Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Việt Nam: Ký kết về đường sắt và gì nữa?

BBC

13 tháng 10 2024

Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai nước đã ký kết 10 thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận về kết nối đường sắt, triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR. 

Chụp lại hình ảnh: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào hôm nay 13/10Nguồn hình ảnh: Getty Images

Vào sáng nay 13/10, Thủ tướng Lý Cường đã hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông cũng đã đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Trước đó, vào buổi tối 12/10, sau khi vừa đặt chân đến Hà Nội, ông Lý Cường đã có cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Chuyến thăm lần này của ông Lý Cường diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

Theo lịch trình dự kiến, sau khi hội đàm với ông Chính, ông Lý Cường sẽ có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc trước khi về nước vào ngày 14/10. 

Thời gian gần đây, các lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều cuộc tiếp xúc.

Vào tháng 6/2024, ông Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc. 

Tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. 

Từ ngày 9-12/10, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã có chuyến thăm Trung Quốc, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.

Ký kết 10 thỏa thuận hợp tác

Sáng 13/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Cường và chứng kiến lễ trao văn kiện hợp tác giữa hai nước. 

Tại đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 10 thỏa thuận, đáng chú ý là những văn kiện về kết nối đường sắt, nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR..., theo báo điện tử Chính phủ

Cụ thể, 10 văn kiện được ký kết gồm:

  • Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
  • Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
  • Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc cùng thúc đẩy dự án sửa chữa, bảo trì Cung Hữu nghị Việt - Trung.
  • Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ sáng kiến Phát triển toàn cầu.
  • Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững.
  • Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu về mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
  • Kế hoạch hành động giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Chương trình Quản lý tín nhiệm doanh nghiệp của Hải quan Trung Quốc.
  • Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc.
  • Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
  • Bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ mong muốn tăng cường kết nối đường sắt, nhưng tới nay vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể hay chi phí ước tính của việc nâng cấp kết nối. 

Trả lời BBC News Tiếng Việt vào đầu tháng 10, Phó Giáo sư Dragan Pavlićević từ Đại học Giao thông Tây An-Liverpool (Trung Quốc) nói:

"Chúng ta phải chờ xem điều khoản của thỏa thuận này - dự án sẽ chính xác có hình dạng ra sao và cấu trúc thế nào và sau đó là hiệu quả kinh tế. 

"Thế nhưng, các tuyến đường sắt được đề xuất có tiềm năng mang lại lợi ích cho cả hai nước. Dường như mục tiêu của Việt Nam không chỉ là cải thiện thương mại với Trung Quốc mà còn sử dụng các tuyến đường sắt làm một bước đệm để phát triển lĩnh vực đường sắt của Việt Nam, cải thiện đầu tư và môi trường kinh doanh nói chung và là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế và hơn nữa".

Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Giới chức hai nước đánh giá đây là lĩnh vực có ý nghĩa to lớn để kết nối chiến lược hai nền kinh tế, kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Liên quan tới việc xây dựng đường sắt, vào ngày 5/10, ông Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc "thúc đẩy triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc".

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tham gia vào việc xây dựng đường sắt tốc độ cao xuyên biên giới ở Lào và đường sắt cao tốc ở Indonesia, đều là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

'Ưu tiên' của ông Tô Lâm

Chụp lại hình ảnh: Trong cuộc hội kiến, ông Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nguồn hình ảnh: Getty Images

Vào tối 12/10, ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội, Thủ tướng Lý Cường đã có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại đây, ông Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

Về mặt giao thiệp, Việt Nam luôn có các hành động, tuyên bố nhằm khiến Trung Quốc an lòng, hay ít nhất là không có lý do để phật lòng.

Hồi tháng 9/2023, khi Tổng thống Joe Biden thăm Hà Nội, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao vượt bậc lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ, cấp cao nhất trong hệ thống ngoại giao thang bậc của Việt Nam. 

Cấp độ này tương đương với cấp độ mà, lúc bấy giờ, Việt Nam đang có với Trung Quốc. Do đó, vào cuối năm 2023, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Hà Nội, hai nước đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai, là một cách để Hà Nội cho thấy họ có mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh cao hơn so với Washington.

Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Lý Cường lần này, thông điệp của ông Tô Lâm cũng không nằm ngoài mục đích trấn an Trung Quốc về sự thủy chung, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chính sách đa phương trong quan hệ quốc tế.

Hồi cuối tháng 9, ông Tô Lâm đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề sự kiện tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. 

Việt Nam cũng vừa nâng cấp quan hệ với Pháp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện vào đầu tháng 10. 

Hôm 10/10, ông Jedidiah P. Royal, phó trợ lý thường trực của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cho biết Mỹ và Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác quốc phòng và các lợi ích an ninh chung.

Đây là những bước đi có thể khiến Trung Quốc bất an.

Theo Tân Hoa Xã, tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, ông Tô Lâm đã nói rằng Việt Nam "kiên định tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và kiên quyết phản đối mọi hình thức hoạt động ly khai 'Đài Loan độc lập'". 

Đây là chi tiết mà các lãnh đạo Việt Nam luôn nói khi gặp lãnh đạo Trung Quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam khi đưa tin về cuộc hội kiến của ông Tô Lâm và ông Lý Cường không thấy nhắc tới chi tiết này, tương tự các lần trước. 

Về phần mình, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh chuyến thăm nhằm thực hiện nhận thức chung mà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đạt được trong thời gian qua; đồng thời nhằm trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, đạt được nhiều thành quả thực chất hơn.

Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tăng cường mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam; ủng hộ Việt Nam mở các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương tăng vọt 21% trong ba quý đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 148 tỷ USD.

Theo Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại cuộc hội kiến, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, duy trì thương mại biên giới thông suốt, triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh; tăng cường kết nối giữa Khuôn khổ Hai hành lang, Một vành đai kinh tế với Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó ưu tiên thúc đẩy hợp tác kết nối đường sắt.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của ông Tô Lâm vào tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu Việt Nam qua Trung Quốc.

Vấn đề Biển Đông

Vấn đề Biển Đông là một mắc mứu kinh niên và không thể hóa giải triệt để giữa hai nước.

Chủ đề Biển Đông càng được quan tâm hơn trong chuyến thăm của ông Lý Cường lần này, khi chỉ hơn 10 ngày trước, tàu chấp pháp Trung Quốc đã tấn công tàu cá của Việt Nam, đánh bị thương ngư dân và cướp tài sản.

Vụ việc này đã dẫn tới phản ứng mạnh từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng như phản ứng của một loạt nước như Mỹ, Anh, Canada, Úc, Philippines.

Trong cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và ông Lý Cường, hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ông Tô Lâm đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao cũng như chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng; đồng thời tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Dù lãnh đạo hai nước luôn nhấn mạnh đối thoại để kiểm soát và giải quyết bất đồng, nhưng Trung Quốc luôn có những hành động trên thực địa khiến Việt Nam quan ngại, phản đối.

Một số vụ việc nổi cộm gần đây gồm:

  • Tháng 5 và 6/2023: Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
  • Tháng 8/2024: Máy bay không người lái Trung Quốc bay 2 lần cách bờ biển Việt Nam 100 km, vào tới vùng Nam Trung Bộ của Việt Nam.
  • Tháng 8 và 9/2024: Ba tàu cá của Việt Nam bị tàu của lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công, lấy hết ngư cụ và hải sản, đánh bị thương 4 ngư dân, trong đó có 1 người gãy tay.

Yêu sách đường chữ U của Trung Quốc bao trọn Biển Đông, xâm phạm vào vùng biển của nhiều nước (bao gồm Việt Nam) với lập trường của Việt Nam tại Biển Đông là không thể hóa giải.

Với yêu sách đó của Trung Quốc, các hoạt động đánh cá, thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông thường xuyên bị Trung Quốc quấy nhiễu, gây sức ép. 

Theo Reuterstại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc tại Lào vừa qua, ông Lý Cường đã rằng nói Trung Quốc và các nước trong ASEAN đang "nỗ lực để sớm hoàn tất" Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Xét quá trình đàm phán COC đầy chông gai, có thể thấy phát ngôn của ông Lý Cường, tương tự với phát ngôn lâu nay của các lãnh đạo Trung Quốc khác, có một khoảng cách rất lớn với thực tiễn.

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký vào năm 2002 đã không phát huy tác dụng, do về mặt thực chất, DOC chỉ là một tuyên bố chính trị mang tính khuyến khích, không có tính ràng buộc đối với các bên tham gia. Trung Quốc đã tham gia ký kết nhưng hành xử trên thực địa của họ không tuân theo DOC.

Từ thực tế ấy, các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông muốn xây dựng một cam kết mang tính ràng buộc hơn, đó là COC.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và tạo dựng đồng thuận đối với COC luôn gặp trắc trở, chủ yếu do Trung Quốc không sẵn sàng tham gia một cam kết mạnh. Ở vị thế nước mạnh và với tham vọng to lớn ở Biển Đông, họ không muốn bị trói buộc bởi một cam kết có tính ràng buộc với các nước yếu hơn.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn