Biển Đông: Sao phải quốc tế hóa một vấn đề quốc tế!

Việt Long

clip_image001

Ảnh Nguyễn Hưng

Cụm từ về quốc tế hóa vấn đề Biển Đông đang ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí các nước. Một số báo nước ngoài thậm chí cho rằng Việt Nam lợi dụng vị trí Chủ tịch ASEAN chủ trương quốc tế hóa, ASEAN hóa vấn đề Biển Đông, "đang chơi với lửa, ắt gặp hậu họa". Một số thể hiện lạc quan về một giải pháp quốc tế hóa trong tương lai gần.

Sao phải quốc tế hóa một vấn đề quốc tế?

Hàng loạt các sự kiện trong tháng 8 năm 2010 như diễn tập của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông, tàu sân bay Mỹ đậu ngoài khơi Đà Nẵng, Việt Nam phản đối Trung Quốc tiến hành xây dựng tại đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, khảo sát các lô 141-143 vi phạm chủ quyền Việt Nam, gây khó cho việc tìm kiếm cứu nạn ngư dân khi gặp bão... càng làm cho vấn đề Biển Đông thêm nóng bỏng.

Vậy đâu là sự thực của vấn đề?

Về tự nhiên, từ hàng ngàn năm nay Biển Đông bao gồm cả hai vịnh bắc Bộ và vịnh Thái Lan là của chung của 9 nước và 1 vùng lãnh thổ trong khu vực: Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Các dân tộc cùng chia sẻ nền văn hóa lúa nước, văn hóa Biển Đông, tự do đánh bắt.

Biển Đông là biển duy nhất trên thế giới nối liền hai đại dương lớn Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, với nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng, cung cấp từ 70-80% lượng dầu lửa nhập khẩu từ Trung Đông cho các nước có nền công nghiệp hiện đại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các tuyến đường này cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm xuất nhập khẩu của khối các nước ASEAN.

Với 550 triệu dân và nền kinh tế trên 1 ức tỷ USD (1 trillion USD), Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại quốc tế, với 50% thương mại thế giới đi qua đây. Năm 2008, thương mại giữa ASEAN với Mỹ  là 181 tỷ, với Nhật là 212 tỷ, với Trung Quốc là 193 tỷ. Các nước này cũng có đầu tư lớn vào ASEAN, trong đó Mỹ có trên 100 tỷ USD.

Từ góc độ kinh tế, đây là biển quan trọng nằm trong chiến lược phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển năng động nhất của thế giới. Khủng hoảng kinh tế và sản xuất dầu khí thế giới dự báo đạt đỉnh năm 2015 ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng các nước ở Biển Đông. Trừ Brunei, các nước đều phải nhập khẩu dầu khí. Nguồn năng lượng tiềm ẩn trong Biển Đông đều được các nước ven biển và các công ty dầu khí nước ngoài theo dõi chặt chẽ, lên kế hoạch thăm dò khai thác, làm trầm trọng thêm tranh chấp mặc dù thực tế dự báo này được đánh giá quá cao, chỉ chiếm một phần lượng cung cho khu vực.

Từ góc độ địa chính trị, đây là nơi chia sẻ quyền lực giữa các siêu cường. Thời kỳ chiến tranh lạnh, đây là nơi tranh giành quyền lực giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc thông qua cuộc chiến Việt Nam. Việc Mỹ quay lại Biển Đông và biển Hoa Đông trước hết là vì quyền lợi chiến lược của Mỹ, củng cố vị thế của mình trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tháng 3/2010 trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steinberg phía Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố coi vấn đề Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình, không có nhân nhượng.

Tại ARF 17, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton lập tức đáp lại bằng tuyên bố Mỹ có lợi ích thiết thực ở Biển Đông. Vụ tàu Cheonal và tuyên bố lợi ích cốt lõi tạo cơ hội tuyệt vời cho Mỹ trở lại châu Á sau khi rút khỏi Iraq.

Các nước ASEAN ở mức độ nhất định hoan nghênh sự trở lại của Mỹ để kiềm chế những yêu sách quá đáng gây bất ổn nhưng cũng cảnh giác để không làm vật hy sinh cho lợi ích của các cường quốc như đã từng diễn ra trong quá khứ. Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ 2009 đánh dấu sự trỗi dậy của một ASEAN liên kết hơn, cạnh tranh hơn.

Ngày càng nhiều nước trên thế giới quan tâm hợp tác và mong muốn hiện diện trong khu vực này, tạo ra các lợi ích đan xen và cạnh tranh ở Biển Đông. Đây chính là hệ quả trào lưu thế giới ngày càng trở nên phẳng và phải đối đầu với nhiều thách thức toàn cầu: khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, cấm sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, quyền con người và chống khủng bố, chống cướp biển. Tất cả các quốc gia càng ngày càng phụ thuộc vào nhau. Hội nhập hóa và sự phát triển hòa bình của mỗi quốc gia phụ thuộc vào an ninh khu vực và thế giới và ngược lại.

 

Các cường quốc tự vạch vùng ảnh hưởng bất lợi cho các nước láng giềng nhỏ hơn cuối cùng sẽ phản tác dụng. Các nước cần tôn trọng lẫn nhau và chung sống trong hòa bình.

Không nước nào có thể dân tộc hóa hay quốc tế hóa được vấn đề Biển Đông.

Từ góc độ của luật biển, Biển Đông là khu vực đặc thù, chứa đựng tất cả các yếu tố liên quan như quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo (Indonesia và Philippin), quốc gia không có biển hay bất lợi về mặt địa lý (Lào), các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, vùng đánh cá, phân định biển, vấn đề biển nửa kín, eo biển quốc tế, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật, các đàn cá di cư xa và đàn cá xuyên biên giới, khai thác chung, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chống cướp biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn...

Muốn giải quyết các vấn đề này một cách triệt để, các quốc gia phải hợp tác như điều 123 của Công ước của Liên hợp

quốc về luật biển năm 1982 quy định.

Biển Đông đã được biết đến như một trung tâm tranh chấp của thế giới về mức độ phức tạp, số lượng các bên tranh chấp và sự quan tâm lợi ích của các cường quốc. Hoàng Sa trên thực tế là tranh chấp ba bên giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trường Sa là nơi tranh chấp của Brunei, Malaysia, Philippin, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan.

Với việc Mỹ rút quân khỏi Iraq, Trung Quốc trỗi dậy, bàn cờ chính trị thế giới đang phân bổ lại, Biển Đông là một trong những điểm nóng có khả năng xảy ra xung đột trên thế giới.

Tranh chấp trên Biển Đông bao gồm tranh chấp chủ quyền đảo và tranh chấp vùng biển. Hai trở ngại lớn nhất cho mọi giải pháp là đường đứt khúc 9 đoạn (đường chữ U, đường lưỡi bò) và quy chế đảo. Nếu các đá thuộc các quần đảo trên Biển Đông không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì Biển Đông sẽ có vùng đáy biển di sản chung và vùng biển cả thuộc cộng đồng quốc tế. Ngược lại nếu mở rộng các vùng biển cho chúng thì quyền tự do của các nước khác sẽ bị ảnh hưởng và  việc phân chia giữa đảo và lục địa sẽ theo hiệu lực nào.

Giải quyết các câu hỏi trên phải căn cứ vào luật biển và nếu luật biển còn chưa rõ ràng thì các nước phải tiếp tục thỏa thuận. Có những vấn đề tưởng là song phương nhưng không thể chỉ giải quyết song phương. Có những vấn đề tưởng là đơn phương nhưng sẽ gây ra sự chú ý và phản ứng của dư luận cả trong và ngoài khu vực.

Hơn nữa, Biển Đông đã hẹp lại có hai quần đảo ở giữa nên tạo ra những vùng chồng lấn đa phương. Các nước tranh chấp từ chỗ không tiếp xúc với nhau đã dần tự nguyện tham gia vào các cơ chế đa phương.

Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC là thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN. Sự tham gia của Trung Quốc, Đài Loan vào Hội thảo kiềm chế các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông do Indonesia và Canađa khởi xướng từ 1990,  hay Thỏa thuận công ty dầu khí Phi-Trung-Việt khảo sát địa chấn tại khu vực xác định ở Biển Đông năm 2005 đều là các bằng chứng về một sự liên kết đa phương tự nhiên giữa các bên tranh chấp nhằm tìm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông. Các bên đều nhận thức được rằng vấn đề Biển Đông có song phương có đa phương, không thể chỉ đơn thuần trong quan hệ song phương.

Như vậy, từ tất cả các góc độ địa lý tự nhiên, địa chiến lược, kinh tế, luật pháp và văn hóa, bản thân vấn đề Biển Đông đã mang tính quốc tế. Từ 1990-2010 với nỗ lực của các nước liên quan, sự lớn mạnh của ASEAN, cán cân lực lượng đã được giữ ở mức cân bằng. Bất kỳ một hành động hung hăng phá hoại thế cân bằng đó đều gây quan ngại cho các nước, thu hút sự quan tâm của thế giới mà không cần một sự vận động nào, một sự quốc tế hóa hay khu vực hóa nào.

Làm lạnh đi những cái đầu nóng, tập trung xây dựng lòng tin

Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là một tín hiệu mừng với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đóng góp 28% tăng trưởng thế giới trong khi Mỹ và EU đóng góp 15%. Thâm hụt ngân sách của Mỹ và EU ngày càng tăng còn của Trung Quốc có xu hướng giảm dần. Trung Quốc đang nắm giữ 2500/4000 tỷ USD tổng tài sản có giá của Mỹ mà các nước nắm giữ. Mỹ đang cần Trung Quốc là bên có trách nhiệm hơn với các vấn đề quốc tế. Tháng 8/2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nước thứ hai thế giới về GDP nhưng xét GDP trên đầu người thì nước này mới ở mức 47 của thế giới. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc là 1,5% GDP tức 70 tỷ USD mỗi năm trong khi Mỹ là 5% GDP tức 700 tỷ gấp 10 lần.

Mỹ và Trung Quốc đều phải tính toán để không có những bước đi phiêu lưu. Xung đột nổ ra thì các nước đều bất lợi. Các tuyến đường hàng hải bị cắt đứt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước nhập khẩu dầu lớn, đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, đánh mạnh vào buôn bán thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng và nước này mất đi hình ảnh "trỗi dậy hòa bình, lãnh đạo các nước đang phát triển" dày công vun đắp lâu nay, tạo điều kiện cho Mỹ tăng cường hiện diện có lợi.

Các tranh chấp trên biển ở Biển Đông không những chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước có liên quan, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, đến hoà bình, ổn định và sự hợp tác phát triển của khu vực và thế giới. Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo các nước là cần làm lạnh đi những cái đầu nóng, tập trung xây dựng lòng tin đã có phần bị xói mòn.

Mọi giải pháp cho vấn đề Biển Đông đều được các nước trên thế giới quan tâm. Các hoạt động không tính đến lợi ích của nước khác tất sẽ đưa đến sự chú ý của dư luận và các động thái nhằm tìm kiếm sự cân bằng có lợi cho hòa bình và phát triển trong khu vực. Các cường quốc tự vạch vùng ảnh hưởng bất lợi cho các nước láng giềng nhỏ hơn cuối cùng sẽ phản tác dụng. Các nước cần tôn trọng lẫn nhau và chung sống trong hòa bình. Không nước nào có thể dân tộc hóa hay quốc tế hóa được vấn đề Biển Đông.

Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, sẵn sàng làm bạn với các nước, Việt Nam đã thể hiện mong muốn các nước hãy nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, xây dựng lòng tin, tiến tới có một Bộ luật ứng xử ở Biển Đông, làm tiền đề cho mọi giải pháp trong tương lai.

V. L.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn