Lan man sáng Chủ nhật


clip_image002Phạm Toàn

1. Vàng mã sống nhờ vàng mã.
Bữa qua, tình cờ gặp lại cô Ô-sin cũ của nhà mình, bỗng biết thêm nhiều điều. Mười năm nay, cô về nhà, củng cố “xí nghiệp” làm vàng mã tấp nập có cả vài ba chục nhân công. Công nhân toàn là nông dân và học sinh làm thêm những lúc nông nhàn hoặc học nhàn. Xí nghiệp ăn nên làm ra. Năm nào cô cũng cho các cháu đi nghỉ mát, vui chơi nhảy múa, văn minh ra dáng.
Năm nay tôi trêu cô:
– Cháu sắp gặp khó rồi! Sắp có luật cấm đốt vàng mã. Người ta không đốt nữa, không khéo cháu “toi”!
– Còn lâu cháu mới toi nhé!… Chú biết không? Tết vừa rồi, một ông cấp Trưởng ở một quận Hà Nội nhưng nằm bên cạnh huyện cháu, ông này xuống mua của cháu bảy mươi triệu đồng vàng mã để đốt nhé! Cấp Phó của ông ấy …
– Chắc là Phó đốt ít hơn Trưởng?
– Ông cấp Phó đốt riêng tiền vàng là mười bảy triệu.
– Thế là ít hơn thật.
– Không ạ! Đó là riêng tiền vàng. Tiền mã mới đắt. Một cô hầu có khi dăm triệu, một cái mô-tô có khi vài bốn triệu… Mà này, chú có thích nghe nữa không?
– Cháu kể đi. Chú đang đi thực tế tìm hiểu tâm tư và cuộc sống của nhân dân đây.
– Một cô xuống một cái chùa kia “phóng sinh” chim đã đành, sau đó còn tung theo gió cả tệp đô-la.
– Chắc là đô-la hàng mã?
– Không ạ! Tờ nào cũng xịn của Hoa Kỳ, mỗi tờ mệnh giá 1 đô-la.
– Ai thế?
– Con gái của một người ở gần nhà chú ấy… Vàng mã sống nhờ vàng mã, còn lâu cháu mới toi, chú cứ yên tâm đi… À mà này, hôm nào cháu biếu chú một cô Ngọc Nữ nhé, chú có thích không?

2. Về quê Cao Bá Quát.
Chủ nhật trước, chắt nội cụ Nguyễn Siêu rủ mình cùng mấy nhà văn về quê Cao Bá Quát. Chả là hậu duệ cụ Cao mời hậu duệ cụ Nguyễn về quê cụ Cao dự lễ động thổ trên mảnh đất tám nghìn mét vuông xây dựng một khu tưởng niệm ngài.
Ô-tô vi vu xuất phát từ Hà Nội khá sớm, cốt sao có mặt đúng giờ.
Ấy thế nhưng …
Nào có ai bao giờ học được chữ “ngờ”!
clip_image002
Tác giả và chắt nội Nguyễn Siêu, đạo diễn Nguyễn Tự Huy
Qua Cầu Chui, bị tuýt còi dừng lại. Tấp vào bên đường. Mọi người trên chiếc xe 12 chỗ đã xì xào “Thôi bỏ tiền ra cho nhanh”. Nhưng mình vốn tôn trọng luật pháp, cương quyết không đưa hối lộ. Từ xì xào thành đe dọa mình: “Rồi ông xem, cứ cái thói bướng, rồi còn khổ!”
Đây rồi, đồng chí “là bạn dân” hỏi chú lái xe:
– Giấy tờ đâu?
– Dạ đây, các sếp cho em đi.
– Mày biết lỗi gì không?
– Dạ biết ạ.
– Lập biên bản, giữ xe, giữ giấy tờ!
– Dạ, cho em gửi mấy sếp …
– Bao nhiêu?
– Bốn trăm.
– Chúng tao những bốn sếp, sao lại bốn trăm?
Nghĩa là cuối cùng rồi vẫn đến được quê hương Cao Bá Quát. Nhưng mà này, quê Cao Bá Quát ở làng nào? Ô tô ngập ngừng, người ngồi trên ô-tô cũng ngập ngừng. Đến chợ Sủi, ghé xe lại hỏi thăm. Hỏi mấy người không ai chỉ được cho. Có một người chỉ cho đi hết Dốc Là (cái dốc lên đê sông Đuống, người H’Mông mà biết có người gọi đó là cái dốc thì họ chưỡi [1] cho thối mũi), rẽ trái, đi vài cây số nữa…
Đi mãi, gần ra tới Trâu Quỳ, lại phải hỏi đường. Tốt nhất là ghé vào Trường phổ thông trung học Cao Bá Quát. Trường vẫn còn mở cửa vào ngày Chủ nhật. Có mấy em mặc áo có phù hiệu lác đác rời trường. Vào văn phòng, hỏi cô gái chắc là thư ký đang xếp giấy tờ, cô lắc đầu không biết. Phải chờ “thầy Hiệu trưởng đang tới kia”. Thầy Hiệu trưởng bảo mình chờ:
– Để tôi tra Internet cái đã. (Nói rồi thầy bật máy, di di con chuột).
– Thày ở ngay đây mà không nhớ à?
– Nhớ chứ, nhưng tôi cất dữ liệu trong máy.
Sốt ruột quá, sợ cánh nhà văn nhà thơ chờ trên ô-tô, bọn này mà sốt ruột lên là chúng nó dễ sốt tiết lắm, đành không hỏi thăm nữa, mà xin phép tử tế rồi rời đi ngay.
Hỏi thăm ông chữa xe ở cửa trường.
– Bây giờ có hai lối: một là các bác ra đường số 5, chỗ Trâu Quỳ, đi theo đường 5 xuống Phú Thụy rẽ vào chợ Sủi…, cách nữa là các bác quay lại cho tới Dốc Là thì rẽ tay phải xuống chợ Sủi…
– Nhưng đến chợ Sủi rồi thì đi đâu? Vào làng nào?
– Cứ xuống đó rồi hỏi. Đường đi ở mồm …
Thế là ngoài bài học cay đắng đi lạc loanh quanh, còn cay đắng nhận bài học đạo đức “có mồm mà không biết mở mồm ra hỏi đường”!
Đến chợ Sủi, hỏi han loanh quanh rồi cũng ra. Đến nơi, lễ động thổ đã xong, bà con đã vây quanh mấy chục mâm (thực ra là bàn) mặt đỏ tưng bừng, âm thanh huyên náo pha với ánh sáng loe lóe loa lóa đèn chụp hình đời hiện đại.
Thôi thế cũng là xong một việc. Nhưng còn việc trở về thì lại vẫn chưa xong. Chuyện như thế này. Về đến gần nhà của V.L. tác giả tiểu thuyết Mùa hoa đã đưa ông vào đội ngũ Nhân văn – Giai phẩm mình đòi cùng xuống với ông, vì ngồi xe mà bị phạt nó ức chế lắm. Hai anh em xuống. Ô-tô táp vào bên đường để cho hai anh em xuống. Bỗng xuất hiện hai chú núp đâu đó. Mình đi theo chú bé lái xe, bây giờ thì mình đã cáu, nên mình sẵng giọng:
– Nó mắc lỗi gì?
– Xe lấn qua làn đường.
– Thế nó không lánh qua bên này thì nó đỗ chỗ nào cho tôi xuống?
Nhà văn V.L. nho nhã tiến lên thay thế cho tật dễ cáu kỉnh của một con người có nick là “khiêm tốn”:
– Nhà bác bên kia đường cháu ạ … Tôi là hội viên Hội nhà văn đây, có thẻ đây… Xe đỗ lại cho tôi xuống chứ không phải cố ý đi lấn làn đường…
– Được rồi, hai bác qua đường đi, để chúng tôi giải thích luật cho cậu lái xe rồi cho nó đi… Hai bác qua đường cẩn thận xe cộ …
Về đến nhà của ông văn sĩ rồi, mà lòng tôi vẫn chưa yên. Nghĩ là vì trời nóng nên đã tắm một cái mà vẫn chẳng đỡ nóng. Nghĩ là vì ít ngủ nên người bồn chồn, định ngả lưng một cái, nhưng vẫn chẳng hết bồn chồn. Cuối cùng mình bảo bạn:
– Cậu gọi cho mấy đứa một cái đi…
– Chuyện gì?
– Hỏi xem đi có trót lọt không. Trót lọt cái vụ lúc nãy bên kia đường ấy…
Bạn mình chiều lòng, bấm bấm máy gọi đuổi theo cái ô-tô đang trả bè bạn về nhà. Thấy anh tủm tỉm cười, mình cũng yên lòng. Cuối cùng anh đặt máy xuống, thở dài, nói:
– Chúng nó vẫn đòi làm luật hai trăm. Lại phải nôn ra hai trăm cho hai sếp. 

3. Báo chí ra đời như thế nào?
Bạn nhà văn V.L. của mình có trí nhớ rất tài. Tài năng nhiều nên vất vả. Tiểu thuyết Mùa hoa rất lãng mạn, nên chàng sĩ quan đó cũng lọt mắt xanh một nàng vô cùng xinh. Trọng lượng thì đo bằng cân, tiếng ồn thì đo bằng đề-xi Ben, còn xinh thì đo bằng gì? Câu trả lời của mình: đo bằng con mắt của họa sĩ. Chả là hồi vợ mới ở quê ra sống chung ngoài Hà Nội, một anh họa sĩ cứ đến nhà gạ “Nhờ ông nói em bé giúp việc nhà ông có thích ngồi cho mình vẽ không”.
Tết Canh Dần, mình ngồi làm việc miết, giật mình một cái hóa ra đã mồng Bảy tháng Giêng. Thế là gác máy, quyết định đi thăm một anh góa vợ (vợ rất xinh nên chắc là buồn lắm), một chị góa chồng (chồng rất có tài nên chắc là buồn lắm), và một anh sắp chết. Anh góa vợ đúng là nhà văn V.L. rồi. Còn chị góa chồng là vợ họa sĩ Vũ Zân Tân, nàng dâu Việt tên là Natasha, một nhà phê bình nghệ thuật ngang ngửa tài năng với khối anh người nước Nam. Anh sắp chết là thi sĩ Hoàng Cầm.
Trên đường đi, nhà văn V.L. thủ thỉ cho mình học hỏi được vô khối điều. Anh bắt chước rất khéo cách khóc đưa ma và khấn người chết ở quê. Anh thuộc lòng những bài diễn ca dài về những sự kiện lớn nhỏ của tỉnh nhà. Nhưng rất nhiều khi nền báo chí địa phương tuyệt đối không có cấm đoán ấy cũng rất ngắn gọn. Chẳng hạn anh đọc mình nghe câu ca này:
Ông Thờ ngủ với em Nga,
Đẻ ra một đứa giống hệt cha thằng Kèn!
Mình bảo anh:
– Đó là chuyện sinh hoạt, không tính! Cán bộ thì tính vào năng lực làm việc, đó mới quan trọng”.
– Ông thích nghe chuyện năng lực của giã [2] không? Thí dụ như muốn cho con trai mình một phát lên Bí thư Huyện ủy thì làm cách gì?
– Khoác!
– Thế này nhé… Ở cái chỗ giáp ranh mấy huyện, giã cắt ra mấy xã gọi là vùng sâu vùng xa, khó khăn trăm bề, lập ra một huyện mới, và cử về đó phần tử trẻ trung, dám nghĩ dám làm… Ông thấy chưa?
– Giỏi! Giỏi! Mình thì chịu!
– Ông thì cái cóc khô gì mà chẳng chịu! Đấy, năng lực đấy. Còn chuyện khác, tốn tiền tỷ mà giải quyết êm cũng là năng lực, nhưng coi như chuyện sinh hoạt, chẳng cần kể, tuy mình vẫn định kể ông nghe để ông giữ thân đừng bị mắc vào chuyện đó… vì chắc chắn ông chẳng có tiền tỷ bỏ ra để … vừa tháo thân vừa leo cao đâu.
– Yên tâm đi. Mình chỉ được trẻ em tiểu học và đàn ông yêu thôi. Đàn bà con gái rất không ưa mình. Về mặt này, do bị ghét bỏ nên mình rất dễ giữ gìn danh giá!

Hà Nội, 16-6-2010
PT

Chú thích của BVN
[1] Chưỡi là cách phát âm miền Trung của tiếng chửi hoặc chưởi.
[2] Giã cũng là cách phát âm miền Trung của tiếng (“nó”, “hắn ta”, “thằng ấy”).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn