Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Kỳ 20)

Bill Hayton

Phan Văn Song dịch

Hoàng Việt hiệu đính

Chương 9

Hợp tác và những điều trái ngược:

Giải quyết các tranh chấp

(Cooperation and its Opposites: Resolving the Disputes)

CHIẾC SARIMANOKIS hứa hẹn mang nhiều hi vọng tới nhưng nó chẳng mang được gì nhiều cho Eric Palobon trong chuyến đi này. Với một chuyến trúng luới, thuyền của ông có thể mang về khoảng 30 cá ngừ với con lớn nhất cân nặng 100 kg. Lần này ông chỉ bắt được 6 con và con lớn nhất chỉ nặng 60 kg. Con chim thần thoại sơn trên mũi quét vôi không thể bù đắp cho những tàn phá tác động lên mật độ cá ngừ ngoài biển. Eric là người thừa kế hiện đại cách sống của người Nusantao và chiếc banca của ông chỉ hơn đôi chút chiếc xuồng có thành cao với giàn cân bằng dài bằng tre dày chìa ra hai bên để giữ cho nó khó bị nghiêng đổ trong vùng biển nhấp nhô của Biển Đông. Buồng lái trông chỉ vừa đủ lớn cho ba người nhưng Eric nói rằng trên tàu anh có 12 thành viên trong hai tuần qua, sống nhờ gạo và những gì họ đã bắt được. Một cột buồm ở giữa đỡ các tấm bạt có thể cuộn lại như một chiếc lều lớn dùng che nắng che mưa cho toàn bộ con thuyền ọp ẹp nhưng khi chạy vào vịnh Manila người trên thuyền đã cuộn chúng lại và trang trí bằng quần áo mới giặt trên các dây chằng thay vào.

Khi thấy chiếc thuyền lướt vào bến, năm ba chàng trai háo hức từ trên bờ nhảy lộn xuống nước biển đục hi vọng có được một ít tiền quà cho việc giúp đưa số cá bắt được lên bờ. Các bạn hàng tụ tập xung quanh cửa vào nhà kho khổng lồ dù biết trước sẽ có một vài cãi vã xảy ra. Một sợi dây thừng được ném lên bờ và con cá ngừ thứ nhất đã được hạ xuống một chiếc bè làm từ hộp polystyrene cũ quấn cùng với lưới. Đứng dạng chân trên con cá ngừ vàng rất lớn, một trong những chàng trai đã kéo món hàng quý giá này, đổi tay này qua tay kia, hướng về phía nhà lồng của cảng cá Navotas; 80 % lượng cá ăn của 12 triệu người dân sinh sống tại nội thành Manila đi qua các tòa nhà này. Đó là cảng cá lớn nhất trên một đất nước ăn rất nhiều cá.[1] Eric mong cho mỗi con cá ngừ 60 kg của mình bán được khoảng 200 tới 300 peso mỗi kg: khoảng $1 600 tới $2 000 chia ra cho 12 người trong 14 ngày làm việc – mỗi người $10 một ngày. Không phải là một mức sống tệ – gấp đôi mức trung bình quốc gia.

Philippines là một nơi lý tưởng cho việc bắt cá ngừ vây vàng. Chúng di chuyển từ vùng Biển Đông vào Biển Sulu từ tháng 6 đến tháng 8 và một lần nữa, từ tháng 8 và tháng 10, đi xuyên qua một số các khoảng trống tương đối hẹp giữa chuỗi đảo. Đất nước này cung cấp một phần tư cá ngừ trên kệ các siêu thị ở Mỹ.[2] Và thị trường này thực sự đã bị cám dỗ với một số loài cá rất lớn. Loanh quanh bến gần chỗ chiếc banca có giàn thăng bằng của Eric là một tàu đánh cá ngừ thuộc loại rất khác. Chiếc The Lake Lozada lớn hơn nhiều nhưng trong tình trạng yếu kém hơn để đi biển. Có thể thấy thân nó đã từng được sơn xanh, dù bây giờ hầu như hoàn toàn loang lổ. Ở nhiều chỗ, ngay phía trên ngấn nước, rỉ sét đã ăn những lỗ lớn qua lớp kim loại. Từ cái sàn dùng phóng lao trên mũi tàu, có thể đoán rằng con tàu đã từng là một tàu săn cá voi của Nhật nhưng nó không còn có vẻ có khả năng đánh bắt bất cứ thứ gì bây giờ. Theo những người làm việc trên tàu này, công việc của The Lake Lozada từng ở ngoài biển, mỗi lần kéo dài cả năm, kéo đuợc 300-500 con cá ngừ mỗi ngày. Vào những ngày trúng lưới, con số này có thể lên tới 2 000. Các tàu vận chuyển hai ngày tới gặp nó một lần để chuyển số cá bắt được tới các nhà máy đóng hộp trên bờ, do đó không cần phải giảm bớt tốc độ trong quá trình thu hoạch.

Không ai biết chính xác tình trạng số lượng của nguồn cá ngừ ở Biển Đông vì các quốc gia ven biển này không thể đồng ý hợp tác về một cuộc điều tra thích hợp. Trong mắt họ, cho phép một nước khác cùng quản lý nguồn cá mang nguy cơ của việc làm mạnh thêm yêu sách chủ quyền của đối phương. Trong khi đó, tình hình có vẻ đang đi tới thảm họa. Các ước lượng tốt nhất do Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á, một tổ chức liên chính phủ thành lập năm 1967 để cố gắng giải quyết một đúng y loại vấn đề này, đưa ra. Họ chỉ có thể đo lường số cá bắt được chứ không phải số cá vẫn còn trong biển. Năm 2001 ngư dân trong khu vực ghi nhận tổng sản luợng đánh bắt cá ngừ là 870 000 tấn. Đến năm 2008 con số này đã tăng gấp đôi lên 1,9 triệu tấn, chiếm khoảng 14 % sản lượng đánh bắt tất cả các loại cá trong khu vực Đông Nam Á.[3] Nhưng vào năm 2010 cá ngừ đã trở nên khó tìm thấy hơn và sản luợng đánh bắt được đã giảm xuống còn 1,6 triệu tấn.

Không chỉ là cá ngừ thôi: tất cả các loài khác đang chịu áp lực. Khoảng 500 triệu người sống quanh bờ Biển Đông và khi dân quê di cư ra thành phố và trở nên giàu có thì nhu cầu về cá của họ tăng nhanh. Khi càng có nhiều cá bị kéo lên khỏi biển thì sẽ càng trở nên khó khăn hơn để đánh bắt số cá còn lại. Năm 1980 có 584 000 người đăng ký khai thác cá tại Philippines. Đến năm 2002 có 1,8 triệu. Cũng trong thời gian này, sản lượng đánh bắt trung bình của một ngư dân quy mô nhỏ ven bờ giảm từ 20 kg xuống còn 2 kg – hầu như chỉ ở mức đủ để sống sót.[4] Ở Trung Quốc, khi thu nhập tăng trong các năm từ 1970 đến 2010, tỷ lệ cá trong chế độ ăn uống quốc gia đã tăng lên 5 lần tới mức 25 kg mỗi người một năm. Khi đất nước giàu lên thì con số này sẽ tăng cao hơn nữa: Ở Indonesia con số này là 35 kg, ở Đài Loan là 45 kg và Nhật Bản là 65 kg. Làm trầm trọng thêm vấn đề này là việc Trung Quốc đã trở thành một nước xuất khẩu cá lớn cũng trong thời gian đó. Mặc dù 70% nguồn cung cấp cá của Trung Quốc là từ cá nuôi, nhưng theo thống kê chính thức của Trung Quốc thì tổng sản lượng đánh bắt ở biển tăng gấp 4 lần từ 3 triệu tấn năm 1978 lên 12 triệu tấn năm 1998 và vẫn còn ở mức độ đó.[5] Việc lượng cá đánh bắt được hàng năm đều đặn ăn khớp với các mục tiêu công bố đã khiến một số chuyên gia nghi ngờ về tính trung thực của những con số này, đặc biệt là kể từ khi có báo cáo năm 2008 của Cục Hải Dương Quốc Gia ước tính mức độ bền vững của lượng đánh bắt được chỉ ở mức 8 triệu tấn. Khi lượng cá bắt đuợc tăng lên thì nguồn cá giảm xuống.

Zhang Hongzhou thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế Rajaratnam ở Singapore đã nghiên cứu sự phát triển của vấn đề này. Ông thấy rằng những nỗ lực chính thức để giảm kích cỡ của các đội tàu đánh cá Trung Quốc thông qua luật định và bồi thường đã thất bại. Khi chính sách này bắt đầu vào năm 1998 thì giờ đây không những có nhiều tàu hơn mà chúng còn lớn hơn và mạnh hơn. Kết quả là tàu thuyền ngày càng đang đi ra biển xa hơn. Năm 1988, 90% ngành công nghiệp này của Trung Quốc chỉ đánh bắt gần bờ. Đến năm 2002 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 64%, với hơn một phần ba đội tàu tiến ra khơi xa. Xu hướng này đang tiếp tục. Đến năm 2006, 60% lượng cá bắt được ở tỉnh Quảng Đông là từ ngoài khơi. Nhìn chung, theo thống kê chính thức, tổng số cá bắt đuợc mang lên đất Trung Quốc không tăng lên – nhưng tỷ lệ số cá bắt được ở xa đất Trung Quốc đã tăng gấp ba lần. Khi tàu Trung Quốc đánh bắt xa cảng của họ, họ gặp phải cảnh sát biển và thuyền viên đối thủ của các nước khác. Truyền thông Trung Quốc đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp cáo buộc các tàu đánh cá của Trung Quốc bị quấy nhiễu trong hơn hai thập kỷ qua.[6]

Điều này cũng đúng cho thuyền viên tàu cá của các nước khác. Kể từ năm 1999, trong một nỗ lực cố khôi phục nguồn cá, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mười tuần hàng năm từ tháng 5 đến tháng 8 ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa (quy định là trên vĩ tuyến 12°N). Trong khi lệnh cấm tự nó có thể có ý nghĩa cao về bảo tồn, việc áp đặt đơn phương đã ngăn các nước khác tham gia vào, vì họ sợ rằng việc phục tùng có thể được hiểu như sự công nhận về chủ quyền của Trung Quốc. Kết quả là, mỗi năm đều tăng thêm các cuộc đụng độ giữa ngư dân Việt Nam và Philippines đi vào khu vực bị đóng và các cơ quan thẩm quyền về biển Trung Quốc cương quyết thực thi các quy định của họ vừa nhân danh chủ quyền vừa nhân danh việc cá đẻ trứng. Nhà chức trách Trung Quốc quảng cáo ồn ào về tác động của lệnh cấm lên các đội tàu đánh cá của họ. Trong năm 2013, theo truyền thông chính thức, nó ảnh hưởng tới khoảng 9 000 tàu thuyền đăng ký tại tỉnh Hải Nam và 14 000 ở tỉnh Quảng Đông. Đền bù đã được trả cho những người bị mất thu nhập do việc phải ở lại tại cảng, tất nhiên, không cho thuyền viên từ các nước khác.[7]

Tuy nhiên lệnh cấm này không áp dụng cho các tàu thuyền Trung Quốc có giấy phép chính thức đi đánh cá trong vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa. Thông điệp cho họ rất rõ – cứ tiến vào các khu vực tranh chấp, treo cờ [Trung Quốc] và mang về nhiều cá ngừ. Trợ cấp được phát cho ngư dân Trung Quốc nào đã nâng cấp tàu thuyền để có thể đi các khoảng cách xa hơn đến các đảo này – máy tàu càng lớn thì họ càng nhận được nhiều và các chủ tàu được trả thêm cho mỗi chuyến mà họ đi tới đó.[8] Một bài báo trên tờ Straits Times trong tháng 8 năm 2012 đã mô tả việc các quan chức Trung Quốc đến viếng cảng Tanmen [Đàm Môn] trên đảo Hải Nam để khuyến khích ngư dân đi tới tận Trường Sa như thế nào.[9] Trong đợt cấm năm 2012, Sở Hải Dương và Thủy Sản tỉnh Hải Nam tổ chức đội tàu đánh cá lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc đi tới quần đảo này: 30 tàu cùng một tàu tiếp tế 3 000 tấn. Phóng viên đã được cho đi cùng để thông điệp này chắc chắn đến với thế giới. Trong năm 2013 thêm 30 tàu đã được phái đi trong thời gian cấm và người đứng đầu Sở Thủy sản, Huang Wenhui [Hoàng Văn Huy], nói với hãng tin Tân Hoa Xã rằng mục đích cuối cùng là nhằm khám phá cách ‘khai thác các nguồn tài nguyên vùng biển quốc tế [high-seas] một cách có hệ thống’. Các cuộc đụng độ về đánh bắt xung quanh quần đảo Trường Sa là kết quả của việc đánh bắt quá mức xung quanh bờ biển Trung Quốc cộng với chính sách cố ý phát triển nguồn cung cấp mới.

Tuy nhiên, chính sách này bỏ qua thực tế rõ ràng rằng các đội tàu đánh cá khác đã khai thác quá mức quần đảo Trường Sa để nuôi sống dân số ngày càng tăng của chính họ. Ít ra là từ năm 1994, các nhà nghiên cứu đã thấy khó bắt đuợc cá lớn ở một số các rạn san hô ngoài khơi bờ biển Malaysia và Philippines.[10] Ngay cả ở những nơi lượng cá bắt được còn ổn định, vẫn phải cần bỏ thêm nhiều công sức vào. Từ năm 1995 đến năm 2005, nguồn cá ngoài khơi Sabah bị suy sụp 70%. Vịnh Thái Lan cung cấp một cảnh báo nghiêm túc về những gì có thể kéo theo. Ngay từ năm 1990, sau hai thập kỷ đánh bắt quá mức, các đoàn đánh cá đã báo cáo rằng 85% số cá họ bắt được là cá tạp. Với thu nhập không đáng tin cậy ở vùng biển nhà, ngư dân Thái Lan được biết đến là những kẻ đánh bắt trộm lớn nhất khu vực, với hàng ngàn người bị bắt giữ hàng năm khi cố kiếm sống trong EEZ của các nước khác.[11] Biển Đông đang tiến đến số phận tương tự, đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm của nửa tỷ người. Các mô hình thống kê vĩ mô gợi ra rằng nguồn các loài cá lớn hơn đã giảm hơn một nửa từ năm 1960 đến năm 2000. Cá đã từng đầy rẫy khắp Biển Đông, ngoại trừ ở các khu vực quá sâu. Nhiều khu vực rộng lớn bây giờ coi như không có cá về mặt thương mại. Phần duy nhất của Biển Đông mà nguồn cá vẫn còn trong tình trạng tốt hơn là ngoài khơi Brunei – ở đó sự có mặt của rất nhiều giàn khoan dầu đã ngăn việc đánh bắt hủy diệt quy mô lớn. Có thể làm gì? Có thể giải quyết các tranh chấp xong trước khi quá muộn để cứu nguồn cá không?

Giáo sư John McManus đã bỏ ra hai thập kỷ nghiên cứu đời sống dưới nước của khu vực và bây giờ là Giám đốc Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu về Rạn San Hô thuộc Đại học Miami. McManus tin rằng các đảo đang có tranh chấp đóng một vai trò tối quan trọng trong việc giữ cho toàn bộ Biển Đông còn sự sống. Cá sinh sản ở đó rồi các dòng hải lưu phát tán trứng và cá con ra xa xung quanh khu vực. ‘Các rạn san hô trong quần đảo Trường Sa là một trong những nơi có sự đa dạng về chủng loại cao nhất thế giới’, ông nói với tôi. Các bờ biển xung quanh bị khai thác quá mức, và có khả năng là việc suy sụp dân số tại chỗ của một số loài đang bị ngăn lại nhờ các đợt cá con từ Trường Sa và các rạn san hô khác ở Biển Đông dạt tới. Trong nhiều năm McManus đã lập luận rằng quần đảo Trường Sa phải trở thành một công viên bảo tồn biển vì các lợi ích của toàn khu vực. Qua việc bảo tồn cái mà trên thực tế một bãi ươm cá khổng lồ, một công viên hòa bình có thể cung cấp nguồn cá con cho phép dân số cá ở các nơi khác phục hồi, miễn là việc đánh bắt cá ở các nơi khác trở nên biết giữ gìn hơn.

Có một nỗ lực mới gần đây trong việc cố tạo ra một cái gì đó tương tự. Tháng 3 năm 2001 tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông đã đồng ý gác lại những khác biệt và hợp tác trong một dự án $32 triệu do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc lãnh đạo về việc ‘đảo chiều xu hướng suy thoái môi trường ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan’. Dự án thực hiện trong 6 năm từ 2002 đến 2008 và đã đạt được một số thành công. Tuy nhiên, đánh giá cuối cùng của dự án kết luận một cách buồn bã rằng ‘cuối cùng, vẫn chưa thành công trong việc lôi kéo Trung Quốc và Malaysia tham gia vào các vấn đề vốn liên quan đến các thoả thuận đa phương, đặc biệt là trong trường hợp đàn cá xuyên biên giới’.[12] McManus khẳng định rằng. ‘Sự tham gia của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đảm bảo rằng vấn đề của quần đảo Trường Sa sẽ không được đưa lên chính thức trong đó dự án đó’, ông nói với tôi. Nhóm nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc thấy rằng gần như không thể phát triển các dự án liên quan đến nhiều hơn một nước trong một lúc và không dự án nào được thực hiện tại các khu vực có tranh chấp của Biển Đông. Mục tiêu dự kiến là tạo ra ‘các khu nguyên sinh’ (refugium) trên biển để bảo vệ các địa điểm cho cá đẻ trứng và phát triển, chỉ thành số không.

Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đã bỏ phiếu ủng hộ ý tưởng về ‘công viên hòa bình’ và, theo McManus, ‘nhiều nhà khoa học và các nhà bảo tồn thuộc khu vực ở tất cả các nước yêu sách đều rất ủng hộ, đặc biệt là ở Philippines, Đài Loan và Việt Nam’. Vấn đề nằm ở cấp chính quyền. Chỉ có một trong các bên tranh chấp, chính phủ ở Đài Loan, chính thức ủng hộ mặc dù Tổng thống Ramos của Philippines cũng có lần lên tiếng ủng hộ. ‘Hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị đều không sẵn lòng mở cuộc đối thoại với Trung Quốc [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] về vấn đề này’, McManus than vãn. ‘Tiềm năng dầu trong vùng trũng này cũng làm vấn đề thêm phức tạp, mặc dù biết rằng dầu có nhiều và ít đắt đỏ để khai thác dọc theo khu vực thềm lục địa của Biển Đông hơn là ở các vùng nước sâu giữa quần đảo Trường Sa’. Kết quả là thật khó có thể lạc quan về khả năng các nước cùng hợp tác với nhau để ngăn chặn sự sụp đổ của ngành thủy sản ở Biển Đông.

Trên lý thuyết, nguồn cá sẽ dễ dàng quản lý hơn là dầu và khí đốt vì hai lý do: chúng có thể tái tạo và chúng di chuyển. Sẽ là chuyện vô nghĩa đối với một quốc gia cố quản lý đàn cá di cư. Khắp trên thế giới, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực đã được tạo ra để các nước có thể hợp tác trong việc giám sát các nguồn cá mà tất cả họ đều phụ thuộc vào. Ở Đông Nam Á, tổ chức có kỷ lục tốt nhất về nghiên cứu và hành động để bảo vệ nguồn cá của khu vực là Trung Tâm Phát Triển Nghề Cá Đông Nam Á [Southeast Asian Fisheries Development Center]. Trung Quốc có thể gia nhập dễ dàng, nhưng họ đã chọn cách đứng ngoài. Với việc không sẵn lòng tham gia các sáng kiến tương tự trong khu vực trong quá khứ, có vẻ không chắc rằng Trung Quốc sẽ tham gia trong tương lai. Bắc Kinh trên nguyên tắc không phản đối các thỏa thuận về nghề cá. Họ đã ký kết luận thoả thuận với Nhật Bản năm 1997, với Hàn Quốc năm 2000 và với Việt Nam, cũng năm 2000. Họ đã tổ chức một vòng đàm phán ở' Ủy ban Hỗn hợp Philippines - Trung Quốc về thủy sản năm 2005 nhưng sau đó không có thêm gì nữa.[13] Điểm không thay đổi là việc họ từ chối thương lượng đa phương về bất kỳ vấn đề nào ở Biển Đông. Thỏa thuận với Việt Nam chỉ áp dụng cho Vịnh Bắc Bộ, một khu vực biển vốn chỉ có tranh chấp giữa hai nước này. Nhưng cá ngừ không tôn trọng các ranh giới quốc tế, do đó, các thỏa thuận song phương khó có khả năng giải quyết được vấn đề. Tất cả các nước quanh Biển Đông phụ thuộc vào nguồn cung cấp cá giá rẻ để nuôi dân của họ. Trong tình hình không có bất kỳ thỏa thuận nào để bảo vệ các nguồn cá, việc tăng khai thác ngắn hạn đang đặt tất cả các nước trong khu vực trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực chính. Nếu Trung Quốc và các nước láng giềng không thể đồng ý về các bước cơ bản để tránh các nguy cơ chết đói thì làm thế nào họ lại đạt được thỏa thuận về các vấn đề rộng lớn hơn về chủ quyền và lãnh thổ?

**********

Một thỏa thuận lâu dài về chủ quyền và lãnh thổ sẽ lời đáp cho nhiều lời cầu nguyện xung quanh khu vực, nhất là ở Philippines. Với tư cách là Tổng Thư Ký Ủy ban về các Vấn Đề Biển và Đại Dương, Henry Bensurto là bộ não đằng sau chính sách của Philippines trong tranh chấp Biển Đông. Giọng nói mềm mại và đôi mắt đen của ông che giấu một quyết tâm sắt đá. Các trận chiến trong thuyết phục các cơ quan Philippines điều chỉnh yêu sách biển của nước này phù hợp với luật pháp quốc tế, và sau đó là bảo vệ những yêu sách đó tại rất nhiều tại hội thảo quốc tế, đã tạo nhiều đốm bạc vào mái tóc trước đây đen tuyền của ông. Vào ngày chúng tôi gặp nhau các đốm bạc này khớp với các sọc xám được quệt lên trán ông theo nghi thức ngày Thứ Tư Lễ Tro Công Giáo. Bensurto cũng có lòng tin vào luật quốc tế: ông tin rằng nó có thể phục hồi các cơ hội hòa bình ở Biển Đông. Dưới sự dẫn dắt của ông Manila đã chuyển cơ sở tuyên bố lãnh hải từ tiền đề trước đó rằng Philippines thừa hưởng nó từ Đô Đốc Tomas Cloma, người phát hiện ra quần đảo này (xem Chương 3) sang một tiền đề căn cứ vào công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Năm 2009, ông đã thúc đẩy cho ra một Luật mới về đường cơ sở của Philippines, chấm dứt yêu sách của đất nước theo đa giác khổng lồ của Clomas cho ‘nhóm đảo Kalayaan’ vừa chuyển cho nó phù hợp với UNCLOS. Sau đó, vào năm 2011, Bensurto đưa ra một hi vọng mới. Ông gọi nó là Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác [Zone of Peace, Freedom, Friendship and Cooperation hay ZoPFFC].

Điều cốt lõi của khu vực này là các bên tranh chấp trước nhất phải xác định rõ các khu vực biển nào là có tranh chấp và các khu vực nào là không có tranh chấp và chỉ sau đó mới chuyển sang việc giải quyết các tranh chấp. Các tranh chấp có hai loại. Một loại là ‘tranh chấp lãnh thổ’ – câu hỏi về ‘quyền sở hữu’ hợp pháp đối với mỗi thể địa lý ở Biển Đông. Loại kia là ‘tranh chấp biên giới biển’ – kích thước các ‘khu’ do mỗi thể địa lý tạo ra theo UNCLOS. Nếu một tòa án phán rằng một đảo cụ thể có thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế thì toà sẽ phân cho nó một khu đặc quyền kinh tế [EEZ] có bán kính lên đến 200 hải lí; nếu họ phán quyết đó chỉ là một ‘đảo đá’ [rock] không thể duy trì sự sống của con người và kinh tế thì nó sẽ chỉ sinh ra một vùng lãnh hải tối đa là 12 hải lý và không có EEZ; và nếu ở trạng thái tự nhiên, nó sẽ nằm dưới mặt nước khi triều cao thì nó không tạo ra lãnh hải hay EEZ gì cả.

Không giống như các tiền nhiệm, Bensurto quyết định đi vào vấn đề thứ hai trước. Ông đề xuất khoanh vùng khu vực tranh chấp bằng cách trước nhất xác định xem các thể địa lý nào có thể tạo ra lãnh hải 12 hải lý và sau đó vẽ ranh giới liên quan xung quanh chúng. Tiếp đó, ông đã cố gắng vẽ các ranh giới EEZ có khả năng. Sử dụng tiền lệ do Tòa công lý Quốc tế [ICJ] thiết lập trong phán quyết năm 2012 về vụ tranh chấp đảo giữa Colombia và Nicaragua, ông cho rằng tòa án sẽ rất khó có khả năng phân cho các đảo tranh chấp một EEZ ‘ra phía ngoài’ – nói cách khác, về hướng bờ biển của các nước bao quanh. Thế thì điều này sẽ thu hẹp các khu vực tranh chấp vào chỉ phần của Biển Đông gần các đảo. Phần này có thể được ‘khoanh lại’ – đặt sang một bên để thảo luận thêm về sau – do đó cho phép Philippines và tất cả các quốc gia ven biển khác tiến tới với việc phát triển các mỏ dầu và khí ngoài khơi của họ. Sau đó, các bên tranh chấp có thể cố gắng để đạt được một loại giải pháp hoặc thỏa thuận hợp tác nào đó trong khu vực được ‘khoanh lại’ đó. Tuy nhiên, nếu như một tòa án phán quyết rằng có một đảo nào trong đó được hưởng EEZ đầy đủ thì nó sẽ nuốt hầu hết khu vực đuợc khoanh lại này.

Vẻ bề ngoài, Khu vực Hoà bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác đưa ra một con đường hoàn toàn thuận lẽ và hợp lý để tiến tới. Vấn đề duy nhất là việc nó do Philippines đề xuất. Quan hệ của nước này với Trung Quốc dần dần trở nên lạnh nhạt sau khi Benigno Aquino trở thành tổng thống, đột ngột thành xấu đi trong cuộc đối đầu Bãi Cạn Scarborough vào giữa năm 2012 và chạm đáy ngày 22 tháng 5 năm 2013 khi Manila thông báo rằng trên thực tế, họ sẽ đưa kế hoạch Bensurto ra một tòa án quốc tế. Philippines đã yêu cầu Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague phán quyết về các yếu tố chính của kế hoạch: liệu ‘đường chữ U’ có tương thích với UNCLOS không; liệu 5 trong số 8 thể địa lý do Trung Quốc chiếm đóng sẽ được coi là ngầm dưới nước và do đó không thể tạo ra hoặc lãnh hải hay EEZ không; liệu ba thể địa lý còn lại do Trung Quốc chiếm đóng chỉ là đảo đá không có yêu sách EEZ không; và liệu Philippines có quyền được hưởng EEZ trọn vẹn 200 hải lý, bất kể sự tồn tại của các thể địa lý khác đang có người ở ngoài khơi không.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện nhưng dù vậy tòa cũng đã bắt đầu thủ tục pháp lý và có thể sẽ đưa ra một phán quyết sớm nhất là trong năm 2015. Tuy nhiên, tòa không có quyền lực để thực thi phán quyết của mình. Luật sư Paul Reichler có văn phòng ở Washington thay mặt cho Philippines biết rõ điều này. Năm 1986, ông đã giúp chính phủ Nicaragua thắng vụ kiện Hoa Kỳ tại IJC. Tòa phán quyết rằng Mỹ trợ giúp cho phiến quân Contra chống chính phủ cánh tả của Nicaragua, và việc đặt mìn chống tàu tại bến cảng của họ là bất hợp pháp. Mỹ chỉ đơn giản là phớt lờ phán quyết này. Thay vào đó, Mỹ đã tài trợ liên minh chính trị cánh hữu giúp họ giành được chính quyền ở Nicaragua vào năm 1990 và hai năm sau đó hủy bỏ đòi hỏi bồi thường của nước này. Một chiến thắng của Philippines trong vụ kiện này có thể cũng phải trả một giá rất đắt, dù Henry Bensurto ít nhất sẽ có thể nắm một thanh kiếm chính nghĩa vừa được mài bén trong các cuộc thảo luận tương lai với đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi Philippines cố gắng để làm rõ tình trạng pháp lý quốc tế qua vụ kiện, ở phía bờ bên kia của Biển Đông các nhà tư tưởng Trung Quốc đang cố tìm cách thay đổi các câu hỏi.

**********

Một số trong những câu hỏi này đang được phát triển trong một khuôn viên to lớn gồm các tòa nhà xây bằng gạch đỏ trên đảo Hải Nam, cách thành phố Haikou [Hải Khẩu] khoảng nửa tiếng lái xe. Khu phức hợp này giống như một chữ thập giữa một trường đại học và một khu nghỉ mát bãi biển. Nó chỉ cách những khu nghỉ mát bãi biển thật nằm viền theo bờ có các hàng cây của Biển Đông một quãng đường ngắn. Khu phố này có thể là một hình ảnh tiêu biểu cho chính cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Biển Đông. Đất còn nguyên trinh được khảo sát và phát triển và trở thành không gian sống cho một dân số với khát vọng mới và những chân trời rộng lớn hơn. Một cảnh quan gồm các căn hộ cao cấp, chỗ ở thứ hai cho những người có nhiều thu nhập, nổi lên từ những cồn cát và ruộng lúa. Và ở giữa khu bất động sản nhà nước tài trợ này vươn bật lên là Viện Nghiên Cứu Biển Đông [Trung Quốc Nam Hải Nghiên Cứu Viện] và ở một trong hai tòa tháp của nó là chỗ của viện trưởng, Tiến sĩ Wu Shicun [Ngô Sĩ Tồn].

Trong những năm gần đây, tiến sĩ Wu đã trở thành gương mặt quen thuộc về chính sách ngoại giao Biển Đông của Trung Quốc. Kiểu tóc đứng đắn và nụ cười nồng ấm của ông làm tươi mát các hội thảo ở Washington và các hội nghị chuyên đề ở Singapore. Ông thể hiện một đường lối vững chắc trong việc bảo vệ chủ quyền ‘không thể tranh cãi’ của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng các bài phát biểu của ông cũng hé lộ các uyển chuyển trong cách nghĩ chính thức. Ông có vốn liếng chính trị hoàn hảo cho vị trí đó, đã thăng tiến trong hệ thống Đảng Cộng sản, từ Phó Bí thư Đoàn Thanh niên của Đại học Nam Kinh, lên Đảng bộ tỉnh Hải Nam và sau đó Giám đốc Báo Chí Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam. Ông rõ ràng được tin cậy để trình bày quan điểm chính thức của Đảng cho khán giả nước ngoài. Năm 1996 tỉnh Hải Nam đã lập ra một tổ chức mới, Viện Nghiên Cứu Biển Đông của Hải Nam, để thúc đẩy lợi ích của tỉnh và tiến sĩ Wu trở thành ông chủ đầu tiên của nó. Trong năm 2004, Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh đã quyết định bộ cũng có thể sử dụng các kỹ năng của Tiến sĩ Wu và cung cấp thêm tiền cùng bảo trợ chính thức để tổ chức này trở thành Viện Quốc Gia. Năm 2011 nó đã chuyển từ một toà nhà văn phòng ảm đạm tại Hải Khẩu đến khuôn viên mới cạnh bãi biển.

Viện này không phải là cơ quan duy nhất của Trung Quốc nhìn vào Biển Đông. Viện về Các Vấn đề Biển Trung Quốc (được tài trợ bởi Cục Hải Dương Quốc Gia, trông coi Cảnh Sát Biển Trung Quốc) cũng nhìn vào các luận cứ pháp lý và lịch sử cho các yêu sách của Trung Quốc cũng như phát triển biển rộng hơn. Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (liên kết với Bộ Công An) tập trung vào cách tiếp cận của các nước khác về vấn đề này. Cả hai tổ chức này tương đối ẩn dật. Trái lại, Viện Nghiên cứu Biển Đông hiếu khách tới mức cùng cực. Đại đa số khuôn viên của nó được dành để chuyên tải thông điệp của Trung Quốc hết sức thoải mái. Nó có một phòng nghe 200 chỗ ngồi và phòng hội nghị 100 chỗ ngồi cộng với nhiều phòng hội thảo nhỏ, phòng học, phòng VIP, phòng lễ tân, một phòng ấn phẩm và một số phòng triển lãm. Tầng trên cùng có văn phòng trang bị tốt dành cho học giả (và tác giả) khách đến thăm. Một nhà phụ chứa nhiều phòng ăn lớn nhỏ, 13 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi cho khách (bổ sung với TV màn hình phẳng, áo choàng tắm và đồ dùng vệ sinh L'Occitane trong phòng tắm), và ở tầng trên cùng, buồng Đại sứ với nhiều lối vào riêng biệt cho vợ và tình nhân. Trái lại, 40 cán bộ nghiên cứu của viện làm việc trong ba văn phòng lớn và được xe buýt đưa đón tới cơ sở của viện.

Văn phòng Tiến sĩ Wu ở tầng bốn nhưng bốn là con số không may mắn trong văn hóa Trung Quốc (‘bốn’ [sì/四: tứ] phát âm gần giống như từ ‘chết’ [sǐ/死: tử]) trong khi sáu là tốt lành (‘sáu’ phát âm [liù/六: lục] gần giống như từ ‘tiền của’ [lù/禄: lộc]). Vì vậy, không có tầng bốn và năm trong tòa nhà và Tiến sĩ Wu làm việc ở tầng sáu. Ông cộng sản mang thẻ đảng nhưng mê tín này được hưởng tình trạng nửa biệt lập. Ông được Bộ Ngoại giao lắng nghe, nhưng ông không đại diện cho họ. Trên thực tế, ông được phép kiểm nghiệm các ý tưởng mới và khám phá những cách khả dĩ để tiến tới trong các tranh chấp mà không để chính phủ của ông phải cam kết bất cứ điều gì. Ông ta có thể chỉ là một tiếng nói trong các cuộc thảo luận, nhưng nó cho chúng ta một ý tưởng nào đó về một loạt các lựa chọn mà lãnh đạo Bắc Kinh đang xem xét. Nụ cười tiến sĩ Wu hiếm khi tan biến nhưng thái độ của ông là kiên quyết hơn lạc quan ‘Không có cách nào để giải quyết vấn đề chủ quyền trong tương lai gần’, ông nói không rào đón – một cách thừa nhận rằng các nước khác không bị lung lay bởi các lập luận lịch sử và pháp lý của Trung Quốc.

Kể từ ngày 7 tháng 5 năm 2009, khi chính phủ Trung Quốc đính kèm bản đồ ‘đường chữ U’ vào văn kiện nộp cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, họ đã phải chịu sức ép phải làm rõ đường đó thể hiện chính xác điều gì. Các bộ phận khác nhau của nhà nước Trung Quốc đã xem đường này theo những cách khác nhau. Tháng 4 năm 2011, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi một công thư chính thức cho Liên Hiệp Quốc đề cập đến ‘chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận’. Công thư đó không đề cập đến ‘đường chữ U’. Tuy nhiên, các hành động của Hải Giám và Ngư Chính cũ (đã được sáp nhập vào Cảnh Sát Biển Trung Quốc vào năm 2013) ở vùng biển ngoài khơi Philippines, Việt Nam, Malaysia và quần đảo Natuna của Indonesia trong năm 2011, 2012 và 2013, và quyết định của công ty Dầu Khí Ngoài Khơi Quốc gia Trung Quốc cho đấu thầu thăm dò các lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam tháng 6 năm 2012 cho thấy rằng tất cả các tổ chức này hiểu đường này như một yêu sách lãnh thổ trên toàn bộ khu vực đó.

Những tuyên bố công khai của các bộ phận khác của bộ máy nhà nước Trung Quốc đã làm cho tình hình phức tạp hơn: ‘đường chữ U’ đã có một cuộc sống riêng. Ví dụ, mỗi bản đồ được xuất bản ở Trung Quốc phải được sự chấp thuận của Tổng Cục Đo Đạc, Bản Đồ và Thông Tin Địa Lí. Ngay cả một tổ chức phi chính phủ nhỏ muốn minh họa nơi nó đang làm việc ở Trung Quốc không thể công bố bản đồ đó trừ khi nó có chứa ‘đường chữ U’.[14] Một bản đồ của đường này đã được in trong mỗi hộ chiếu Trung Quốc cấp từ tháng 4 năm 2012. Mặc dù ý nghĩa chính xác của đường này đã không được nêu ra rõ ràng, nhiều người Trung Quốc chỉ đơn giản cho rằng nó vạch ra một yêu sách lãnh thổ. Một sự thụt lùi khỏi vị trí đó có thể kích động những chỉ trích dữ dội trong nước. Tuy nhiên, viện có vẻ như đang dò xem các tổ chức và chính phủ nước ngoài sẽ có thể phản ứng ra sao trước những cách tiến bước khác nhau. Điểm khởi đầu hiện nay là nêu ra yêu sách của Trung Quốc bám chắc theo ngôn ngữ của UNCLOS, cũng giống như Henry Bensurto đang làm ở Philippines. ‘Theo quan điểm của tôi, “đường 9 vạch” sẽ là đường về quyền sở hữu tất cả các thể địa lý bên trong các đường này và các vùng biển lân cận’, Tiến Sĩ Wu nói. ‘Tại các hội nghị quốc tế tôi cũng giải thích rằng Trung Quốc không bao giờ tuyên bố toàn bộ phần Biển Đông nằm bên trong đường này là vùng nước lịch sử của mình.

Có lúc các nhà quan sát bên ngoài quan ngại rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể đi đến kết luận rằng nếu Trung Quốc không thể bảo vệ thành công đòi hỏi của họ theo các chuẩn mực của luật pháp quốc tế thì họ có thể chọn cách không tham gia UNCLOS hoàn toàn. Nhưng ý tưởng Trung Quốc ‘làm chuyện lừa đảo' cũng báo động các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Nó sẽ phá hủy nhiều thập kỷ ngoại giao thận trọng dựa trên lời rêu rao về ‘trỗi dậy hòa bình’. Viện này dường như là một phần của một nỗ lực phối hợp cả nước cố chấn chỉnh yêu sách Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Chắc chắn bây giờ đó là ngôn ngữ mà Tiến sĩ Wu sử dụng khi phát biểu công khai. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và bây giờ có một nguy cơ to lớn rằng, nếu vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực thành công và yêu sách của Trung Quốc dựa trên UNCLOS bị phán quyết thành nhỏ nhoi hơn hoặc không tồn tại thì chiến lược đó có thể hoàn toàn bị suy yếu.

Vì vậy, viện đã bắt đầu tìm tòi các lựa chọn thay thế tinh vi hơn nhưng cũng rắc rối về pháp lý hơn. Tháng 10 năm 2013 viện đã tổ chức một hội nghị quốc tế tìm hiểu xem liệu Trung Quốc có thể sử dụng khái niệm pháp lý về ‘quyền lịch sử’ để yêu sách nguồn tài nguyên bên trong ‘đường chữ U’ mà thậm chí không yêu sách về chủ quyền. Tiến sĩ Wu thừa nhận rằng điều đó là gây tranh cãi. ‘Điều đó gây tranh cãi. Khó mà đạt được một sự đồng thuận chung về vấn đề này. Một số học giả nói rằng quyền lịch sử chỉ là quyền về hoạt động đánh bắt cá ở những vùng đó. Nó cần phải được nghiên cứu thêm, khu vực này: quyền đánh bắt cá, quyền đi lại, thăm dò tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc phải có chủ quyền đối với các đảo và cũng phải hưởng các quyền lịch sử trên cơ sở tích lũy.’ UNCLOS không hề đề cập chút gì về ‘quyền lịch sử’. Khái niệm này đã cố tình bị loại ra khỏi văn bản này. Để phát triển trường hợp của mình, chính phủ Trung Quốc sẽ phải bước vào vùng rìa còn hoang sơ của luật pháp quốc tế.

Viện không đơn độc trong nỗ lực này. Tháng 1 năm 2013, Giám đốc điều hành Viện các Vấn đề Biển Trung Quốc, Gao Zhiguo [Cao Chí Quốc] (cũng là một thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển), và Jia Bing Bing [Giáp Binh Binh], giáo sư Luật Quốc Tế tại Đại học Thanh Hoa, công bố một bài báo khoa học dài cho rằng ‘đường chữ U’ quả có cơ sở trong luật quốc tế.[15] Thay vì tập trung vào ‘quyền lịch sử’ như viện đang tìm hiểu, bài viết sử dụng một nhóm lập luận khác cho rằng Trung Quốc có ‘quyền sở hữu/danh nghĩa lịch sử’ (historic title) đối với các vùng biển này. Theo lời của các tác giả, ‘đường 9 vạch không mâu thuẫn với các nghĩa vụ Trung Quốc phải thực hiện theo UNCLOS; mà nó bổ sung những gì được quy định trong Công Ước’ – nói cách khác, ngay cả khi ‘đường chữ U’ bị phán quyết là không phù hợp với UNCLOS, nó vẫn có thể có một cơ sở ở các khía cạnh khác của luật quốc tế. Một chuyên gia pháp lý của Trung Quốc ở Bắc Kinh, muốn không được nêu tên, giải thích về cách nghĩ này. ‘Lời mở đầu của UNCLOS nêu rằng công ước không có ý quy định mọi thứ. Luật tập tục (customary law) và cách thực hành/thông lệ của các nước (state practice) vẫn phải được tham khảo.’ Đây có thể là một vấn đề đối với vụ kiện của Philippines. ‘Tiền đề của vụ kiện Philippines rằng luật biển quốc tế chỉ là UNCLOS. Nhưng dù định nghĩa của đảo thế nào, vẫn còn một câu hỏi về sở hữu/danh nghĩa – trước nhất’. Quan điểm của chuyên gia này là Tòa Trọng tài Thường trực sẽ cần phải quyết định xem có cần một tòa án khác quyết định về vấn đề chủ quyền trước khi họ có thể quyết định về tình trạng các thể địa lý hay không. Điều này sẽ làm chậm hoàn toàn chiến lược của Henry Bensurto.

Những lập luận này, ít nhất là cũng gây tranh cãi. Chúng cũng được dựa trên sự hiểu biết về loại lịch sử ràng buộc nhiều vào tình cảm dân tộc hơn là bằng chứng lịch sử. Ví dụ, bài viết của thẩm phán Gao có chứa khẳng định rằng ‘Biển Đông đã được ngư dân và người đi biển Trung Quốc biết đến từ thời xa xưa’, mà không giải thích gì thêm. Tuy nhiên, những nỗ lực đang bỏ ra này là một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm chỉnh mà nhiều bộ phận của nhà nước Trung Quốc đang suy nghĩ về việc bảo vệ lợi ích nước này ở Biển Đông trong khi đồng thời cũng muốn duy trì trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế hiện hành.

Nói chung, có bốn nguồn mạch chính về lợi ích của Trung Quốc: ý thức về quyền lịch sử đối với Biển Đông kết hợp với một mong muốn về uy tín quốc gia, nhu cầu về ‘chiều sâu chiến lược’ để bảo vệ các thành phố ven biển của Trung Quốc, mong muốn có đảm bảo tiếp cận chiến lược các vùng biển mở của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và mong muốn được tiếp cận với các nguồn tài nguyên của chính Biển Đông – đặc biệt là cá và các hydrocarbon. Bốn chương trình hành động này đang được bảo trợ bởi các cơ sở quyền lực khác nhau ở Trung Quốc và trong khi Bộ Ngoại Giao, chẳng hạn, có thể sẵn sàng thừa nhận sức mạnh của vụ kiện chống lại họ thì quân đội, Cục Hải Dương, công ty Dầu khí Ngoài Khơi Quốc gia Trung Quốc [CNOOC] và các tỉnh với ngành công nghiệp đánh bắt cá lớn có nhiều khả năng không đồng ý. Bộ Ngoại Giao không ngồi ở hàng ghế đầu trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, nhưng thấp hơn nhiều trong hệ thống tầng bậc đó. Một chuyên gia đánh giá nó là chỉ là cơ quan nhà nước quan trọng thứ 40 (trong số 50).[16] Về mặt thực tế, Bộ Ngoại giao dường như có ảnh hưởng đến cấp ra quyết định cao nhất ở Bắc Kinh ít hơn các đối thủ khác trong guồng máy.

Các bộ và các cơ quan nhà nước này duy trì quyền lực của họ trong hệ thống chính trị của Trung Quốc thông qua vận động hành lang liên tục, dù để moi nguồn vốn nhà nước, tìm cơ hội làm cho lợi nhuận hoặc công ăn việc làm địa phương lớn hơn. Tất cả đều có kinh nghiệm lâu dài trong việc trình bày các lập luận của họ lọt vào các kể lể có khả năng giành được sự ưu ái của lãnh đạo trung ương. Không khó để làm truờng hợp của họ ăn khớp với đòi hỏi quốc gia cho việc Trung Quốc giành được quyền truy cập không bị thách thức đối với các nguồn tài nguyên biển. Khi CNOOC đưa giàn khoan siêu nước sâu của nó, HS981, tháng 5 năm 2012, Chủ tịch công ty Wang Yilin [Vương Nghi Lâm] tuyên bố nó là một phần của ‘lãnh thổ quốc gia di động của Trung Quốc và là một vũ khí chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của đất nước’.[17] Ông không nói đến số tiền trợ cấp nhà nước đổ vào giá tiền gần $840 triệu của giàn khoan hoặc ảnh hưởng có thể có của nó lên lợi nhuận của công ti, dù những điều này có lẽ quan trọng hơn với ông. Chính sách của Trung Quốc ít có khả năng là kết quả của việc tổng kết có xem xét của các lập luận có lý lẽ hơn là kết quả không thể đoán trước của việc dồn đống các chiến dịch vận động hành lang. Khi kết hợp với nhau, sức mạnh của những nhóm lợi ích là rất lớn. Một điều mà tất cả họ có thể đều đồng ý, dù vì lý do yêu nước, an ninh, lợi nhuận hoặc việc làm, đó là Trung Quốc phải có quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên của Biển Đông. Các khu vực ngoài khơi bờ biển của họ đã bị khai thác quá cùng cực về cá lẫn hydrocarbon đến mức các vận động hành lang trong nước đang nằng nì đòi tìm kiếm ở xa hơn. Ban đầu, các lãnh đạo Trung Quốc đủ thực tế để hiểu rằng điều này sẽ kích động sự bất bình và phản đối. Đề xuất của Trung Quốc với Đông Nam Á vẫn không thay đổi trong một phần tư thế kỉ. Theo lời của Tiến sĩ Wu, ‘cách thực dụng hợp lý là thực hiện việc cùng phát triển’ [cộng đồng khai phát].

Chính sách của Trung Quốc là nhất quán về điểm này kể từ khi Đặng Tiểu Bình đề xuất lần đầu tiên với các nhà lãnh đạo khác trong khu vực hồi thập niên 1980 và Lý Bằng tuyên bố với thế giới tại Singapore vào ngày 13 tháng 8 năm 1990: ‘Trung Quốc sẵn sàng tham gia các nỗ lực phát triển quần đảo Nam Sa với các nước Đông Nam Á trong khi gác lại câu hỏi về chủ quyền vào lúc này’ (xem chương 5).[18] Tuy nhiên, trong nhiều năm qua chính sách này vẫn chủ yếu là lời nói. Ví dụ năm 2003, Wu Banguo [Ngô Bang Quốc], lúc đó là chủ tịch Quốc hội đề xuất điều này ở Philippines và vào năm 2005 ông cũng đưa nó ra ở Malaysia. Cùng năm đó Hồ Cẩm Đào gợi ý điều này ở Brunei. Tại Philippines, đề nghị đó dẫn đến Thoả thuận thăm dò địa chấn biển chung [JMSU] và thoả thuận này kết thúc bằng vụ bê bối chính trị, giết chết bất kỳ cơ hội nào cho việc phát triển. Không nước nào khác nhận lời đề nghị và ý tưởng đó mờ nhạt đi. Nhưng vào ngày 6 tháng 9 năm 2011, có lẽ như một phản ứng với chỉ trích của quốc tế về nhiều sự cố cáp cắt của năm đó, Phòng Thông tin của Quốc Vụ Viện Trung Quốc phát hành ‘Sách trắng về Phát triển hòa bình của Trung Quốc’, nhấn mạnh chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình về cùng phát triển.[19] Tháng 12 năm 2012 Viện Nghiên cứu Biển Đông đã giúp cho chủ truơng này có động lực mới với một hội nghị quốc tế về đề tài này. Kể từ đó, Bắc Kinh đã đẩy nó mạnh bạo hơn bao giờ hết, với một sự pha trộn giữa ngoại giao công chúng và thổi phồng.

Tháng 10 năm 2013, các phương tiện truyền thông Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố rằng Brunei và Việt Nam đã đồng ý làm việc với Trung Quốc về ‘phát triển chung’ ở Biển Đông và bài xã luận kêu gọi ‘các nước khác’ – có ý chỉ Philippines, Malaysia và Indonesia – cũng cùng ‘nắm lấy cây đũa thần’ này.[20] Nhưng các thỏa thuận được tung hô này là ít hơn rất nhiều hơn so với chúng đuợc trình bày cho bạn đọc của các trang mạng Trung Quốc. Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Brunei thật ra là một liên doanh thương mại giữa CNOOC và công ty Dầu khí Quốc gia Brunei về cung cấp dịch vụ cho các giếng dầu. Nó chẳng hề dính dáng gì đến việc chia sẻ các trữ lượng dầu khí tại các khu vực tranh chấp của Biển Đông.[21] Còn thỏa thuận với Việt Nam thậm chí còn ít cụ thể hơn. Nó chỉ đơn thuần là thiết lập một nhóm làm việc để nghiên cứu về hợp tác trên biển, nhưng hãng tin Tân Hoa xã mô tả nó như là một ‘sự đột phá’.[22] Bài báo đó dẫn lời Tiến sĩ Wu: ‘thỏa thuận đó chắc chắn sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới các bên tranh chấp khác rằng gác cãi cọ về chủ quyền và ngồi vào bàn để trao đổi về cùng phát triển là một sự lựa chọn thực dụng’.

Việc cùng phát triển quả thật có vẻ hợp lý và có nhiều ví dụ về những nơi mà nó thực hiện được, cả ở Đông Nam Á và nhiều nơi khác. Nhưng điểm nhức nhối ở Biển Đông luôn luôn là việc quyết định nó sẽ diễn ra chỗ nào. Trong khi trò chuyện với tôi, Tiến sĩ Wu chỉ nhấn mạnh hai khu vực: ‘Khu vực Bãi Cỏ Rong [Reed Bank], mà Philippines yêu sách, và Bãi Tư Chính [Vanguard Bank] nơi Việt Nam tuyên bố thực thi quyền chủ quyền. Vì vậy, theo quan điểm Trung Quốc, có thể toàn bộ khu vực Trường Sa là có thể đưa vào cho việc cùng phát triển. Một số học giả nước ngoài thậm chí còn gợi ý khu vực quần đảo Hoàng Sa hoặc bãi cạn Scarborough sẽ là một trường hợp khác cho việc cùng phát triển.’ Bãi Cỏ Rong và Bãi Tư Chính đều đã được khảo sát gần đây và cả hai đều được cho là có chứa các mỏ dầu hoặc khí có thể khai thác được nhưng cả hai đều cách xa Trung Quốc, hơn nữa cả Philippines lẫn Việt Nam đều có vẻ không sẵn sàng nhượng đi quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở đó. Tôi hỏi Tiến sĩ Wu liệu phát triển chung có thể sẽ dễ dàng hơn trong khu vực phía Bắc của quần đảo Trường Sa vốn có ít tranh chấp. Câu trả lời ngây ngô của ông là ‘Tôi không chắc liệu phần phía Bắc của khu vực Trường Sa có nhiều dầu không. Đó không phải là một vấn đề chính trị, đó là một vấn đề thương mại hay kỹ thuật’. Trong khi có thể có một ủng hộ nào đó trên nguyên tắc cho việc cùng phát triển, vấn đề là không nước nào sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Trung Quốc. Phải cần hai người mới nhảy tango được và hiện giờ Trung Quốc vẫn chưa có bạn nhảy nào.

B. H.

Dịch giả gửi BVN.


[1] Food and Agriculture Organization of the United Nations, Philippines, Fishery Country Profile, November 2005. Có thể xem tại ftp://ftp.fao.org/FI/DOCUMENT/fcp/en/FI_CP_PH.pdf.

[2] Tuyên bố của Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (the Southeast Asian Fisheries Development Center) tại phiên họp thường lệ thứ 9 của Tiểu ban Khoa học thuộc Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Duơng (the Western and Central Pacific Fisheries Commission), 14/8/2013, Pohnpei, Micronesia.

[3] Ibid.

[4] Food and Agriculture Organization of the United Nations, Philippines, Fishery Country Profile, November 2005. Có thể xem tại ftp://ftp.fao.org/FI/DOCUMENT/fcp/en/FI_CP_PH.pdf.

[5] Ministry of Agriculture Bureau of Fisheries, China Fishery Statistics Yearbook 2011 (Beijing, 2011), quoted in Zhang Hongzhou, Chinas Evolving Fishing Industry: Implications for Regional and Global Maritime Security, RSIS Working Papers, no. 246 (Singapore, August 2012). Có thể xem tại http://www.rsis.edu/publications/WorkingPapers/WP246.pdf.

[6] Zhang Hongzhou, ‘China’s Evolving Fishing Industry: Implications for Regional and Global Maritime Security’, RSIS Working Papers, no. 246 (Singapore, August 2012). Có thể xem tại http://www.rsis.edu/publications/WorkingPapers/WP246.pdf.

[7] ‘China Starts Annual South China Sea Fishing Ban’, Xinhua, 16 May 2013. Có thể xem tạihttp://english.people.com.cn/90882/8246580.html.

[8] . Kor Kian Beng, ‘Fishing for Trouble in South China Sea’, Straits Times, 31 August 2012.

[9] Ibid.

[10] John McManus, ‘The Spratly Islands: A Marine Park’, Ambio, vol. 23 (1994), 181.

[11] Daniel Coulter, ‘South China Sea Fisheries: Countdown to Calamity’, Contemporary Southeast Asia, vol. 17 (1996), 371-88.

[12] United Nations Environment Programme, ‘Terminal Evaluation, Reversing Environmental Degradation Trends in the South China Sea and Gulf of Thailand’, 22 May 2009. Có thể xem tại http://www.unep.org/eou/Portals/52/Reports/South%20China%20Sea%20Report.pdf.

[13] Rommel C. Banlaoi, ‘Philippines-China Security Relations: Current Issues and Emerging Concerns’ (Manila, 2012).

[14] Quy định này (Tiếng Trung) có thể đọc ở đây http://www.sbsm.gov.cn/article/zxbs/xzxk/fwzn/200700/20070000001800.html.

[15] Zhiguo Gao and Bing Bing Jia, ‘The Nine-Dash Line in the South China Sea: History, Status, and Implications’, The American Journal of International Law, vol. 107 (2013), 98124.

[16] International Crisis Group, Stirring up the South China Sea (I), Asia Report, No. 223, 23 April 2012, 14.

[17] China’s CNOOC Starts Deepwater Drilling, UPI, 10 May 2012.

[18] Nayan Chanda and Tai Ming Cheung, ‘Reef Knots: China Seeks ASEAN Support for Spratly Plan’, Far Eastern Economic Review, August 1990, 11.

[19] State Council Information Office, ‘White Paper on China’s Peaceful Development’, 6 September 2011. Có thể xem tại http://www.china.org.cn/government/whitepaper/node_7126562.htm.

[20] ‘Commentary: Turn South China Sea Dispute into ChinaVietnam Cooperation Bonanza’, Xinhua, 13 October 2013.

[21] Carl Thayer, ‘China-ASEAN Joint Development Overshadowed by South China Sea’, The Diplomat, 25 October 2013.

[22] ‘News Analysis: “Breakthrough” Helps China, Vietnam Build Trust, Boost Cooperation’, Xinhua, 15 October 2013.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn