Martin Luther King, biểu tượng đấu tranh dân quyền




VOA

Mục sư Martin Luther King Jr. vẫy chào đám đông tại Đền tưởng niệm Lincoln khi ông đọc bài diễn văn nổi tiếng “I Have a Dream” (Tôi có một ước mơ) trong cuộc Tuần hành ở Washington, ngày 28 tháng 8, 1963.

Martin Luther King Jr., hiện thân của phong trào dân quyền ở Mỹ, bị ám sát cách đây 50 năm vào ngày 4 tháng 4 năm 1968. Dưới đây là một số sự kiện chính về cuộc đời của ông.

Đầu đời

Martin Luther King Jr. sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Ông là con của ông Martin Luther King Sr., một nhà thuyết giáo và nhà lãnh đạo dân quyền có tiếng ở địa phương, và bà Alberta King, một cựu giáo viên. Ông King nói rằng ông lần đầu tiên ý thức về nạn kì thị chủng tộc lúc 6 tuổi, khi cha của một người bạn da trắng cấm con trai chơi với ông.

Tổ chức biểu tình

Ông King bắt đầu được biết tới vào giữa những năm 1950. Trong tư cách một nhà thuyết giáo trẻ tuổi, ông đã dẫn đầu một nỗ lực thành công để xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc trên xe buýt công cộng tại thành phố Montgomery ở bang Alabama, buộc thành phố này phải chấm dứt việc kì thị hành khách người da đen. Ông đã tổ chức các cuộc biểu tình trong suốt những năm 1950 và 1960 chống lại sự phân chia chủng tộc ở miền nam của Mỹ, cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng và quyền đầu phiếu của người da đen.

Bất bạo động

Ông King hiểu rằng chìa khóa tới thành công cho phong trào dân quyền là một chiến lược biểu tình bất bạo động, điều mà mà ông cổ súy thay cho nổi dậy vũ trang. Ông nói rằng ông được truyền cảm hứng từ những lời dạy của nhà lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi. Phong trào này được thử nghiệm ở những nơi như thành phố Birmingham, bang Alabama, nơi mà cảnh sát xua chó tấn công và xịt vòi rồng để giải tán học sinh biểu tình, và ở Selma, bang Alabama, nơi mà một cuộc tuần hành năm 1965 được nhớ tới như là “Chủ Nhật Đẫm máu” vì cảnh sát tấn công người biểu tình.

Tuần hành ở Washington

Bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một ước mơ” của ông King đã đưa một phong trào, trước đó chủ yếu là một phong trào của người da đen ở miền Nam, thành một cuộc vận động dân quyền toàn quốc. Đến tháng 8 năm 1963, nỗ lực tranh đấu cho quyền bình đẳng đã phát triển mạnh mẽ khắp nước Mỹ và 250.000 người, cả da đen và da trắng, đã tuần hành tới thủ đô để tham gia cuộc Tuần hành ở Washington. Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và không ai bị bắt.

Chiến thắng chính trị

Phong trào dân quyền lên đến đỉnh điểm vào năm 1964, khi Tổng thống Lyndon Johnson ký Đạo luật Quyền Dân sự cấm kì thị chủng tộc ở những nơi công cộng và ông King được trao giải Nobel Hòa bình. Năm sau, Đạo luật Quyền Bầu cử cấm các tập tục từng được sử dụng để ngăn người da đen tham gia vào các cuộc bầu cử.

Bị ám sát

Vào ngày 4 tháng 4 năm 1968, một phát súng duy nhất đã giết chết ông King trên ban-công nhà nghỉ ở thành phố Memphis, bang Tennessee, nơi ông đang ủng hộ các công nhân vệ sinh đình công. James Earl Ray, một kẻ kì thị chủng tộc, nhận tội bắn ông King và ngồi tù đến hết đời. Ông King, qua đời ở tuổi 39, đã diễn thuyết vào đêm hôm trước mà dường như dự báo về vụ ám sát. “Tôi đã nhìn thấy Miền đất Hứa. Tôi có thể không đến đó được với các bạn, nhưng đêm nay tôi muốn các bạn biết rằng chúng ta trong tư cách một dân tộc sẽ đến đó,” ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/martin-luther-king-bieu-tuong-dau-tranh-dan-quyen/4331102.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn