Liên Xô sụp đổ là không thể tránh khỏi

PGS.TS Trần Văn Tùng (Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông)

Thể chế kinh tế mà Liên Xô áp dụng hơn 60 năm trước khi sụp đổ là một thể chế kinh tế không tôn trọng quy luật thị trường tự do. Do đó, không thể chuyển đổi được từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, hâu quả là tốc độ tăng trưởng liên tục giảm sút. Nhiều người lầm tưởng Gorbachov đã có nhiều sai lầm góp phần làm cho Liên Xô sụp đổ nhanh chóng hơn, riêng tôi không đồng tình với quan điểm đó. Có may mắn được sống và nghiên cứu tại trường Đại học Quốc gia Maxcơva mang tên Lomonoxov vào những năm biến động lớn (từ 1990 đến 1992), tôi nhận thấy có ba nguyên nhân lý giải cho sự thất bại này.

Thứ nhất, chính sách phát triển kinh tế của Liên Xô dựa vào lý thuyết cứng, đó là học thuyết xã hội chủ nghĩa chính thống dựa trên cơ sở mô hình phân công lao động của các nước phương Tây trước chiến tranh. Lý thuyết kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa với việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng thực chất giúp cho các ngành này giữ vị trí chủ chốt trong kỷ nguyên phát triển điện và thép đầu thế kỷ 20. Nhưng, Liên Xô sai lầm khi coi mô hình công nghiệp nặng tập trung là mô hình chuyên môn hoá bất biến của nền kinh tế. Theo quan điểm của Liên Xô, nền kinh tế trong tương lai có thể tiếp tục phát triển với các ngành công nghiệp nặng làm trọng tâm và chỉ cần có điều chỉnh nhỏ về mô hình phát triển kinh tế. Có thể là các quan niệm của các nhà hoạch định chính sách phát triển của Liên Xô lúc đó không ăn nhịp với mức độ thay đổi trình độ chuyên môn hoá các ngành một cách nhanh chóng, diễn ra ở các nền kinh tế phương Tây.

Học thuyết xã hội chủ nghĩa chính thống đã định hướng nền kinh tế Liên Xô đạt được thành công bước đầu trong quá trình công nghiệp hoá. Bởi vì học thuyết này đã nhận thức đúng vai trò mô hình chuyên môn hoá trong làn sóng công nghệ thứ ba trước chiến tranh. Nhưng học thuyết xã hội chủ nghĩa cứng đã làm cho các nhà lập kế hoạch Liên Xô không thấy trước được những thay đổi về cơ cấu sắp diễn ra với sự xuất hiện của làn sóng mới, mà người ta gọi là làn sóng công nghệ thứ tư. Liên Xô vẫn tiếp tục mở rộng quy mô của mô hình chuyên môn hoá các ngành công nghiệp nặng, chứ không chịu tái cơ cấu lại các ngành. Được học thuyết này ủng hộ, Chính phủ vẫn tiếp tục đầu tư lớn cho công nghiệp điện năng, sản xuất thép và các ngành truyền thống khác. Chính những ngành công nghiệp này góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Liên Xô trong nhập niên 1960, 1970 nhưng đồng thời nó cũng là những ngành gieo mầm dẫn đến kinh tế Liên Xô sụp đổ. Liên Xô đã không học tập các nước phương Tây là phát triển những ngành công nghiệp mới như hoá chất, ôtô, polyme, máy tính... Theo Amann và Cooper (1977), đó là nguyên nhân thất bại của kinh tế Xô Viết.

Thứ hai, thất bại trong việc sử dụng các thông tin kinh tế còn do hai nhân tố quan trọng khác, đó là đất nước bị cô lập hoàn toàn khỏi nền kinh tế thị trường và thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước phương Tây về các ngành công nghiệp truyền thống. Với mục tiêu chính trị là xây dựng một nền kinh tế tự cung, tự cấp, Liên Xô đã cố gắng cạnh tranh với các mẫu hình công nghiệp tiên tiến thông qua chương trình kế hoạch hoá tập trung độc lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trao đổi ngoại thương với các nền kinh tế phương Tây rất ít, chỉ có một mặt hàng được trao đổi, thí dụ dầu mỏ, khí đốt, vũ khí và các sản phẩm từ dầu. Chủ yếu Liên Xô trao đổi ngoại thương với các nước thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế. Việc tách khỏi thị trường toàn cầu đã làm giảm đáng kể khả năng của các nhà hoạch định chính sách Liên Xô trong việc bắt kịp với những kinh nghiệm mới nhất của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra việc xoá bỏ khoảng cách phát triển trong các ngành công nghiệp truyền thống hàng đầu giữa Liên Xô và các nước công nghiệp phương Tây đã làm giảm đáng kể lợi ích về thông tin của Liên Xô do phát triển chậm hơn. Liên bang Xô Viết đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao sau chiến tranh thế giới thứ II là do mức độ phát triển lúc đó kém hơn các nước phương Tây. Khoảng cách lúc đó đủ lớn để cho các nhà hoạch định chính sách Liên Xô có thể xác định một cách rõ ràng những ngành công nghiệp chủ lực trong tương lai. Tuy nhiên, sau khi hoàn hành xong công nghiệp hoá, với những ngành công nghiệp chủ lực như sắt, thép, điện lực, than đá, máy móc công cụ thì mục tiêu phát triển của Liên Xô lại không rõ ràng. Nói cách khác là khi khoảng cách phát triển giữa Liên Xô và các nước phương Tây bị thu hẹp lại, thì các nhà hoạch định chính sách của Liên Xô lại khó xác định ngành nghề để đầu tư phát triển, mặc dù làn sóng công nghệ thứ tư mới hình thành.

Sự chậm trễ trong việc chuyển đổi mô hình phát triển là do cơ chế kế hoạch hoá tập trung gây ra. Các nhà kinh tế thường tránh tình trạng mất ổn định kinh tế, họ thường xác định lại mục tiên ưu tiên trong các kế hoạch đầu tư tổng thể, nhằm hạn chế những thiệt hại do các quyết định từ Trung ương, quyết định đó có thể sai lầm. Nói cách khác, cơ quan quyền lực trung ương không thể đáp ứng việc thử nghiệm các ngành công nghiệp tiềm năng mới, khi mà những chi phí cơ hội rất cao cho việc này lại liên quan tới việc sắp xếp lại ưu tiên đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách chỉ ưu tiên cao cho các công nghiệp mới hoặc các ngành nghề khác khi lợi ích và vai trò quan trọng của ngành này được thể hiện rõ ràng ở các nền kinh tế phương Tây. Điều này cũng giúp cho việc giải thích thêm việc trì hoãn áp dụng các ngành công nghiệp mới tại Liên Xô. Sự trì hoãn các ngành công nghiệp như polyme, hoá dầu ở Liên Xô là một thí dụ cực đoan. Các công ty phương Tây đã dùng các vật liệu tổng hợp để thay thế thép trong các cấu kiện rất phổ biến và thành công, khi đó Liên Xô mới nhận rõ vai trò của công nghiệp hoá chất đối với nền kinh tế. Khrushchov là người phát động một chiến dịch đầu tư vào ngành công nghiệp hoá chất. Mặc dầu vậy, sản lượng và công nghệ vẫn kém xa so với các nước phương Tây. Điều tương tự đã xảy ra với ngành công nghiệp máy tính, khi mà tiềm năng của ngành công nghiệp này đã được chứng minh là rất to lớn vào thập niên 1970, thì Liên Xô vẫn đầu tư dè dặt cho công nghiệp này. Liên Xô vẫn tiếp tục sử dụng các máy tính lạc hậu, cồng kềnh và tốc độ tính toán chậm chạp so với các máy tính gọn nhẹ, nhiều tính năng của các nước phương Tây.

Mặc dầu đã thúc đẩy một vài ngành công nghiệp mới phát triển nhưng Liên Xô không thể làm tăng sản lượng của nền kinh tế vì thiếu sự hỗ trợ của các ngành, không có sự mở rộng chuyên môn hoá của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ hoặc thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp mới ra đời. Trong quá khứ Liên Xô không có cơ hội để thực hiện điều đó. Bởi vì cơ chế kế hoạch hoá tập trung không những không thấy trước nhu cầu cần phải thay đổi cơ cấu mà còn không linh hoạt thích ứng với những thay đổi cơ cấu như vậy. Một khi đã áp dụng cơ cấu kinh tế do công nghiệp nặng đóng vai trò then chốt thì không thể có cách nào phá bỏ nó dựa vào các quyết định từ các cơ quan Trung ương. Tính cứng nhắc, cực đoan của cơ chế kinh tế phi thị trường và sự phụ thuộc hoàn toàn vào tính toán của chính phủ thực sự đã trói buộc nền kinh tế Liên Xô vào các trào lưu công nghệ lần thứ ba, thứ tư.

Thứ ba, kinh tế Liên Xô sụp đổ không phải vì cơ chế kế hoạch hoá của nước này không có khả năng huy động vốn dùng cho tăng trưởng trong những năm cuối trước khi sụp đổ. Theo các số liệu thống kê thì vốn huy động tăng trưởng cao trong thời kỳ 1960-1981, với tốc độ tăng hàng năm là 7, 6%, cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ là 3, 6% và Anh là 3, 4% trong cùng thời kỳ. Tiếp theo, thời kỳ 1983-1987, tỷ lệ tăng hàng năm vốn đầu tư của Liên Xô vẫn là 5, 8% một năm. Kinh tế Liên Xô sụp đổ là do kế hoạch kinh tế đã định hướng sai cho việc sử dụng dòng vốn khi mà các cơ quan trung ương tiếp nhận các thông tin kinh tế không chính xác. Việc tăng vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp truyền thống đã làm giảm dần hiệu suất vốn. Khi Liên Xô bước vào giai đoạn phát triển cao hơn, nhiều ngành công nghiệp cùng phát triển, nhưng lực lượng lao động lại giảm sút trong khi vốn đầu tư tiếp tục tăng. Hậu quả tất yếu sẽ xảy ra là tỷ suất lợi nhuận trên vốn giảm, kéo theo giảm sản lượng. Các số liệu thống kê cho thấy, hiệu suất vốn của Liên Xô đã giảm 3, 5% một năm trong thời kỳ 1960-1981 và 3, 8% một năm trong thời kỳ 1983-1987, đây là tốc độ giảm nhanh nhất so với các nước phát triển khác cùng thời kỳ.

Hệ thống kinh tế kế hoạch hoá tập trung là bị động, nó chỉ hoạt động hiệu quả khi mà người điều hành thể chế kinh tế này có được những thông tin định hướng chính xác. Khi cơ quan quyền lực Trung ương không đưa ra được các quyết định đúng đắn thì cơ chế đó mất khả năng phân bổ các nguồn lực hiệu quả. Cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung vẫn có thể huy động vốn và phân bổ các yếu tố đầu vào với chi phí giao dịch thấp, song định hướng sai lầm từ các cơ quan Trung ương, dẫn đến kinh tế vĩ mô ở trạng thái không hiệu quả và tăng trưởng giảm sút khi các yếu tố đầu vào cạn kiệt. Hệ thống kinh tế Liên Xô được xây dựng dựa vào năng lực chính phủ, hệ thống này không tự tạo ra cơ chế tiếp nhận thông tin, bởi vì không sử dụng thị trường và loại bỏ sở hữu tư nhân. Liên Xô đã tạo được một hệ thống giáo dục rất tốt, có những nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu thế giới. Nhưng ngay cả trong thời kỳ huy hoàng nhất, khi Liên Xô đuổi kịp các nền kinh tế phát triển hàng đầu trong nhiều ngành công nghiệp truyền thống, thì nước này cũng không thành công trong việc phá bỏ lối mòn cũ, cũng như có những phát minh, sáng tạo ra các sản phẩm mới và ngành mới là nền tảng phát triển các mô hình chuyên môn hoá sản xuất mới.

Cũng giống như việc phân bổ vốn và lao động, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của Liên Xô được xác định theo ưu tiên trong kế hoạch tổng thể và do đó, hầu hết chỉ tập trung ở các ngành công nghiệp truyền thống được ưu tiên. Kết quả là các đột phá về công nghệ chỉ tập trung chủ yếu ở những ngành dân dụng truyền thống, ngành quốc phòng, vũ trụ những ngành đã được định hướng theo mục tiêu chính trị rõ ràng. Trong các ngành này Liên Xô không những xoá bỏ khoảng cách công nghệ so với các nước phương Tây mà còn đứng hàng đầu trong một số lĩnh vực công nghệ, thí dụ vũ trụ và vũ khí mới. Cho nên, các phát minh công nghệ của Liên Xô là những phát minh tiệm tiến theo định nghĩa của học thuyết tiến hoá. Những phát minh này nhằm đáp ứng, thích nghi và cải tiến công nghệ sản xuất mới do các sáng chế cấp tiến đưa ra. Nhiều nhà nghiên cứu về Liên Xô cũng đã bình luận về sự bất lực của quốc gia này khi tạo ra các phát minh cấp tiến trước khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Theo Sutton (1973), Liên Xô không hề có phát minh công nghiệp cơ bản nào trong thời kỳ 1917-1965, thực chất các phát minh của Liên Xô, là sự điều chỉnh lại các phát minh của bên ngoài hoặc sử dụng những phát minh của các công ty phương Tây riêng cho Liên Xô, hoặc điều chỉnh cho phù hợp hoàn cảnh của Liên Xô.

Kinh tế Liên Xô không thể đi lên trước bởi vì nó không thể tạo ra các thông tin định hướng cho mô hình chuyên môn hoá mở rộng trong khi lại xoá bỏ sự tồn tại của thị trường. Chính việc làm đó đã hạn chế các dòng thông tin mà có thể dẫn tới xuất hiện các công nghệ mới và sản phẩm tiềm năng mới và chúng đồng nghĩa với sự phát triển của kinh doanh. Không có cơ chế giá thị trường để chuyển tải các thông tin về giá, sức sống của sản phẩm mới, tiềm năng của chúng, các nhà hoạch định chính sách Trung ương của Liên Xô không thể phát hiện, đánh giá hoặc thúc đẩy quá trình phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng cho tương lai. Sự xoá bỏ quyền sở hữu tư nhân dẫn đến hạn chế quyền lựa chọn độc lập trong kinh doanh và tính sáng tạo của các cá nhân, vốn là nền tảng của sự tiến bộ công nghệ mở đường cho tăng trưởng dài hạn, làm cho kinh tế Liên Xô khó có bước tiến về phía trước.

Một đặc điểm quan trọng khác của cơ chế kinh tế Liên Xô thể hiện ở chỗ các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng bất lực trước yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Theo kế hoạch chỉ đạo từ trên xuống dưới, thì nền kinh tế của Liên Xô đơn thuần chỉ là nền kinh tế của người sản xuất. Bất cứ thời gian nào thì khu vực tiêu dùng luôn yếu thế hơn khu vực sản xuất, do đó mới xảy ra chuyện thiếu hụt, khan hiếm hàng hoá và chất lượng hàng hoá thấp. Các ngành công nghiệp tiêu dùng được gọi là công nghiệp nhẹ không được ưu tiên phát triển. Đáng lẽ ra khu vực tiêu dùng điều khiển và định hướng cho khu vực sản xuất, thì nền kinh tế Xô Viết lại tăng quyền cho khu vực sản xuất, giả sử nếu như thị trường có nhiều hàng tiêu dùng thì chắc người dân Liên Xô đã có thể được hưởng quyền tiêu dùng. Việc hạn chế quyền tiêu dùng không chỉ làm giảm lợi ích của người tiêu dùng mà còn làm cho nền kinh tế mất đi một cơ chế, giúp phát triển những nhu cầu tiềm năng đối với các sản phẩm nguyên gốc, nhu cầu cần cải tiến các sản phẩm và mở rộng sang lĩnh vực chuyên môn hoá sản xuất. Bởi vì, người tiêu dùng chính là thông tin định hướng cho việc sẽ sản xuất cái gì trong tương lai. Chính nhu cầu tăng không ngừng về hàng hoá và dịch vụ tốt hơn, nhiều hơn sẽ tạo ra ý tưởng mới, định hướng mới về phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp. Những nghiên cứu tích cực về nhu cầu sản phẩm mới của doanh nghiệp chính là con đường dẫn tới những phát minh quan trọng về công nghệ. Một lần nữa cần khẳng định tăng trưởng dài hạn không phải do đầu tư quyết định.

Thật sự, nếu không có thị trường tự do, với vai trò khám phá, thử nghiệm và xây dựng các mô hình chuyên môn hoá hiệu quả của phương Tây mà Liên Xô là nước đi sau đã áp dụng thì Liên Xô không thể có được các thành quả to lớn trước đây. Thể chế kinh tế Liên Xô khác xa với thể chế kinh tế của Hoa Kỳ. Hệ thống này đã đi quá xa, dùng nhà nước là biện pháp điều phối để đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển bằng sở hữu nhà nước, xoá bỏ thị trường, sử dụng các quyết định hành chính mệnh lệnh, cuối cùng đã đi đến thất bại. Sau năm 1990, Nga đã thực hiện quá trình tư nhân hoá vội vàng nhằm thay đổi thể chế kinh tế trước đây vốn được cho là nguyên nhân cơ bản gây nên thất bại. Tuy nhiên, quá trình tư nhân đó không tạo ra nền kinh tế thị trường hiệu quả, thêm vào đó làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng xã hội với tỷ lệ tăng trưởng thấp, lợi ích quốc gia chuyển vào tay các nhóm quyền lực. Thay vì đưa lại các yếu tố kích thích sản xuất, tạo ra của cải hàng hoá tiêu dùng thì nó lại tạo ra động cơ chiếm đoạt tài sản, gây nên làm sóng chuyển vốn tư nhân ào ạt ra nước ngoài. Chính phủ của tổng thống Eltsin phải đối mặt với tình trạng nợ lương công nhân, chính trị xã hội không ổn định, lạm phát ba chữ số, nhiều tổ chức tội phạm cùng xuất hiện, hoạt động khắp nơi ở Nga và các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây. Từ môt nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung chuyển sang chế độ dân chủ, kinh tế thị trường có lẽ là một quá trình dài mà mọi tầng lớp nhân dân và Chính phủ phải được tập dượt để hiểu thế nào là một thể chế dân chủ và một nền kinh tế thị trường tự do. Tôi cho rằng, nước Nga chưa có quá trình chuẩn bị.

Cho đến ngày nay, nền chính trị Nga vẫn chưa phải là nền chính trị dân chủ, bởi vì chính quyền cố bảo đảm mục tiêu ổn định chính trị để phát triển. Mặc dầu thể chế kinh tế, chính trị của Liên bang Nga khác với thể chế kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ, nhưng nước Nga vẫn có thể tiến tới hội tụ về thu nhập mà không cần có sự hội tụ về thể chế kinh tế, nếu Nga vẫn có đủ các thông tin kinh tế chính xác từ các nước phương Tây. Đó là cách lý giải về sự hội tụ thu nhập của nước đi sau đến cùng mức thu nhập của nước đi trước mà các lý thuyết tăng trưởng đã chứng minh qua các nghiên cứu thực nghiệm của Barro và Xavier (1995).

T. V. T.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Gregory, P.R and Stuart, R.C (1994). Soviet and Post Soviet Economic Structure and Performance. Haper Collins College Publisher, New York

2. Solow, R.M (1956). A Contribution to the Theory of Economic Growth. Quarterly Journal of Economics, 70, Feb

3. Easterly, W. and Fisher S. (1995). The Soviet Economic Decline. The World Bank Economic Review, 9-Sept.

4. Wallis, J and North, D.C (1986). Measuring the Transaction Sector in the American Economy. Chicago University Press

5. Baumol, W (1967). Macroeconomics of Unbalanced Growth, The Anatomy of Urban Crisis, American Economic Review, 57-June

6. Triplett, J.E and Boswarth, B.P (2000). Productivity in the Services Sector. Brookings Institution, Prepared for American Economic Association, 7-9, January

7. Eugen Zaleski (1980). Stalinist Planning for Economic Growth, 1933-1952. University of North Carolina Press

8. Sachs, and Woo, W.T (1994). Understanding the Reform Experiences of China. Eastern Europe and Russia, Journal of Coparative Economics, 18-June

9. Hayek, F.A (1994). The Road to Serfdom. Chicago University Press

10. Amann, R. and Cooper, J. (1997). The Technological Level of Soviet Industry. Yale University Press

11. Sutton, A.C (1973). Western Technology and Soviet Economic Development 1945 to 1965, Vol.3, Hoover Institute.

12. Tan Li (2005). The Paradox of Catching Up. Palgrave Macmillan Press

13. William Easterly (2002). The Elusive Quest for Growth. MIT Press

14. Barro, R. and Sala-i-Martin, Xavier (1995). Economic Growth. Mc Grow-Hill, New York

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn