Tình thương của “dân Đế quốc”: Đề nghị chi 1,25 triệu đô la Mỹ để cứu 250 con sóc

clip_image002
Biển báo “Coi chừng có sóc chạy ngang”. ABC News.
Nguyên Đình
Để bảo vệ loài Sóc đỏ Mount Graham (MG) đang trong nguy cơ tuyệt chủng, giới bảo vệ động vật quý hiếm đã đề xuất chính phủ tiểu bang cần phải có biện pháp cứu vãn tình thế.

 Một trong các dự án đó là cần phải xây “cầu vượt” cho sóc chạy qua, thay vì phải băng ngang đường gặp nhiều nguy hiểm như hiện nay. Dự án này có thể ngốn đến 1,25 triệu đô la Mỹ và đã được thông qua.
clip_image001
Sóc đỏ Mount Graham. Hình wikipedia.

Loài sóc đỏ MG đã được công bố bị tuyệt chủng vào năm 1950, nhưng đến 1970, người ta bất ngờ tìm thấy một số lượng nhỏ còn sót lại ở tiểu bang Arizona. Hiện nay, trên toàn thế giới, số lượng sóc đỏ MG ước lượng chỉ còn khoảng trên dưới 300 con, trong đó 250 đang lưu trú tại gần Đỉnh Graham (Mount Graham).

Bị động vật khác ăn thịt là một trong những nguy cơ tuyệt chủng chính của loại sóc này. Tuy nhiên, bị xe qua lại cán chết cũng là một yếu tố đáng kể. Theo báo cáo, mỗi năm có khoảng 5 con sóc đỏ MG bị xe cán chết, và nếu tình hình này tái diễn, chẳng bao lâu chúng sẽ biến mất trở lại. Dựa trên luận cứ này mà dự án xây cầu cứu sóc ra đời.

Số tiền tài trợ cho dự án được trích từ dự án Quản lý xa lộ Liên bang. Theo ông Timothy Tait, Vụ trưởng Vụ Quan hệ cộng đồng của Bộ Giao thông tiểu bang Arizona, sẽ xây 41 cái cầu vượt, mỗi cái tốn khoảng 400 nghìn đô la Mỹ; số tiền còn lại khoảng 160 nghìn đô thì để lắp các camera giám sát cầu và sung vào một dự án giám sát động vật hoang dại cỡ nhỏ (rodent). Tính ra, để bảo vệ một con sóc đỏ MG, phải tiêu tốn chừng 5.000 đô la Mỹ.

Người ta cũng dự tính hiệu quả của dự án. Nếu thành công, có nghĩa là sau khi cầu hình thành, không có con sóc nào chết nữa, thì có khoảng 100 con sóc được cứu sống trong 20-25 năm dựa theo tuổi thọ của cầu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã phản đối, và sau đó Bộ Giao thông Arizona đã ra quyết định hủy bỏ dự án này (sau khi đã được thông qua). Theo ông Bộ trưởng Bộ Giao thông, John Halikowski, cho rằng: “Cứu sóc là chuyện nên làm, nhưng không phải sử dụng quỹ giao thông”, “Nếu không sử dụng, số tiền này tôi sẽ trả về cho Chính phủ Liên bang”, ông nói thêm.

Giới không ủng hộ cho rằng dự án này không đưa ra được mức độ khả dĩ của tính hiệu quả, vì chẳng ai đảm bảo việc xây cầu đó sẽ cứu được sóc khỏi bị xe cán (vì chưa chắc sóc sẽ dùng cầu đó chạy qua đường). Thượng nghị sĩ John McCain một trong những người chỉ trích dự án, cũng ủng hộ ý kiến này. Thanh tra Quận hạt Graham, Mark Herrington thì cho rằng ông bị đưa vào “thế đã rồi”, vì ông chưa bao giờ nghe ai báo cáo về dự án này cả; đột ngột hai ngày trước đó (khi dự án bị đình chỉ), ông nhận được thư báo là dự án sẽ được thi công trong vòng vài tuần nữa. Theo ông, “Với số tiền như vậy, chúng ta nên dành vào việc cải thiện đường sá trong quận Graham, vốn đang xuống cấp trầm trọng”.

Khi bản tin này đến với độc giả, dự án 1,25 triệu đô la Mỹ để cứu 250 con sóc ở tiểu bang Arizona đã được xếp sổ vì những nút bấm “hủy dự án” mặc dù nó đã được “thông qua”.

Tổng hợp tin từ: http://abcnews.go.com và http://myfoxphoenix.com

Phụ lục:
Tê giác ở VQG Cát Tiên không chết tự nhiên
28-05-2010
clip_image003[1]
Viên đạn gim trong xương chân tê giác chết ở VQG Cát Tiên. (Ảnh: WWF)
ThienNhien.Net - Theo thông cáo mới nhất của WWF tại Việt Nam, trong quá trình điều tra cái chết của tê giác một sừng ở VQG Cát Tiên hồi cuối tháng 4, các chuyên gia đã tìm thấy một viên đạn còn gim trong xương chân tê giác.
Thông tin này trái chiều so với báo cáo sơ bộ của VQG Cát Tiên trước đó khi nhận định cá thể tê giác một sừng này chết tự nhiên.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của WWF đã xác định có những vết cắt không tự nhiên ở vị trí sừng trên sọ tê giác. Đồng thời, một mảng lớn xương hàm trên cũng đã bị cắt đi cùng chiếc sừng.
Xem những bức ảnh chụp viên đạn tìm thấy trong xương chân của con tê giác, Craig Bruce - một chuyên gia về động vật hoang dã của WWF - nhận xét, tê giác đã bị thương nặng trước khi chết. Và điều này có thể là bằng chứng cho thấy tê giác đã bị bắn chết để lấy sừng.
Nguồn: Thiên Nhiên

Bàn thua 0 - 1 về bảo tồn?

Hải Anh tổng hợp
10-05-2010
clip_image004
Tê giác một sừng Cát Tiên (Rhinoceros sondaicus annamiticus) qua bẫy ảnh, chụp năm 2005 (Ảnh: WWF)
ThienNhien.Net - Cho đến nay, cả Việt Nam lẫn thế giới đều không biết chính xác tê giác một sừng hiện còn lại bao nhiêu cá thể ở Việt Nam, bởi chúng cực... hiếm. Một số ý kiến cho rằng có lẽ con số đó chỉ đếm bằng đầu ngón trên một bàn tay. Tuy nhiên, có một điều mà cả thế giới sẽ biết và có thể đã biết, ở Cát Tiên, một trong hai Vườn quốc gia trên thế giới còn tê giác một sừng sinh sống, có một chú tê giác vừa mới bị sát hại, được phát hiện trong tình trạng "không còn sừng".
"Xác một con thú lớn" mà người dân địa phương phát hiện và báo lại cho lực lượng tuần tra của Vườn quốc gia Cát Tiên, không may, lại chính là tê giác một sừng.
Giám định hiện trường của các chuyên gia bảo tồn thuộc Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và cán bộ Vườn cho biết chú tê giác chết do bị bắn và đã bị lấy mất sừng. Những chứng cứ này khiến người ta nghĩ ngay đến việc chú đã bị thợ săn sát hại. Bởi lâu nay, sừng tê giác vẫn là món hàng siêu lợi nhuận đối với những kẻ buôn bán bất hợp pháp, da và phân của chúng cũng bị khai thác để làm "thuốc quý" dựa vào những tin đồn thất thiệt.
Việc mất đi thêm một cá thể tê giác một sừng là một sự tổn thất lớn của ngành bảo tồn, và của cả thế giới nói chung. Bởi loài tê giác này đang đứng đầu danh sách các loài thú lớn có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Rất nhiều nỗ lực trong nước và quốc tế đã đổ dồn cho công tác nghiên cứu và bảo tồn chúng, với  hy vọng vốn đã rất mong manh.
Việc truy tìm thủ phạm giết hại tê giác một sừng ở Cát Tiên đang được khẩn trương xúc tiến. Mọi người đều mong mỏi kẻ ác sớm được nhận diện và bị pháp luật trừng trị thích đáng.
Song có vấn đề đã rõ ràng, những cố gắng bảo tồn, bảo vệ loài tê giác một sừng của chúng ta trong suốt thời gian dài qua có lẽ còn quá yếu ớt so với ma lực đồng tiền của những đường dây săn bắn và buôn bán động vật hoang dã.
Theo sách đỏ thế giới 2009, tê giác một sừng ở Viêt Nam - Rhinoceros sondaicus annamiticus - là loài cực kỳ nguy cấp (có nghĩa là đứng trên thang bậc bị đe doạ cao nhất và gần nhất với thảm hoạ "tuyệt chủng")
Đây là một trong ba phân loài tê giác Java của thế giới. Hai phân loài còn lại là R. sondicus inermis, từng sinh sống ở Bengal, Assam, and Myanmar nay đã tuyệt chủng và R. sondaicus sondaicus chỉ có ở Vườn quốc gia Ujung Kulon trên đảo Java của Indonesia (với khoảng 40 đến 60 cá thể). Thế giới hoàn toàn không có tê giác Java nuôi nhốt sinh sản.
Gần đây WWF vừa hoàn thành chương trình điều tra hiện trường sử dụng chó nghiệp vụ để dò tìm phân của tê giác một sừng ở Cát Tiên. Mẫu phân đang được các chuyên gia phân tích để xác định chính xác số lượng cá thể loài còn lại trong tự nhiên, dự kiến cho kết quả vào cuối năm nay.
Với sự cố vừa qua, các chuyên gia WWF cho biết họ sẽ gửi mẫu DNA cá thể tê giác vừa bị sát hại sang trường Đại học Queen's của Canada để đối chiếu với kết quả nghiên cứu mẫu phân thu thập trước đó.
(Theo WWF, 10/05/2010)
Nguồn: Thiên Nhiên

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn