CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 20)

Victor Sebestyen
Trong chùm bài Cách mạng 1989 của Victor Sebestyen do Phan Trinh dịch, đã đăng nhiều kỳ trên BVN, do sơ suất của biên tập viên nên bị thiếu mất kỳ 20. Chúng tôi xin cáo lỗi cùng dịch giả Phan Trinh và quý bạn đọc và xin đăng bổ sung cho trọn vẹn tập tài liệu lịch sử quý giá này.
Bauxite Việt Nam
 Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 18
BULGARIA: THANH LỌC CHỦNG TỘC
KHỦNG BỐ NGƯỜI THIỂU SỐ – “BÁC TOSHO” – GIẾT 1.000, BỎ TÙ 25.000 – ANH HÙNG GIẢ – KHÚM NÚM TRƯỚC MOSCOW – TRỞ MẶT VÌ TIỀN – NÓI LÀ ĐỦ, KHÔNG CẦN LÀM – CHỐNG ĐỐI NGẦM – HŨ CHÌM
***

Thủ đô Sophia, Bulgaria. Tháng 6, năm 1987
KHỦNG BỐ NGƯỜI THIỂU SỐ
1.
CHÚNG THƯỜNG ĐẾN GIỮA ĐÊM. Xe bọc thép Bulgaria thường quần quanh các làng, đèn pha sáng choang và tiếng la hét của lính tráng khiến mọi người đang say ngủ phải bật dậy, ra khỏi giường. Và rồi khủng bố bắt đầu.
Dân quân, theo lời nhiều nhân chứng kể lại, xộc vào từng căn nhà của người sắc tộc Thổ. Súng lăm lăm trên tay, chúng chìa ra trước mặt chủ nhà tờ giấy. Đó là lá đơn trên đó chủ nhà được lệnh phải viết tên họ kiểu Slav của mình và của từng người trong nhà, thay cho tên Hồi giáo họ được đặt từ khi chào đời.
Nếu chủ nhà từ chối hoặc tỏ vẻ phân vân, chúng sẽ đánh đập họ. Nhiều trường hợp họ bị bắt đứng nhìn vợ và con gái mình bị hãm hiếp. Nếu họ vẫn từ chối – vì tên Hồi giáo là tên thiêng liêng – họ sẽ bị bắt vào trại tù hoặc đơn giản hơn, bị giết chết tại chỗ.
Thủ tướng Bulgaria, Georgi Atanasov, có lần nói riêng với các thủ lĩnh cộng sản tại Sofia rằng trấn áp như thế là cần thiết “để giải quyết cho xong vấn đề người thiểu số Thổ, không đốt thì chém, dứt điểm một lần”.[i]
2.
Phần lớn người dân Bulgaria không hề biết đến điều gọi là “vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ”. Người thiểu số Thổ có khoảng 900.000 người, chiếm 10% dân số Bulgaria, tập trung trong hai khu chính ở đông bắc và cực nam đất nước.
Họ là dòng dõi những người Ottoman đã trị vì Bulgaria trong nhiều thế kỷ, mặc dù hiện tại họ chỉ là một sắc dân thiểu số bị tước mọi quyền hành. Họ đã chung sống hòa bình với các giống dân khác trong nhiều thế hệ trên vùng đất màu mỡ và là những nông dân chăm chỉ, giỏi canh tác. Họ vẫn giữ một số tập tục của Đạo Hồi nhưng ít người theo Đạo Hồi như một tôn giáo. Họ là những người học hành tử tế và là một thành phần đã hòa nhập vào xã hội Bulgaria.
Ionni Pojarleff, nhà vật lý sống ở Sofia nhưng trong nhiều năm có nhà ở một trong những nơi được gọi là “làng Thổ”, nhận xét rằng: “Thật khó phân biệt ai là người gốc Thổ ai không, trừ khi biết tên của họ. Tất cả chúng tôi đều bị đàn áp như nhau. Nhưng đến giữa thập niên 1980, chế độ bỗng tập trung đàn áp người Thổ, và thế là mọi sự thay đổi”.[ii]
*
“BÁC TOSHO”
3.
Chiến dịch đàn áp dã man do nhà độc tài Bulgaria phát động thực ra chỉ là thủ đoạn để quần chúng quên đi tình hình đen tối và băng hoại của nước mình.
Nhà độc tài Todor Zhivkov nắm quyền từ năm 1954, nhưng đến giữa thập niên 1980, dù bề ngoài vẫn cai trị với bàn tay sắt và bị dân sợ như xưa nay, Zhivkov có dấu hiệu khó ở bất thường.
Bulgaria, cũng như láng giềng Rumani, chưa bao giờ biết chế độ dân chủ là gì. Bulgaria giành được độc lập chỉ từ thập niên 1870 và được cai trị theo đường lối độc tài kiểu phương Đông cổ đại, khắc nghiệt chẳng kém chế độ cộng sản. Zhivkov cai trị theo lối toàn trị cá nhân, theo kiểu một tổng đầu lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ xưa, hoặc như một ông vua nắm quyền sinh sát ở phương Đông.
Dù không có tầm vóc quái vật như Ceausescu, Zhivkov cũng là kẻ dữ tợn. Ông cho lập những trại cưỡng bức lao động cải tạo kiểu gulag ở bán đảo Balkan, khét tiếng nhất là hai trại Skarvena và Belene, nơi hàng ngàn tù chính trị bị giam giữ cho đến giữa thập niên 1960.
Zhivkov cho giết hàng trăm người chống đối và sở hữu một lực lượng công an mật vụ trung thành, lực lượng Sigmost, như kiếm sắc và lá chắn vững chắc cho bản thân.
4.
Trước khi trở thành lãnh tụ tối cao, ông đứng đầu quân đội riêng của Đảng, có tên “Dân quân Nhân dân”, và tổ chức các cuộc thanh trừng cuối thập niên 1940, chống lại những phần tử được gọi là “lệch lạc”.
Ông biết cách dùng vũ lực để đàn áp, nhưng không tìm cách thần thánh hóa bản thân. Ông chỉ muốn liên tục cầm quyền, vì chỉ có quyền ông mới có thể tiếp tục biển lận tiền bạc ở quy mô lớn và gửi vào các ngân hàng Thụy Sĩ, mới có thể tiếp tục ngao du đất nước khi hứng chí, mới có thể ở trong khoảng hai tá những biệt thự được ông chọn lọc kỹ càng và chiếm làm của riêng cho gia đình.
Thấp lùn, mặt khỉ, ông cũng có thể trở thành “Bác Tosho” thân thiện, nói thứ ngôn ngữ của người Bulgaria bình dân và có thể dễ gần khi ông muốn tỏ ra dễ gần. Nhưng, như lời Ngoại trưởng lâu năm Petar Mladenov thường nói chỗ tiêng tư thì “Zhivkov là tay bệnh hoạn, đa nghi và tham vọng một cách điên cuồng”.[iii]
*
GIẾT 1.000, BỎ TÙ 25.000
5.
Ban đầu, Zhivkov là một tay giáo điều kiểu Stalin, nhưng trong ba thập niên tiếp theo, ông thay đổi và điều chỉnh đường lối lúc cần thiết.
Khi cảm thấy bị đe dọa là lúc ông dùng chiêu bài quốc gia và dùng bạo lực dã man để đồng hóa người Thổ. Trước đây, vào thập niên 1970, chế độ đã từng cưỡng bức 100.000 người Bulgaria gốc Slav Hồi giáo – gọi là người thiểu số Pomak – bỏ tên Hồi giáo của mình. Vụ cưỡng bức diễn ra không gặp nhiều trở ngại, cũng không bị chống đối công khai. Khoảng 500 người Pomak bị bỏ tù vì bất tuân nhưng bạo động chỉ diễn ra ở mức hạn chế.
Đến năm 1985, Zhivkov ra lệnh cấm dạy học bằng tiếng Thổ, đóng cửa các trung tâm văn hóa Hồi giáo và nói rằng ông “khích lệ” người Thổ đổi tên. Hàng trăm ngàn người đã phải đổi tên tính đến gữa năm 1987, khi chiến dịch được cho là hoàn tất. Một trợ lý của Zhivkov nói rằng chiến dịch đổi tên là “hoàn toàn tự nguyện vì niềm tự hào tự phát của nhân dân dành cho Bulgaria lan rộng khắp nơi”. Thế nhưng, bên ngoài thủ đô, khuất sau những bài báo, sự thực về chiến dịch đồng hóa càng lúc càng lộ diện: Dân quân giữa đêm đã bố ráp hàng trăm làng Thổ, hơn 25.000 người Thổ bị bỏ tù, gần 1.000 người bị giết chết. [iv]
*
ANH HÙNG GIẢ
6.
Trong khi các làng Thổ bị cưỡng bức thì các công trình quan trọng được xây dựng ở một vùng nông thôn khác tại Bulgaria.
Đó là công trình tại Pravets, cách thủ đô Sofia 120 cây số về phía đông. Chế độ muốn biến nơi này thành một “làng hiện đại” cho khoảng 4.200 cư dân. Một trong những con đường hiếm hoi chạy xuyên nông thôn được xây ở đây để kết nối Pravets thẳng tới Sofia.
Một số nhà máy công nghiệp nhẹ đầu tiên trong nước được xây dựng ở đây. Thiết bị hiện đại được cung cấp cho nông trường tập thể và một ít thửa ruộng tư nơi một số nông dân được phép canh tác trên đất mình sở hữu, một điều rất hiếm thấy tại Bulgaria. Nhiều nhà được xây mới, trong số có ngôi nhà một thời rất khiêm tốn nơi Todor Zhivkov sinh ra ngày 7/9/1911.
Căn nhà trở thành viện bảo tàng tôn vinh bản lĩnh anh hùng của vị lãnh tụ trong cuộc đấu tranh vì Chủ nghĩa xã hội, tôn vinh sự hy sinh của ông khi là du kích quân kháng chiến chống Đức quốc Xã, và tôn vinh sự lãnh đạo tài tình của ông trong những thập niên qua.
Thực ra, hầu hết quãng đời trước khi cầm quyền, Zhivkov chỉ làm thợ in tại một công ty nhà nước sản xuất văn phòng phẩm, chỉ giữ một vai nhỏ trong thời Cộng sản hoạt động ngầm thập niên 1930, và ông cũng chẳng bao giờ là du kích kháng chiến chống Đức. Ông chỉ trở thành một nhân vật hàng đầu trong phong trào Cộng sản sau khi Thế chiến II kết thúc và nắm trong tay lực lượng công an Sofia dữ tợn bị quần chúng kinh tởm.
***
KHÚM NÚM TRƯỚC MOSCOW
7.
Chủ nghĩa quốc gia là thanh gươm hai lưỡi trong tay các nhà độc tài cai trị các nước chư hầu lệ thuộc Liên Xô. Rất khó để một lãnh tụ Cộng sản được Liên Xô dựng lên lại có thể dùng chiêu bài quốc gia một cách có hiệu quả trong thời gian dài. Quần chúng tuy câm lặng vì sợ hãi, nhưng một cách kín đáo họ vẫn đưa ra những câu hỏi hóc búa về tư cách thuộc địa của nước mình trong lòng đế quốc Xô Viết.
Trong trường hợp Bulgaria, tình hình còn phức tạp hơn. Bulgaria có quan hệ văn hóa gần gũi và lâu đời với nước Nga. Các Sa hoàng Nga đã giải phóng Bulgaria khỏi đế quốc Ottoman và hai nước là đồng minh lâu đời. Ngôn ngữ của họ cũng giống nhau, cả hai đều dùng mẫu tự ki-rin. Trong lịch sử, cả hai nước đều theo Chính Thống giáo. Sau Thế chiến II, Bulgaria là nước có tính chất Slav nhiều nhất so với tất cả các nước chư hầu khác của Liên Xô.
Lãnh tụ Cộng sản đầu tiên của Bulgaria, ông Georgi Dimitrov, sinh ra ở Bulgaria nhưng sống lưu vong trong gần 20 năm. Ông là nhà hoạt động Bolshevik sắc sảo và trở nên nổi tiếng sau khi bị Đức quốc Xã tố (nhầm) là một trong những kẻ đốt cháy tòa nhà quốc hội Reichstag. Ông sống ở Liên Xô trong nhiều năm và là thủ lĩnh đáng sợ của Quốc tế Cộng sản. Ông là công dân Liên Xô được Stalin phái về Sofia để biến Bulgaria thành một nước Cộng sản theo đường lối Liên Xô.
8.
Sau khi Dimitrov chết năm 1949, một cuộc đấu đá quyền lực dữ dội đã diễn ra tại Sofia. Zhivkov được chọn, với sự hậu thuẫn của Moscow, trở thành lãnh tụ năm 1955.
Khi Zhivkov lên nắm quyền, ông đã qua mặt tất cả các lãnh tụ khối Xã hội chủ nghĩa ở khoản bôi trơn khúm núm trước bất cứ ai cầm quyền tối cao ở Kremlin. Một chuyện vui được truyền tai ở Sofia kể rằng khi Khrushchev (sau này được thay bằng Brezhnev) gặp Zhivkov, ông hỏi rằng: “Todor, anh có hút thuốc không?”, Zhivkov [biết Khrushchev rất ghét người hút thuốc lá] đã nhanh nhẩu đáp: “Sao tôi phải hút ạ?”. Còn chuyện này lại không đùa: Năm 1972, Zhivkov đến gặp Brezhnev xin cho Bulgaria được sát nhập và trở thành nước cộng hòa thứ 16 của Liên Xô. Nhưng Brezhnev đã khôn khéo từ chối.[v]
*
TRỞ MẶT VÌ TIỀN
9.
Zhivkov nắm quyền liên tục 30 năm với bí quyết đơn giản và hiệu quả là cứ làm bất cứ những gì Moscow muốn ông làm. Nhưng đến lúc này thì quan hệ của ông với Liên Xô bắt đầu nguội lạnh. Lý do chính, tuy không phải duy nhất, là tài chính.
Liên Xô cung cấp cho Bulgaria, cũng như cho các nước trong khối COMECON khác, một khoản trợ cấp khổng lồ dưới hình thức dầu giá rẻ. Nhưng Bulgaria lập tức lật mặt và đem bán dầu cho phương Tây theo giá thị trường thế giới và bỏ túi khoản chênh lệch bằng ngoại tệ mạnh.
Khi biết được trò này, Liên Xô nổi giận. Bulgaria, cũng như hầu hết các nước chư hầu ở Đông Âu khác, nợ phương Tây rất nặng, hơn 10 tỉ đô-la Mỹ vào giữa thập niên 1980. Chính quyền Bulgaria dùng mức nợ của mình như lý do để biện minh cho hành động lật mặt kia, nhưng điều này càng làm Liên Xô khó chịu hơn.
Khi giá dầu còn cao và đang tăng thì trò chơi khăm của Bulgaria tuy chọc giận Liên Xô, nhưng lúc đó Liên Xô vẫn thu được lợi nhuận cao khi bán dầu cho thế giới. Đến khi giá dầu sụp đổ vào giữa thập niên 1980 thì Liên Xô mất gần một nửa lợi nhuận từ ngoại thương.
Liên Xô càng lún vào thảm họa kinh tế thì càng giận Bulgaria. Quan chức Kremlin không thể tha thứ cho Zhivkov, và người càng khó tha thứ là Mikhail Gorbachev, ông nói: “không thể chấp nhận được việc nhân dân Xô Viết phải nai lưng ra hy sinh như thế này để giúp đỡ đồng chí Zhivkov”.[vi]
*
NÓI LÀ ĐỦ, KHÔNG CẦN LÀM
10.
Đối với Gorbachev, nhà độc tài xứ Bulgaria là một trong nhóm bốn người mà trợ lý của Gorbachev gọi là “tứ nhân bang”, tức bốn lãnh tụ giáo điều, bốn kẻ sót lại của một thời đã qua, bốn kẻ không chịu chuyển động cùng thời đại và không chấp nhận “tư duy mới” để có thể cứu sống Chủ nghĩa cộng sản. Gorbachev xếp Zhivkov cùng loại với Honecker, Husak và Ceausescu và ông mất kiên nhẫn với cả bốn.
Còn đối với Zhivkov – lúc này 75 tuổi, bị tha hóa lâu năm bởi quyền lực và lối sống hoang phí – thì Gorbachev là một bí ẩn. Ban đầu, Zhivkov làm những gì ông vẫn làm là rập khuôn lãnh tụ tối cao ở Moscow. Zhivkov cũng hoan nghênh glasnost (cởi mở) và perestroika (tái cấu trúc). Ông ca tụng Gorbachev và đưa ra kế hoạch cải cách của riêng mình, đặt tên rất kêu là “Điểm chủ chốt trong Ý niệm về thúc đẩy xây dựng Chủ nghĩa xã hội tại Bulgaria”. Kế hoạch còn đi xa hơn cả kế hoạch cái cách của Liên Xô, nhất là trong việc tự do hóa thương mại và cho phép công ty tư nhân hoạt động. Nhưng Zhivkov không làm bất cứ điều gì mình nói.
Sai lầm lớn nhất là ông không nghĩ Gorbachev thực tâm muốn cải cách. Zhivkov nghĩ rằng chỉ cần nói cho hay, cho mạnh dạn là đủ, chỉ cần hùa theo Gorbachev khi được hỏi ý kiến là đủ, còn trên thực tế không phải làm gì hết. Khi nhận ra Gorbachev thực sự nghiêm túc làm những gì mình nói, Zhivkov tìm cách tránh xa lãnh tụ Liên Xô, nhưng đã quá trễ.
*
CHỐNG ĐỐI NGẦM
11.
Trong nước, ông bắt đầu đối phó với những chống đối chưa từng gặp trước đây, tuy còn ngấm ngầm. Ông phải tìm cách mới để xử lý những bất đồng. Zhivkov đã rất khéo léo trong việc chăm sóc và dụ dỗ để lôi kéo giới trí thức về phía mình. Thỉnh thoảng ông vẫn ngựa quen đường cũ, dùng lại những biện pháp dữ tợn như trước, nhưng nhìn chung, theo nhận xét của Maria Todorova, một nhà tiểu luận và sử gia, thì: “Ông thành công trong việc tha hóa và chia rẽ chúng tôi, nhưng khéo léo tránh để không biến chúng tôi thành những người tuẫn đạo”. Phương pháp pha trộn giữa mua chuộc và đe dọa đã tỏ ra hiệu quả trong một thời gian dài, nhưng đến lúc này lại không còn tác dụng nữa.
Tuy vẫn chưa có tác phẩm văn chui nào được phổ biến ở Bulgaria nhưng những nhà bất đồng đã chấm dứt tình trạng cô lập của mình. Họ bắt đầu tụ tập lại để trao đổi, nếu chưa phải là để thành lập những hội đoàn bán chính thức. Họ chưa dám nói về việc giải thể chế độ cộng sản, càng chưa dám hạ thấp thanh danh lãnh tụ tối cao, vì như thế quá nguy hiểm. Nhưng họ thảo luận về việc thành lập các công đoàn tương tự như Công đoàn Đoàn kết và đặc biệt họ nói về việc bảo vệ môi trường.
Ruse, một thị trấn đẹp và cổ kính bên dòng Danube ở phía bắc Bulgaria, đang bị hủy hoại vì ô nhiễm không khí do khí độc thải ra từ nhà máy hóa chất Giurgiu thuộc Rumani. Rất đông người dân thị trấn và các làng lân cận đã mắc các bệnh đường phổi trầm trọng. Một tu viện mang đậm dấu ấn lịch sử ở Rila, miền tây nam đất nước, một trong những điểm đến quan trọng nhất tại Bulgaria đối với du khách, đang bị đe dọa bởi dự án xây đập vắt ngang hai nhánh Sông Danube để làm nhà máy thủy điện. Đồng bằng Traika, gần biên giới Hy Lạp, từng là vùng đất nông nghiệp trù phú nhất Bulgaria, trong suốt 10 năm qua đã bị ô nhiễm vì một nhà máy luyện sắt lân cận. Các thành phố tại Bulgaria thường bị bao phủ trong màn khói ô nhiễm, nặng gấp 17 lần mức trung bình của Châu Âu. Các cuộc biểu tình bắt đầu nhiều dần dưới quyền điều động của một tổ chức mở tự đặt tên là “Ecoglasnost” (Cởi mở về môi trường).[vii]
*
HŨ CHÌM
12.
Zhivkov không lo lắng bao nhiêu về một vài nhà hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng ông căm ghét ý tưởng về một công đoàn độc lập có thể sẽ quấy động công nhân.
Tuy vẫn nắm chặt mọi quyền hành trong tay nhưng ông và vài đồng chí cùng tuổi ngày càng lạc điệu trong cõi riêng. “Bác Tosho” Zhivkov thì vừa rút vào cõi riêng vừa rút vào hũ chìm. Cuối thập niên 1980, nhà báo nữ Sylvie Kaufmann đến phỏng vấn ông, cuộc phỏng vấn được sắp xếp lúc 10 giờ sáng. Zhivkov mở đầu bằng cách mời cô nhà báo một ly rượu mạnh. Cô từ chối vì mới ăn sáng xong, nhưng ông thì uống cạn vài ly. Khi nói chuyện, ông liên tục lú lẫn. Cô kể: “Thật ngượng. Khi ý ông nói đến Gorbachev thì miệng ông lại nói Brezhnev. Người thông dịch cố chỉnh lại cho đúng nhưng rồi miệng ông vẫn cứ Brezhnev như thường”.[viii]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô Viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Robert Crampton, A History of Modern Bulgaria (Cambridge University Press, 1997), tr. 274
[ii] Nhân vật trò chuyện với tác giả, Sofia, tháng 9/2007
[iii] Tác giả nói chuyện với Andrei Lukanov, Sofia, tháng 4/1990
[iv] Thông tin về Todor Zhivkov, xem: David Pryce-Jones, The War that Never Was (Weidenfeld & Nicolson, London, 1995), tr. 215-18; William Echikson, Lighting the Night: Revolution in Eastern Europe (Pan, 1990), tr. 122-5
[v] Robert Crampton, sđd, tr. 257-80
[vi] Nhật ký Anotoli Chernyaev, tháng 5/1985, CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)
[vii] Tác giả nói chuyện với Krassen Stanchev, Sofia, tháng 10/2007
[viii] Báo Le Monde, 18/1/1989
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn