Dòng chảy nào? (Mênh mông thế sự 54)

Tương Lai

Câu nói hồn nhiên, tự tin và đầy thách thức của chú bé vá xe bên đường “Nếu bác tin, tôi sẽ làm cho bác xem, nếu không tin thì là quyền của bác vậy” trong “Về một chuyện vá xe”(*) của Hạ Đình Nguyên vừa gửi qua email gợi lên trong tôi ý nghĩ: một ý tưởng có chiều sâu triết lý đang nằm ngay trên vỉa hè của cuộc đời lam lũ, nhẫn nại kia, chẳng phải đi tìm đâu xa. Vấn đề nằm ở đôi mắt, ở cách nhìn sự việc và dám động não! Đương nhiên, không là cái não trạng đã đóng băng vì những lợi ích nhầy nhụa, nhớp nhúa được khoác bộ áo cách mạng sặc sỡ, hay đã nhão nhoét bởi những giáo điều cũ nát lèn chặt không còn chỗ để tiếp nhận sinh khí của cuộc sống đang bộn bề, bươn chải.

Từ câu chuyện tình cờ trên đường phố, cây bút Hạ Đình Nguyên đã hạ một lời bình thâm thúy: “Tôi thấy ở câu nói này là cả một xã hội dân sự, bình đẳng, không có áp chế hay độc tài từ cả hai phía”. Không chút màu mè hắn viết mộc mạc, thẳng băng: “Cỡi xe về trên đường mưa lất phất nhẹ, nghĩ đến câu nói của thằng bé thấy vui vui. Nếu tin thì làm được. Nếu mỗi người và cả dân tộc tự tin, không khoán trắng vào giới cầm quyền. Nếu giới cầm quyền tin vào dân tộc, thì độc lập tự do, văn minh bình đẳng ắt sẽ có. Còn như có tư tưởng vay mượn, ỷ lại đâu đó; lại có thói lười nhác, hồ đồ và áp chế thì mọi việc sẽ chẳng tới đâu, kể cả việc vá xe”!

Đọc kỹ, thấy ra được ngòi bút dung dị của Hạ Đình Nguyên thấp thoáng cái vị triết lý vừa nói: “Một ngày qua, tôi đã chạm một chút linh hồn dân tộc qua cuộc đời nhà bác học Trương Vĩnh Ký, qua tấm gương lao động cần mẫn và đứng đắn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, và qua tính cách một cậu bé vá xe bên đường, quả là một ngày thú vị. Một dòng chảy của lao động chân chính, và một dòng chảy của lao động trá ngụy đang ồn ã đổ xuống như một cơn mưa rào. Từ nay tôi củng cố thêm cho mình niềm tin vào việc mình đang làm.

Đúng thế, chưa lúc nào “mỗi người và cả dân tộc tự tin, không khoán trắng vào giới cầm quyền” lại trở nên bức bách như hiện nay, khi mà những nghịch lý “cầm quyền” với những hành xử đang đặt ra quá nhiều vấn đề, trong đó nổi lên câu hỏi về “dòng chảy”. Đâu là “dòng chảy chân chính và đầu là dòng chảy trá ngụy”? Gợi lên chuyện này vì thật ngẫu nhiên, hình ảnh mà Hạ Đình Nguyên nêu lên lại đụng phải câu nói chát chúa của một bộ hạ của ông Trọng nói về mối quan hệ Việt-Trung qua chuyến đi của ông Tổng Bí thư sang Tàu vừa rồi: “hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước”! Có đúng thế không?

Thử đưa ra đây vài sự kiện để phân tích xem cái “dòng chảy chính” nói trên là “chân chính” hay “trá ngụy”:

Ngày 12.1.2017 ngài Tổng Bí thư cưỡi chuyên cơ sang Tàu thì trước đó một ngày, 11.1.2017 trong cuộc họp báo thường kỳ, theo AFP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược nói rằng Bắc Kinh không cần phải thông báo với Việt Nam về những chuyến bay phi pháp vừa bị Việt Nam cảnh cáo vì đó là những hoạt động hàng không quốc gia”, “Các chuyến bay đó không bị ràng buộc bởi Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế và các quy định có liên quan của ICAO, thay vào đó nó nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia”. Có nghĩa là chúng bay trên lãnh thổ chúng ăn cướp được rồi xem đó là vùng “chủ quyền quốc gia” của chúng. Chúng ngang ngược và trịch thượng tuyên bố như vậy khi hai tuần qua, máy bay Trung Quốc đã thực hiện những chuyến bay bất hợp pháp đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Bắc Kinh vừa hoàn tất xây dựng đường băng phi pháp.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lớn tiếng cảnh cáo: “Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển ĐôngCòn rạch ròi chỉ ra: Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc”.

Nhưng đâu chỉ có chuyện máy bay xâm phạm không phận, tàu chiến xâm phạm hải phận chủ quyền của Việt Nam! Trung Quốc đang quyết liệt quân sự hóa Biển Đông. Điều mà Rex Tillerson, tân ngoại trưởng Mỹ ngày 11.1.2017 cảnh báo rằng các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là vô cùng đáng quan ngại” và Bắc Kinh có thể là mối đe dọa cho “nền kinh tế toàn cầu” nếu có quyền áp đặt lối vào vùng biển này.

Trung Quốc huy động đủ loại đơn vị để nạo vét và cải tạo xây đắp các căn cứ quân sự tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông, làm thay đổi nguyên trạng về quân sự và chiến lược tại vùng biển quan trọng này theo cách lấn dần từng bước để tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ. Rồi diễu võ giương oai, cho chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất lượn lờ cùng các máy bay ném bom bay trên các eo biển trong khu vực, vòng quanh Đài Loan rồi hùng hổ tiến về Biển Đông. Theo cách phân tích của các chuyên gia Pháp mà RFI đưa, những chuyện này là nhằm bảo vệ căn cứ tàu ngầm Tam Á (Sanya) trên đảo Hải Nam, bảo đảm cho các tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn có thể được triển khai ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà không bị phát hiện. Cùng trong toan tính đó, các đảo ở Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc tấn công ăn cướp năm 1974 rồi hợp pháp hóa với việc xây dựng và đặt tên là thành phố Tam Sa.

Vậy là Trung Quốc đã bằng vũ lực cướp lấy rồi chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam đã 43 năm. Để biến hành động ăn cướp thành một chuyện đã rồi, Wang Hanling (Vương Hàn Lĩnh), một “học giả Trung Quốc” trắng trợn tuyên bố “Không có gì để đàm phán cả… Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc chưa bao giờ là đề tài tranh chấp và Việt Nam đã thừa nhận điều này trong quá khứ. Thảo luận về nỗ lực hợp tác bảo vệ tài nguyên, tìm kiếm cứu nạn và các việc khác là một chuyện, chủ quyền của Trung Quốc là một chuyện khác”. Vậy thì, hãy “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Trường Sa, ở khu vực biển đảo của Việt Nam, đó là bài bản của kẻ cướp được phơi ra. Tuyên bố này được đưa ra trước khi bộ sậu của Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc.

Phản bác lại luận điểu nguy hiểm của bọn xâm lược, tướng Lê Mã Lương đưa ra lời cảnh báo quyết liệt: “Nếu không kiểm soát được vấn đề uy hiếp an ninh lãnh thổ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh dân tộc trong thời gian không xa…Trung Quốc sẽ lấn lướt bằng những hành động nguy hiểm hơn, tần suất nhiều hơn. Sắp tới có thể họ sẽ mở rộng phạm vi xâm phạm vào không phận Việt Nam. Khi đó hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm”. Nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam chỉ ra rất rành mạch: “Sau những phát biểu của ông Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam, sau những cái bắt tay thân thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên xâm phạm “chà đạp” lên những cam kết trước đó. Tôi cho rằng, nếu chúng ta thể hiện quan điểm rõ ràng, cứng rắn hơn nữa thì Trung Quốc không dám ngang ngược làm những chuyện “không giống ai” như vậy”. Nếu Lê Mã Lương kịp đọc thông cáo chung Việt-Trung về chuyến sang Tàu lần này của ông Trọng chắc sẽ có thêm dữ liệu để hiểu tại sao Trung Quốc “dám ngang ngược làm những chuyện “không giống ai” mà ông vừa nói.

Mặc cho những hành động và những tuyên bố ngang ngược “không giống ai” nói trên, “Thông cáo” vẫn thản nhiên viết: “Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”“. Vậy là mặc nhiên ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu của ông đã công khai lờ đi việc Trung Quốc dùng vũ lực cướp đoạt và ngang nhiên chiếm đóng Hoàng Sa, hợp pháp hóa một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, để từ nay phần lãnh thổ thiêng liêng mà cha ông ta xây đắp, gìn giữ và để lại cho chúng ta vĩnh viễn thuộc chủ quyền của Trung Quốc chăng?

Đừng quên rằng, theo luật quốc tế, nếu một nước nào chiếm đóng một đảo mà không quốc gia nào khác lên tiếng thì sau 50 năm Liên Hiệp Quốc sẽ thừa nhận đảo đó thuộc sở hữu của nước đã chiếm đóng. Cũng có nghĩa là nếu Việt Nam không quyết liệt đấu tranh, không kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế thì số phận vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đang nằm tay bọn xâm lược Trung Quốc sẽ thế nào đây khi mà cái thời hạn 50 năm nói trên chỉ còn có 7 năm nữa?

Vậy thì, chiểu theo di huấn của tiền nhân, vâng theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông thì kẻ nào cần phải bị tru di đây? Đại Việt sử ký toàn thư rành rọt chép lời Vua Thánh Tông nói với quan Thái bảo Lê Cảnh Hưng, người được cử đi đàm phán bang giao và biên giới với nhà Minh vào tháng Tư năm Quý Tị, 1473: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ. Ngươi phải tranh biện, chớ cho họ lấn dần… Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”.

Nhưng rồi 21 phát đại bác nổ vang chào đón “nguyên thủ quốc gia” khiến ông Trọng ngây ngất phiêu diêu trong cảm hứng tự sướng như dạo nào nay đang lặp lại “mình phải thế nào người ta mới mời chứ” khiến ông bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo nói trên. Cũng có thể ù tai vì tiếng súng đại bác chào mừng khiến ông không còn nghe được những lời phẫn nộ lên án kẻ xâm lược cũng như không còn, hay không dám, nghe được lời của tổ tiên răn dạy!

Nói cho công bằng thì lần này không có những câu mùi mẫn kiểu “Quan hệ Việt-Trung chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ” như năm 2005 ông Trọng, lúc là Chủ tịch Quốc hội, đã từng tuyên bố cho dù lúc ấy 28 ngư dân Việt Nam đang bị tàu chiến giả dạng tàu cá Trung Quốc bắn giết ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ. Hôm nay, những lời mùi mẫn ấy ông dành cho bộ hạ của ông tung hô bằng những lời không thể mùi mẫn hơn về thành công của chuyến đi, nhấn mạnh sự “trọng thị” và “nghi lễ đặc biệt chưa có tiền lệ về tiệc trà Tập mời Trọng” từ miệng Hoàng Bình Quân để khẳng định rằng “hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước” như vừa dẫn.

Ông và cả bộ sậu của ông quên mất rằng, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, năm 2015 Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1.170 ha đất ở khu vực quàn đảo Trường Sa tính đến tháng 6 năm 2015, nhiều hơn 17 lần trong vòng 20 tháng so với tổng cộng đất đai được bồi đắp bởi các quốc gia có tranh chấp trong khu vực trong suốt 40 năm qua. Việt Nam đã để cho Trung Quốc lấn chiếm tại 21 vị trí, trung bình từ 3 đến 27 hải lý (mỗi hải lý dài 1,825 mét).

Và rồi, mặc dù cuộc đàm phán phân định vào chi tiết vẫn chưa hòan tất, nhưng phía Trung Hoa đã tự đào kiếm dầu và khí đốt trong khu vực và thực hiện nhiều điều phi pháp khác, thế mà “Thông cáo chung” vẫn viết “Hai bên nhất trí làm tốt các công việc tiếp theo sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thoả thuận.

Như thế cũng có nghĩa là, phía Việt Nam buộc phải hợp tác, buộc phải bằng lòng để cho Trung Quốc nuôi trồng hải sản bên trong Vịnh Bắc Bộ. Không chỉ thế, còn phải đồng ý phân định vùng biển bên ngoài Vịnh Bắc Bộ để “hợp tác cùng phát triển”. Những cái đó, dưới con mắt ông Trọng và bộ sậu của ông là thể hiện sâu sắc của mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Và đấy cũng chính là cái “dòng chảy chính” trong mối quan hệ Việt-Trung in đậm dấu ấn Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu của ông.

Phải chăng nội dung “16 chữ và 4 tinh thần” được đóng khung ngạo nghễ trong “Thông cáo chung” vừa dẫn ra chính là cái thòng lọng Tập Cận Bình trao cho ông Nguyễn Phú Trọng, “người đồng chí thân thiết cùng chung ý thức hệ với họ Tập” để ông Trọng thực hiện cái sứ mệnh vẻ vang là tròng vào cổ của dân tộc mình. Những “nghi thức trọng thị, những cử chỉ thân tình” mà Tập dành cho Trọng có chăng chỉ đánh lừa những ai mà đầu óc đã mụ mẫm hoặc lú lẫn để không thấy ra chiêu trò mẹ mìn quá lộ liễu khi mà họ Tập quyết trói chặt những thế lực đang thao túng bộ máy quyền lực ở Việt Nam trong vòng tay của Trung Quốc, kìm một dân tộc vốn chưa hề biết khuất phục kẻ thù phương Bắc trong vòng lạc hậu, trì trệ, chia rẽ, phân tán để không còn đủ sức chống trả những toan tính bẩn thỉu và thâm hiểm, mà chỉ có thể cam phận chư hầu. Môt chư hầu kiểu mới, vì như Thông cáo chung gợi ra “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung”!

Đây là nhắc lại và phát triển thêm lời của Tập Cận Bình nói trong dịp Đinh Thế Huynh sang thăm Trung Quốc tháng 10. 2016 “hai nước là một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai”. Mùi mẫn và khăng khít quá. Khi đã là cùng trong “một cộng đồng”, có cùng một “vận mệnh chung” và “cùng chia sẻ tương lai” thì Việt Nam đã là một ngôi sao vừa mới bổ sung vào 4 ngôi sao nhỏ thành 5 ngôi sao đang quây quần quanh một ngôi sao lớn Đại Hán!

clip_image002 clip_image004

Xin đừng quên rằng, ai đó đã nhiều lần dụng ý trương lá cờ 6 ngôi sao, 1 sao lớn và 5 sao nhỏ này lên rất nhiều nơi, trong nhiều dịp long trọng khác nhau, thậm chí lá cờ 6 sao này đã có lần được đóng khung trên tấm phông làm nền dựng phía sau người phát thanh viên đang truyền tin, đập thẳng vào mắt triệu triệu khán, thính giả bản tin VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, trao vào tay các cháu bé Việt Nam những lá cờ nhục nhã đó để các cháu hồn nhiên vẫy chào kẻ đến cướp nước mình như những tấm hình trên đây!

Thế là thông cáo chung 2017 lần này, sau 17 năm đã có một “bước tiến mới” với “nội dung mới” so với “nguyên tắc độc lập tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” trong Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc năm 2000!

Chẳng thế mà, để khăng khít và đồng hóa vào trong “một cộng đồng”, cùng một “tương lai”, cùng chung “vận mệnh” nên xin bãi bỏ nghi lễ ngoại giao tối thiểu: Trong các buổi quan chức Trung Quốc tiếp phái đoàn Việt Nam thì trước mặt những quan khách Việt Nam, từ Tổng Bí thư cho đến tất tần tật, những tấm biển ghi “quý tính đại danh” đều viết toàn chữ Tàu chẳng cần ghi chữ Việt. Hảo, hảo, hiểu nhau quá mà, cho nên không có một quan chức Việt Nam nào từ Tổng Bí thư trở xuống có chút phản ứng nào tỏ ra biết gìn giữ thể diện quốc gia! Phải nói thêm cho rõ rằng, trước đây, hiện tượng này đã diễn ra. Người viết chỉ nhớ rõ trường hợp Trung Quốc tiếp Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh với cái biển ghi chữ Tàu trước mặt. Chuyện này đã nhận được phản ứng dữ dội của báo mạng trước đây chứ không phải chỉ mới diễn ra sau 21 phát đại bác chào mừng “nguyên thủ quốc gia” sang diện kiến lần này!

clip_image006 clip_image008

Thôi thì cứ cho là các quan chức nhà ta vô tư hồn nhiên, lại chỉ dồn sức nghĩ việc lớn, không thèm để ý đến chuyện vặt, lại cũng không đọc được tiếng Tàu, dù có thế, thì giờ đây cũng phải thấy cho ra chiêu võ Tàu “truyền thống” thâm hiểm và tráo trở này.

Không nghi ngờ gì nữa, những gì đang diễn ra đúng là một dòng chảy chính, “dòng chảy trá ngụy đang ồn ã đổ xuống như một cơn mưa rào” mà ngòi bút kia miêu tả. Chao ôi, làm sao để “mỗi người và cả dân tộc tự tin, không khoán trắng vào giới cầm quyền” như cây bút Hạ Đình Nguyên mong mỏi đây?

Không có cách nào khác, hãy khơi dậy truyền thống quật cường bất khuất của dân tộc, khơi dậy ý chí đánh giặc cứu nước, ghi vào cánh tay hai chữ “Sát Thát’ như quân dân dời Trần đã làm, không biến Hội trường mang tên Diên Hồng thành nơi lĩnh chiếu chỉ của thiên triều và cúi mọp đầu vâng chịu nhục nhã ngước nhìn đại diện thiên triều đến “dự khán” nơi các đại biểu của dân bàn việc nước tại “Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”!

Bỗng nhớ đến câu nói của Các Mác: “Hãy làm cho sự nhục nhã càng thêm nhục nhã bằng cách công bố nó lên”! Đó là lý do tôi viết vội bài này kịp đưa lên mạng trước khi đến chùa để thắp nén hương tưởng nhớ nhân ngày Giỗ Lê Hiếu Đằng, người chiến sĩ yêu nước với ý chí quật cường, bất khuất vô cùng quý mến của chúng tôi.

clip_image010 clip_image012 clip_image014

22.1.2017

T. L.

__________

* Bài “Về một chuyện vá xe” được BVN đăng tải dựa theo bài trên FB Quang Nguyen từ ngày 18/1/2017 (BVN chú thích).

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn