Tại sao nông dân Việt Nam phải đảm bảo an ninh lương thực thế giới

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Trước đây trên báo Người Lao Động tôi đã đặt câu hỏi: “Vì sao giá gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới?” và tìm cách lý giải.

Giờ đây tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi trên, đó là: Gạo Việt Nam được bán thấp nhất thế giới vì nó phải đảm bảo an ninh lương thực không những của Việt Nam mà còn đảm bảo an ninh lương thực cho cả thế giới (an ninh lương thực ở đây hiểu theo nghĩa khống chế giá gạo rẻ cho người ăn gạo).

Từ đầu tháng 12/2009 Philippine mở 3 gói thầu liên tục với số lượng khoảng 1,8 triệu tấn gạo, trong lúc có nhiều nhận định rằng 2010 thế giới sẽ thiếu gạo trầm trọng, giá gạo thế giới có thể lên đến mức 1.000 USD/tấn.

Phóng viên Thời báo kinh tế Việt Nam đã phỏng vấn ông Trương Thanh Phong Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực Miền Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam (VFA) về việc chuẩn bị của VFA để đưa ra mức giá trúng thầu hợp lý nhất (bài “Đấu thầu gạo quốc tế: Sẽ hài hòa lợi ích” đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam – VNeconomy).

 

Câu trả lời gây sốc của ông Trương Thanh Phong như sau: “Hiệp hội cần tính toán làm sao đưa ra mức giá thầu cho thật hợp lý. Vì khi đi dự thầu, mục đích không phải là nhân cơ hội này đưa ra cái giá thật cao để đạt thầu. Quan trọng là Việt Nam phải tham gia vấn đề an ninh lương thực thế giới.” (người viết nhấn mạnh).

Chắc rất tâm đắc với việc đảm bảo an ninh lương thực cho cả thế giới, nên dù câu hỏi thứ hai không có gì liên quan đến an ninh lương thực, ông Trương Thanh Phong nhắc lại và giải thích rõ hơn:

“Việc sản xuất lương thực và cung ứng lương thực ra thị trường thế giới của Việt Nam, không phải chỉ có mục tiêu chính là kinh doanh không mà còn có trách nhiệm đối với các nước trong ASEAN và thế giới, vì Việt Nam gia nhập WTO. Trách nhiệm của Việt Nam là trách nhiệm đối với cộng đồng, nếu chúng ta bán gạo giá quá cao để cho người nghèo (của Philippines, người viết chú thích) không có lương thực là không đúng”.

Sau phát biểu này của ông Trương Thanh Phong, giá gạo từ 664,9 đô la Mỹ/ tấn hạ mãi đến tháng 12/2009 chỉ còn trên dưới 400 đô la Mỹ/ tấn.

Chính vì quan điểm “không bán gạo giá quá cao cho người nghèo của thế giới”, nên vào năm 2008, khi giá gạo thế giới lên đến 1.000 đô la Mỹ/tấn, VFA mà đứng đầu là ông Trương Thanh Phong đã đề nghị chính phủ ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực (của cả trong nước và thế giới), để rồi khi giá gạo rớt xuống mức thấp nhất mới đề nghị bán ra cho nhân dân thế giới. Năm này, theo các chuyên gia, nông dân chúng tôi mất đứt 400 triệu đô la Mỹ.

Cũng chính vì quan điểm này, mà năm 2009 khi giá gạo tăng cao, VFA lại ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực, sau đó khi giá gạo xuống thấp lại bán ra cho nhân dân thế giới, để rồi nông dân chúng tôi phải bán lúa với giá chỉ 3.200 đến 3400 đồng/kg lúa mà phải nhờ vào lệnh của Thủ tướng Chính phủ. Thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.

Chính quan điểm Việt Nam phải đảm bảo an ninh lương thực thế giới này giải thích vì sao từ trước đến nay, VFA, mà đứng đầu là ông Trương Thanh Phong, luôn bán gạo của nông dân chúng tôi với giá rẻ nhất thế giới.

Nông dân chúng tôi làm ra lúa gạo, khi giá gạo thế giới thấp, có ai nâng giá lúa giùm nông dân chúng tôi đâu? Chính VFA khi giá gạo thấp cũng ngừng mua, đổ hết lỗ lã lên đầu lên cổ chúng tôi. Vậy khi giá gạo thế giới cao, chúng ta bán gạo giá cao đúng giá thế giới, để nông dân chúng tôi có mức lời cao, thì có gì là không đúng?

Nói xin lỗi, đầu với óc suy nghĩ kỳ cục như vậy bán giùm tôi 1 kg lúa tôi cũng không cho. Thế mà ông Trương Thanh Phong mỗi năm bán trên dưới 3.000.000 tấn gạo, tức trên dưới 6.000.000 tấn lúa.

Chính phủ Thái Lan xuất khẩu gạo gấp đôi Việt Nam, bán gạo cùng loại cao hơn của Việt Nam từ 100 đến 160 đô la Mỹ/tấn, thu mua lúa cho nông dân Thái Lan với giá rất cao so với giá VFA thu mua của nông dân Việt Nam. Thế mà Thái Lan không nói gì đến an ninh lương thực thế giới, tại sao Việt Nam lại đảm bảo an ninh lương thực thế giới?

Tại sao nông dân chúng tôi – những người nghèo nhất nước Việt Nam – phải đem thu nhập còm cõi của mình đảm bảo an ninh lương thực cho cả thế giới? Hiện nay, nông dân chúng tôi đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước đã chết lên chết xuống, nay phải cõng cả an ninh lương thực thế giới thì còn gì là thu nhập của nông dân chúng tôi?

Chính phủ và Bộ Công Thương giao cho ông Trương Thanh Phong bán gạo xuất khẩu, có giao kèm nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực thế giới hay không, mà ông Phong phát biểu như vậy? Quan niệm đảm bảo an ninh lương thực thế giới nên không bán lúa giá cao là không thể chấp nhận được trong kinh doanh lúa gạo, quan điểm này gây hại rất lớn đến thu nhập của nông dân chúng tôi.

Một doanh nhân khi đi buôn bán phải tìm cách bán sản phẩm của mình với giá cao nhất. Một doanh nhân không muốn bán sản phẩm của mình với giá cao nhất không đủ tư cách là một doanh nhân. Một doanh nhân của nhà nước không muốn bán gạo với giá cao nhất thì coi chừng hiện tượng “gửi giá”.

Một người được giao toàn quyền trong xuất khẩu gạo, được giao ấn định giá bán gạo xuất khẩu, nắm trong tay thu nhập của nông dân, mà lại có quan điểm hết sức sai lầm là bắt nông dân chúng tôi gánh vác cả an ninh lương thực thế giới, thì thật là không thể chịu đựng được nữa. Nông dân chúng tôi mong rằng Chính phủ không nên giao lúa gạo chúng tôi vào tay ông Trương Thanh Phong. Ông Trương Thanh Phong thích hợp với công tác từ thiện hơn là trên cương vị một Tổng giám đốc kinh doanh gạo kiêm luôn cả Chủ tịch VFA.

Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại, ngừng xuất khẩu vì an ninh lương thực gây hại cho nông dân chúng tôi quá nhiều, năm nào cũng gây hại, cho nên chúng tôi mong rằng Bộ Công thương định nghĩa rõ ràng thế nào là an ninh lương thực, giải thích cho rõ trong những điều kiện nào thì ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực, và phải có biện pháp đảm bảo an ninh lương thực nhưng không gây hại cho thu nhập của nông dân chúng tôi.

Tóm lại, cần phải cởi trói cho hạt gạo xuất khẩu hết mọi ràng buộc vô lý về an ninh lương thực, để giá gạo xuất khẩu tuân thủ theo giá cả thị trường thế giới. Chỉ áp dụng các biện phát bình ổn giá đối với lúa gạo tiêu thụ trong nước (cung cấp cho khoảng 20% dân số) nhưng phải tính toán kỹ để nông dân không bị thiệt. Không có bất cứ ai được phép ôm cả an ninh lương thực thế giới đặt lên vai nông dân chúng tôi.

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn