Bức tranh phủ bóng lên cuộc gặp gỡ của Tổng thống Obama với nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam

Nguyễn Trung Việt dịch
 
HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images

Một khoảnh khắc lịch sử trong quan hệ giữa Hoa Kỳ – Việt Nam xuất hiện vào tuần này. Lần đầu tiên từ trước đến giờ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức đến thăm Mỹ và Nhà Trắng.
Cuộc gặp với Tổng thống Obama sẽ diễn vào ngày 7/7. Nó bất thường ở chỗ mặc dầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông không phải là người đứng đầu quốc gia. Tuy nhiên, ông được đón tiếp như người đứng đầu một quốc gia.
Việc đón tiếp cho thấy mối tiến triển quan hệ giữa hai quốc gia đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn – khởi đầu bằng việc Tổng thống Clinton khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước hai thập kỷ trước.
Chủ đề chính của cuộc thảo luận giữa hai quốc gia là về mối đe dọa mà Việt Nam đã quá quen thuộc, và đã phải đối phó với mối đe dọa đó trong hơn một nghìn năm lịch sử: Đó là Trung Quốc.
Mặc cho hiện tại hai bên có chung ‎mối ràng buộc ‎ý thức hệ cộng sản, Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua được sự thù địch lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử– thường xuyên dẫn đến kết cục là các cuộc tranh chấp lãnh thổ, biên giới.
Kể từ khi tuyên bố độc lập với Trung Quốc năm 938, Việt Nam đã nhiều lần bị các lực lượng Trung Quốc đông hơn gấp nhiều lần kéo quân đến xâm lược. Như đã thể hiện trong cuộc chiến tranh với Mỹ, người Việt Nam đã biểu lộ quyết tâm đáng kinh ngạc trong việc đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước, dù đối thủ trội hơn về số lượng hay về vũ khí.
Cuộc đương đầu quân sự gần đây nhất là giữa Việt Nam và Trung Quốc vào tháng 2/1979. Trung Quốc đã ra lệnh tấn công xâm lược Việt Nam để trừng phạt Hà Nội vì đã tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot ở Campuchia. Đó là chiến dịch quân sự lớn nhất được Trung Quốc tung ra kể từ thời chiến tranh Triều Tiên – cuộc chiến kéo dài chỉ một tháng và kết thúc thất bại rất nặng nề cho họ.
Ngày nay, Hà Nội thừa nhận Bắc Kinh đã có những phát triển rất lớn về quân sự – điều này rõ ràng đã khiến cho giới lãnh đạo Bắc Kinh càng tỏ ra tự tin, hống hách hơn khi khuấy động căng thẳng trong khu vực. Những căng thẳng đó tới dưới dạng Trung Quốc đưa ra đòi hỏi về chủ quyền của các đảo ở biển Đông mà các nước khác, như Việt Nam, cũng đòi chủ quyền. Còn với những chỗ không có đảo để mà đòi chủ quyền, Bắc Kinh đã ra sức tập trung vào chiến dịch xây dựng các đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự ở đó.
Nhiều nước đã đòi hỏi chủ quyền trên các đảo này với lý do thực tế: vùng biển này được cho là có trữ lượng trên bảy tỷ thùng dầu – tương đương với số lượng tiêu thụ dầu cả năm ở Mỹ.
Nhưng không có quốc gia nào đưa ra lời đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo của mình mà lại phải trả giá đắt như Việt Nam trong việc đứng lên chống lại sự hung hãn của Trung Quốc khi đưa ra những yêu sách chủ quyền của họ.
Một hành động hung hăng như thế thực tế đã xảy ra 27 năm trước, vào tháng 3/1988. Mà trong chuyến đi lần này của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đó là chủ đề được thảo luận sôi nổi của giới báo chí Việt Nam.
Hành động hung hăng tàn bạo của Trung Quốc thể hiện rõ trong vụ thảm sát những lính Việt Nam đang dũng cảm đứng trên mảnh đất – hải đảo của họ, trong khi không có vũ khí phòng thủ để chống lại tàu chiến Trung Quốc đang hạ các nòng súng hỏa lực mạnh bắn thẳng vào các bãi đá san hô ngầm ở Biển Đông mà người Việt Nam đã có chủ quyền. Trong cuộc tấn công này, lá cờ Việt Nam được thấy vẫn bay cao với “Vòng tròn bất tử” được tạo ra bởi 73 chiến sĩ hải quân dàn thế phòng thủ cố giữ lá cờ.
Bãi đá ngầm đó, người Việt Nam gọi là “Đảo Gạc Ma” còn trên bản đồ phương Tây là Bãi đá ngầm Johnson South Reef”, nằm bên trong quần đảo Trường Sa vốn gồm có 750 bãi đá ngầm, đảo nhỏ, đảo san hô và các đảo.
Điều đáng kinh ngạc là thay vì im lặng về hành vi tàn bạo trong cuộc thảm sát của họ, Bắc Kinh đã chính thức tung ra một clip video quay thật về cuộc tàn sát này trên internet vào năm 2012, có lẽ nhằm làm Hà Nội khiếp sợ khi Trung Quốc tiếp tục nỗ lực theo đuổi các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.
Đoạn video này thật khủng khiếp! Nó để lộ sự thật trần trụi quanh bãi đá ngầm này –  những người lính Việt Nam không hề có bất kì phương tiện nào để tự bảo vệ mạng sống của mình cả.
Sau những nỗ lực đầu tiên hòng cướp cờ, chiếm bãi đá ngầm này từ những người lính Hải Quân Việt Nam không mấy mang lại kết quả, viên sĩ quan chỉ huy trên tàu Hải quân Trung Quốc đã hạ lệnh cho lính thủy của họ trở về tàu. Rồi hắn ta đã bất ngờ ra lệnh hạ các nòng súng hỏa lực mạnh có tầm sát thương xa được trang bị cho tàu chiến, nhắm bắn thẳng vào những người lính Việt Nam để hủy diệt họ, những người vốn đã không có khả năng tự vệ cho cuộc tấn công thảm sát qui mô đến như vậy. Từng loạt pháo, súng đại liên bắn từ tàu chiến Trung Quốc ngay tức thời đã xé toạc thân thể những người lính Việt Nam đang cố gắng bám trụ, kiên cường chấp nhận đối diện cái chết dù biết rằng họ không thể làm gì hơn. Khi khói súng trên tàu Trung Quốc còn chưa tan, xác 64 trong 73 người lính Việt Nam đã chìm xuống bãi san hô Gạc Ma.
Ngày nay, có một căn cứ quân sự và sân bay của Trung Quốc được dựng lên ở bãi san hô Gạc Ma. Chúng được xây dựng trên bãi đá ngầm, mà với người Việt Nam, sẽ vẫn còn là một biểu tượng vĩnh hằng cho lòng dũng cảm của những người lính Hải quân của mình trong cuộc kháng cự trước sự hung hãn của Trung Quốc.
Một bức tranh gần đây về cuộc tàn sát này – do một nghệ sĩ thực hiện để tìm sự đồng cảm của nhân dân Việt Nam về sự tàn bạo của sự việc đã xảy ra và tri ân lòng dũng cảm của những người lính đó – đã thu hút sự chú ‎ý, quan tâm của hầu hết tất cả mọi người ở Việt Nam khi bức tranh đã được đưa ra bán đấu giá. Kết quả là nhiều người đã tham gia, trong đó có tác giả bài báo này – bởi tôi xem đó như sự kiện “Alamo” của Việt Nam [ngày 6/3/1836, quân đội Mexico xâm nhập qua biên giới và giết chết tất cả người lính tự vệ Texas ở xứ đạo Alamo, gần San Antonio de Béxar, nay là San Antonio, Texas – người dịch]. Bởi vì họ đã dũng cảm chấp nhận cái chết dưới bàn tay hung dữ của lực lượng kẻ thù mạnh hơn rất nhiều.
Cuộc đấu giá này sẽ vẫn còn tiếp tục cho tới ngày 20/7, số tiền thu được từ người thắng đấu giá sẽ được gửi tới gia đình của 64 người lính Việt Nam bị tàn sát.
Điều thú vị là mức đấu giá cao nhất tính đến thời điểm này là 25.000 đô la của một nữ doanh nhân thành đạt người Việt gốc Hoa có tên Yên Hồng Ngọc.
Mối quan tâm của cô Ngọc trong việc mua bức tranh bắt nguồn từ mong muốn sẽ trao đi hai thông điệp – một cho giới lãnh đạo Bắc Kinh và một cho Obama.
Cô ấy mong muốn nhắc nhở giới lãnh đạo Bắc Kinh về câu ngạn ngữ Trung Quốc mà cô đã học hồi còn nhỏ: “Đừng bao giờ chiếm lấy bất cứ cái gì mà vốn ban đầu không thuộc của mình, dù với bất kì lý do, mục đích gì đi nữa; và nếu đã lỡ lấy rồi, tốt hơn cả là hãy trả lại cùng với một lời xin lỗi”.
Với Tổng thống Obama, Ngọc gửi một thông điệp về hy vọng và cảnh báo.
Cô ấy hy vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư Trọng sẽ tiếp tục chữa lành vết thương chiến tranh, đóng lại điều đã từng là “quá khứ đau đớn” cho cả Mỹ và Việt Nam. Cô ấy, cũng như hần hết tất cả người Việt Nam, đều nhận ra tiến trình đúng cho Việt Nam lúc này là bồi đắp mối quan hệ, hợp tác với Hoa Kỳ trở nên gần gũi, tốt đẹp hơn.
Nhưng cô ấy cũng muốn gửi tới Tổng thống Obama một lời cảnh báo. Nếu cô ấy thắng cuộc bán đấu giá bức tranh Gạc Ma, cô ấy dự định gửi tặng bức tranh cho ngài Tổng thống như một lời cảnh báo về mối đe doạ nghiêm trọng mà Trung Quốc gây ra cho sự ổn định trong khu vực, cũng như những gì cực kỳ tàn bạo mà Trung Quốc sẵn lòng thực hiện để “chiếm lấy cái gì đó mà vốn không thuộc về họ”.
Hi vọng, Tổng Bí thư Trọng sẽ thuyết phục được Obama, và ông ấy cần biểu lộ sự dũng cảm tương tự khi Việt Nam hiện phải đối diện với mối đe doạ từ Trung Quốc, điều mà 64 người lính Việt Nam đã thể hiện khi bị họ bị tàn sát bởi kẻ thù hung bạo.
J. Z.
Trung tá James G. Zumwalt, USMC (Ret.), là sĩ quan Hải quân Mỹ đã về hưu, từng phục vụ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc tấn công của Mỹ vào Panama và cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất. Ông là tác giả của cuốn “Bare Feet, Iron WillStories from the Other Side of Vietnam’s Battlefields (Chân trần, chí thép – những câu chuyện từ phía bên kia của chiền trường Việt Nam), “Living the Juche Lie: North Korea’s Kim Dynasty” (Sống lời dối trá Juche(*): Triều đại Kim của Bắc Triều Tiên) và “Doomsday: Iran–The Clock is Ticking” (Ngày phán xử: Iran – đồng hồ đang điểm). Ông thường viết các bình luận về các vấn đề chính trị và quốc phòng của Mỹ. Ông là con trai thứ hai của cố Đô Đốc Hải Quân Mỹ Zumwalt.
Dịch giả gửi BVN.
(*) Juche: (tiếng Hán Việt đọc là Chủ thể) tư tưởng do Kim Nhật Thành đề xướng, được xem là hệ tư tưởng chính thức của Bắc Triều Tiên – BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn