Từ Sihanouk đến Hun Sen

Lê Mai

Sihanouk và Hun Sen, hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của Cambodia, cách nhau một thế hệ. Cả hai đều là những người “rất Cambodia” – nghĩa là thường xuyên “thay đổi” các quan điểm chính trị, miễn sao có lợi cho mình.

Sihanouk là một ông hoàng có tài ngoại giao khéo léo, tranh thủ được nhiều cường quốc trên thế giới giúp đỡ, lại có uy tín cao đối với nhân dân Cambodia. Ông ta cũng nổi tiếng với tính khí thất thường, hay thay đổi. Còn Hun Sen, phải công nhận ông ta là người có tài – tất nhiên, không phải cái luận án Tiến sỹ chính trị “Tính đặc thù của quá trình cách mạng Campuchia” làm tại VN. Từ chỗ chỉ có thể nói đôi chút tiếng Anh, đến Hội nghị quốc tế Paris về vấn đề Cambodia năm 1991, ông ta đã có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh. Cũng như ông hoàng Sihanouk, Hun Sen còn viết sách, sáng tác âm nhạc, song có lẽ kiến thức về “y học” thì không thể bằng người đồng cấp nước láng giềng Cambodia!

Sau năm 1954, VN tạm thời chia làm hai miền Nam, Bắc. Sihanouk thường xuyên yêu sách với VNCH về vấn đề biên giới, cho quân đội quấy nhiễu buộc cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu phải viếng thăm Cambodia để giải quyết. Vấn đề biên giới giữa hai nước đã được giải quyết bằng việc hai bên mặc nhiên công nhận Hiệp ước về biên giới Việt – Miên do Pháp và Miên hoàng ký năm 1873. Lúc bấy giờ, Phnom Pênh không có quan hệ ngoại giao với Hà Nội.

Nhưng, sau chuyến viếng thăm đáp lễ của Sihanouk đến VNCH, bỗng nhiên quan hệ giữa Cambodia và VNCH xấu hẳn đi. Cố vấn Ngô Đình Nhu bí mật chỉ đạo việc giúp đỡ cho hai nhân vật chống Sihanouk là Sam Sary và Sơn Ngọc Thành nhằm lật đổ chính phủ Sihanouk. Song, Sihanouk rất khôn khéo, chẳng bao lâu Sam Sary bị Sihanouk bắt và bị giết. Không chịu thất bại, lần này Ngô Đình Nhu đặt lòng tin vào Đáp Chuôn, Tỉnh trưởng Siem Reap – một người chống Sihanouk và có tham vọng lật đổ Sihanouk. Nhu tặng ông ta 100 ký vàng để nhờ ông ta lật đổ Sihanouk. Thế nhưng, mọi âm mưu của VNCH đều bị Sihanouk theo dõi chặt chẽ nên khi Đáp Chuôn chuẩn bị đảo chính, Sihanouk bèn đem quân tấn công Siem Reap, bắt và xử bắn Đáp Chuôn tại chỗ. Thêm nữa, hai sĩ quan truyền tin VNCH được Nhu bí mật phái đến bên cạnh Đáp Chuôn để liên lạc với Sài Gòn cũng bị xử tử với tang vật là điện đài, sổ ghi chép và 270 ký vàng thoi để trả công cho phe chống đối. Đại sứ VNCH là Ngô Trọng Hiếu bị trục xuất khỏi Cambodia.

Sihanouk quay sang thân với Hà Nội và để cho “Việt Cộng” đứng chân trên đất Cambodia. Rõ ràng, Sihanouk rất quyền biến và thay đổi bạn bè rất nhanh.

Vào trung tuần tháng 3.1970, Sihanouk vừa đặt chân đến sân bay Mátxcơva, Thủ tướng Liên Xô Kosyghin ra đón và nói với ông ta, ngài có thể ở lại Mátxcơva đêm nay nếu ngài muốn, nhưng sáng mai ngài nên trở lại Pnom Pênh. Ngài đừng để Campuchia rơi vào tay bọn Lon Nol, Xirich Matắc. Quả nhiên, mấy hôm sau, Sihanouk đã bị Lon Nol – kẻ cầm đầu cuộc đảo chính phế truất. Sihanouk quyết định đi Bắc Kinh tìm sự giúp đỡ của TQ. Từ đây, Sihanouk trở thành một con bài trong tay người TQ lắm thủ đoạn, nhiều mưu kế.

“Ngài vẫn là Quốc trưởng duy nhất của Cambodia, chúng tôi không công nhận bất cứ ai khác” – Chu Ân Lai nói với Sihanouk ngay bên cạnh chân cầu thang máy bay vừa hạ cánh. Chớp thời cơ, ngày hôm sau, Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng nhanh chóng tới Bắc Kinh gặp Sihanouk. Ông nồng nhiệt chào đón Sihanouk và nói, “thế là bây giờ chúng ta cùng là bạn chiến đấu và chúng tôi rất tự hào được nhìn thấy ngài đứng trong cùng một chiến hào với chúng tôi”. Sihanouk yêu cầu VNDCCH gửi cán bộ huấn luyện quân sự. Ông Đồng đáp, tôi sẽ nói với Tướng Giáp gửi giúp ngài những cán bộ xuất sắc.

Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia được thành lập trên đất TQ và hầu hết các bộ của nó đều nằm ở TQ. Sihanouk hoàn toàn phụ thuộc vào TQ.

Sihanouk tự hào được Chu Ân Lai lo lắng cho mọi thứ, ngay cả chuyện ông ta thích các món ăn Pháp cũng được Chu lưu tâm tới. Mỗi khi cần di chuyển, Chu luôn dành cho Sihanouk những chuyến tàu đặc biệt xa hoa hoặc chuyên cơ. Chính phủ TQ đã chuyển Bộ Ngoại giao đặt tại một tòa nhà rộng rãi, to đẹp đi nơi khác để dùng làm tư dinh cho Sihanouk đã bị phế truất, đồng thời còn tuyên bố đây là “lãnh thổ” bất khả xâm phạm của Sihanouk, muốn sử dụng đến bao giờ cũng được. Ngoài ra còn có nhân viên phục vụ, đội ngũ đầu bếp tài giỏi, một ban thư ký lớn và các dịch vụ của một hoàng cung, nhân viên văn phòng, người làm vườn, một đội xe con, một trung tâm thể thao và cả một phòng chiếu phim riêng. Khi Sihanouk đặt vấn đề “trả tiền”, Mao nói với ông ta: “Chúng tôi không phải là bọn lái súng. Về một số lĩnh vực khác, có thể nói chuyện cho vay hoặc trả tiền sau, nhưng về vũ khí thì không”. Rồi Mao tiếp, “tôi đề nghị ngài đưa thêm nhiều người đến đây nữa. Ngài càng có thêm nhiều người đi theo, tôi càng vui mừng. Càng nhiều người đoàn tụ chung quanh ngài, tôi càng vui sướng. Ngài chớ nên quá quan tâm những chuyện vặt này. Hãy tập hợp nhiều người hơn nữa ở đây. Nếu họ không ra trận được thì cứ đến đây với ngài. Sáu trăm, một nghìn, hai nghìn, hơn nữa cũng được. TQ luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận và cung cấp cho họ mọi thứ cần thiết”.

Cho nên, chúng ta không ngạc nhiên khi Sihanouk sáng tác bài hát “Nhớ Trung Hoa” để “dâng tặng nhân dân TQ”. Rồi ông ta tiếp tục sáng tác một bản nhạc với tựa đề: “Ôi Trung Hoa, Tổ quốc yêu dấu thứ hai của tôi”!

TQ nhìn rất xa khi sử dụng con bài Sihanouk. Dù được Chu Ân Lai ưu ái như vậy, song Sihanouk đâu có biết, Chu nói với Tiến sỹ Kissinger trong một cuộc hội đàm, “Sihanouk thường xuyên nói với người khác những gì tôi nói với ông ta, thậm chí cả những điều tôi chưa từng nói với ông ta. Do đó, bằng lời khuyên của ngài và kinh nghiệm bản thân, chẳng bao giờ chúng tôi nói với ông ta toàn bộ vấn đề”.

TQ, một mặt ủng hộ Sihanouk, mặt khác lại ủng hộ Khmer Đỏ. TQ biết rằng nếu ủng hộ Sihanouk sẽ tạo cho Khmer Đỏ cơ hội có một không hai để truyền bá chủ nghĩa cộng sản ở Cambodia và như thế, TQ sẽ có được một đồng minh vô điều kiện. Lịch sử đã chứng minh điều đó.

Sihanouk cũng được VNDCCH giúp đỡ rất nhiều. VNDCCH đã từng tổ chức cho ông ta trở về Cambodia qua con đường Trường Sơn, sau thời sống gian lưu vong tại Bắc Kinh. Ông ta rất nhiều lần gặp các nhà lãnh đạo VNDCCH như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, Hà Nội cũng nhiều lần khó chịu vì trò chơi hai mặt của ông ta.

Đến đây, chúng ta trở lại với Hun Sen. Phải thừa nhận, ông ta là một nhân vật xuất sắc của Cambodia. Với quyền tự vệ chính đáng và để cứu nhân dân Cambodia khỏi họa diệt chủng, VN đã tấn công Cambodia, quét sạch bọn Pôn Pốt và ở lại Cambodia mười năm, song cũng phải trả giá khá đắt. Hun Sen được VN cứu vớt và đưa lên hàng ngũ lãnh đạo Cambodia. Hơn ai hết, Hun Sen biết rõ điều đó. Và thời gian mấy chục năm qua có vẻ như ông ta là đồng minh đáng tin cậy của VN. Song, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Đứng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của TQ trên đường trở thành một cường quốc, giữa VN và TQ, Hun Sen chọn ai?

Lịch sử dường như một lần nữa lặp lại. Chúng ta nhớ lại Sihanouk đã ngả theo TQ như thế nào. Bây giờ đến lượt Hun Sen. Họ đều là những người Cambodia đặc trưng. Từ Sihanouk đến Hun Sen, TQ luôn luôn giữ vai trò chi phối Cambodia. Thông điệp mà Hun Sen gửi cho VN thật quá rõ ràng: Hun Sen hoàn toàn ngả theo TQ trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Phải chăng, kẻ nào chi nhiều tiền, kẻ đó là người điều khiển?

Con đường duy nhất để một đất nước trở thành đối tác được tôn trọng và tin cậy của thế giới là đất nước đó phải phát triển hùng mạnh, phải hòa nhập với thế giới văn minh. Hành động của Hun Sen tại ASEAN 45 không có gì khó hiểu. Và vì vậy, phải chăng, VN chỉ có thể tự trách mình?

L. M.

Nguồn: lemaiblog.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn