CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 8)

Victor Sebestyen

 Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 6
VẾT THƯƠNG RỈ MÁU – AFGHANISTAN
SẬP BẪY Ý THỨC HỆ – TÂY SỢ CÔNG, ĐÔNG SỢ HỒI – ĐẢO CHÍNH 1978 – CÁCH MẠNG LÂM NGUY – LIÊN XÔ ĐỔI Ý – CHỈ ĐÁNH NHANH RÚT GỌN – TƯỚNG LĨNH CAN NGĂN – “CHỈ BA HAY BỐN TUẦN” – DIỆT AMIN, DỰNG KARMAL – SA LẦY, MẤT MÁU
***
Kabul. Chủ nhật, ngày 13 tháng 12, năm 1981
SẬP BẪY Ý THỨC HỆ

1.
CÓ MỘT LÝ DO TỐI QUAN TRỌNG vì sao xe tăng của Hồng quân Liên Xô không được gửi đến Warsaw để đè bẹp Công đoàn Đoàn Kết. Lý do này được Mikhail Suslov đưa ra, ông có lẽ là người biện hộ cứng rắn nhất cho chủ nghĩa đế quốc đỏ trong hàng ngũ lãnh đạo Moscow. Khi các đầu lĩnh Xô-viết đang động não xem cần làm gì ở Ba Lan, ông nói: “Đơn giản, chúng ta không thể gánh thêm một Afghanistan nào nữa”.
Tính đến tháng 12/1981, quân Liên Xô đã chiến đấu nhân danh xã hội chủ nghĩa tại vùng biên giới Trung Á được hai năm, và rõ là họ đang sa lầy vào thảm họa. Khoảng 2.000 lính Nga đã bị giết chết – nhiều hơn con số chết vì công vụ trong suốt 35 năm kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Các lãnh tụ già ở Kremlin loay hoay tìm đường ra, nhưng không tìm được lối thoát nào mà lại không làm nhục mặt Liên Xô trên trường quốc tế. Và mất mặt trên trường quốc tế chính là điều họ không thể cho phép xảy ra.
Họ bị mắc kẹt trong chủ nghĩa dân tộc Nga và sập bẫy ý thức hệ của chính mình. Họ tin rằng lịch sử đang đứng về phía họ, rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ tất yếu thắng, và rằng không một đất nước nào, nếu đã trải qua cách mạng xã hội chủ nghĩa, lại được phép quay đầu trở về đường cũ – kể cả đó là một đất nước chẳng phù hợp với chủ nghĩa cộng sản chút nào như Afghanistan. Nói cách khác, nếu thừa nhận thất bại ở một nơi, đó sẽ là suy yếu và điều này sẽ khuyến khích kẻ thù nổi dậy khắp nơi.
Cũng vì vậy, họ như buông xuôi, để mình bị cuốn sâu vào một cuộc chiến không thể thắng, tại một vùng núi non hiểm trở, bị kẻ địch bao vây, kẻ địch mà họ chưa thực sự hiểu rõ.
*
TÂY SỢ CÔNG, ĐÔNG SỢ HỒI
2.
Lãnh đạo Liên Xô thực ra ban đầu không chủ trương tham chiến tại Afghanistan. Ý định của họ không phải là đưa quân chiếm đóng nước này.
Sau năm 1945, những lần quân đội Liên Xô được gửi đến tham chiến ở nước ngoài là đến các nước láng giềng trong Khối Warsaw, tức các nước chư hầu, để tái khẳng định quyền thống trị. Những lần can thiệp như tại Hungary năm 1956 là can thiệp để vãn hồi trật tự ở nước mà Liên Xô gần như sở hữu.
Afghanistan lại khác. Đất nước này không nằm trong khu vực thường được xem là vùng ảnh hưởng của Liên Xô, nhưng giờ đây nó trở thành một phần của Chiến tranh Lạnh, một trái đệm được Đông và Tây tranh giành. Một cuộc chiến tranh nóng ở Châu Âu – giữa thời đại của khái niệm “Bảo đảm Hủy diệt Cả hai” (Mutually Assured Destruction) bằng vũ khí hạt nhân – là điều không thể để cho xảy ra. Vì vậy, cuộc cạnh tranh của các siêu cường đã lan rộng đến Thế giới Thứ ba, đặc biệt là vùng Trung Đông, nơi cả Đông lẫn Tây đều thấy quyền lợi thiết thân của mình bị đe dọa.
Nếu ở sườn phía Tây, Liên Xô sợ Đức Giáo hoàng Công giáo, thì ở sườn phía Đông, họ lại sợ các giáo sĩ Hồi giáo. Họ lo ngại chủ nghĩa Hồi giáo chính thống lớn mạnh ở Iran, cùng lúc lo ngại “chủ nghĩa đế quốc” phương Tây lan tới Afghanistan, sát nách các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên bang Xô-viết.
*
ĐẢO CHÍNH 1978
3.
Vào cuối tháng 4/1978, một nhóm nhỏ các sĩ quan cánh tả đã cướp chính quyền tại thủ đô Kabul. Lãnh tụ đảo chính đều là những người cộng sản, thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA), có quan hệ thân thiết với Moscow.
Đại sứ Liên Xô, Alexander Puzanov, được thông báo về kế hoạch đảo chính, nhưng ông phản đối. Moscow cũng phản đối. Tình báo KGB yêu cầu phe đảo chính không động binh, nhưng lời yêu cầu bị gạt qua một bên.
Tin tức đầu tiên Điện Kremlin có về cuộc đảo chính là một bản tin điện tín của thông tấn xã Reuters. Nhưng ngay lập tức, Moscow thay đổi lập trường, họ gọi những người đảo chính tại Afghanistan là đồng chí và ca tụng cuộc cách mạng như một chiến thắng vẻ vang của chủ nghĩa xã hội.
Moscow sau đó gửi ngay một đội ngũ cố vấn – gồm kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia xây dựng cầu đường, nhân viên tình báo – đến Afghanistan, góp phần cổ xúy cho lý tưởng cộng sản quốc tế.
4.
Lãnh tụ mới của Afghanistan lúc đó là Mohammed Taraki, một nhà tư tưởng Mác-xít thuần sách vở, 61 tuổi. Ông bắt đầu áp đặt lý thuyết vào thực tế một cách cứng nhắc, bất kể tính bảo thủ sâu nặng của một xã hội Hồi giáo truyền thống.
Ông cho bắt giam và xử tử hàng trăm người ông cho là kẻ thủ và chà đạp lên các tập quán cổ xưa. Ông ép buộc nông dân trồng hoa màu khác, thay vì trồng thuốc phiện, và đưa ra kế hoạch lớn nhằm quốc hữu hóa nông nghiệp. Phụ nữ được đến trường, được học đọc học viết, và được khuyến cáo bớt dùng mạng che mặt.
Saher Gul, một giáo sĩ tại tỉnh Laghman hẻo lánh, giải thích rằng: “Người cộng sản tìm cách thay đổi luật của Thượng Đế. Họ muốn hủy bỏ truyền thống Hồi giáo, làm mọi người thoát nghèo và bình đẳng với nhau. Điều này chống lại luật Hồi giáo. Thượng Đế đã quyết định ai giàu ai nghèo. Điều đó người cộng sản không thể thay đổi được”.[i]
*
CÁCH MẠNG LÂM NGUY
5.
Hầu hết người dân tại đây đồng tình với Gul. Trong 18 tháng sau đó, cuộc cách mạng đi đến chỗ đổ bể. Sự kháng cự ngày càng tăng và giới giáo sĩ kêu gọi quần chúng tham gia jihad (thánh chiến) chống lại bọn cộng sản vô thần. Nhiều ngàn người Afghanistan đã đứng vào hàng ngũ quân kháng chiến Hồi giáo Mujahideen, tức Quân đội của Thượng đế, đi vào khu kháng chiến trên núi, hoặc vượt thoát qua các vùng trống dọc biên giới Pakistan.
Kabul và một ít đô thị lớn được quân Taraki kiểm soát, nhưng hầu hết phần còn lại của Afghanistan nằm trong tay quân du kích. Taraki gấp rút yêu cầu Liên Xô gửi quân chi viện để chống lại “bọn phá hoại và quân khủng bố” đang khiến cách mạng lâm nguy. Nhưng ông chỉ nhận được một ít chiến đấu cơ, một số vũ khí và sự hỗ trợ tinh thần. Ngay cả khi một nhóm kháng chiến quân Mujahideen giết chết bảy cố vấn Liên Xô vào tháng 3/1979, Moscow vẫn bác bỏ yêu cầu can thiệp quân sự trực tiếp để cứu vãn tình hình.
Andropov đưa ra nhận định thông thái sau đây: “Một vấn đề cần xem xét, đó là ai sẽ có lợi nếu ta đưa quân vào Afghanistan? Một điều rất rõ … đó là Afghanistan hiện chưa sẵn sàng để giải quyết các vấn đề của mình bằng con đường xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tại đây lạc hậu, Hồi giáo thống trị xã hội, và gần như toàn bộ nông dân đều thất học. Đây không phải là một tình thế chín muồi cho cách mạng. Ta chỉ có thể giữ gìn chế độ Taraki bằng lưỡi lê Xô-viết, nhưng đó là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta không thể chịu rủi ro như thế”.
Gromyko đồng ý với Andropov, nhìn từ góc cạnh ngoại giao và chiến lược. Ông cho rằng nếu gửi quân qua Afghanistan, Liên Xô sẽ bị xem như kẻ xâm lược, và như thế “Tất cả những gì chúng ta đã làm trong những năm qua, những nỗ lực để hòa hoãn, để giải trừ vũ khí hạt nhân, và nhiều cố gắng khác sẽ bị đảo ngược. Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ hưởng lợi, như nhận được một món quà đáng giá. Tất cả các nước phi liên kết sẽ đồng loạt chống ta … những hậu quả nghiệm trọng sẽ diễn ra nếu ta hành động như vậy”.[ii]
*
LIÊN XÔ ĐỔI Ý
6.
Thế nhưng, có hai tính toán địa chính trị – cộng một vụ ầm ĩ trong nội bộ Afghanistan với hậu quả đẫm máu – đã làm Liên Xô thay đổi đường lối.
Tính toán địa chính trị chiến lược thứ nhất đó là: Chế độ Shah sụp đổ tại Iran vào tháng 2/1979 là một đại họa với cả Liên Xô lẫn Mỹ. Ban đầu, Điện Kremlin dự đoán Mỹ sẽ can thiệp để vực dậy chế độ Shah, hoặc can thiệp khi hàng chục con tin Mỹ bị bắt giữ ngay tại Tòa Đại sứ Mỹ.
Khi không thấy Mỹ can thiệp, và khi thấy lực lượng Bảo an Cách mạng Iran bắt đầu tuần tiễu ở thủ đô Teheran, giới lãnh đạo Liên Xô thấy ngay rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran dưới quyền Giáo chủ Khomeini là một mối nguy hiểm cho an ninh Liên Xô. Theo lời Vasily Safranchuk, viên chức Bộ Ngoại giao Liên Xô phụ trách vùng Trung Đông: “Quan tâm chính của chúng tôi là an ninh cho các vùng biên giới phía nam Liên bang Xô-viết, … là sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”.
Một tính toán chiến lược khác của Kremlin là nỗ lực đạt đến hòa hoãn (détente) và công cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân với phương Tây gần như đang sa lầy. Cả Đông lẫn Tây đều tỏ ra không thể hoặc không muốn ngưng cuộc chạy đua vũ trang mới. Đầu thập niên 1970, Brezhnev thỏa thuận với các tổng thống Mỹ Nixon và Ford sẽ hạn chế số hỏa tiễn liên lục địa của cả Liên Xô lẫn NATO. Nhưng trên thực tế, Nga đã phát triển một loại hỏa tiễn tầm trung khác, hỏa tiễn SS-20, bắt đầu cài đặt ở Đông Âu từ năm 1978, và NATO muốn đối trọng lại bằng thế hệ hỏa tiễn mới, Cruise và Pershing, dù không xác định khi nào sẽ triển khai.[iii]
7.
Một vụ xung đột ầm ĩ khác, diễn ra tại Kabul, đã thúc đẩy Liên Xô can thiệp ngay vào Afghanistan. Đó là cuộc tranh giành quyền lực giữa những người cộng sản Afghanistan, vốn đã diễn ra âm ỉ từ trước khi cách mạng xảy ra.
Phó tướng của Tổng Bí thư Taraki, ông Hafizullah Amin, nhân vật cứng rắn nắm giữ lực lượng an ninh, muốn lên nắm quyền. Amin tin rằng mình, một người hành động, sẽ phù hợp hơn để lãnh đạo cuộc chiến chống quân du kích. Ngày 14/9/1979, Amin lật đổ Taraki.
Không có tin tức gì về vụ đảo chính lọt được ra ngoài, mãi cho tới hai tuần sau, khi tờ Kabul Thời báo loan tin Taraki “chết vì một căn bệnh bí ẩn”. Một thành viên của đội bảo an Dinh Chủ tịch, mấy năm sau sống lưu vong đã kể lại sự thật rằng: Tổng Bí thư Taraki bị trói trên giường bằng khăn vải, rồi bị đè bằng gối cho ngộp thở đến chết. Cơn giẫy chết của ông kéo dài suốt 15 phút.
8.
Nhân vật tàn bạo và hùng hổ Amin, 50 tuổi, sau khi nắm quyền đã điều động cuộc thanh trừng các đối thủ khác trong Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan, không hề được Moscow tin tưởng.
Mật vụ KGB cho rằng ông chơi trò hai mặt, và đã có những động tác ngoại giao ve vãn Mỹ. Một báo cáo gửi lên Brezhnev còn nói rằng Amin có thể đã được CIA tuyển dụng. Không có chứng cớ nào cho việc này nhưng Andropov ngày càng tin rằng phải loại bỏ Amin.
Những hoài nghi về quyền lợi mà ông trùm KGB Andropov nghĩ tới trước đó vài tháng nay không còn, khi ông cho rằng phải gửi quân đội Liên Xô qua Afghanistan để “bảo vệ cách mạng” và đánh bại “bọn khủng bố”. Nhân vật thứ hai sau Andropov, Vladimir Kryuchkov, nói: “Andropov thấy rằng … nếu chúng tôi không tiến vào Afghanistan thì nước khác sẽ vào”.[iv]
*
CHỈ ĐÁNH NHANH RÚT GỌN
9.
Hai đầu não còn lại của “bộ ba” thủ lĩnh Điện Kremlin, Ustinov và Gromyko, đồng ý với nhận định trên của Andropov. Bộ trưởng Ngoại giao Gromyko lúc này tin rằng “chúng ta không thể để mất Afghanistan”.
Cả ba đều cố thuyết phục Brezhnev ngả theo mình, dù thoạt đầu Brezhnev e ngại vì ông vẫn đủ tỉnh táo để thấy những rủi ro nghiêm trọng có thể mắc phải khi đưa quân vào Afghanistan. Ông nói ông đã rất vất vả mới có được tiếng tăm như một người kiến tạo hòa bình, và những điều đó có thể mất hết nếu cuộc phiêu lưu tại Afghanistan sa lầy.
Kế hoạch là đưa quân vào Afghanistan phô trương lực lượng, loại bỏ Amin, thay thế hắn bằng một nhân vật bù nhìn dễ bảo và đáng tin cậy, hỗ trợ các cuộc hành quân của quân đội Afghanistan trong vài tuần rồi rút lui, ngay sau khi một chế độ mới được thành lập. Cuộc can thiệp này được dự trù diễn ra nhanh và kết thúc gọn, như phẫu thuật cấp cứu.
*
TƯỚNG LĨNH CAN NGĂN
10.
Tuy nhiên, các quan chức cao cấp của quân đội Liên Xô lại chống lại kế hoạch này từ đầu và cố hết sức ngăn chặn nó, dù sự nghiệp của họ có thể gặp trở ngại. Người đứng đầu Ban Tham mưu Quốc phòng, Thống chế Nikolai Ogarkov, và người kế cận, Tướng Sergei Akhromeyev – cả hai đều là những vị tướng đầy thành tích trong Thế Chiến II – là những tiếng nói phản biện cấp cao. Họ bày tỏ sự nghi ngờ với Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov, chỉ ra rằng kinh nghiệm của người Anh trong thế kỷ 19 và của nước Nga dưới thời các Sa hoàng cho thấy phải rất thận trọng khi dính líu vào Afghanistan.
Nhưng thay vì được lắng nghe, họ bị khiển trách. Ustinov bảo: “Các tướng lĩnh bây giờ có quyền đưa ra quyết định cho Liên Xô à? Việc của các anh là đưa ra kế hoạch hành quân chi tiết và thi hành mệnh lệnh”. Và, họ đã phải đưa ra kế hoạch chi tiết để thỏa mãn cấp trên, dù lòng không thuận.
Đến sáng ngày 10/12/1979, Thống chế Orgakov lại nói với Brezhnev rằng hầu hết các đồng nghiệp của ông đều “lo ngại sâu sắc” về kế hoạch sắp tới, vì quân Liên Xô có “nguy cơ bị sa lầy trong những điều kiện hoàn toàn xa lạ và khắc nghiệt”. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov một lần nữa bảo ông “câm miệng và tuân lệnh”.
Cuối ngày hôm ấy, khi các đầu lĩnh khác tại Kremlin nhóm họp, Thống chế Orgakov lại một lần nữa dũng cảm cảnh báo về những “hậu quả rất nghiêm trọng” của cuộc phiêu lưu quân sự này. Ông nói: “Ta sẽ làm cho cả khối Hồi giáo phương Đông đoàn kết lại chống ta”. Lần này, Andropov nạt nộ ông. Andropov bảo: “Cứ tập trung vào việc quân sự đi. Còn việc ra chính sách, cứ để chúng tôi và Đảng lo liệu”.[v]
*
“CHỈ BA HAY BỐN TUẦN”
11.
Quyết định cuối cùng được đưa ra vào ngày 12/12/1979.
Trước đó bốn ngày, cán cân lực lượng giữa Đông và Tây đã nghiêng về phương Tây khi NATO quyết định cho lắp đặt 464 hỏa tiễn Cruise và 108 hỏa tiễn Pershing ở Tây Âu. Một quan chức cao cấp nhận định rằng: “Sau quyết định đó của NATO, chúng tôi … không còn gì để mất”. Brezhnev đã ký quyết định “với bàn tay run rẩy”, dù vẫn tỏ vẻ lạc quan trước mọi người.
Một lúc sau, khi nói chuyện với Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoli Dobrynin – nhân vật dày dạn kinh nghiệm và sắc sảo bậc nhất Liên Xô nhưng cũng hoài nghi kế hoạch đưa quân qua Afghanistan – Brezhnev đã trấn an ông rằng: “Đừng lo Anatoli, chúng ta sẽ rút khỏi chỗ đó chỉ sau ba hay bốn tuần lễ thôi”.[vi]
*
DIỆT AMIN, DỰNG KARMAL
12.
Chiến dịch bắt đầu vào đúng Lễ Giáng sinh, nhưng hỏng ngay từ đầu. Kế hoạch trước hết là đầu độc Amin, nhưng ông đã thoát chết, dù đau đớn.
Amin cho tăng cường lực lượng phòng thủ dinh thự của ông ở ngoại ô Kabul. Lực lượng đặc biệt của Liên Xô, lúc này đã mất yếu tố bất ngờ, cuối cùng tìm được và bắn chết Amin, nhưng cũng thiệt hại nhân sự rất nặng.
Kế hoạch được dự tính sẽ chỉ đơn giản là một cuộc ám sát nhanh gọn, không để lại dấu vết đáng kể, bỗng trở thành một cuộc tắm máu với hai xe tải đầy xác chết.
13.
Người thay thế Amin là Babrak Karmal, sau này hiện nguyên hình là một tay nghiện rượu nặng và háu gái thất thường.
Babrak vốn là một trong những lãnh tụ của cuộc đảo chính năm 1978, nhưng không được trọng dụng bởi cả hai người tiền nhiệm. Ông bị điều đi làm Đại sứ Afghanistan tại Tiệp Khắc, nơi ông sống lặng lẽ, cho đến khi KGB “không vận” ông ra khỏi Praha và bí mật đưa ông về Kabul, hai ngày trước khi Liên Xô xua quân vào Afghanistan.
Thủ đô Kabul lúc đó chưa an toàn vì vẫn còn những nhóm kháng cự trung thành với Amin chiến đấu một mất một còn. Trong tình hình đó, Karmal được chính thức dựng lên như lãnh tụ Đảng Cộng sản vào ngày 26/12/1979 trong một phiên họp Đảng triệu tập vội vã, được Hồng quân Liên Xô bảo vệ tại phi trường Bagram, nơi quân Liên Xô dùng như tổng hành dinh chỉ huy hành quân.
*
SA LẦY, MẤT MÁU
14.
Hai năm sau, có khoảng 100.000 quân Liên Xô đóng quân tại Afghanistan và cuộc chiến vẫn tiếp tục leo thang.
Quân du kích Hồi giáo Mujahideen nhận được những chuyến hàng khổng lồ đầy vũ khí và tiền bạc của Mỹ, với mục tiêu chính là cầm chân quân Liên Xô càng lâu càng tốt trong cuộc chiến tốn kém này, và họ đã đạt mục tiêu.
Quân Liên Xô thay đổi chiến thuật theo thời kỳ. Ban đầu, họ tham gia vào những trận càn quét có vũ trang với quy mô lớn tại những vùng bất ổn nhất, như tỉnh Helmand ở miền nam và vùng biên giới sát Pakistan, tức tuyến đường vận chuyển vũ khí của quân kháng chiến. Nhưng chiến thuật này không hiệu quả. Một quan sát viên của cuộc chiến giải thích rằng: “Trong khoảng 99% các trận đánh chúng tôi tham gia tại Afghanistan, phe Liên Xô đều thắng. Nhưng vấn đề là buổi sáng hôm sau, tình trạng lại y như trước, giống như chưa từng có trận đánh nào xảy ra … Quân kháng chiến Mujahideen lại có mặt ở đúng ngôi làng mà họ bị, hoặc chúng tôi nghĩ là họ bị, tiêu diệt cách đó chỉ một hoặc hai ngày. Thật … chẳng được tích sự gì”.
Hồng quân Liên Xô sau đó áp dụng chiến thuật dữ dội hơn và dùng cả không lực. Họ thả bom và bắn phá các thị trấn, làng mạc, sau đó đổ quân biệt kích càn quét. Nhưng rồi kết quả cũng tương tự. Kháng chiến quân Hồi giáo chỉ việc biến mất một thời gian, rồi sau đó quay lại.
Tuy vậy, tổng cộng cũng có khoảng một triệu người Afghanistan bị giết chết trong cuộc chiến này và khoảng từ hai đến ba triệu người tị nạn phải rời bỏ đất nước.
15.
Quân Liên Xô không tìm được lối ra nào và lực lượng của họ đã quá tải, đến nỗi không thể đặt vấn đề gửi quân đi nước nào khác nữa.
Một nhân vật trẻ trong hàng ngũ lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, lúc này đang phụ trách nông nghiệp, trong những cuộc trò chuyện riêng tư, cũng gọi Chiến tranh Afghanistan là “vết thương làm chúng ta mất máu”.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Trích bản chép cuộc phỏng vấn trong CNN Cold War series, tại LHCMA (Lieddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 14
[ii] TsKhSD, f89, Per 14, doc 30, Moscow
[iii] Phỏng vấn trong CNN Cold War series, LHCMA, box 12
[iv] Như trên
[v] Vladislav Zubok, A Failed Empire (University of North California Press, 2007), tr. 345-53, và TsKhSD, f89, Per 14, doc 31, Biên bản Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 10/12/1990
[vi] Anatoly Dobrynin, In Confidence (Times Books, New York, 1995), tr. 232
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn