Hà Nội: Tưởng niệm Gạc Ma nhanh chóng bị giải tán

clip_image001

Cảnh sát ở khu vực quanh Đài Cảm Tử, Bờ Hồ Hà Nội sáng 14/3. FACEBOOK THAO TERESA

Một số nhà hoạt động tại Hà Nội cho hay lễ tưởng niệm trận chiến Gạc Ma ở Trường Sa hôm 14/3 diễn ra với quy mô nhỏ và nhanh chóng bị giải tán.

Trong trận đánh hôm 14/3/1988, ít nhất 64 bộ đội Việt Nam thiệt mạng. Sau đó Trung Quốc đã chiếm và hiện xây đảo nhân tạo ở Gạc Ma.

Không có thông tin về biểu tình hay tưởng niệm ở Sài Gòn.

Hôm 14/3, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà hoạt động Thảo Teresa nói: "Khác với mọi năm là chỉ áp chế những người đi tưởng niệm, năm nay, người của chính quyền vây ráp đông, đậu ôtô, xe buýt vây kín bờ hồ Hoàn Kiếm, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ nên mọi người phải đi rải rác các nơi khác".

"Tôi thì ra tượng đài Bắc Sơn để thắp nhang tưởng niệm".

"Đến khoảng 14:30, tôi nhận tin hai nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng (tự Dũng Phi Hổ) và Đỗ Thanh Vân bị phang ghế vào đầu chảy máu trong lúc đang đi đòi trả tự do cho bà Trần Thị Thảo đang bị tạm giữ tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng".

"Theo như tôi biết thì cũng có 5, 6 người khác đang bị tạm giữ tại các phường".

"Từ thực tế hôm nay thì có thể thấy chính quyền muốn dập tan mọi hoạt động tưởng niệm, trong khi báo chí Việt Nam có đề cập đến Gạc Ma thì cũng chỉ là lừa bịp mà thôi".

"Đảng Cộng sản cố tình bưng bít, lãng quên nhưng nhân dân không quên".

'Không bình luận'

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty Sách First News - Trí Việt, nói với BBC: "Nhà xuất bản Văn Học thông báo cho tôi biết là bản thảo cuốn sách Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử sẽ được duyệt xong hai ngày nữa".

"Như vậy là sách có thể phát hành vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2017".

"Việc sách ra trễ hơn dự kiến hôm 14/3 nhưng vẫn tốt hơn là không được xuất bản".

Ông cũng nói thêm: "Dù sao cũng cần ghi nhận là truyền thông Việt Nam hiện đã gọi đích danh tàu Trung Quốc bắn vào những người lính Việt Nam tại Gạc Ma năm 1988 chứ không còn ghi là 'tàu lạ' như trước".

"Hà Nội nên xây dựng bia tưởng niệm, ghi công những người đã ngã xuống ở Hồ Gươm để người dân đến thắp hương cho họ", ông nói.

Đề cập về những người đi tưởng niệm sự kiện Gạc Ma, ông nói "đó là hoạt động tưởng nhớ, hợp truyền thống uống nước nhớ nguồn, rất đáng khuyến khích".

clip_image002

Đài tưởng niệm Gạc Ma ở Cam Lâm, Khánh Hòa (ảnh của trang Thông tin Chính phủ). THONG TIN CHINH PHU

Tuy vậy, ông "không bình luận" về những trường hợp cáo buộc bị đánh khi đi tưởng niệm.

Báo Điện tử của Chính phủ Việt Nam tường thuật: "Sáng 14/3, các cựu binh Trường Sa thuộc Trung đoàn E83 tham gia chiến dịch Chủ quyền 1988 (CQ88) tại Đà Nẵng, đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma".

"Sau lễ tưởng niệm, các đồng chí đồng đội E83 tại Đà Nẵng đã tiến hành thả đèn, hoa tại cửa sông Hàn để ngưỡng vọng linh hồn 64 cán bộ chiến sĩ, đồng đội đồng chí đang nằm lại Gạc Ma".

Trang Thông tin Chính phủ cũng cho hay, Khu tưởng niệm đặt tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, để tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân hy sinh tại đảo Gạc Ma sẽ được khánh thành vào ngày 27/7/2017.

"Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 150 tỷ đồng, từ sự đóng góp của người lao động, nhân dân cả nước," website này viết.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39230087

Bài liên quan:

1. NHIỀU NGƯỜI BỊ ĐÁNH ĐẬP KHI TƯỞNG NIỆM TỬ SĨ GẠC MA

RFA

2017-03-14

clip_image004

Nguyễn Viết Dũng và Đỗ Thanh Vân bị đánh. Hình: facebook

Tại Hà Nội hôm nay diễn ra cuộc đàn áp, bắt bớ và đánh đập những người tham gia thắp nhang tưởng niệm 64 tử sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến Gạc Ma 29 năm trước, 14 tháng 3 năm 1988.

Tin tức được truyền đi khắp các trang mạng xã hội bởi những người tham gia tưởng niệm cho thấy một số người như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, blogger Nguyễn Thuý Hạnh, blogger Đặng Bích Phượng bị bắt ngay sau khi đến dâng hoa và thắp nhang tưởng niệm tử sĩ Gạc Mac tại đài Cảm Tử. Những người này được thả ra sau đó.

Trong một diễn biến khác, hai bạn trẻ là Nguyễn Viết Dũng, còn có tên là Dũng Phi Hổ và Đỗ Thanh Vân sau khi tham gia tưởng niệm đã bị lực lượng an ninh bắt và bị đánh ngay trước đồn công an phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một đoạn video được truyền trực tiếp trước cổng công an phường Bách Khoa cho thấy cả hai bị đánh đổ máu, trong đó, Nguyễn Viết Dũng cho biết:

Mình thì ôn hoà mà họ thì dùng bạo lực. Hành động này chứng tỏ họ không hề cho người dân biết. Sự thật, không phải là 1 cuộc hải chiến mà là một cuộc thảm sát 14 tháng 3 năm 1988.

Đỗ Thanh Vân, từ Hà Nội kể lại sự việc cho đài chúng tôi:

Thành phố Hà Nội đã tung ra rất nhiều công an, an ninh, mật vụ, cảnh sát cơ động để bắt bở những ngườ có ý định tham gia tưởng niệm. Có rất nhiều người bị bắt ngay tại nhà nên không đi được, những người đi giữa đường thì bị bắt. Những người như Vân, Dũng Phi Hổ và nhiều người khác nữa thì không thể tiếp cận bờ hồ. Khi không thể tưởng niệm được ở đó, bọn mình chuyển sang phương án là ra bãi giữa sông Hồng, làm nghi thức tưởng niệm là thả vòng hoa với mong muốn vòng hoa có thể an ủi vong linh người đã khuất.

Sau khi thực hiện việc thả vòng hoa, Đỗ Thanh Vân cho biết cô và Dũng Phi Hổ bị đánh khi đến đòi người ở công an phường Bách Khoa.

Ngay lập tức hai thằng ập vào đạp Dũng Phi Hổ ngã ra. Sau khi đạp Dũng, 4,5 thằng tiếp theo dàn trận sẵn rồi. Hai thằng lao vào đập Dũng, hai thằng lao vào đập mình. Mình bị chúng nó dùng 1 cái ghế nhựa đập thẳng tay chính xác vào đầu. Lẽ ra chúng nó sẽ còn tiếp tục đánh mình nhưng vì cái cú đập quá mạnh và mình bị chảy máu ngay lập tức. Máu chảy suốt một bên mặt và chảy xuống áo, che cả mắt mình.

Chúng nó thấy vậy, có lẽ một phần vì mình là phụ nữ, thứ hai là chúng thấy chảy máu nhiều quá nên không đánh mình nữa, mà tập trung vào đánh Dũng Phi Hổ. Phản xạ đầu tiên mình bị mất bình tĩnh không phải vì mình bị đau mà mình thấy Dũng bị rất là đau, nên mình mất bình tĩnh và chỉ quan tâm xem Dũng có bị nghiêm trọng thế nào hay không.

clip_image008

Hình tưởng niệm ở Cần Giờ 14/3/2017. Photo by Nguyễn Phương

Trong lúc đó, ở Sài Gòn, một nhóm bạn trẻ khoảng 6 người thực hiện việc hành động tưởng niệm tại biển Cần Giờ. Nguyễn Phương, người tham gia buổi lễ cho chúng tôi biết mọi người không gặp trở ngại gì.

Sáng nay em đi về phía Cần Giờ nên không bị quấy rối. Ở Sài Gòn thì định tổ chức ở tượng đài Trần Hưng Đạo nhưng bị an ninh và công an chặn nên không ai ra được. Tụi em vì biết trước bị canh nên chọn biển Cần Giờ để làm.

Trịnh Bá Phương, từ Dương Nội cho biết anh cũng bị bắt vào sáng nay nhưng được thả ra ngay sau đó.

Khi bắt em thì họ đưa em về phường công an Lý Thái Tổ. Tuy nhiên khi vào thì họ còn chờ xin ý kiến. trong lúc đó một số viên an ninh của Quận Hà Đông, phường Dương Nội dẫn giải em về tạm giữ phường công an Dương Nội. Sáng nay họ thả em sớm.

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, 64 chiến sĩ đã ngã xuống bởi trận thảm sát của quân Trung Cộ

ng tại bãi đá Gạc Ma. Cho đến nay, sự kiện lịch sử này hoàn toàn không được nhắc đến trong sách giáo khoa trong nước. Những cuộc tưởng niệm thắp nhang do người dân tổ chức luôn gặp cản trở từ phía chính quyền trong suốt những năm qua.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/mark-anniversay-gacma-arrested-beated-03142017085445.html

2. CHUYỆN KỂ NGÀY 14/3 CỦA TS Nguyễn QUANG A*

A Nguyen Quang

Tôi đi xe bus (lúc đi không bị chặn) sang tượng đài Lý Thái Tổ, khoảng 8h50 đến gần đó thì thấy một xe cảnh sát ở góc đường và góc bên kia thì dân phòng, cảnh sát ngồi cả chục người. Đến gần tượng đài quan sát thấy nhiều người mặc thường phục điện thoại, sắp xếp nhau (tôi nghĩ là an ninh). Lên sát tượng đài thấy khoảng 10-15 người quen đã gặp nhau ở các cuộc tưởng niệm các năm trước. Gần sát 9h tôi cùng khoảng 10 anh em vào thắp hương, đặt hoa tưởng niệm các 64 liệt sĩ Gạc Ma bị quân TQ sát hại man rợ ngày 14-3-1988. Rồi quay sang nói chuyện với mấy người. Thấy một ông chống gậy quân phục chỉnh tề cấp trung tá đến, hóa ra anh là một người đã từng đi biểu tình rất hăng hái nhiều năm trước; anh bảo anh hô hào tất cả các cựu quân nhân mặc sắc phục đi tưởng niệm. Không biết về sau anh có bị bọn nom có vẻ người Việt nhưng chắc ăn lương Tàu bắt hay không. Chúng tôi bảo sao không thấy mấy bạn No-U đâu, chắc bị chặn hết rồi.

Ngảnh sang bên thấy GS. VS. Hoàng Xuân Phú và anh Trần Tiến Đức đến, họ vào thắp hương, tôi kịp chụp cho 2 anh vài pô ảnh. Rồi thấy một cô đến hỏi tôi hôm nay là ngày gì, sự kiện gì?

Tôi bảo chị không biết ư? Hôm nay là 14-3 ngày tưởng niệm 64 liệt sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Cô ta bảo sao lại đến đây, nhà nước có chỗ tưởng niệm sao lại đến đây gây rối. À hóa ra là một DLV của ĐCSVN. Tôi hỏi chị tên là gì? Thì một bác bảo nó là Hà Lùn thì phải, thế là cô ấy bù lu bù loa lên kích động bác ấy đôi co. May mà chúng tôi khuyên mọi người chớ mắc mưu bọn khốn nạn kích động rồi lấy cớ bảo mọi người "gây rối trật tự công cộng".

Tôi nghĩ lúc đó có khoảng 40 người đến tưởng niệm (số dân đến chụp ảnh hoa anh đào quanh tượng đài thì nhiều; cộng số an ninh chìm nổi nữa thì trước tượng đài phải cỡ hơn 100). Thấy một số tay mặc thường phục ra lệnh và an ninh bắt đầu lên loa kêu giải tán, thấy các camera nhìn khá quen chĩa vào đám đông, lia hết người này người nọ, tôi đi xuống để quan sát và muốn ghi hình để post lên cho bà con xem.

Rồi 1 tay mặt rất quen đã gặp mấy lần hỏi bác đi đâu, rồi nó hô 3 tên khác tống tôi vào một chiếc xe. Lúc đó là 9:15.

Lên xe nó bảo tôi bác biết rồi nên đưa điện thoại cho nó. Tôi phản đối nói các cậu là ai, nhìn như côn đồ bắt cóc tôi lên xe lại còn đòi trấn lột điện thoại ư? Đừng đụng đến tôi.

Xe chở tôi đến CA Phường Lý Thái Tổ, tay chỉ huy xuống liên hệ, chắc không được nên cậu ta lại lên xe và bảo sang CA Long Biên.

Đến CA Long Biên, họ đưa tôi lên tầng 7 tầng 8 gì đó, có 1 cậu CA Long Biên (nhìn mặt có lẽ đã gặp nhau) cùng đưa tôi lên. Một phòng rộng thênh thang, không có ai.

Một lúc sau chúng quay lại và dẫn tôi xuống để đưa về CA Phường Gia Thụy (Phường tôi cư trú). Lúc này chỉ thấy 3, một tay chỉ huy, 2 cậu trẻ măng (một còn đeo băng BẢO VỆ đỏ chóe) ngồi cạnh tôi mỗi đứa 1 bên (lúc trước một bên 2 cậu và 1 bên 1 cậu).

Đến CA Gia Thụy, tay chỉ huy lại đòi điện thoại. Tôi kháng cự, nó ra lệnh 2 cậu kia túm chặt tay, còn chính hắn lần túi quần tôi lấy điện thoại. Tôi la lớn, các cậu đã phạm pháp trắng trợn khi bắt cóc tôi, nay lại còn phạm thêm tội nữa là tước đoạt tài sản. Chúng nhanh chóng đẩy tôi lên phòng họp trên tầng 2. Cái phòng quen vì tôi đã bị câu lưu ở đó chí ít 3 lần trong vòng chưa đầy 1 năm (lần đầu tiên là ngày xử Basam cuối tháng Ba năm ngoái).

Họ bỏ tôi ở đấy. Tôi tranh thủ làm một giấc.

Rồi có 3 người (một chắc muốn hỏi, 1 quay video và 1 ghi biên bản) cùng 2 bác người ở Phường (các bác bảo ở Tổ 9; tôi ở tổ 13). Ba tên bắt cóc tôi mất hút.

Tôi yêu cầu đưa 3 tên ấy ra đối chất, xem chúng là ai? Tên gì? Vì sao phạm pháp (bắt cóc tôi, tước đoạt tài sản của tôi)?

Còn 5 vị tôi không biết các vị là ai. Tôi muốn 5 vị làm chứng để tôi hỏi chúng (chứ không phải các vị hỏi tôi). Tôi có thể nói chuyện vui vẻ với các vị nhưng từ chối trả lời bất kể câu hỏi nào, từ chối đọc và ký bất cứ biên bản nào mà các vị làm ra vì các vị không chứng kiến sự phạm pháp của 3 tên côn đồ kia.

Tay chỉ huy (tôi nghĩ vậy vì anh ta muốn hỏi tôi) suốt từ đầu còn chẳng có thời gian giới thiệu mình là ai, cấp gì, có tư cách gì để hỏi tôi không và cũng chẳng giới thiệu 4 người kia là ai. Thi thoảng anh ta gợi ý, tôi nói là chính. Tôi bảo các bạn cứ ghi hình cho kỹ mang về cho sếp các bạn, báo cáo ông Khương, ông Chung, ông Tô Lâm hay Đại Quang hoặc Phú Trọng càng tốt. Tôi nói to để cho các vị ấy không thể hiểu lầm. Tôi nói 4 tên côn đồ đó (mà anh chủ trì bảo là an ninh Hà Nội, họ không có mặt ở đây được vì họ đã hoàn thành nhiệm vụ), tôi đòi họ ra đây, nhìn vào ống kính và đòi cho tôi 1 bản sao video để lấy chứng cứ đưa chúng ra tòa). Tay muốn hỏi giải thích, theo quy định họ có thể làm vậy mà không phải là bắt cóc và phạm luật.

Tôi bảo việc làm của An Ninh Hà Nội (vì họ thú nhận là an ninh chứ không phải côn đồ) hành xử như vậy là hết sức ngu đần: cản dân tưởng niệm các liệt sĩ chẳng hóa ra AN HN làm việc cho Tàu? Không ai có thể bôi gio trát trấu hữu hiệu lên bộ mặt của Việt Nam và của CA Việt Nam bằng chính các an ninh này và những người ra lệnh cho họ.

Rồi đến chuyện sao lại Tượng Đài Lý Thái Tổ chứ không ra Đài Liệt Sĩ Bắc Sơn.

Chuyện vai trò XHDS.

Anh ta lan sang hỏi chuyện đi nước ngoài (tôi bảo chả liên quan gì và từ chối trả lời).

Tôi hy vọng mình đã làm tốt công tác đảng vận, an ninh vận và dân vận (cho 2 bác định làm chứng).

Lúc 11:20 tôi lấy điện thoại và về nhà; vừa kịp đưa ông ra xe đi bệnh viện.

Rồi đến chỗ nhậu với nhóm nghệ sĩ nhân dân Trần Tiến.

Bây giờ đang đi dự Quốc khánh Hungary.

N.Q.A.

Nguồn: https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16/posts/1951838281710871

* Tên bài do BVN đặt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn