Cũng vào những ngày này, một “ruồi” khác đang có nhiều nguy cơ bị “chặt chém” là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - một chủ doanh nghiệp tư nhân đầy thần thế và suýt nữa lọt vào danh sách đại biêu quốc hội khóa 14. Bà Hường bị “ai đó” phát hiện có quốc tịch Malta, bị đặt nghi vấn dùng quốc tịch này để trốn thuế, cùng hàng loạt phi vụ làm ăn đầy khuất tất ở Việt Nam…

Nhưng việc chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng nhắm đến những “mỏ vàng” như Vũ Huy Hoàng và Nguyễn Thị Nguyệt Hường đang khiến dư luận đặt câu hỏi: phải chăng phía sau chiến dịch này là động lực thâu tóm thị trường của nhóm lợi ích mới đối với nhóm lợi ích cũ?

Câu hỏi trên là có “cơ sở thực tiễn”.

Ngay sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng mất chức Thủ tướng, đã rậm rịch đồn đoán về một chiến dịch từ tranh giành đến thâu tóm doanh nghiệp và thị phần kinh doanh, xuất phát từ những nhóm lợi ích liên quan mật thiết đến những nhóm quyền lực mới. Lãnh địa của tay chân ông Nguyễn Tấn Dũng được coi là vô cùng lớn và vô cùng màu mỡ, vì thế đó là nơi hội tụ mọi con mắt thèm thuồng của những kẻ muốn thâu tóm trong bối cảnh đất nước đang gần như cạn kiệt các nguồn tài nguyên.

Không khó hiểu là những quan chức như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng hay đại gia như Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã đến lúc phải “ói ra” - nói như một từ ngữ rất dung tục của giới giang hồ chính trị chuyên bóp chẹt lẫn nhau.

Thậm chí, chiến dịch thâu tóm thị phần không chỉ dừng ở các “hổ nhỏ” mà còn có thể dẫn đến những “hổ lớn” như Ngân hàng Bản Việt, cùng nhiều dự án khác của bà Nguyễn Thanh Phượng - con gái ông Nguyễn Tấn Dũng.

Bàn cờ chính trị Việt Nam cũng bởi thế đang tái xáo động và lộn xộn sau cuộc đấu kỳ phùng địch thủ trước Đại hội 12 vào cuối năm 2015.

L.D.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/07/vntb-chong-tham-nhung-va-cuoc-chien.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn