Chuyến đi "lợi bất cập hại"

Trần Kinh Nghị
clip_image002

Duyệt đội danh dự tại Bắc Kinh

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc đã bước sang ngày cuối cùng, tuy chưa hoàn toàn kết thúc nhưng phần nội dung đã được truyền thông của cả hai nước loan báo đủ để những ai quan tâm cũng có thể bình luận mà không lo bị cho là "thiếu thông tin". Theo sự mô tả của truyền thông chính thống của cả hai nước, thì chuyến thăm có vẻ như là thành công lớn nhất kể từ khi Trung Quốc công khai tiến hành các hoạt động bành trướng trên toàn bộ Biển Đông kể cả đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như dọc bờ biển của Việt Nam. Thậm chí có người tin rằng sau chuyến thăm tình hình sẽ tốt đẹp hơn như thể "hết mưa trời lại nắng" vậy! Đối với người Việt Nam vốn hay lạc quan, thì cảm giác này cũng là dễ hiểu, vì  nếu không, làm sao họ có thể tồn tại dưới cái bóng của gã khổng lồ trong hàng ngàn năm qua (!?) Thôi thì, nếu khi nào còn có thể, hãy sống bằng hy vọng. Nhưng cũng đừng quên những phen vỡ mộng lặp đi lặp lại chỉ trong vòng 1/2 thế kỷ qua. Và cũng đừng quên bờ cõi giang sơn Việt Nam dù  phải dịch chuyển về phía Nam vẫn chưa thể tránh khỏi nguy cơ bị thôn tính.
Dưới đây xin đưa ra một cách nhìn khách quan bằng cách xem xét vấn đề từ những góc nhìn cụ thể của chuyến thăm lần thứ hai của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam sang Trung Quốc.

Trong quan hệ quốc tế, việc các nhà lãnh đạo cấp cao các quốc gia thăm viếng lẫn nhau bao giờ cũng nhằm mục đích chính trị, trong đó thời điểm thăm là một chỉ dấu. Đang yên đang lành thì không ai vội gì, nhưng lúc cần thì bên chủ nhà sẽ ra sức mời chào, thậm chí chèo kéo sao cho khách vào nhà mình; ngược lại, phía khách có thể kiếm cớ để xộc vào nhà người ta như kiểu "khách không mời mà đến". Có những chuyến thăm được chuẩn bị trước một cách kỹ lưỡng, nhưng có chuyến thăm rất vội vã, bất thường. Vậy chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam đến Trung Quốc lần này nên được hiểu như thế nào?
Xét về bối cảnh tình hình ta thấy so với chuyến thăm TQ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/ 2011 thì tình hình quan hệ Trung-Việt không những không được cải thiện mà còn xấu hơn. Sau khi Bắc Kinh thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa", tiếp đến đưa Giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, rồi ráo riết xúc tiến công việc bồi đắp mở rộng diện tích để xây dựng căn cứ hậu cần quân sự tại tất cả các vị trí mà quân TQ vừa chiếm được tại Trường Sa. Trên thực tế đã hình thành thế kiểm soát của TQ suốt từ Bắc xuống Nam Biển Đông. Trong quan hệ song phương Trung-Việt,  còn nhớ trong suốt quá trình vụ Giàn khoan 981, bất chấp hàng chục lần đề nghị từ phía Hà Nội,  Bắc Kinh đều không đáp ứng (trừ chuyến đi của Dương Khiết Trì sang Hà Nội dự Ủy ban hỗn hợp nhưng với giọng lưỡi rất trịch trịch thượng).  Vậy tại sao giờ Bắc Kinh lại chủ động mời Tổng Bí thư VN sang thăm và đón tiếp trọng thị khác thường như vậy, nếu không phải vì mục tiêu thâm hiểm nào đó mà người Trung Quốc luôn có thừa?
Về phần mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đang bận chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ đã dự định trong tháng 5, vẫn nhận lời thăm TQ? Không khó để nhận biết, giới lãnh đạo Hà Nội dù bị sức ép của tình cảm chống Trung Quốc xâm lược từ công chúng đồng thời cũng nhận thấy sự cấp bách trong việc tranh thủ Mỹ và quốc tế để phòng ngừa một cuộc đối đầu không cân sức mà sớm muộn cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc nhưng vẫn lo ngại không muốn làm phật ý ông bạn láng giềng cùng "ý thức hệ". Đó là tâm thế tiến thoái lưỡng nan luôn tồn tại trong giới lãnh đạo Việt Nam, và sự tiến thoái này một lần nữa bị đem ra thử thách. Và xem ra một lần nữa Bắc Kinh lại thắng thế.
Quyết định của giới lãnh đạo Hà Nội có thể được hiểu trên cơ sở những lý do có tính truyền thống lịch sử và ngày nay có thêm nhân tố "lợi ích nhóm", trong đó đáng nói là quan niệm luôn được đề cao ở Việt Nam: “Cần 'khôn khéo mềm dẻo" trong quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trọng được hiểu là chiến thuật hơn là thực chất, tức là bề ngoài thì làm thế, nhưng ta vẫn sẽ tiếp tục cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước khác để đối trọng với TQ xâm lược bành trướng!  Điều này được thể hiện trong cái cách mà Hà Nội đang khéo léo thiết kế bối cảnh tình hình gần đây bằng các hoạt động đối ngoại đan xen đa dạng, đa chiều. Đó là chuyến thăm của Thủ tướng Nga đến VN diễn ra trong khi  tàu chiến Mỹ cập cảng Đà Nẵng, và trước đó có chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, hiện tại Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang thăm Mỹ, v.v... Những bài bản này đã được Việt Nam vận dụng nhiều lần trong quá trình "vừa đánh vừa đàm" của  các cuộc chiến chống ngoại xâm gần đây.
Chủ thuyết mềm dẻo khôn khéo không phải là không có lý, bởi vì xét về lịch sử người Việt Nam vẫn tin rằng nhờ sự khôn khéo mềm dẻo đã đánh bại nhiều cuộc xâm lược từ phương Bắc, sau này đánh bại các "đế quốc to" như Pháp, Mỹ, Nhật và chắc chắn sẽ đánh bại quân xâm lược bành trướng nếu chúng lại liều lĩnh... Nhưng có lẽ do quá tự hào, người Việt có xu hướng không thừa nhận những thất bại dù đã rất khôn khéo mềm dẻo, và khôn khéo mềm dẻo thường chỉ có tác dụng kéo dài thời khắc nổ ra chiến tranh chứ mấy khi ngăn chặn được chiến tranh đâu.  Cái gì cũng có hai mặt của nó như loài người đúc kết "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn"; về mặt nào đó, người TQ là "bậc thầy" về thủ đoạn xảo quyệt so với người Việt. Đó là chưa kể sự thay đổi căn bản của tình hình thế giới trong thời đại toàn cầu hóa khiến cho những thủ đoạn khôn khéo tiểu xảo không còn mấy tác dụng.

Có thể thấy rõ sự thay đổi thái độ đột ngột từ phía Bắc Kinh chỉ là nhằm mục đích kịp thời răn đe ngăn chặn không cho Việt Nam nghiêng về phía Mỹ. Sự thay đổỉ thái độ của Bắc Kinh chỉ xảy ra khi họ nhận thấy Việt Nam có thể nghiêng sang phía Mỹ. Ai cũng biết chiến thuật xuyên suốt của Bắc Kinh là không quốc tế hóa và chỉ giải quyết song phương vấn đề Biển Đông, bởi vì họ tin vào sức mạnh áp đảo của họ đối với bất cứ nước nào  hoặc với cả khối ASEAN nếu không có sự can thiệp của Mỹ. Bắc Kinh cũng biết rằng VN là trở lực lớn nhất đối với âm mưu độc chiếm Biển Đông của TQ, và nếu bị o ép quá mức Việt Nam rất có thể bắt buộc phải chọn cách ít xấu hơn là dựa vào các thế lực bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản ..., điều mà Bắc Kinh thật sự lo ngại nhất. Ở đây thiết nghĩ cần nhắc lại một luận điểm mà loài người cũng đã đúc kết từ  lâu, đó là cái gì kẻ thù của ta lo sợ chính là thế mạnh của ta. Và có lẽ Việt Nam chưa chú trọng đúng mức luận điểm này nên đã bỏ lỡ một số cơ hội trong việc tập hợp lực lượng một cách có hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo hiện nay. Đây là câu chuyện dài không tiện nói hết trong bài viết ngắn này. Nhưng riêng về chuyến thăm của ông Trọng lần này,  Việt Nam cần cân nhắc xem nếu ông Trọng đi thăm Mỹ trước thăm TQ sau hoặc đơn giản là không thăm TQ vào lúc này thì điều gì sẽ xảy ra(?). Nếu không hoặc chưa đi TQ, chắc chắn hình ảnh của ông Trọng tốt hơn nhiều không chỉ đối với người dân Việt Nam mà cả đối với người Mỹ và thế giới. Ngược lại, đối với Bắc Kinh, đó là cử chỉ cho thấy sự trưởng thành của Việt Nam sau hàng loạt vụ việc Trung Quốc vi phạm trắng trợn mọi thỏa thuận giữa hai Đảng và Nhà nước. Đó có lẽ là cách khôn khéo của VN mà Bắc Kinh  không thể chê trách cũng không thể trả đũa bằng những hành động khiêu khích quân sự, nhất là trong bối cảnh dư luận quốc tế đang chĩa vào hành động quá khích của Bắc kinh tại Biển Đông.

Tuy nhiên, tiếc thay Việt Nam đã chọn cách ngược lại bằng việc chấp nhận lời mời thăm TQ. Trước mắt ông Trọng được đón tiếp vô cùng trọng thị và, nhân dân, đặc biệt giới trẻ hai nước, lại được nghe những bài ca của thời Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông và Bác Mao, Bác Hồ .... Nhiều người có thể lại quên đi nỗi bức xúc sau vụ Giàn khoan 981 để lại  hy vọng TQ thay đổi, mà không thấy rằng đó chỉ là khúc dạo đầu ngắn ngủi mà thôi. Cái mất lớn hơn đối với Việt Nam sau chuyến thăm này là mất lòng tin từ phía nhân dân Mỹ và thế giới, và theo đó khả năng thu được trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Trọng chắc chắn cũng bị thu hẹp. VN cũng có thể rơi vào tình trạng "xôi hỏng bỏng không" sau khi ông Trọng kết thúc chuyến thăm Mỹ trở về. Lúc đó TQ sẽ hiện nguyên hình như họ vốn dĩ với mục tiêu "lợi ích cốt lõi" bất di bất dịch của họ là độc chiếm Biển Đông mà trong đó phần cốt lõi nhất chính là  hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng với vùng biển ngoài khơi của VN như được vẽ trong đường 9 đoạn. Người viết bài này có cảm nhận khá rõ rằng Bắc Kinh còn có thâm ý thông qua sự kiện gặp gỡ cấp cao Trung -Việt lần thứ hai này để đánh dấu một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước - đó là buộc Việt Nam chấp nhận "sự đã rồi" với thế đứng chân đầy đủ của TQ trên toàn bộ Biển Đông. Ý này được thể hiện không chỉ qua thời điểm chuyến thăm mà qua cả một số nội dung văn kiện.

Tóm lại, xét trong bối cảnh Bắc Kinh đang ráo riết xúc tiến  các biện pháp lấn chiếm Biển Đông và  nỗi bức xúc của nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không đúng lúc và một lần nữa phát ra những thông điệp lẫn lộn đáng lo ngại. Đó là một chuyến thăm "lợi bất cập hại".

T.K.N.

Nguồn: http://iphider.org/index.php?q=aHR0cDovL3RyYW5raW5obmdoaS5ibG9nc3BvdC5jb20uYXIv

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn