Chính phủ lãnh đạo xuất khẩu gạo bằng gì?

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Để lãnh đạo xuất khẩu gạo, năm 2007 Chính phủ thành lập Tổ Điều hành xuất khẩu gạo, hiện do Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên làm Tổ trưởng.

Tổ Điều hành thực hiện xuất khẩu gạo căn cứ vào Điều 10 của Nghị định 12/2006/NĐ-CP ký ngày 23/1/2006.

Điều 10 của Nghị Định 12/2006/NĐ-CP qui định điều hành việc xuất khẩu gạo hàng năm theo nguyên tắc: “bảo đảm về an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hoá trong nước”.

Những nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo trong Điều 10 của Nghị định 12 rất tối nghĩa, lại không được giải thích rõ ràng, và những nguyên tắc này không hề quan tâm đến quyền lợi của nông dân trong xuất khẩu gạo. Tôi xin được phép trình bày.

Thế nào là “bảo đảm về an ninh lương thực?”

Điều hành xuất khẩu gạo phải theo nguyên tắc “bảo đảm về an ninh lương thực”, thế nhưng Chính phủ không hề định nghĩa an ninh lương thực là gì? Trong những điều kiện cụ thể nào xuất khẩu gạo phải “bảo đảm về an ninh lương thực”?

Năm nào cũng vậy, khi giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới lên cao, Việt Nam điều ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực. Thiệt hại cho nông dân không biết bao nhiêu mà kể.

Thế nhưng ông Dương Thành Trung, Phó cục trưởng Cục dự trữ quốc gia, khẳng định: “Dự trữ gạo quốc gia [dự trữ lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực – người viết chú thích] không ảnh hưởng nhiều đến giá và sản lượng lúa gạo xuất khẩu”. (Xem bài “Oan cho gạo dự trữ quốc gia”).

Chúng ta nhận thấy: vì không được định nghĩa và hướng dẫn rõ ràng, nên nguyên tắc “bảo đảm về an ninh lương thực” đã bị Tổ Điều hành xuất khẩu gạo và VFA tận dụng trong nhiều năm nay, để khống chế giá lúa gạo của nông dân, bằng cách ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực, mỗi khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao.

Bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân là nghĩa làm sao?

Thế giới thiếu gạo ăn, chúng ta bán lúa với giá rẻ như cho, chắc chắn sẽ “tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân”.

Thế nhưng muốn “bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân”, thì phải định nghĩa thế nào là “có lợi”.

Nông dân lời 1 đồng một kg lúa là “có lợi”. Nông dân lời 10 đồng một kg lúa là “có lợi”. Nông dân lời 1000 đồng một kg lúa là “có lợi”. Nông dân lời 2.000 đồng một kg lúa cũng là “có lợi”…

Vậy “ bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân” là bảo đảm nông dân lời bao nhiêu đồng một kg lúa?

Tại sao giá gạo xuất khẩu “phải phù hợp với mặt bằng giá cả trong nước”?

Giá lúa gạo trong nước phải “phù hợp với mặt bằng giá cả trong nước” là qui định hợp lý để kiềm chế lạm phát, và đảm bảo giá gạo rẻ cho người ăn gạo.

Khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao, kéo theo giá lúa gạo trong nước tăng cao, để kéo thấp giá lúa gạo trong nước “phù hợp với mặt bằng giá cả trong nước”, Chính phủ phải trợ giá cho người ăn gạo. Còn giá bán gạo xuất khẩu phải đúng với giá gạo trên thị trường thế giới.

Hiện nay, bắt giá gạo xuất khẩu phải “phù hợp với mặt bằng giá cả trong nước” là khống chế giá gạo xuất khẩu, không cho tương thông với giá gạo trên thị trường thế giới.

Khống chế giá bán gạo xuất khẩu phải “phù hợp với mặt bằng giá cả trong nước”, là lấy lợi nhuận của nông dân chúng tôi đảm bảo giá gạo rẻ cho người ăn gạo trong nước, và cả người ăn gạo của thế giới.

Tại sao không qui định giá thu mua lúa theo giá thị trường gạo thế giới?

Đây là đề nghị tôi đã viết trong bài “Cần xem lại việc quy định giá gạo xuất khẩu” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, xin được trích lại:

“Đề nghị nên sửa đổi nguyên tắc điều hành, từ “bảo đảm về an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước” thành “tiêu thụ hết lúa hàng hóa theo đúng giá thị trường thế giới cho nông dân”.

Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo tệ hơn Điều 10 của Nghị định 12

Điều hành xuất khẩu gạo năm nào cũng khi ngừng khi xuất, lúng ta lúng túng, gây thiệt hại cho nông dân và cả doanh nghiệp, nên cả hai năm 2008 và 2009 bị công luận phản ứng dữ dội, bị đại biểu Quốc hội chất vấn trên diễn đàn Quốc hội.

Vì thế vào những tháng cuối năm 2009 nghe tin Bộ Công thương soạn thảo Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo, nông dân chúng tôi rất mừng, thầm mong quyền lợi của mình được thể hiện trong dự thảo.

Thế nhưng khi Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo đưa ra lấy ý kiến (Hội Nông dân không được mời dự), nông dân chúng tôi tá hỏa tam tinh, thiếu điều té ngửa: Dự thảo không hề quan tâm đến quyền lợi nông dân chúng tôi.

Góp ý phê bình Dự thảo nghị định tôi đã viết rất kỹ trong bài “Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo: tưởng kín mà … hở” đăng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam Online. Bản thảo của bài viết tôi gởi cho Trang tin Điện tử của Chính phủ, nên xin phép không trình bài ở đây.

Trên Bauxite Việt Nam, trong bài “Tại sao nông dân chỉ lời 30% so với giá thành?” tôi đã phân tích, phản biện rất kỹ Điều 19 khoản 3 “thương nhân thu mua lúa đảm bảo cao hơn tối thiểu 30% so với giá thành bình quân chung”.

Tôi xin được kết luận: Điều 19 khoản 3 là công cụ tuyệt hảo để VFA tước đoạt lợi nhuận của nông dân.

Rất may là dự thảo nghị định xuất khẩu gạo do Bộ Công thương soạn thảo năm 2009, đến thời điểm này chưa được Chính phủ chấp thuận.

Chính sách “mua lúa tạm trữ” có lợi cho nông dân không?

Do Điều 10 của Nghị định 12 quá tối nghĩa, rồi Điều 19 khoản 3 trong Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo hết sức tùy tiện, cho nên VFA luôn lợi dụng sự độc quyền và sự sơ hở Nghị định và Dự thảo nghị định để ép giá mua lúa của nông dân.

Năm nào VFA cũng ép giá thu mua lúa của nông dân “rớt tận đáy”.

Để giúp nông dân, khi giá lúa của nông dân bị VFA ép rớt tận đáy, Chính phủ thường xuyên áp dụng một biện pháp duy nhất là mua lúa tạm trữ.

Thế nhưng, việc Chính phủ cho VFA vay không lãi để mua lúa tạm trữ, chỉ làm giàu thêm cho VFA, còn nông dân chẳng được lợi lộc gì, vì những lý do sau:

Chính phủ ra lệnh mua lúa tạm trữ mà không đưa ra giá thu mua tối thiểu thì lấy gì làm căn cứ rằng VFA sẽ tăng giá thu mua cho nông dân? VFA được vay không lãi nhưng họ không tăng giá mua lúa Chính phủ làm sao biết được? Bộ phận nào của Chính phủ kiểm tra việc này? Cho vay không lãi thì giá lúa tăng là từ số lãi tiền vay, số lãi tiền vay có thể tính được.Vì vậy, Chính phủ phải tăng giá lúa đúng với số lãi tiền vay của VFA thì nông dân mới hưởng được.

Chính phủ ra lệnh mua lúa tạm trữ khi phần lớn nông dân đã bán hết lúa thì làm sao nông dân hưởng được? Cụ thể năm 2010 này đầu tháng 6 nông dân đã bắt đầu thu hoạch rộ lúa đông xuân nhưng lệnh mua lúa tạm trữ thực hiện vào ngày 15/7, lúc này đa số nông dân đã bán hết lúa.

Chính phủ lệnh cho VFA mua lúa tạm trữ nhưng không kiểm kê gạo tồn kho của VFA ở thời điểm đó thì làm sao biết được VFA có thực hiện việc mua tạm trữ của Chính phủ hay không?

Năm 2010, Đông xuân mua lúa tạm trữ giá 4.000 đồng/ kg, hè thu mua lúa tạm trữ 3.500 đồng/ kg. Thực hiện mua lúa tạm trữ vài năm nữa với giá này, toàn bộ nông dân sẽ phá sản.

Điều kiện tiên quyết để nông dân có lợi trong xuất khẩu gạo

Trong xuất khẩu gạo, theo tôi, có ba điều kiện tiên quyết mà Chính phủ phải thực hiện vì lợi ích của nông dân đó là:

1) Xây dựng kho bãi tối thiểu chứa được 8 triệu tấn gạo;

2) Ấn định được giá bán gạo xuất khẩu;

3) Tạo được thương hiệu lúa gạo.

Cả ba điều kiện tiên quyết này hiện không được Chính phủ quan tâm đúng mức.

Tóm lại, cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay không hề quan tâm đến quyền lợi của nông dân, mà cho VFA mặc tình thao túng giá lúa gạo. Nông dân chúng tôi cần một cơ chế xuất khẩu gạo đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi – những người làm ra lúa gạo.

Trích Điều 10 của Nghị định 12: Xuất khẩu gạo các loại và lúa hàng hoá

Thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đều được phép xuất khẩu gạo, lúa hàng hóa. Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, điều hành việc xuất khẩu gạo hàng năm theo nguyên tắc: bảo đảm về an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý khi các nguyên tắc này không được bảo đảm hài hòa.

Đối với những hợp đồng xuất khẩu theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài (hợp đồng Chính phủ), Bộ Thương mại trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam để Hiệp hội thống nhất việc tổ chức giao dịch, ký kết hợp đồng và giao hàng.

Bộ Thương mại xây dựng quy chế để từng bước tổ chức đấu thầu thực hiện các hợp đồng này.

Ngày 25/9/2010

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn