Một nhà độc tài già dặn bị những đứa trẻ dùng bàn phím đánh bại!

imageWael Ghonim, 30 tuổi, là người Ai Cập, hiện là Executive Manager of Marketing của Google ở Dubai, và là biểu tượng của cuộc cách mạng Ai Cập, đã trả lời phỏng vấn phóng viên Harry Smith trong chương trình "60 minutes" của đài truyền hình CBS của Mỹ, hôm 13-02-11. Đây là nội dung video do Ngọc Thu chuyển ngữ.

Tối Chủ nhật này (13-02-11), lần đầu tiên trong hơn hai tuần, giao thông thông suốt ở quảng trường Tahrir, Cairo. Tại Ai Cập, công việc làm ăn mở cửa trở lại, các lớp học ở đại học đã mở trở lại và một chính phủ quân sự mới, lên nắm quyền với sự hỗ trợ của đa số người dân và hứa hẹn một nền dân chủ đang đến.

Ai Cập là một nền văn minh cổ đại với dân số trẻ trung, gần 2/3 dân số ở độ tuổi 30 hoặc thấp hơn. Nhiều người trong số họ được giáo dục nhưng thất nghiệp và bực tức.

Cuộc cách mạng 18 ngày của họ không bắt đầu bằng chủ nghĩa khủng bố và xe tăng, nhưng bắt đầu bằng Twitter, các đoạn text và các chương trình phát sóng truyền hình vệ tinh.

Tuần này một nhà chuyên quyền có tuổi, cai trị như một pharaoh hiện đại, trở thành nạn nhân của những thứ vũ khí của đám trẻ kia, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội có tổ chức hơn và có chiến thuật giỏi hơn, bởi những đứa trẻ với bàn phím.

Ở Cairo, ông Harry Smith, phóng viên CBS News đã có cơ hội nói chuyện với một người mới nổi lên như một biểu tượng của phe nổi dậy, nhưng không phải là lãnh tụ, anh Wael Ghonim, Quản đốc điều hành Google.

Ghonim bị bắt giam vì tổ chức trên internet. Sau khi anh được phóng thích, anh đã xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình vệ tinh, đã tiếp thêm nghị lực cho phong trào. Mặc dù anh là trung tâm của "cuộc cách mạng thời đại mới", nhưng anh không có tham vọng lãnh đạo, cũng không biết bất kỳ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Wael Ghonim: Chế độ này cực kỳ ngu xuẩn. Họ là những người đã tự chấm dứt chế độ. Họ liên tục đàn áp, đàn áp, đàn áp và đàn áp. Ngay sau khi tôi ra khỏi tù, tôi đã viết một mẩu tin rằng chúng tôi sẽ thắng, bởi vì chúng tôi không hiểu chính trị, bởi vì chúng tôi không hiểu những trò chơi bẩn thỉu của họ. Chúng tôi sẽ giành chiến thắng bởi vì những giọt nước mắt của chúng tôi xuất phát từ trái tim. Chúng tôi sẽ giành chiến thắng bởi vì chúng tôi có một giấc mơ. Chúng tôi sẽ giành chiến thắng bởi vì chúng tôi tin rằng nếu có ai đó ngăn chặn giấc mơ của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ nó.

Harry Smith: Cách nay hai tuần rưỡi, khi mới bắt đầu, anh có đoán trước kết quả này?

Wael Ghonim: Khi tôi xuống đường hôm thứ Ba, ngày 25 [tháng 1], tôi nói rằng “Ồ, nó sẽ xảy ra”. Bởi vì rào cản duy nhất để người dân nổi dậy làm cách mạng chính là rào cản tâm lý sợ hãi. Chế độ này tồn tại là dựa trên sự sợ hãi [của mọi người]. Họ muốn mọi người sợ hãi. Nếu anh có thể phá vỡ rào cản tâm lý đó, chắc chắn anh có thể làm một cuộc cách mạng.

Bức tường sợ hãi đó đã đổ trong vài tuần qua, khi hàng trăm ngàn người Ai Cập đã thách đố Chính phủ của mình và đòi thay đổi. Giúp dẫn đầu cuộc nổi dậy là Ghonim, 30 tuổi, Quản đốc tiếp thị của Google ở khu vực Trung Đông. Trong thời gian rảnh, anh đã tạo ra một trang Facebook, đăng tải thông tin về sự tàn bạo của cảnh sát Ai Cập.

Anh rất bực tức về cái chết của một nhà hoạt động trên internet, 28 tuổi, đã bị cảnh sát đánh cho đến chết, sau khi cố gắng tiết lộ sự tham nhũng của cảnh sát.

Harry Smith: Câu chuyện của anh ấy quan trọng như thế nào đối với những gì đã xảy ra ở đây ba tuần qua?

Wael Ghonim: Nhân tiện, tên của anh ấy là Khalid Sayid, tên đó dịch qua tiếng Anh là "hạnh phúc vĩnh cửu". Hình ảnh của anh ấy sau khi bị các sĩ quan cảnh sát giết đã làm cho tất cả chúng tôi phải khóc, bởi vì anh ấy xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Cá nhân tôi đã liên lạc với anh ta. Tôi nghĩ: “Biết đâu đó có thể là anh hay em trai của tôi”. Và tôi biết cảnh sát ở Ai Cập. Họ thường hành động như thể họ kiểm soát cả thế giới. Họ sẽ đánh gục anh. Về cơ bản, anh là một người không có quyền gì cả. Vì vậy, khi anh ấy qua đời, cá nhân tôi bị tổn thương sâu sắc. Tôi đã quyết định bắt đầu chiến đấu chống lại chế độ này.

Các trang Facebook có tên "Tất cả chúng tôi là Sayid Khalid", chẳng bao lâu sau, hàng trăm, sau đó là hàng ngàn người khác, đã bắt đầu chia sẻ hình ảnh và video về sự lạm dụng và ngược đãi của cảnh sát.

Chỉ trong vài tháng, số lượng người theo dõi trên Facebook đã lên đến nửa triệu, và khi anh Ghonim và các nhóm tổ chức khác đăng ngày, giờ và địa điểm của các cuộc biểu tình, người dân bắt đầu xuất hiện và đăng tải video trên internet. Nhiều người trong các nhóm tổ chức chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời. Họ chỉ tiếp xúc với nhau trên mạng.

Harry Smith: Nếu không có mạng xã hội, liệu cuộc cách mạng có xảy ra không?

Wael Ghonim: Nếu không có mạng xã hội, nó sẽ không bao giờ được châm ngòi. Bởi vì tất cả mọi chuyện trước khi cuộc cách mạng xảy ra là điều quan trọng nhất. Nếu không có Facebook, không có Twitter, không có Google, không có YouTube, cuộc cách mạng này sẽ không bao giờ xảy ra.

Harry Smith: Nếu anh muốn có một đất nước tự do, nếu anh muốn có dân chủ, thì Internet rất quan trọng, và tất cả các thông tin này có thể được chia sẻ. Nhưng nếu ngược lại thì có đúng không? Nếu tôi muốn tiếp tục đàn áp người dân, điều cuối cùng tôi sẽ cung cấp cho họ là tiếp cận Internet?

Wael Ghonim: Chặn toàn bộ internet, anh sẽ làm cho người dân bực tức thực sự. Một trong những sai lầm chiến lược của chế độ này là đã ngăn chặn Facebook. Một trong những lý do tại sao họ bị mất quyền hiện nay là do họ đã chặn Facebook. Tại sao? Bởi vì họ đã nói với bốn triệu người rằng, họ đang sợ cuộc cách mạng này vô cùng, bằng cách chặn Facebook. Họ đã buộc tất cả mọi người, những người đang chờ đọc tin tức trên Facebook, họ buộc mọi người xuống đường, là một phần của cuộc cách mạng này. Cho nên, nếu tôi muốn cảm ơn một điều gì đó, hay cảm ơn ai đó về tất cả mọi thứ, tôi sẽ cảm ơn chế độ ngu xuẩn của chúng tôi.

Ba ngày sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu ở quảng trường Tahrir, Ghonim bị mất tích. Bạn bè và gia đình của anh lo sợ anh đã bị bắt cóc hoặc thậm chí bị giết. Chính quyền Ai Cập đã bắt giữ anh trong 12 ngày. Anh đã bị bịt mắt, còng tay và liên tục bị thẩm vấn.

Harry Smith: Họ đã đánh anh?

Wael Ghonim: Vâng, nhưng không có hệ thống. Như thể chỉ là cá nhân thôi, và không phải từ các viên chức. Thực ra là từ những người lính. Và tôi tha thứ cho họ. Tôi tha thứ cho họ, bởi vì họ bị thuyết phục rằng tôi đang làm tổn hại đất nước. Họ chỉ là những người bình thường, không có học. Tôi không thể trò chuyện với họ. Vì vậy, anh biết đấy, đối với anh ta, tôi giống như một kẻ phản bội. Tôi đang làm đất nước bất ổn. Vì vậy khi anh ta đánh tôi, anh ta không đánh tôi vì anh ta là một kẻ xấu. Anh ta đánh tôi vì anh ta nghĩ rằng anh ta là một người tốt. Tôi kể anh nghe một câu chuyện buồn cười: vào cuối ngày cuối cùng [tôi ở trong tù], tôi gỡ bỏ băng bịt mắt. Và tôi nói: “Xin chào”, và hôn tất cả mọi người. Tất cả các binh lính. Và thật là tốt. Tôi đã gửi cho họ một thông điệp.

Harry Smith: Anh nghĩ vì sao họ thả anh ra?

Wael Ghonim: Áp lực. Hỏi Obama. Có lẽ thế. Có rất nhiều yếu tố để [họ thả tôi ra]. Một là Google. Google đã làm rất nhiều để họ thả tôi ra. Họ đã làm rất nhiều, hàng loạt chiến dịch.

Sau khi Ghonim được phóng thích, anh xuất hiện trong một chương trình truyền hình nổi tiếng của Ai Cập, nói về những người bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Ngày hôm sau, đám đông ở quảng trường Tahrir đã tăng hơn nhiều. Những đòi hỏi của họ sẽ không bị từ chối. Và thứ Sáu, 18 ngày kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu, Mubarak đã từ chức.

Harry Smith: Tổng thống Obama xuất hiện nhiều lần trong cuộc cách mạng, đã nói nhiều điều. Điều đó có giúp hay làm tổn hại gì không?

Wael Ghonim: Anh biết, rất tốt là ông ấy ủng hộ cuộc cách mạng. Đó là một lập trường tốt. Nhưng chúng tôi thực sự không cần ông ấy. Và tôi không nghĩ rằng... Tôi đã viết trên Tweeter. Tôi đã viết: “Thưa các chính phủ phương Tây, các ông đã hỗ trợ chế độ đó đàn áp chúng tôi trong 30 năm qua. Bây giờ xin làm ơn đừng tham gia nữa. Chúng tôi không cần các ông”.

Ghonim nói với chúng tôi rằng anh không quan tâm đến chính trị và anh ấy muốn trở lại làm việc với Google. Sau cuộc phỏng vấn của chúng tôi, anh đã nói chuyện về tương lai với gia đình và bạn bè. Nhưng anh nhận ra rằng tương lai của mình cơ bản đã thay đổi.

Harry Smith: Anh có bị đe dọa giết?

Wael Ghonim: Có. Tôi luôn nhận được những đe dọa như thế. Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn căm hờn, rất nhiều người đang nói xấu về tôi, và anh đã biết, họ vẫn còn buộc tội tôi là làm gián điệp và phản bội. Và tất cả những thứ đó chỉ là chuyện buồn cười. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong những ngày tới, khi tất cả các hồ sơ đen về chính quyền này được đưa ra cho tất cả mọi người đọc và xem, chúng tôi biết về số tiền đất nước này đã bị đánh cắp, mọi thứ sẽ tốt hơn.

Harry Smith: Anh có nghĩ Mubarak sẽ bị đưa ra tòa xét xử?

Wael Ghonim: Vào thời điểm này, tôi không quan tâm. Trả thù không phải là điều tôi muốn. Đối với tôi, những gì tôi quan tâm ngay bây giờ là tôi muốn tất cả tiền bạc của người dân Ai Cập phải được trả lại. Có hàng tỷ đô la đã bị đánh cắp khỏi đất nước này. Anh không thể tưởng tượng số tiền tham nhũng ở đây. Anh biết không, với tất cả những người này nắm quyền, với tất cả các cuộc tranh chấp quyền lợi, đã đến lúc họ phải trả giá. Và, như tôi đã nói, trả thù không phải là mục tiêu của cá nhân tôi. Những người khác, có thể [trả thù] là mục tiêu của họ. Và tôi không trách họ về điều đó. Nhưng đối với tôi, điều quan trọng hơn là, chúng tôi muốn tiền phải được trả lại. Bởi vì số tiền này thuộc về những người dân Ai Cập, và họ xứng đáng được hưởng số tiền đó. Những người đang kiếm ăn từ bãi rác, đó là tiền của họ.

Harry Smith: Những người xem cuộc cách mạng này, nói: “Được, phép lạ này đã xảy ra ở Ai Cập. Nhưng sẽ không được như vậy trong một tháng, một năm hay năm năm nữa. Cuộc đời không được như thế”. Anh có tin rằng những ý tưởng đã được phơi bày trong hai tuần rưỡi qua là để lót đường hoặc làm nền tảng cho đất nước?

Wael Ghonim: Vâng, đó thực sự là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi hiện hội họp rất nhiều. Bởi vì... với cái đà này, bất cứ điều gì mới vừa xảy ra cần phải được tận dụng từ bây giờ.

Harry Smith: Chế độ Mubarak đã đánh giá thấp, hay anh có nghĩ rằng họ hiểu sức mạnh của mạng xã hội?

Wael Ghonim: Họ không hiểu về mạng xã hội. Nhưng họ đánh giá thấp sức mạnh của nhân dân. Và, anh biết, vào cuối ngày đó, tôi muốn nói lời cuối cùng của tôi là: “Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn chế độ ngu xuẩn. Các ông đã làm một điều tốt nhất cho chúng tôi. Các ông đã đánh thức 80 triệu người Ai Cập”.

Harry Smith: Vì vậy, nếu anh là một người chuyên quyền, hoặc nếu anh là một nhà độc tài, và anh xem những gì đã xảy ra ở Ai Cập trong vài tuần qua, anh nghĩ tới bài học gì?

Wael Ghonim: Ông ta sẽ phải lo sợ lắm. Ông ta sẽ phải thật sự hoang mang lo sợ.

Ngọc Thu dịch từ:

 

 

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

CBS là một trong 3 hãng truyền hình lớn nhất nước Mỹ, gồm NBC, CBSABC, thuộc hệ thống broadcast network. CNN cũng là một trong những hãng truyền hình lớn nhất Mỹ nhưng thuộc hệ thống cable và satellite network.

Xem thêm video đài truyền hình CNN phỏng vấn Wael Ghonim tại đây, và phần chuyển ngữ tại đây.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn