Ai rửa xe thuê?

Đinh Từ Thức

(Góp ý cùng nhà lý luận Hà Sĩ Phu qua bài Vong bản từ đâu?)

clip_image002  

Người đi qua những khẩu hiệu viết trên tường gần Quảng trường Tahrir 13-2, 2011: “Chúng tôi yêu Ai Cập”, “Hãnh diện là người Ai Cập”. Hình của Reuters/Asmaa Waguih

 

Ngày 10 tháng 2, trên mạng Bauxite Việt Nam có bài Vong bản từ đâu? (1) Của nhà lý luận Hà Sĩ Phu, “Mạn đàm cùng nhà Sử học Dương Trung Quốc” về “phẩm chất con người Việt Nam”. Theo ông Hà Sĩ Phu, trong thế kỷ vừa qua, phẩm chất con người Việt Nam có khi cao, khi thấp. Ông nói:

Theo tôi, phẩm chất con người Việt Nam đạt đỉnh cao nhất ở nửa sau của thời kỳ Pháp thuộc. Còn đoạn lõm thấp nhất, bị tha hóa tệ hại nhất là ở nửa sau của cuộc “Cách mạng Vô sản”, tức chính là những năm tháng hiện nay.

Phẩm chất con người Việt Nam hiện nay được ông ghi nhận như sau:

Hãy nhìn vào thực tiễn xã hội: Có bao giờ người Việt Nam lại thờ ơ trước nguy cơ vong quốc, nguy cơ bị đồng hóa như bây giờ? Có bao giờ sự thờ ơ trước đau khổ của đồng loại, sự đâm chém, băm chặt nhau dễ dàng như cơm bữa, sự nhố nhăng mất gốc, sự phô bày thú tính, sự vênh vác rởm đời, sự hành hạ người yêu nước một cách ngang nhiên, sự nịnh bợ kẻ nội xâm và ngoại xâm… lại được tôn vinh trước thanh thiên bạch nhật như bây giờ? Có bao giờ sự thành thật lại thua sự giả dối, người lương thiện lại sợ kẻ gian manh, người yêu nước lại bị lép vế, bậc thức giả lại bị cười khinh, công lý lại bị nhạo báng một cách thảm hại như bây giờ?

Từ những ghi nhân trên, ông Hà Sĩ Phu đi tới kết luận là con người Việt Nam hiện bị “mất gốc hoàn toàn” hay “vong bản tuyệt đối”. Và đặt câu hỏi “Vong bản từ đâu?” Trong khi “mạn đàm” về câu trả lời, ông đã dựa vào văn học, sử học, triết học, toàn những thứ trừu tượng khó nắm bắt. Vì thế, tôi không dám phản bác ý kiến của ông Hà, chỉ xin góp với ông vài ý thô thiển để trả lời câu hỏi “Vong bản từ đâu?”

Với nhà báo chúng tôi, thường không quen lý luận cao siêu trừu tượng, mà chỉ tìm giải đáp ngay từ những gì thấy được hàng ngày, nhất là thời sự. Cho nên, trước khi góp ý, xin mời ông đọc mấy đoạn trích dịch sau đây từ bài “Out of Touch, Out of Time” của nhà báo Thomas L. Friedman viết từ Cairo, sau khi nghe ông Mubarak đọc diễn văn chót vào đêm 10 tháng 2, đăng trên The New York Times ngày 11 tháng 2, 2011 (2):

“Lời lẽ của ông Mubarak và Suleiman nói với những người biểu tình đòi dân chủ không thể nào xúc phạm hơn: “Hãy tin chúng tôi. Chúng tôi sẽ thi hành tiến trình cải tổ từ bây giờ. Mọi người có thể về nhà, trở lại làm việc và chấm dứt để cho mấy đài truyền hình ngoại quốc qua vệ tinh – như Al Jazeera – làm cho bức xúc như thế. Đồng thời, đừng để cho thằng cha Obama chỉ thị cho người Ai Cập tự hào chúng ta phải làm gì”.

“Bài bản này hoàn toàn xa rời thực tế cuộc nổi dậy đòi dân chủ tại Quảng trường Tahrir, đó hoàn toàn là cuộc tự giành quyền sau một thời gian dài bị áp bức, nhân dân không chịu sợ hãi nữa, không để tự do của mình bị tước đoạt nữa, và không chịu để các nhà lãnh đạo của mình làm nhục nữa, như đã nói với họ trong 30 năm rằng họ chưa sẵn sàng cho chế độ dân chủ. Thật vậy, phong trào dân chủ Ai Cập là tất cả những gì Hosni Mubarak nói rằng nó không phải như vậy: cây nhà lá vườn, không mỏi mệt và chính hiệu Ai Cập. Các sử gia tương lai sẽ viết về những thế lực lịch sử lớn lao đã tạo ra giây phút này, nhưng những mẩu chuyện nhỏ gặp được tại Quảng trường Tahrir cho thấy tại sao không thể ngăn chặn được nó.

“Tôi đã dành ra một phần buổi sáng tại quảng trường để quan sát và chụp hình một nhóm sinh viên trẻ Ai Cập đeo găng plastic, nhặt rác bằng cả hai tay và gọn gàng hốt rác bỏ vào những bao plastic màu đen, để giữ cho nơi này được sạch sẽ. Điều này làm tôi xúc động, nhất là bởi vì hơn một lần, tôi đã trích dẫn câu cách ngôn trong mục của tôi, là “trong lịch sử thế giới không một ai mang xe thuê đi rửa bao giờ”. Tôi dùng nó để nói rằng cũng không bao giờ có ai rửa một đất nước đi thuê – và trong thế kỷ qua người Ả Rập đã phải thuê đất nước họ từ vua chúa, độc tài và các thế lực thực dân. Vì vậy, họ đã không thèm rửa chúng.

“Người Ai Cập đã ngừng đi thuê, ít nhất tại Quảng trường Tahrir, nơi có treo một biểu ngữ hôm Thứ Năm, viết: “Tahrir – nơi tự do duy nhất tại Ai Cập”. Tôi tiến tới một trong những cậu có nhiệm vụ hốt rác – Karim Turki, 23 tuổi, từng làm việc tại một tiệm săn sóc da – và hỏi: “Tại sao anh đã tình nguyện làm việc này?” Anh vội vã trả lời bằng thứ tiếng Anh đứt đoạn: “Đây là đất tôi. Đây là nước tôi. Đây là nhà tôi. Tôi sẽ làm sạch cả Ai Cập khi Mubarak ra đi”. Quyền sở hữu là thứ thật đẹp.

“Khi rời đống rác, tôi gặp ba người đàn ông có vẻ giàu có và họ muốn nói. Một trong số là Ahmed Awn, 31 tuồi, giải thích rằng anh khá dễ chịu về tài chánh, và ngay cả chịu thiệt hại nếu vụ xáo trộn ở đây tiếp tục, nhưng anh muốn tham dự vì những lý do quan trọng hơn tiền bạc nhiều. Anh nói, trước vụ nổi dậy này, “Tôi đã không hãnh diện nói với người khác tôi là người Ai Cập. Hôm nay, với những gì xảy ra tại đây” tại Quảng trường Tahrir, “Tôi có thể hãnh diện lại nói tôi là một người Ai Cập”.

“Sự nhục nhã là tình cảm mạnh nhất của loài người, và vượt qua nó là tình cảm mạnh thứ nhì của loài người. Đó là một phần lớn của những gì đang diễn ra ở đây.

“Sau cùng, trong khi qua cầu sông Nile rời khỏi quảng trường, một người Ai Cập ăn mặc sang trọng chặn tôi lại – một độc giả của Times – đang làm việc tại Saudi Arabia. Ông ta cùng đi với vợ và hai con trai. Ông kể là ông tới Cairo hôm Thứ Năm để đưa hai con tới nhìn, nghe, cảm và sờ Quảng trường Tahrir. Ông nói: “Tôi muốn nó là dấu ấn trong tâm khảm chúng”. Có vẻ đây là cách của ông ta để bảo đảm rằng chế độ chuyên chế này không bao giờ trở lại. Đây là những người mà ông Mubarak lên án rằng họ đã hoàn toàn bị khuấy động bởi người nước ngoài. Sự thật, phong trào Tahrir là một trong những điều xác thực nhất, nhân bản nhất để đòi nhân phẩm và tự do mà tôi từng chứng kiến”.

Đó là những ghi nhận của Friedman đêm trước khi Mubarak chịu từ chức. Sau đây là ghi nhận của nhà báo Roger Cohen hôm sau ngày Mubarak ra đi, cũng liên hệ tới chuyện hốt rác tại Quảng trường Tahrir (3):

“Kamal, 26 tuồi, có vẻ hãnh diện trong bộ hijab (khăn che kín đầu tóc và chung quanh cổ nhưng hở mặt) mầu hồng. Cô đứng cạnh một biểu hiệu viết: “Xin lỗi làm phiền, chúng tôi đang xây dựng Ai Cập”. Được hỏi tại sao quét đường, cô nói: “Tất cả bụi bặm là quá khứ. Chúng tôi muốn thanh toán cái cũ và bắt đầu làm sạch”.

Ông Mahmoud Abdullah, một nhà hóa học đã về hưu chen vào, chỉ cô và nói với tôi: “Đây là một thế hệ rất quý. Họ đã làm điều chúng tôi không làm được”.

Sau đây là ghi nhận của nhà báo Kathy Lally của Washington Post, về một anh tên là Elennen, sau ngày Mubarak từ chức (4):

“Mọi Thứ Sáu trong cuộc phản đối tại Cairo, Elennen đều cùng với gia đình tới đứng tại Quảng trường Tahrir. Một anh em đồng hao về từ Saudi Arabia để có mặt tại đó; những người họ hàng khác về từ Morocco.

Anh nói: “Nếu tôi không tới, tôi cảm thấy tôi không xứng đáng là người Ai Cập”.

Anh tới đó, cùng với và vì mấy đứa con gái của anh. Vợ Elennen là người Algeria, và các con của họ thường nhận mình là người Algeria, xấu hổ vì Ai Cập và sự nghèo khổ cùng hèn mọn của nó. Bây giờ họ cảm thấy như là những công dân của một nước can đảm và hùng mạnh, và tự mình tuyên bố hoàn toàn là người Ai Cập, khiến Elennen gần khóc một lần nữa”.

*

Đến đây, dù chưa góp ý, chắc ông Hà cũng đã biết ý của tôi. Từ hơn thế kỷ qua, cũng như người dân Ai Cập, người dân Việt Nam đâu có làm chủ đất nước mình, họ là người thuê nước từ vua chúa, thực dân, và độc tài. Khi đất nước chỉ như cái xe thuê, họ đâu cần săn sóc, và thật ra, cũng không có quyền săn sóc, vì đó là quyền của chủ, không phải của người thuê.

Tại sao phẩm chất con người Việt Nam đạt điểm cao nhất ở nửa sau thời kỳ Pháp thuộc, và hiện đang ở giai đoạn thấp nhất?

Tình hình thế giới từ sau Đệ nhất đến sau Đệ nhị Thế chiến tạo cho người dân Việt Nam một hy vọng. Đó là sự kiện ông thực dân chủ xe bị đột quỵ, có thể sắp quy tiên, người thuê xe có thể trở thành chủ nhân cái xe mình đang dùng; trước sau gì cũng là của mình, nên bắt đầu săn sóc nó, tận tụy với nó. Đây là giai đoạn phẩm chất con người Việt Nam đạt cao điểm. Sang trọng có thể gọi là “Thế hệ vàng”. Dân dã hơn, có thể có những cách gọi bỗ bã khác.

Những tại sao lại là “vàng”?” Vì khi ông chủ thực dân quy tiên, trong một thời gian, quả thật người dân Việt Nam cảm thấy quyền sở hữu chiếc xe về tay mình. Cả một thế hệ đã sẵn sàng hy sinh, săn sóc, bảo vệ nó. Đó là thứ tình cảm giống như người dân Ai Cập cảm nhận khi vào năm 1952, ông Nasser không chịu thuê nước Ai Cập từ Vua Farouk nữa. Nhưng hai năm sau, khi ông Nasser ban hành Hiến pháp, quy định Ai Cập là nước xã hội độc đảng, người dân Ai Cập trở lại là người thuê nước từ đảng cầm quyền, cho đến ông chủ cuối cùng là Mubarak. Người dân Việt Nam cũng vậy, sau thời gian tưởng mình là chủ nhân, cái xe nước đã chính thức (Hiến pháp quy định hẳn hoi) là vật sở hữu của ai khác. Người dân vẫn là người đi thuê. Trước kia thuê của thực dân, vì nó mạnh, đành chịu. Bây giờ phải thuê từ “người nhà”, tức ứ hơi. Muốn sống chỉ còn cách biết sợ và chịu nhục. “Tôi biết sợ nên tôi tồn tại”. Trong lịch sử nhân loại, có thế hệ nhục nhã nào được mệnh danh là “Thế hệ vàng”? Có cuộc sống nhục nào đạt phẩm chất cao? Đó là lý do phẩm chất con người Việt Nam đi từ chỗ cao nhất xuống chỗ thấp nhất.

Không phải chỉ thuê nước. Mỗi người dân còn là người thuê chính bản thân mình. Ông Hà Sĩ Phu đã có lần công khai phàn nàn không hiểu sao bản thân mình cứ bị nhà cầm quyền phiền hà, quấy nhiễu. Làm như vậy vì lầm tưởng ông là chủ bản thân mình. Đầu óc để nghĩ, miệng để phát biểu, tay để viết, chân đi lại, tất cả những thứ ấy đều là bộ phận của cơ thể, nhưng không phải ông, mà người ta có quyền định đoạt về cơ thể ông, như theo dõi, đụng xe, bắt giữ, buộc tội, bỏ tù, “đột quỵ”, hay “tự sát”. Ông không được quyền định đoạt cơ thể ông, vậy nó không thuộc về ông. Ông chỉ là người thuê. Thuê xe màu đỏ mà tự ý sơn xanh, ráp thêm loa, gắn thêm còi, bị chủ xe bắt “làm việc” là đúng. Không muốn “làm việc” thì cứ buông thả, sống như những gì ông đã ghi nhận trong điểm lõm hiện nay.

Mấy nhà báo Mỹ có mặt tại Quảng trường Tahrir tối 10 và 11 tháng 2 đã ghi được tâm trạng của mấy người Ai Cập từng cảm thấy nhục nhã là người Ai Cập. Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt cũng đã có lần phát biểu tương tự: Khi ra nước ngoài, ông cảm thấy nhục nhã là người Việt Nam. Điều gì đã khiến những người Ai Cập đang từ nhục nhã đổi sang hãnh diện, vui mừng tới phát khóc được làm người Ai Cập? Đó là sự ra đi của ông Mubarak, và đảng của ông hết cầm quyền.

Điều gì sẽ khiến những người như ông Ngô Quang Kiệt lại cảm thấy hãnh diện là người Việt Nam?

Hy vọng đã góp được vài ý mọn cho câu hỏi “Vong bản tại đâu?”

------------------

1 . http://www.boxitvn.net/bai/16955

2. http://www.nytimes.com/2011/02/11/opinion/11friedman.html?_r=1&pagewanted=print

3. http://www.nytimes.com/2011/02/14/opinion/14cohen.html?_r=1&hp

4. Washingtonpost.com

ĐTT

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn