Vùng nước chưa bình yên

South China Morning Post

10/10/2010

Greg Torode

image Sự tăng cường quân sự của Bắc Kinh đã làm leo thang căng thẳng trong vùng Biển Đông, với các quốc gia cũng khẳng định chủ quyền của mình trên những quần đảo nhỏ nhưng hết sức chiến lược.

Bất kể bạn đang lướt sóng ở Tam Á (đảo Hải Nam, Trung Hoa), lặn biển tại Palawan (Philippines) hay đang chơi thuyền buồm ngoài khơi Nha Trang (Việt Nam), tất cả đều có thể bị làn nước xanh trong, dịu mát của Biển Đông “đánh lừa” về một cuộc sống bình yên. Theo cách diễn tả của W.H. Auden - nhà thơ Mỹ nổi tiếng - nhìn những áng mây trôi qua đường kẻ nắng cuối chân trời, khó mà tưởng tượng nổi bất cứ điều gì nghiêm trọng đang xảy ra ở đó.

Nhưng rõ ràng, một cái gì đó vô cùng đáng sợ đang diễn ra. Không thể chối cãi các tranh chấp lãnh thổ kéo dài về chủ quyền Biển Đông đang sôi sục hơn bao giờ hết. Có thể xem đó như tuyến chiến lược trong cuộc chiến mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cho sự thống trị trong một khu vực phức tạp - và những căng thẳng này sẽ ngày càng “xác định” thời đại chúng ta.

Một nghiên cứu gần đây do nhóm chuyên viên cố vấn của chính phủ Úc đưa ra đã cảnh báo, Đông Nam Á "đã không thể tách mình khỏi cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ và cuộc chiến này đến một cách dữ dội". Nghiên cứu còn cho biết thêm, va chạm giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong việc khẳng định nhân vật thứ hai trong vùng Biển Đông hiện là "ngòi nổ nghiêm trọng nhất đe dọa sự ổn định của khu vực Đông Nam Á ".

Ngay cả với một người bàng quang nhất, thì nguyên nhân sâu xa không phải là quá khó để nhìn thấy. Cứ đi bộ dọc theo bãi biển của khu vực, trong số các vật trôi giạt vào bờ - chẳng hạn một vỏ chai whisky Nhật Bản nằm bên cạnh cốc mì ăn liền của Trung Quốc hoặc một lon bia Hàn Quốc - tất cả “dấu chứng” gợi nhớ rằng Biển Đông là cửa ngõ quan trọng nhất cho việc thông thương hàng hải ở Đông Á. Đó là tuyến đường ngắn nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - đồng nghĩa là con đường ngắn nhất từ Trung Đông qua châu Âu - hầu như tất cả các tàu chở dầu nhập khẩu vào Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đi qua Biển Đông. Và một khi nguồn cung cấp nội địa giảm xuống do nhu cầu phát triển, Trung Quốc lại càng trở nên phụ thuộc vào các lô hàng được vận chuyển qua con đường chiến lược này.

Khi dọc theo mép nước, bạn cũng có thể nhận thấy những mảnh lưới, những chiếc phao câu cá thủy tinh hình bầu dục - dấu hiệu cho thấy Biển Đông đang bị “đào bới” bởi đội quân hùng hậu các tàu đánh cá trong khu vực, tất cả đều ra sức tận thu nguồn tài nguyên.

Sau một cơn bão, trên các bãi biển của Việt Nam, bạn có thể vấp phải những vỏ đạn và các loại quân trang - mảnh vụn bị vùi lấp lâu ngày của cuộc chiến Việt Nam. Chúng lại vẫn gợi nhớ tầm quan trọng chiến lược trên Biển Đông, rằng đã có sự can dự của người Mỹ trong cuộc xung đột đó, và sử dụng Biển Đông như một bàn đạp cho các cuộc tấn công cũng như rút lui khi Sài Gòn sụp đổ cách đây 35 năm.

Nếu cứ tiếp tục đi bộ dọc theo các bãi biển của khu vực mà không bị ngăn trở, cuối cùng bạn sẽ phải đi qua các địa điểm nhạy cảm hơn nhiều so với các mảnh vụn kia.

Trên đảo Hải Nam, bạn sẽ bị chặn lại bởi một trong những cơ sở quan trọng nhất của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), căn cứ hải quân Ngọc Lâm (Yulin), ngoài khơi Tam Á. Tại đây, việc triển khai các bến tàu ẩn dưới các sườn núi, sẽ là bản doanh cho hạm đội tàu ngầm của đại lục, một lực lượng đang được ra sức tăng cường cả về chất lẫn lượng. Trong vài năm tới, cả loại tàu ngầm truyền thống và tàu ngầm hạt nhân - bao gồm cả các "thuyền" khổng lồ mang tên lửa đạn đạo, tạo thành một phần then chốt trong hệ thống phòng thủ hạt nhân của Bắc Kinh - sẽ được đặt tại Ngọc Lâm.

Căn cứ Ngọc Lâm mang tầm chiến lược quan trọng ở Biển Đông. Nếu liếc qua bản đồ, bạn sẽ thấy đường bờ biển Trung Hoa với phần nhiều bãi cạn trải dài hơn 200 cây số ngoài khơi. Đó là thềm lục địa và đặc biệt không có ích nếu bạn muốn di chuyển tàu ngầm ra vào mà không bị phát hiện. Ngọc Lâm, vốn lợi thế nằm cách xa các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc, lại tương đối gần vùng nước sâu - rãnh đại dương quay về hướng Đông, nơi vùng nước sâu hơn bao quanh Philippines. Vùng nước này trải dài xuống những lối đi quan trọng dẫn vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thông qua quần đảo Indonesia. Trung Quốc tránh nói tới nỗi khiếp sợ: Biển Đông là sự sống còn. Qua cửa ngõ này, Bắc Kinh sẽ có thể lập dự án xây dựng sức mạnh hàng hải vượt ra ngoài phạm vi các quần đảo, bao gồm cả Nhật Bản và Guam, đến phần còn lại của thế giới, những nơi mà sự phát triển kinh tế đòi hỏi hiện diện.

Còn tại Việt Nam, cuộc dạo biển của bạn cuối cùng sẽ dẫn đến Vịnh Cam Ranh, gần Nha Trang - thành phố du lịch đang phát triển như vũ bão. Là cảng lánh nạn tự nhiên lớn nhất ở Đông Á, Cam Ranh là một “viên ngọc” trong chiến tranh lạnh - được xây dựng bởi Hoa Kỳ suốt thời kỳ cao điểm của cuộc chiến Việt Nam và chỉ được “bàn giao” lại cho Mátxcơva từ tay Hà Nội, khi quan hệ với Bắc Kinh ngày càng xấu đi vào cuối những năm 1970. Mátxcơva đã nhanh chóng thiết lập căn cứ chiến lược nghe ngóng hoạt động của “địch” được điều khiển bằng tàu ngầm và sử dụng các đường băng rộng lớn được người Mỹ để lại làm “bãi đậu” chiến đấu cơ.

Những người Nga cuối cùng chỉ rời khỏi Cam Ranh được một vài năm trước đây, bây giờ, như một vị khách du lịch bay đến Việt Nam, từ trên cao họ có thể nhìn xuống và thấy sự “lấp lánh” của những tàu chiến mới tinh do Nga sản xuất. Cảng Cam Ranh cũng chính là nơi trú ngụ của 6 chiếc tàu ngầm Kilo mà Hà Nội đang đặt mua từ Mátxcơva. Các chiến lược gia Việt Nam cầu mong những chiến thuyền này đủ sức ngăn chặn sự bành trướng của quân đội Trung Quốc.

Sang đến Philippines, các đô đốc hải quân của nước này có thể chỉ được mơ đến những vũ khí hạng nặng như vậy. Trên bờ Đông đảo Palawan, các sĩ quan cao cấp của lực lượng WestCom (lực lượng vũ trang trực thuộc quân đội Philippine) chỉ biết tập trung vào những buổi chiều ấm áp để… chơi golf bên các rặng san hô. Họ có lựa chọn nào khác ngoài việc trầm tư về sự bất lực của mình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, khi nước này chiếm các đảo ngoài khơi của họ.

Vào thập kỷ trước, một vị tướng người Philippines nói với tôi rằng một quả bom trị giá 1.000 bảng Anh thôi là đủ để "sắp xếp lại mọi thứ", ý ông muốn đề cập đến các công trình xây dựng của Trung Quốc trên đảo Mischief Reef - nằm trong tuyên bố chủ quyền khu vực kinh tế của Philippines và là hòn đảo gần Biển Đông nhất tính từ Vịnh Manila. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lúc đó căm giận mô tả Trung Hoa như là “một con chó đi tiểu khắp nơi để đánh dấu lãnh thổ của mình". Còn lúc này, thật khó mà tưởng tượng được một quan chức Philippine có thể nói một điều như vậy, trước tầm ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh khoe khoang có lực lượng quân đội mạnh nhất khu vực - với Mỹ vẫn là quyền lực hùng mạnh nhất châu Á - thì Philippines vẫn là một trong những nước yếu nhất, bị bỏ lại sau lưng với các loại vũ khí thời chiến tranh Việt Nam. Quốc gia này phải hy vọng hiệp ước quốc phòng với Mỹ để tồn tại.

Tuy nhiên, để thực sự hiểu được Biển Đông, bạn không thể dừng lại ở bờ biển mà phải tiến ra ngoài khơi xanh trong bao la của nó. Đây chính là nơi khiến cho khu vực này trở nên trung tâm của mọi sự chú ý. Những cảnh quan hùng vĩ, có thể mê hoặc bạn như những chuỗi trang sức trải ra trên nền xanh của biển: những rặng san hô, bãi cạn, núi ngầm - chúng kéo dài và tạo thành hai quần đảo rộng lớn. Ở phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa. Phía Nam, quần đảo lớn hơn gọi là Trường Sa. Thực sự là đảo thì rất ít, hầu hết là đá ngầm không thể tổ chức dân cư được. Tuy nhiên, cả hai quần đảo này lại là tâm điểm của các cuộc cãi vã trong khu vực.

Đại lục và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Malaysia, Philippines và Brunei tuyên bố một phần quần đảo Trường Sa. Đài Loan cũng tuyên bố ăn theo của Bắc Kinh. Nếu có nơi nào đó tập trung nhiều lực lượng quân đội nhất của khu vực Đông Á thì đó là Biển Đông.

Đại lục đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và xây dựng hàng chuỗi các tiền đồn quân sự, một đài quan sát chiến lược, kể cả một đường băng trên đảo Woody.

Đến nay, Trường Sa vẫn phức tạp hơn. Ước tính Việt Nam đang kiểm soát khoảng 30 đảo nhỏ và các rặng san hô, với khoảng 600 binh sĩ và các thành lũy bảo vệ. Philippines chiếm 10 mục tiêu, Trung Quốc 9 (nhưng không thực sự là đảo) và Malaysia 7. Đài Loan chỉ chiếm giữ 1 nhưng đó là hòn đảo lớn nhất. Khoảng 100 lính Đài Bắc đồn trú trên diện tích 40ha của Itu Aba - hòn đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa có nguồn cung cấp nước ngọt. Nó nằm trên một rặng san hô cách đảo Sand Cay (Sơn Ca) của Việt Nam khoảng 2,2km.

Không thể có sự sở hữu, thậm chí ngay cả trên đảo lớn nhất Itu Aba, chưa bao giờ duy trì được một khu vực dân sự. Thực tế này có thể là điểm mấu chốt trước những tuyên bố khác nhau, mở đường cho một phiên tòa quốc tế. Thiếu sự hiện diện của một cộng đồng dân cư tự nhiên, thì hầu như không thể lấy một hòn đảo nhỏ ngoài khơi nào đó để đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Theo một số sĩ quan quân đội, sự gia tăng đáng kể số lượng tàu hải quân của các bên, gồm tàu tuần dương, lực lượng bảo vệ thủy sản và các tàu khảo sát đang có mặt tại khu vực tranh chấp - ấy là chưa đề cập đến hàng trăm ngàn tàu bè thương mại đi qua vùng nước này mỗi năm - là một tai nạn đang trực chờ trên biển.

Hạm đội 7 Hoa Kỳ có truyền thống coi Biển Đông như là phần nhiệm vụ cốt lõi của mình trong việc bảo đảm cho tuyến đường biển thương mại của cả thế giới luôn được tự do thông thương. Sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc đang xác định lại vai trò của Hoa Kỳ và căn cứ tàu ngầm Ngọc Lâm chính là mục tiêu của các hoạt động giám sát của Hoa Kỳ và đồng minh (đặc biệt là Nhật Bản và Úc).

Điều ít “hiển thị” ở đây là những “người” đang tìm kiếm các mỏ khoáng sản và trữ lượng dầu chưa được khai thác của khu vực. Trong khi, đại lục ở phương Bắc và Việt Nam ở phía Tây Nam đã sản xuất dầu và khí đốt - dầu thô đang là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hà Nội - thì nhiều tiềm năng của vùng biển này vẫn còn là phỏng đoán. Và những gì đã “nghe” đòi hỏi phải được chứng minh.

Theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong một cuộc khảo sát quần đảo Trường Sa, cho biết: "Không có ước tính đáng tin cậy nào về các trữ lượng tiềm năng. Các vùng bể trầm tích đặt giả thuyết về tiềm năng của mỏ dầu và khí đốt, nhưng phần lớn khu vực chưa được thăm dò".

Chỉ một vài năm trước đây, nguyên nhân “vàng đen” được xem là cốt lõi của tranh chấp. Tuy nhiên, càng ngày, người ta càng thấy biển đóng vai trò như là một cửa ngõ sống còn để Trung Quốc thực hiện tham vọng “màu xanh lơ” của mình, đó mới là tất cả sự quan tâm ở khu vực và xa hơn nữa.

Trao đổi riêng với các chiến lược gia trong quân đội Trung Quốc sẽ nhận thấy rõ ràng họ đang có tâm trạng không kiềm chế.

"Đó sẽ là một sai lầm cho bất cứ ai khi nghĩ rằng bằng cách kiểm soát các quần đảo Trường Sa là họ có thể kiểm soát biển Nam Trung Hoa và từ đó có thể kìm hãm Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra", một chiến lược gia đã nói như thế bên lề một hội nghị an ninh khu vực gần đây.

Trong những tháng gần đây, hải quân của đại lục tổ chức tập trận quy mô chưa từng thấy, dẫn đến hậu quả hàng trăm ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ, đồng thời làm “áp lực” trên các đại gia dầu khí quốc tế, buộc phải rút lại các thỏa thuận thăm dò biển đã ký với Việt Nam. Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh các và phản đối sự giám sát của Hoa Kỳ ở Biển Đông - ngay cả khi Mỹ và đồng minh nhấn mạnh dựa vào các công ước quốc tế cho phép hoạt động quân sự này được thực hiện định kỳ trong các vùng biển quốc tế, bao gồm cả các đặc khu kinh tế mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Các động thái như thế cho thấy một sự khẳng định của Trung Quốc về "chủ quyền lịch sử" gần như toàn bộ Biển Đông. Đi xa hơn giả thuyết về một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được quy định trong Luật biển của Liên Hợp Quốc, đường ranh giới lãnh hải được Trung Quốc “vẽ” bắt đầu từ bờ biển phía Nam đảo Hải Nam, qua Việt Nam thọc dài xuống đến tận Indonesia, trước khi quét lên vùng biển bên dưới Đài Loan. Đường hải giới 9 đoạn xuất hiện đầu tiên trên một bản đồ của Quốc Dân Đảng cuối những năm 1940, sau này được đưa vào trong hải đồ của hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Các quan chức của đại lục từ lâu áp dụng chiến lược mập mờ về các tuyên bố liên quan, nhưng năm ngoái, điều làm cả khu vực rất ngạc nhiên là họ đã kèm bản đồ này cùng với bộ hồ sơ gửi đến Liên Hiệp Quốc để chính thức phản đối động thái của Việt Nam và Malaysia khi hai nước này cùng nhau tuyên bố các phân định thềm lục địa của mình.

Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, hồ sơ tuyên bố: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Nam Hải và các vùng nước lân cận, đồng thời nắm giữ các quyền tài phán tối cao của khu vực" - một tuyên bố dường như còn đòi hỏi nhiều hơn các quyền được trông đợi trong vùng đặc quyền kinh tế mà Luật biển Liên Hiệp Quốc quy định.

Khi tầm nhìn chiến lược trở nên u ám, một con mắt vẫn phải tiếp tục để ý đến Việt Nam. Hà Nội có một mối quan hệ kiểu “tâm thần phân liệt” với người láng giềng khổng lồ phương Bắc, phản ánh mối quan hệ giữa những “người anh em cộng sản”, cả những tiến bộ trong các tranh chấp khác cũng như những mối nghi ngờ đen tối hơn từ “cổ chí kim”.

Rất ít quốc gia đã dám tự xác định tiến hành chiến tranh giành độc lập và chủ quyền hoàn toàn như Việt Nam hiện nay và Nam Hải, Việt Nam “cứng đầu” gọi là Biển Đông, là phần trọng yếu trong chiến lược tuyên truyền quốc gia. Các bài báo “rực rỡ” ca ngợi tấm gương các thủy thủ trung thành bảo vệ quần đảo Trường Sa phủ đầy các trang báo nhà nước. Các đoàn văn nghệ với các nữ ca sĩ trẻ xinh được tổ chức ra đảo khích lệ tinh thần các thủy thủ. Tướng lĩnh của họ sợ một cuộc xung đột - thậm chí là một cuộc xung đột có giới hạn - với tân cường quốc Trung Hoa, nhưng điều họ muốn là tạo ra một trở lực khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ hai lần trước khi quyết định tấn công.

Một phần của nỗi sợ hãi đã đẩy Việt Nam phải khởi động một loạt chiến dịch ngoại giao quân sự chưa từng thấy của mình. Tìm cách “ve vãn” quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, một kẻ thù trong quá khứ, và buộc đưa các vấn đề ở Biển Đông trở lại chương trình nghị sự của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Washington đã đánh hơi được một cơ hội ngàn vàng khi cam kết tái tham gia vào khu vực tranh chấp này và vạch ra giải pháp “hòa bình và đa phương” như là một "ưu tiên ngoại giao" của Hoa Kỳ - những lời du dương như một bản nhạc rót vào tai Việt Nam và các quốc gia có tranh chấp khác, những người sợ phải “chơi tay đôi” với Bắc Kinh trong bất kỳ thương lượng nào. Tuy nhiên, Washington đã ngăn ngừa được sự giật lùi trong các tuyên bố riêng lẻ.

Cách đây chỉ một năm, Việt Nam đang còn phải chật vật để có được bất kỳ “lực kéo” nào giữa lúc áp lực khốc liệt từ Bắc Kinh quay lại. Tuần này, Hà Nội sẽ chủ trì một hội nghị lần đầu tiên trong lịch sử giữa 10 Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và các đối tác từ Mỹ, Nhật, Nga, có cả Trung Quốc và 4 cường quốc khu vực khác. Dĩ nhiên, những căng thẳng hiện nay (ở Biển Đông) được xếp ưu tiên cao trong nghị trình.

Điều cấp bách không phải là nỗi sợ hãi về một cuộc chiến quy mô lớn nổ ra ở Biển Đông mà là sự thông thương, trước nguy cơ gia tăng một tai nạn hoặc tính toán sai lầm có thể đẩy nguy hiểm vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Qua lăng kính xáo trộn của lịch sử rất gần đây, ta có thể tìm hiểu tình hình căng thẳng hiện nay. Trường Sa là trận địa trong trận chiến cuối cùng giữa hai quốc gia ở Đông Nam Á, khi tàu chiến của đại lục đụng độ với tàu tuần dương Việt Nam tại đảo Johnson South Reef vào năm 1988. Khoảng 70 thuỷ thủ Việt Nam đã chết hoặc mất tích. Quân Trung Quốc chiếm được 6 mục tiêu sau trận đánh. Một trong số đó có đảo Fiery Cross Reef, hiện là nơi đặt hệ thống radar cảnh báo sớm.

Trang YouTube có video quay lại trận đánh, kèm theo những ý kiến từ người xem ở cả hai bên, cho thấy cơn thịnh nộ dân tộc và sự kiện này vẫn còn gây nhiều suy nghĩ. Nhưng sự kiện được nhắc đến nhiều hơn là vụ đại lục đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa 14 năm trước đó, vào năm 1974.

Lúc ấy, Hà Nội đã ở trong tư thế sẵn sàng để bắt đầu cuộc "Đại tiến công mùa xuân", chiến thắng cuối cùng đẩy Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt hơn hai thập kỷ của cuộc đấu tranh vũ trang - được sự hậu thuẫn quân sự lớn từ đại lục.

Các tướng lĩnh Hà Nội, đang còn say sưa với cuộc tiến công của mình vào miền Nam, một ngày kia thức tỉnh và khám phá ra rằng “tình đồng chí có giới hạn của nó” và người anh em đứng sau lưng họ đã lợi dụng tình trạng xáo trộn của hải quân Việt Nam Cộng Hòa khi ấy để đánh chiếm luôn quần đảo Hoàng Sa.

Trong một phản kháng cuối cùng của mình, chính phủ miền Nam Việt Nam đã nộp đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc tại New York. Thời điểm đó, Hà Nội đã không phản đối các động thái của Bắc Kinh.

Người Việt Nam vẫn còn sôi sục với sai lầm đó. Những “vùng nước ấm” của Biển Đông chỉ có khả năng sáng lạng hoặc hơn nữa, trong những năm tháng tới. Một khu vực đầy bất trắc có được biến đổi hay không, chính là hy vọng rằng những cái đầu tỉnh sẽ chiến thắng.

Nguồn: Viet-studies

Quốc Ngọc dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn