Kỷ niệm 3 năm Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa

clip_image001  

TS Nguyễn Nhã thuyết trình tại Hội thảo San José tháng tư 2010 hoangsa.org

 

Thanh Phương

Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa không chỉ là nơi trao đổi thông tin, diễn đàn thảo luận, mà còn là nơi tập trung các công trình nghiên cứu, dịch thuật các tài liệu về chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa. Ban quản trị còn cố gắng ra một ấn phẩm điện tử Tạp chí HSO&Biển Đông. RFI phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Nhã.

"Ðất nước Việt Nam có khi thịnh khi suy, lịch sử Việt Nam có khi hưng khi phế, thế hệ trước không giữ được Hoàng Sa nhưng không phải vì thế mà Hoàng Sa trở thành đất của Trung Quốc hay của bất cứ một quốc gia nào khác. Dân tộc Việt Nam, các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải nhớ rằng: Bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế, chính trị và quân sự cho phép, một trong những việc đầu tiên là phải lấy lại Hoàng Sa."

Đó là những dòng chữ đầu tiên đăng trên trang chủ của Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa ở địa chỉ http://hoangsa.org/

Dưới những hàng chữ nói trên là một đoạn vidéo chiếu buổi lễ rất xúc động tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân đã bỏ mình khi bảo vệ quần đảo Trường Sa, trong trận hải chiến ngày 14/3/ 1988 chống quân Trung Quốc đánh chiếm một phần quần đảo này. Tiếp đến là những tư liệu, hình ảnh về trận hải chiến này.

Cuối trang chủ, Trung Tâm mời gọi mọi người tham gia vận động để ngày 20/1 trở thành Ngày Hoàng Sa. Độc giả cũng được yêu cầu click vào để ký tên « vì Hoàng Sa thân yêu », như 33 ngàn người đã làm cho tới nay.

Ra đời cách đây vừa đúng 3 năm, Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa không chỉ là nơi trao đổi thông tin, diễn đàn thảo luận, mà còn là nơi tập trung các công trình nghiên cứu, dịch thuật các tài liệu về chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa. Ban quản trị Trung tâm này còn cố gắng ra một ấn phẩm điện tử Tạp chí HSO&Biển Đông, nhưng hiện giờ tạp chí này mới ra được số đầu tiên 3/2010, với chủ đề Hướng về Lý Sơn.

Nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa, nhân đây chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn với tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà sử học đã gần như dành trọn đời mình cho việc nghiên cứu về Hoàng Sa và đã đóng góp rất nhiều cho Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa trong những ngày đầu :

Tiến sĩ Nguyễn Nhã : Ngày 22 tháng 8 vừa rồi, các em kỷ niệm ba năm tròn của Diễn đàn. Lúc đầu, các em sinh viên đại học Thành phố Hồ Chí Minh, rồi sau đó là Hà Nội, xây dựng diễn đàn một cách tự phát. Các em mời tôi tham gia làm cố vấn. Tôi thấy giới trẻ quan tâm đến Hoàng Sa như vậy thì tôi rất mừng, nên tôi đã tích cực tham gia. Vừa rồi, theo yêu cầu của các em, nhân kỷ niệm 3 năm, Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa, tôi có gởi một bức thư cho báo Thanh Niên và thư này đã được đăng vào ngày 21/8/2010.

Trước tình hình biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa, các em đã không vô cảm. Khi tôi nói chuyện ở Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cuối tháng tư vừa rồi, có em đã phát biểu rằng : vô cảm với Hoàng Sa và Trường Sa là có tội với tổ tông. Nếu mà giới trẻ có một tinh thần như thế thì tôi rất mừng. Tôi nghỉ rằng nó là sức mạnh cho Việt Nam.

Từ hồi Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa có địa chỉ như vậy thì rất nhiều người trong và ngoài nước và nhất là ở hải ngoại đã đóng góp hàng trăm tư liệu và những là những tư liệu về địa lý từ thế kỷ 18, bằng tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Có những bản đồ từ thế kỷ 18 của phương Tây nói rõ rằng Paracels ( Hoàng Sa ) là của Vương quốc An Nam ( Cochinchine ).

Tôi nghĩ rằng một trong các quý của http://hoangsa.org là bắt đầu tập hợp những tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều người ở trong và ngoài nước. Như vậy, Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa bước đầu đã làm được tốt.

RFI : Thưa ông Nguyễn Nhã, ông vừa nhắc đến chuyện là tháng tư vừa qua ông đã có buổi nói chuyện về biển đảo ở Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và trong thời gian tới sẽ tiếp tục thuyết trình về đề tài này ở một số trường khác. Vậy thì theo ông, thời gian qua, khoảng mấy tháng trở lại đây, sự quan tâm của giới trẻ và đặc biệt là của sinh viên đến vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa đã nổi lên như thế nào ?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã : Bức xúc của giới trẻ về Hoàng Sa, Trường Sa đã bộc lộ ngay từ năm 2007, nhưng do hoàn cảnh, mỗi trường thể hiện khác nhau. Sau trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, do Đoàn Thanh niên tổ chức, sẽ đến lượt một trường tự thục, Đại học Gia Định, có mời tôi đến nói chuyện. Sắp tới, ở Trà Vinh cũng sẽ làm như thế. Tôi nghĩ đó là hướng tốt. Điều tôi quan tâm, mà tôi đã phát biểu nhiều, đó là vấn đề sự thực lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa, đến được mọi người, trong và ngoài nước và nhất là đến giới trẻ. Dĩ nhiên là khi mọi người đã quan tâm tới thì tình hình sẽ khác đi.

RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Nhã, trong thời gian gần đây có một chiều hướng mà mọi người ai cũng thấy, đó là vấn đề biển Đông có thể sẽ được quốc tế hóa, chứ không còn thuần tuý là vấn đề song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc, hoặc giữa ASEAN với Trung Quốc. Ông có nhận xét như thế nào về việc Việt Nam thắt chặt quan hệ quân sự với Hoa Kỳ ?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã : Như mọi người thấy, việc quốc tế hóa là xu hướng không thể tránh khỏi. Thứ nhất, hiện nay, các thế lực, trừ Trung Quốc, từ các cường quốc, cho đến các nước ASEAN đều thấy là vấn đề biển Đông rất quan trọng, không phải chỉ có đường giao thông hàng không, hàng hải, mà còn liên quan đến sự sống còn về kinh tế của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Nó ảnh hưởng thật sự đến thế giới. Cho nên, cái chiều hướng hiện nay có sự hợp tác quân sự giữa Việt Nam với bất cứ nước nào, trong đó có cả Hoa Kỳ, là rất tốt cho Việt Nam và cũng là cách để ngăn ngừa những gì xấu nhất ở biển Đông về mặt quân sự.

Việc dùng vũ lực không có lợi cho ai cả. Nếu có xảy ra thì việc đánh chiếm rất nhanh, nhưng giữ được không phải là dễ. Mọi người đều phải cân nhắc. Hợp tác với các nước về mặt quân sự là một chiều hướng rất tốt không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với hoà bình ở biển Đông.

RFI : Ngoài việc tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để giải quyết tranh chấp biển Đông, theo ông, Việt Nam có nên tranh thủ sự hỗ trợ của những quốc gia khác, mà ít nhiều cũng có liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, chẳng hạn như Nhật Bản ?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã : Các nước Đông Á như Nhật Bản và Đại Hàn dĩ nhiên là rất quan tâm đến vấn đề biển Đông. Tôi đã gặp rất nhiều người Nhật và thấy rằng người Nhật vẫn nghĩ là người Việt Nam, hay nước Việt Nam, luôn là bạn của họ.

Vì thế cho nên, không chỉ liên quan đến lịch sử mà thôi. Thật sự thì quyền lợi của Nhật và của Việt Nam có thể được chia sẻ với nhau. Việc quốc tế hóa vấn đề biển Đông không chỉ bao gồm những cường quốc có liên quan từ trước đến nay, mà Việt Nam có thể tranh thủ những nước khác như Nhật Bản.

RFI : Trước đây Việt Nam cũng đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề chủ quyền biển Đông. Theo ông, chúng ta có nên tiếp tục tổ chức những cuộc hội thảo tương tự như vậy hay không, để củng cố hơn nữa, những cứ liệu, cơ sở về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã : Việc tổ chức hội thảo liên quan đến biển Đông thì Trung Quốc đã làm rất nhiều rồi. Việt Nam chỉ mới khởi đầu thôi. Tôi nghĩ rằng không có cách nào khác, bởi vì sự thật lịch sử cần phải được cho mọi người biết, mà đầu tiên là giới học thuật, rồi đến giới chính trị cũng như tất cả các nước. Được như thế thì tình hình sẽ khác hẳn.

Hiện giờ, chỉ có một số trường bắt đầu quan tâm tổ chức những buổi nói chuyện để sinh viên, học sinh hiểu vấn đề. Như đã đề nghị trong luận án của tôi, nên đem vấn đề biển Đông vào chương trình học chính khóa. Có như thế thì giới trẻ mới hiểu rõ sự thật lịch sử và sẽ có trách nhiệm tranh đấu cho chủ quyền của Việt Nam.

RFI : Theo tiến sĩ, việc thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển đảo ở Việt Nam có được thực hiện một cách đầy đủ hay cần phải được đẩy mạnh hơn nữa ?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã : Theo tôi thì việc này chỉ mới khởi đầu. Ngay cả về mặt ngoại khóa cũng chỉ mới khởi đầu ở một số trường thôi. Như tôi đã từng đề nghị trong luận án tiến sĩ, phải đem chương trình giảng dạy về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa vào chương trỉình chính khóa từ phổ thông cho đến đại học. Nếu chương trình đó được thực hiện thì giới trẻ tất nhiên là phải biết rõ sự thật lịch sử về chủ quyền nước mình và sẽ quan tâm nhiều hơn và sẽ có những hành động tích cực hơn cho việc đấu tranh cho chủ quyền Việt Nam.

RFI : Nhưng khi nói đến sự thật lịch sử thì đôi khi cũng khá là nhạy cảm. Chẳng hạn như khi nói về Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1974, vào lúc quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sự thật lịch sử này phải được trình bày như thế nào để giới trẻ hiểu được vấn đề ?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã : Nếu Việt Nam giải quyết được vấn đề tâm lý thì nó sẽ khác hẳn. Cơ sở pháp lý ở đây là hiệp định Genève rất quan trọng, có thể được dùng để phản bác mọi lý luận của Trung Quốc. Hiệp định Genève quy định rất rõ là lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở về phía Nam là thuộc quyền quản lý của chính quyền phía Nam, tức là một bên là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và bên kia là chính quyền của Mặt trận Giải phóng.

Hai chính quyền đó chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền. Bất cứ tuyên bố nào không từ hai chính quyền đó đều không có giá trị pháp lý quốc tế. Do đó, cái điểm mà Trung Quốc nói nọ, nói kia, về pháp lý quốc tế là không có giá trị, nếu dưạ vào hiệp định Genève. Ngay từ năm 1974, khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, việc này rõ ràng là vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hiệp Quốc : Liên Hiệp Quốc không cho phép sử dụng chủ quyền như thế. Ngay cả, vấn đề thời điểm năm 1974, nếu làm rõ ra thì sẽ làm lợi cho vấn đề đấu tranh cho chủ quyền của mình.

RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Nhã.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn